VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ Năm 15:45 13-02-2020

Kính gửi: Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 14343/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  đã gửi văn bản lấy ý  kiến các doanh nghiệp liên quan. Dưới đây là một số ý kiến của doanh nghiệp do VCCI tổng hợp:

  1. Doanh thu (Điều 5)
  • Về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế:
  • Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ: điểm b khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định thời điểm này là “thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua”. Quy định này dường như chưa thống nhất với quy định về thời điểm lập hóa đơn quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC là “ngày thu tiền” (trong trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ). Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại thời điểm này tương ứng với quy định về thời điểm lập hóa đơn của pháp luật về quản lý thuế;
  • “Trường hợp khác theo quy định của pháp luật” (điểm d khoản 2 Điều 5 Dự thảo), đây là dạng quy định “quét”, phòng trường hợp các quy định tại Dự thảo chưa liệt kê hết các trường hợp. Tuy nhiên, đây là văn bản cấp thông tư, hướng dẫn để có thể thực hiện ngay các quy định về thuế thu nhập trên thực tế, việc quy định chung như thế này sẽ gây khó khăn trong thực tế áp dụng. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo hoặc liệt kê hết các trường hợp có thể có hoặc bỏ quy định này.
  • Doanh thu tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt: điểm m khoản 3 Điều 5 Dự thảo quy định doanh thu trong trường hợp này là “giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt nghiệm thu”. Quy định này đưa đến cách hiểu thời điểm chịu thuế là ngày các bên ký biên bản nghiệm thu bàn giao. Điều này chưa thực sự phù hợp với thực tế, bởi vì thủ tục nghiệm thu bàn giao mới chỉ đạt được sự chấp thuận của hai bên về khối lượng, chất lượng công trình trên hiện trường. Dựa trên biên bản này, hai bên phải tiếp tục thực hiện các thủ tục hoàn công, áp đơn giá, tính toán giá trị khối lượng được thanh toán. Pháp luật xây dựng cho phép thời hạn từ 90 tới 120 ngày để các bên hoàn thành các thủ tục thanh quyết toán. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định trên như sau: “Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt nghiệm thu và đã được thanh toán theo quy định của pháp luật về xây dựng”.
  1. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Điều 6)
  • Các khoản chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên:

Điểm c khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định một trong các điều kiện để xác định khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là “khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) hoặc chi mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”.

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp thì quy định này chưa phù hợp với một số trường hợp trên thực tế và có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, ví dụ:

+ Đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng có nhiều chi nhánh, phòng giao dịch, việc di chuyển bằng xe taxi để phục vụ công việc hàng ngày của các đơn vị phát sinh thường xuyên, thông thường có giá trị rất nhỏ cho từng lần và thường được nhân viên ứng trước bằng tiền mặt. Ngân hàng rất khó để kiểm soát và đảm bảo trong ngày tổng giá trị đã được thanh toán bằng tiền mặt thông qua hình thức ứng trước cho nhân viên không vượt quá 20 triệu đồng.

+ Đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nộp thuế thu nhập doanh nghiệp toàn ngành, việc mua hàng hóa, dịch vụ được triển khai đồng thời ở nhiều đơn vị phụ thuộc khác nhau trong toàn quốc. Quy định tại Dự thảo chỉ phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh một đầu mối.

Để đảm bảo phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định một số ngoại lệ cho trường hợp thanh toán trên.

  • Các khoản chi không đáp ứng điều kiện để được xác định là khoản chi được được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp

Điểm 2.1 khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định “trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”.

Trên thực tế, doanh nghiệp gặp tổn thất về tiền tạm ứng, hàng hóa được chuyển giao không được bên đối tác thanh toán vì các nguyên nhân khách quan như: đối tác gặp các trường hợp bất khả kháng, bị phá sản … Xét bản chất thì các trường hợp này được xem là tình huống khách quan, không thể dự liệu được… tương tự như trường hợp bất khả kháng. Trên thực tế, việc hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh các khoản thiệt hại này chưa được xử lý thống nhất, gây vướng mắc cho người nộp thuế.

