VCCI_Góp ý phiên bản thẩm định Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp

Thứ Hai 14:32 09-09-2024

Kính gửi: Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 463/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị tham gia họp thẩm định Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến góp ý đối với Dự thảo như sau:

Ngày 29/7/2024, VCCI đã có Công văn số 1319/LĐTM-PC góp ý Dự thảo. Đối chiếu với Dự thảo phiên bản thẩm định, nhiều ý kiến của VCCI đã được tiếp thu, những ý kiến chưa được tiếp thu đã được giải trình. Tại phiên bản này, VCCI tiếp tục có một số trao đổi như sau:

  1. Ghi ngành nghề kinh doanh (Điều 7)

Khoản 5 Điều 7 Dự thảo quy định “Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận bổ sung ngành, nghề kinh doanh này cho doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới”.

Quy định này là chưa rõ về điểm, trong trường hợp này cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ghi ngành nghề vào cơ sở dữ liệu trước rồi doanh nghiệp mới được đăng ký kinh doanh hay là cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề mới này rồi mới ghi nhận vào cơ sở dữ liệu? Trên thực tế, doanh nghiệp phản ánh, đã bị cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn: tạm thời bỏ ngành nghề đăng ký ra khỏi hồ sơ đăng ký/thay đổi để cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận vào Cơ sở dữ liệu quốc gia, thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó doanh nghiệp quay lại thực hiện việc bổ sung. Với cách thức thực thi này đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động đăng ký doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục này.

Trong bản góp ý trước, VCCI đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ đăng ký kinh doanh theo ngành, nghề doanh nghiệp theo yêu cầu của doanh nghiệp và ghi nhận ngành, nghề này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia, tức là bỏ cụm từ “xem xét” tại khoản 5 Điều 7 Dự thảo. Tuy nhiên, góp ý này chưa được tiếp thu, mặc dù Ban soạn thảo giải trình là làm rõ nội hàm của quy định này.

VCCI bảo lưu ý kiến góp ý trên.

  1. Thời điểm có hiệu lực của những thay đổi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Doanh nghiệp “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.”. Luật Doanh nghiệp cũng như Dự thảo không quy định rõ về ngày có hiệu lực của những thay đổi này: là ngày ban hành các quyết định của doanh nghiệp? Ngày ghi nhận sự thay đổi trong các quyết định của doanh nghiệp hay là ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Trên thực tế, ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đang được xem là ngày những thay đổi này có hiệu lực để đảm bảo công khai thông tin và bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba (mặc dù không có quy định rõ ràng nào về vấn đề này). Tuy nhiên, thực tế xảy ra trường hợp đang gây lúng túng trong quá trình thực hiện khi không xác định được ngày có hiệu lực của những thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cụ thể về trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật như sau:

Doanh nghiệp ban hành quyết định hoặc nghị quyết thay đổi người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo pháp luật sẽ đảm nhiệm kể từ một ngày cụ thể nào đó (ví dụ: ngày 01/3/2024 doanh nghiệp ban hành nghị quyết/quyết định trong đó thay đổi người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật mới sẽ đảm nhiệm từ ngày 01/4/2024). Ngày 11/3/2024, doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật và ngày 14/3/2024 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, với các mốc thời gian trên thì thời gian có hiệu lực của việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ngày 01/4/2024 – ngày ghi trong nghị quyết/quyết định của doanh nghiệp hay là ngày 14/3/2024 – ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Vậy “ngày có thay đổi” ở đây được xem là ngày ban hành quyết định/nghị quyết (ngày 01/3/2024) hay là ngày người đại diện theo pháp luật bắt đầu đảm nhiệm chức vụ theo quyết định (ngày 01/4/2024)?

Nếu xem ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngày có hiệu lực của sự thay đổi thì nội dung về ngày bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật trong quyết định/nghị quyết của doanh nghiệp là không có ý nghĩa và doanh nghiệp không thực hiện được quyền của mình trong việc lựa chọn và quyết định ngày thay đổi người đại diện theo pháp luật. Còn nếu xác định là ngày ghi trong quyết định/nghị quyết của doanh nghiệp thì cần phải quy định rõ ngày nào được cho là ngày có thay đổi các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trong bản giải trình của Ban soạn thảo, thời điểm xác định ngày có thay đổi là ngày 01/4/2024 theo trường hợp trên. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định nào thể hiện ngày có thay đổi là ngày ghi trong quyết định/nghị quyết của doanh nghiệp và thời điểm phải thực hiện thủ tục phải căn cứ vào ngày có thay đổi này. Đề nghị bổ sung quy định để đảm bảo thống nhất và thuận lợi khi thực hiện.

  1. Sửa đổi Điều 66 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP về nội dung của văn bản đăng ký góp vốn

Khoản 3 Điều 81 Dự thảo sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP theo hướng, trong nội dung văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp  sửa đổi từ “giá trị giao dịch dự kiến của hợp đồng” thành “giá trị giao dịch thực tế của hợp đồng”.

Đây là sửa đổi nhận được nhiều ý kiến góp ý của doanh nghiệp tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo. Các doanh nghiệp cho rằng yêu cầu giá trị giao dịch ghi trong văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần phải là giá trị giao dịch “thực tế” thay vì giá trị giao dịch “dự kiến” là chưa phù hợp. Bởi vì, tại thời điểm đăng ký góp vốn, mua cổ phần, bên bán và bên mua mới chỉ phải nộp “Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông hoặc thành viên của tổ chức kinh tế đó”. Đối với văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thì giá trị giao dịch trong này mới chỉ là dự kiến, chưa thể là giá trị giao dịch thực tế được.

Trên thực tế, giá trị chuyển nhượng/mua bán cổ phần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như kết quả thẩm định pháp lý của nhà đầu tư hay đánh giá của nhà đầu tư đối với tình hình tài chính của công ty. Nếu bắt buộc phải ghi giá trị thực tế ngay tại thời điểm ký văn bản thỏa thuận nguyên tắc sẽ gây khó khăn cho các bên giao dịch nếu các bên muốn điều chỉnh giá sau này – trong khi điều chỉnh giá là hoàn toàn có thể trong giao dịch có tính chất dân sự.

Doanh nghiệp đề nghị xem xét lại việc điều chỉnh quy định này.

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.