VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
VCCI_Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời Công văn số 7199/BKHĐT-PC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:
I. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư (Điều 2)
- Phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư
Theo quy định tại Dự thảo, hai dự án đầu tư “dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất”, “dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt” đã được phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (UBND) chấp thuận chủ trương đầu tư. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn các dự án đầu tư khi phân cấp thẩm quyền quản lý cho địa phương. Trên tinh thần về phân cấp thẩm quyền này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi khu vực bảo vệ của di tích. Cụ thể:
Điều 31 và Điều 32 Luật đầu tư 2020 (được sửa đổi bổ sung tại Điều 3 Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022) quy định:
-Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với: “Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới”.
– UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với: “Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền phê công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt”.
Theo quy định của Luật Di sản văn hóa (Điều 32) việc xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Như vậy, việc xây dựng các công trình trong các khu vực bảo vệ di tích đều lấy ý kiến của cấp địa phương hoặc cơ quan quản lý của bộ, ngành, không lên đến Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, trong trường hợp này có thể cân nhắc để phân cấp “dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I và II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt hoặc di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới” cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ điểm g1 của Điều 31 của Luật Đầu tư và bổ sung thêm thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tại Điều 32 đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi phân cấp nêu trên.
- Trình tự, thủ tục đầu tư đặc biệt (bổ sung Điều 36a)
Dự thảo bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đặc biệt áp dụng đối với một số dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế. Theo quy định tại khoản 6 Điều 36a dự án đầu tư thực hiện theo thủ tục này sẽ “không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết và thực hiện đạt tiêu chuẩn, quy chuẫn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy”.
Đối với nhà đầu tư thực hiện các dự án này thì được thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Những thay đổi này là bước đột phá, cải cách rất lớn về thủ tục thực hiện dự án đầu tư và sẽ rút ngắn rất nhiều về thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, quy định này liên quan tới nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy … Việc Dự thảo quy định về việc miễn thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư theo các quy định này, nhưng không đồng thời sửa đổi các quy định tại các văn bản pháp luật về xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy …, có thể dẫn tới tình trạng lúng túng và thiếu thống nhất khi áp dụng. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định liệt kê các quy định liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy … để sửa đổi theo hướng loại trừ các dự án đầu tư được liệt kê tại khoản 1 Điều 36a trong các thủ tục liên quan.
- Bổ sung trường hợp chấm dứt dự án đầu tư (khoản 8 Điều 2 Dự thảo bố ung điểm a1 vào sau điểm a khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư)
Dự thảo bổ sung trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư đối với trường hợp “sau 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc văn bản chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh mà nhà đầu tư vẫn không thực hiện”.
Đề nghị xem xét lại quy định này để đảm bảo thống nhất với pháp luật về đất đai. Khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai 2024 quy định: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại”.
Theo quy định của khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai 2024 thì những dự án chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng, hết thời hạn gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất – trường hợp này dự án sẽ bị chấm dứt. Trong khi đó, Dự thảo quy định sau 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ mà nhà đầu tư vẫn không thực hiện thì sẽ thu hồi dự án. Như vậy, trường hợp này cũng có thể hiểu nhà đầu tư đang chậm tiến độ thực hiện dự án, tuy nhiên nếu đối chiếu với quy định tại Luật Đất đai 2024 lại chưa thống nhất về thời hạn xem xét về việc chậm tiến độ việc gia hạn và căn cứ để thu hồi.
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất với pháp luật về đất đai.
- Về xác định “nhà đầu tư” khi nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư
Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 không có quy định về việc sau khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải làm thủ tục để điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để xác định nhà đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là “tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập”. Điều này gây vướng mắc trong quá trình thi hành.
Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi tên nhà đầu tư là nhà đầu tư cá nhân. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư mới thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư. Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2020 thì doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập, sẽ là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
Sau một thời gian, doanh nghiệp này muốn mở rộng dự án, thực hiện thêm một số hoạt động nữa và thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để bổ sung các hoạt động này. Tuy nhiên, các hoạt động mà doanh nghiệp muốn điều chỉnh lại là dịch vụ mà Việt Nam bảo lưu là Nhà đầu tư nước ngoài phải là pháp nhân, không được là cá nhân. Trong khi đó, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang ghi nhận nhà đầu tư của dự án là “cá nhân”, không phải doanh nghiệp, vì vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư đã từ chối không cho phép doanh nghiệp thực hiện thêm các hoạt động này.