Để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trường hợp doanh nghiệp được hoạch toán chi phí được trừ đối với các khoản tổn thất hàng hóa, tiền với các trường hợp khách quan nêu ở trên.

  • Chi khấu hao tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

Điểm 2.2.a khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định “tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề, thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện…. được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”.

Quy định này là chưa rõ ở điểm: khấu hao của các tài sản cố định đầu tư bằng nguồn quỹ phúc lợi phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp, chi phí phân bổ các tài sản là công cụ dụng cụ (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận là tài sản cố định) phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế hay không? Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ về trường hợp này.

  • Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định
  • Thông báo phương pháp trích khấu hao tài sản cố định

Điểm 2.2.d khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định doanh nghiệp thực hiện thông báo phương pháp trích khấu hao tài sản cố định mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

Đối với các doanh nghiệp có các đơn vị hạch toán phụ thuộc tại các tỉnh, thành phố, việc trích khấu hao thực hiện tại đơn vị trực thuộc nhưng việc kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện tập trung tại trụ sở chính. Quy định này chưa rõ các đơn vị, chi nhánh hạch toán phụ thuộc thực hiện kê khai cùng với doanh nghiệp hay thực hiện kê khai tại cơ quan thuê nơi có trụ sở? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trường hợp này.

  • Trích khấu hao với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển

Điểm 2.2.d khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định về chi khấu hao tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định này là chưa hợp lý vì có những tài sản không đáp ứng được điều kiện xác định là tài sản cố định do có giá trị nguyên giá tài sản cố định dưới 30 triệu nhưng có thời gian sử dụng rất dài, chẳng hạn như máy tính PC.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp phân bổ chi phí mua tài sản vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ theo thời gian doanh nghiệp dự kiến sử dụng tài sản để thu hồi vốn nhưng không quá thời gian trích khâu hao tối thiểu của loại tài sản tương ứng trong khung thời gian trích khấu hao tài sản cố định do Bộ tài chính ban hành với những tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển có thời gian sử dụng dài.

  • Trích khấu hao đối với quyền sử dụng đất

Điểm 2.2e khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định “tiền thuê đất của phần diện tích đất doanh nghiệp để trống, không sử dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thì không tính vào chi phí được trừ”. Dự thảo chưa quy định rõ tiêu chí nào để xác định là đất doanh nghiệp để trống, không sử dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh (ví dụ: đất doanh nghiệp sử dụng để xây dựng tiểu cảnh hoặc trồng cây xanh có được xem là đất trống không sử dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh không?).

Để tạo cách hiểu thống nhất khi áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn

đề trên.

  • Chi phí mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác

Điểm 2.4 khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định chi phí doanh nghiệp “mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra (hộ, cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác khoáng sản và có nộp thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật)” nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng sẽ không được tính vào chi phí được trừ.

Quy định trên chưa hợp lý ở điểm, doanh nghiệp mua hàng không thể biết được hộ, cá nhân bán hàng có “nộp thuế tài nguyên” hay không, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “và có nộp thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật”.

  • Chi phí chi trả lãi vay khi chưa góp đủ vốn điều lệ

Điểm 2.18 khoản 2 Dự thảo quy định, chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau: i) trường hợp số tiền vay nhỏ hoăn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ; ii) trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn thì lãi tiền vay tương ứng với số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ xác định theo nguyên tắc khoản vay trước thì loại trừ trước.

Quy định trên chưa rõ ở các điểm:

  • Trường hợp các khoản vay xảy ra cùng một thời điểm nhưng lãi suất khác nhau thì phải xử lý như thế nào? Lãi suất nào được chọn?
  • Trường hợp doanh nghiệp vay vốn để góp vốn điều lệ, sau đó giảm vốn điều lệ (số vốn điều lệ được giảm bằng hoặc nhiều hơn vốn vay), thì chi phí lãi vay không được tính vào chi phí được trừ là chi phí lãi vay phát sinh trong khoảng thời gian từ khi vay vốn cho đến thời điểm giảm vốn điều lệ, còn chi phí lãi vay sau thời điểm giảm vốn vẫn được tính vào chi phí được trừ. Vì xét bản chất, đây không còn là khoản vay để bù trừ vào số vốn điều lệ còn thiếu nữa.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên trong Dự thảo.

