VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP quy định về hoạt đông in
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021
VCCI_Góp ý Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Kính gửi: Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Trả lời Công văn số 2935/LĐTBXH-VP của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc đề nghị góp ý đối với Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Phương án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
Nhìn chung, Phương án chủ yếu đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tập trung vào: i) bỏ một số thông tin trong mẫu đơn vì có thể khai thác ở cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (chủ yếu là các thông tin định danh của cá nhân); ii) bỏ các tài liệu có thể khai thác được ở các cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp (chủ yếu là bỏ yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong hồ sơ xin cấp phép); iii) chuyển đổi phương thức thực hiện thủ tục lên cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; iv) quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh chưa đảm bảo tính minh bạch. Có 02 thủ tục được bãi bỏ và 03 thủ tục được phân cấp cho Sở Lao động-Thương binh-xã hội thực hiện.
Các đề xuất tại Phương án, về cơ bản, sẽ góp phần cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Để đảm bảo tinh thần cải cách, đề nghị Quý Cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc thêm số vấn đề sau:
I. Kinh doanh dịch vụ đánh giá kỹ năng nghề
- Thời gian thực hiện thủ tục hành chính
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 140/2018/NĐ-CP[1] thời gian để giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (cấp mới, cấp lại, cấp đổi, bổ sung) là 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Việc quy định các thủ tục này có cùng thời gian thẩm định hồ sơ và cấp chứng chỉ là chưa hợp lý, bởi vì tính chất của các thủ tục này là khác nhau. Ví dụ, đối với trường hợp cấp lại do bị mất, hư hỏng, thời gian giải quyết thủ tục sẽ nhanh hơn là thủ tục cấp mới hoặc điều chỉnh, vì hồ sơ rất đơn giản, không mất quá nhiều thời gian thẩm định (gồm đơn đề nghị và giấy chứng nhận trong trường hợp bị hư, hỏng), trong khi đó hồ sơ cấp mới bao gồm các tài liệu để xác định điều kiện để được cấp giấy chứng nhận, cần nhiều thời gian để thẩm định hồ sơ.
Hơn nữa, trong quy định ở nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các quy định về thủ tục hành chính, trình tự thủ tục cấp mới, cấp lại, cấp đổi, điều chỉnh thường được quy định tách riêng, trong đó đó thời gian giải quyết cho mỗi thủ tục là khác nhau, tương ứng về mức độ phức tạp của hồ sơ.
Đề nghị bổ sung đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đối với các thủ tục đơn giản như cấp lại do chứng chỉ bị mất, hư hỏng; thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận trong trường hợp thay đổi tên gọi, địa chỉ nơi đặt trụ sở chính của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề trong giấy chứng nhận đã được cấp cần được thiết kế thời gian giải quyết thủ tục ngắn hơn quy định hiện hành (03 ngày làm việc cho thủ tục cấp lại, 05 ngày làm việc cho thủ tục cấp đổi).
Hiện tại, các quy định về thủ tục về cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ tại Nghị định 31/2015/NĐ-CP[2] được sửa đổi tại Nghị định 140/2018/NĐ-CP đang được thiết kế theo hướng gộp chung về thời gian giải quyết các dạng thủ tục như được nêu ở trên. Việc giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, vì vậy đề nghị rà soát toàn bộ các thủ tục quy định tại hai Nghị định này và điều chỉnh lại thời gian giải quyết thủ tục như đề xuất ở trên.
- Hồ sơ cấp thẻ đánh giá viên
Khoản 4 Điều 3 Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ đánh giá viên phải có “một (01) bộ tài liệu chứng minh đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 11 Nghị định này”. Quy định này là chưa rõ về loại tài liệu người thực hiện thủ tục phải cung cấp trong hồ sơ.
Đề nghị đề xuất quy định cụ thể các loại tài liệu này để đảm bảo thống nhất trong cách hiểu của các đối tượng áp dụng, tương tự như đề xuất tại Phương án “Quy định cụ thể về “Tài liệu chứng minh” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP”.