Như vậy, trường hợp điều chỉnh hoạt động đầu tư như đề cập ở trên thì nhà đầu tư ở đây là “nhà đầu tư cá nhân” (có tên ghi trên Giấy ĐKĐT) hay là “doanh nghiệp do nhà đầu tư cá nhân này thành lập” theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư)? Trên thực tế, sự khác biệt giữa Nhà đầu tư trên Giấy ĐKĐT và Nhà đầu tư thực tế thực hiện dự án là nguyên nhân dẫn tới bất cập như đề cập ở trên.
Hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư 2020, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chỉ trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Việc thiết kế quy định phải có dự án đầu tư rồi mới được thành lập doanh nghiệp khiến cho tình trạng không xác định được chính xác nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư như trên.
Để giải quyết tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế rồi mới thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư.
- Điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 63 Luật Đầu tư 2020 thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh trong trường hợp “thay đổi mục tiêu chính của hoạt động đầu tư ở nước ngoài”. Theo doanh nghiệp phản ánh, trong quá trình thực hiện xảy ra trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đã cấp trước ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực ghi toàn bộ các mục tiêu hoạt động đầu tư ra nước ngoài, không xác định mục tiêu chính. Đến nay, dự án đầu tư ở nước ngoài muốn thực hiện một số hoạt động khác nhưng chưa được ghi nhận tại mục tiêu đầu tư trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư có phải thực hiện đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận này không?
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định chuyển tiếp để giải quyết cho trường hợp này.
II. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 3)
Về cơ chế hợp đồng BT (khoản 10 Điều 3 Dự thảo bổ sung Điều 45a)
Điểm đ khoản 1 Điều 45a quy định “dự án đối ứng có sử dụng đất chỉ được kinh doanh, khai khác sau khi công trình thực hiện theo hợp đồng BT đã hoàn thành và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tổ chức khai thác”.
Đề nghị xem xét lại quy định này, bởi vì dự án đối ứng có sử dụng đất là một dự án độc lập, thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bất động sản …, trong đó có quy định về tiến độ triển khai dự án. Khi hoàn thành dự án theo tiến độ thì nhà đầu tư có quyền khai thác dự án đầu tư này. Trong khi đó, công trình thực hiện theo hợp đồng BT thực hiện theo các thỏa thuận trong hợp đồng BT và chịu ràng buộc với các thỏa thuận này. Do đó yêu cầu về mối ràng buộc này dường như chưa thực sự hợp lý. Đề nghị xem xét bỏ quy định này hoặc giải trình rõ hơn về căn cứ để xây dựng quy định này, nhất là trong mối liên hệ với các pháp luật liên quan điều chỉnh việc thực hiện dự án độc lập từ đất đối ứng.
III. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu (Điều 4)
Sửa đổi, bổ sung Điều 42 về đấu thầu trước.
Khoản 6 Điều 4 Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về đấu thầu trước trong đó quy định “trường hợp dự án không được phê duyệt hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài không được ký kết mà không thể bố trí nguồn vốn khác thì chủ đầu tư hủy thầu và không phải bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà đầu tư”.
Khi triển khai lấy ý kiến, doanh nghiệp khá băn khoăn đến vấn đề này. Bởi vì, để tham dự thầu, nhà thầu đã bỏ ra chi phí để xây dựng hồ sơ thầu, trong trường hợp này hủy thầu không do lỗi của nhà thầu thì việc không được bồi thường, hoặc ít nhất là chia sẻ kinh phí khiến cho quyền lợi của nhà thầu không được đảm bảo.
Mặt khác, đối với vấn đề đấu thầu trước, việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu với các gói thầu tổ chức đấu thầu trước đang được căn cứ trên cơ sở các hồ sơ của dự án chưa được phê duyệt. Với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng, kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ, quy hoạch tái định cư (như gói thầu xây lắp) có thể phát sinh tình huống trong quá trình thẩm tra phê duyệt dự án có điều chỉnh một số tiêu chí khác so với hồ sơ ban đầu dẫn đến hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư và hồ sơ chào thầu của nhà thầu đã tổ chức đấu thầu trước không đáp ứng được theo các tiêu chí chính của dự án. Nếu triển khai ký kết hợp đồng theo kết quả đấu thầu trước sẽ không đáp ứng yêu cầu của dự án được phê duyệt vậy có phải tổ chức đấu thầu lại không và chi phí phát sinh cho việc đấu thầu lại sẽ được xác định như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định vấn đề này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.