  • Chi phí lãi vay phục vụ sản xuất kinh doanh của dự án BOT

Điểm 2.19b khoản 2 Điều 6 Dự thảo hướng dẫn xác định chi phí lãi vay trong trường hợp chuyển đổi sang áp dụng phương pháp phân bổ chi phí lãi vay theo doanh thu khi dự án BOT đã đi vào hoạt động phát sinh doanh thu trong các kỳ tính thuế trước.

Quy định này là chưa rõ về việc chuyển đổi áp dụng để tính lại chi phí cho các năm trước hay cho năm hiện tại. Trường hợp không chuyển đổi thì phương pháp được chấp nhận là phương pháp nào, cách tính ra sao? Trường hợp các phương án đã thỏa thuận trong Hợp đồng BOT đã đi vào hoạt động không phù hợp với pháp luật thì điều chỉnh như thế nào?

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

  • Trích lập các khoản dự phòng rủi ro trong hoạt động tín dụng

Điểm 2.20 khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định về việc các khoản dự phòng không đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng sẽ không được tính là chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiện tại, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bắt buộc theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Tuy nhiên, theo quy định trên thì phần trích lập dự phòng không được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ không được khấu trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Về bản chất thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là chi phí phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngân hàng. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung chi phí rủi ro tín dụng là các khoản dự phòng được liệt kê tại quy định điểm 2.20 khoản 2 Điều 6 Dự thảo.

  • Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động

Điểm 2.31 khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định “các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động, … chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau, …”. Các khái niệm như “đám hiếu”, “đám hỷ”, “gia đình người lao động” là chưa rõ ràng (gia đình gồm những người nào?). Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ các khái niệm này.

  1. Thu nhập khác (Điều 7)
  • Thu nhập từ giao dịch hợp đồng tương lai: Theo quy định tại khoản 23 Điều 7 Dự thảo thì “các khoản thu nhập nhận được từ giao dịch hợp đồng tương lai” là thu nhập khác. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định thời điểm kê khai thu nhập này là lúc nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thời điểm này (có thể là “khi giao dịch thực hiện và tất toán”);
  • Khoản 24 Điều 7 Dự thảo quy định dạng quét về thu nhập khác “các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật”. Quy định này là chưa đủ rõ ràng và khiến cho doanh nghiệp không dự liệu được hết các khoản thu nhập phải chịu thuế. Đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định cụ thể các thu nhập khác hoặc bỏ quy định này.
  1. Xác định lỗ và chuyển lỗ (Điều 9)

Khoản 3 Điều 9 Dự thảo quy định “trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh hạch toán độc lập chuyển đổi thành chi nhánh hạch toán phụ thuộc thì số lỗ phát sinh trong thời gian hoạt động của chi nhánh hạch toán độc lập không được chuyển lỗ vào thu nhập của doanh nghiệp”.

Quy định này là chưa hợp lý bởi, theo quy định thì doanh nghiệp được phép chuyển lỗ khi chuyển đổi loại hình, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách. Việc chuyển đổi hình thức của chi nhánh (từ hạch toán độc lập thành phụ thuộc) cũng có tính chất tương tự. Hơn nữa, không cho phép chuyển lỗ trong trường hợp này là chưa phù hợp với nguyên tắc chuyển lỗ toàn bộ và liên tục, theo thứ tự ưu tiên của doanh nghiệp và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này, trong trường hợp có giải trình thuyết phục về việc giữ lại quy định, đề nghị quy định rõ về cách xử lý đối với lỗ đối với chi nhánh hạch toán độc lập sau khi chuyển thành chi nhánh phụ thuộc.