- Thủ tục, hồ sơ đăng ký tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia
Điều 17 Nghị định 31/2015/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục đăng ký tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Quy định này là không cần thiết, bởi vì hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia do các tổ chức có giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia thực hiện hoạt động đánh giá cho những người đến đăng ký. Hoạt động này tương tự như hoạt động giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, phương thức để người muốn tham gia đánh giá đăng ký đánh giá tại một tổ chức có giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia không ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động đánh giá, vì vậy không cần thiết phải quy định về trình tự, thủ tục đăng ký tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia mà cần để cho hai bên tự do thực hiện giao kết.
Do đó, đề nghị bỏ Điều 17 Nghị định 31/2015/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư 19/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết về trình tự đăng ký này.
II. Hoạt động giáo dục nghề nghiệp
- Cơ chế thành lập và đăng ký hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và Nghị định 143/2016/NĐ-CP, Nghị định 140/2018/NĐ-CP thì để thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện hai thủ tục: i) thủ tục cho phép thành lập; ii) thủ tục đăng ký hoạt động sau khi đã được phép thành lập. Tại thời điểm thực hiện thủ tục cho phép thành lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện đăng ký hoạt động, trong Đề án phải nêu các dự kiến về việc đáp ứng các điều kiện này, đồng thời phải chứng minh điều kiện về vốn, địa điểm xây dựng trường.
Về thẩm quyền: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập, tư thục trực thuộc tỉnh; Bộ trưởng, Thủ trường cơ quan ngang bộ quyết định thành lập trung tâm giáo dục dạy nghề trực thuộc cơ quan, tổ chức mình; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định thành lập trường cao đẳng công lập, tư thục (Điều 7 Nghị định 143/2016/NĐ-CP).
Tổng cục dạy nghề cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp cho trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp (Điều 16 Nghị định 143/2016/NĐ-CP).
Nhà nước quản lý lĩnh vực này theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và xác định các điều kiện để cơ sở giáo dục có thể vận hành đảm bảo chất lượng đào tạo nghề. Với mục tiêu này thì quy định có thể thiết kế thành một thủ tục trong đó cho phép thành lập và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động làm một. Nhà đầu tư phải chứng minh tại thời điểm cấp phép, đáp ứng được điều kiện về phù hợp quy hoạch và các điều kiện về hoạt động.
Việc thiết kế cơ chế quản lý hoạt động cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hai thủ tục như trên tạo ra gánh nặng về thủ tục, chi phí tuân thủ cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực này, đề nghị đề xuất phương án thiết kế lại cơ chế cấp phép hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng: gộp thủ tục cho phép thành lập và đăng ký hoạt động thành một thủ tục.
- Về điều kiện thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Khoản 1 Điều 18 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định: “Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đề án thành lập đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương và phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được phê duyệt”. Như vậy, có hai điều kiện để cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập đó là “có đề án thành lập đáp ứng các điều kiện của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước” và “phù hợp với quy hoạch”. Tại thời điểm này, cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới chỉ cần có “đề án” mà chưa phải chứng minh đáp ứng các điều kiện hoạt động.
Tuy nhiên, Điều 3 Nghị định 143/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập và cho phép thành lập cơ sở giáo dục gồm: i) phù hợp với quy hoạch; ii) diện tích đất sử dụng tối thiểu; iv) vốn đầu tư thành lập tối thiểu; v) các điều kiện đăng ký hoạt động nghề nghiệp. Theo quy định này, tại thời điểm xin phép thành lập, cơ sở giáo dục đã phải chứng minh đáp ứng các điều kiện hoạt động. Trong hồ sơ xin cấp phép thành lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phải cung cấp các giấy tờ chứng minh đáp ứng điều kiện bên cạnh “đề án thành lập cơ sở giáo dục”.
Như vậy có thể thấy, Nghị định 143/2016/NĐ-CP, Nghị định 140/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm các điều kiện cho phép thành lập so với Luật Giáo dục nghề nghiệp (bổ sung thêm các điều kiện về vốn, điều điện đăng ký hoạt động nghề nghiệp). Đề nghị bổ sung phương án điều chỉnh lại quy định tại Nghị định 143/2016/NĐ-CP, Nghị định 140/2018/NĐ-CP về điều kiện thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục thống nhất với Luật Giáo dục nghề nghiệp (bỏ các yêu cầu về vốn, diện tích đất, các điều kiện đăng ký hoạt động, thiết kế theo hướng là các nội dung nêu trong Đề án thành lập và không phải chứng minh tại thời điểm xin phép thành lập). Đồng thời, sửa đổi quy định tại Điều 6 Nghị định 143/NĐ-CP, khoản 2 Điều 5 Nghị định 140/2018/NĐ-CP về hồ sơ thành lập, cho phép cơ sở giáo dục.
- Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định 143/2016/NĐ-CP thì trong hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải có các giấy tờ chứng minh đáp ứng các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục. Đây là quy định chưa rõ ràng về tài liệu trong hồ sơ xin cấp phép, đề nghị Phương án đề xuất quy định rõ các loại giấy tờ này.
III. Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp
- Điều kiện về trụ sở
Khoản 2 Điều 4 Nghị định 49/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định một trong những điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp là “có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 02 năm”.
Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
- Không rõ mục tiêu quản lý của quy định này là gì? Nếu nhằm hướng đến sự ổn định để đảm bảo hoạt động ổn định của tổ chức kiểm định thì mục tiêu này dường như chưa thật phù hợp. Bởi vì, trong lĩnh vực này Nhà nước cần đặt ra các điều kiện để kiểm soát chất lượng của dịch vụ kiểm định, thông qua điều kiện về nhân lực là chủ yếu. Trụ sở ổn định không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng của dịch vụ kiểm định;
- Khó thực hiện được điều kiện này kể cả từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Bởi vì, để chứng minh thỏa mãn điều kiện này, tổ chức kiểm định sẽ phải kí hợp đồng thuê (trong trường hợp không có nhà thuộc sở hữu của mình) với thời hạn ít nhất là 02 năm. Vì đây là một giao dịch dân sự nên sẽ có trường hợp các bên sẽ không tuân thủ hợp đồng và hợp đồng có thể bị đơn phương chấm dứt bởi bên cho thuê. Lúc này, tổ chức kiểm định sẽ vi phạm về điều kiện có trụ sở ổn định vì lý do khách quan, cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể xử phạt tổ chức kiểm định được vì không phải lỗi của họ.
Tóm lại, để đảm bảo tính hợp lý và khả thi, giảm gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đề nghị Phương án bổ sung đề xuất bỏ điều kiện “có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm”.
- Điều kiện về cơ sở vật chất
Khoản 2 Điều 4 Nghị định 49/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định tổ chức kiểm định phải “có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp”. Phương án đề xuất quy định cụ thể điều kiện này để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.
Việc xác định các trang thiết bị cần phải có để phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp sẽ tạo thuận lợi cho quản lý và kiểm soát việc đáp ứng điều kiện của tổ chức kiểm định. Tuy nhiên, để xác định chính xác là số lượng cũng như các trang thiết bị cụ thể không phải là việc dễ dàng, nhất là trong việc giải trình căn cứ xác định. Để tránh tình trạng này, các quy định có thể thay đổi theo hướng không yêu cầu cứng tổ chức kiểm định phải có các trang thiết bị cụ thể nào, mà quản lý theo từng hoạt động thẩm định, cụ thể: đối với mỗi hoạt động thẩm định cần phải có ít nhất bao nhiêu thẩm định viên và cần các trang thiết bị nào để đảm bảo chất lượng của hoạt động thẩm định. Tức là quản lý theo chất lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp dựa vào tiêu chuẩn của các hoạt động thẩm định.
Từ hướng tiếp cận này, đề nghị Phương án bỏ quy định “có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thay vì quy định cụ thể như đề xuất tại Phương án.
- Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp
Khoản 4 Điều 8 Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định trình tự thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp bị hư, hỏng tương tự như thủ tục cấp mới: i) nộp hồ sơ đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; ii) 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ thẩm định hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định việc cấp lại Giấy chứng nhận; iii) 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp lại Giấy chứng nhận.
Đây là trình tự thủ tục quá phức tạp cho việc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất, hư, hỏng, trong khi hồ sơ chỉ có văn bản đề nghị và Giấy chứng nhận bị hư, hỏng. Để giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp đề nghị Phương án bổ sung quy định về thủ tục cấp lại theo hướng đơn giản hơn (rút ngắn thời gian giải quyết khoảng 05 ngày làm việc và quy trình cần tinh gọn lại).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.
[1] Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định liên quan đến đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý
[2] Nghị định 31/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh gia kỹ năng nghề quốc gia