  1. Xác định số thuế phải nộp (Điều 13)

Điều 13 Dự thảo quy định công thức tính số thuế thu nhập doanh nghiệp ở tỉnh nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc. Tuy nhiên quy định tại Dự thảo chưa quy định rõ các điểm:

  • Trường hợp doanh nghiệp có các đơn vị hạch toán phụ thuộc ở nhiều địa phương khác nhau và có mức ưu đãi thuế khác nhau thì cách thức xác định số thuế phải nộp tại từng địa phương có được áp dụng theo công thức này không, hay là phải tách riêng thu nhập tại từng địa phương rồi áp dụng ưu đãi thuế tương ứng tại địa phương đó để tính ra số thuế phải nộp cho từng địa phương?
  • Trường hợp phải tách riêng thu nhập tại từng địa phương của các chi nhánh hạch toán phụ thuộc để xác định nghĩa vụ thuế, nếu trường hợp có chi nhánh phát sinh lỗ thì có được bù trừ với lãi của chi nhánh khác hay không? Nếu không được bù trừ thì xử lý thế nào?

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

  1. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn (Điều 14)

Thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn: theo quy định tại khoản 1 Điều 14 thì thời điểm này là “thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn có hiệu lực”. Quy định này dường như chưa thực sự phù hợp, bởi vì việc chuyển nhượng vốn trong một số trường hợp còn phụ thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước và trên thực tế, việc chuyển nhượng có diễn ra hay không? Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại thời điểm này cho phù hợp với thực tế.

  1. Căn cứ tính thuế (Điều 17)

Khoản 4 Điều 17 Dự thảo quy định “trường hợp tổ chức tín dụng nhận bất động sản là tài sản đảm bảo để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì tổ chức tín dụng thực hiện hạch toán tăng giá trị tài sản phục vụ cho sản xuất kinh doanh theo quy định”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BTC thì “đối với các bất động sản tổ chức tín dụng nắm giữ tạm thời để bán, chuyển nhượng nhằm thu hồi vốn trong thời hạn 03 năm, tổ chức tín dụng không hạch toán tăng tài sản, không trích khấu hao”. Theo quy định này thì khi tổ chức tín dụng nhận bất động sản là tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì không phải trường hợp nào tổ chức tín dụng cũng thực hiện hạch toán tăng giá trị tài sản phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Như vậy, quy định tại khoản 4 Điều 17 Dự thảo đang chưa thống nhất với quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BTC, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại để đảm bảo tính nhất quán trong các quy định về cùng một vấn đề.

  1. Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 18)
  • Thu nhập được hưởng ưu đãi thuế do đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn

Điểm c khoản 4 Điều 18 quy định về áp dụng ưu đãi thuế cho doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn. Quy định này tại Dự thảo chưa giải quyết cho trường hợp vướng mắc trên thực tế là doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo địa bàn, nhưng có một số khoản thu nhập phát sinh ngoài địa bàn được hưởng ưu đãi (ví dụ: lãi tiền gửi tại các ngân hàng ngoài địa bàn được hưởng ưu đãi) hay doanh nghiệp trong địa bàn ưu đãi thuê các doanh nghiệp ngoài địa bàn ưu đãi gia công … thì có được áp dụng toàn bộ thu nhập là phát sinh tại địa bàn ưu đãi không?

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hướng dẫn trường hợp trên.

  • Bù trừ vào thu nhập chịu thuế

Khoản 13 Điều 18 Dự thảo quy định về trường hợp bù trừ vào thu nhập chịu thuế trong trường hợp trong cùng kỳ tính thuế, doanh nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế bị lỗ, hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế có thu nhập.

Quy định tại Dự thảo chưa giải quyết cho trường hợp đối với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau thì việc bù trừ lỗ của hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động có thu nhập thực hiện theo nguyên tắc nào, doanh nghiệp được phép bù trừ lỗ vào khoản thu nhập nào trước? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này trong Dự thảo.

  1. Thu nhập của doanh nghiệp từ lĩnh vực đầu tư mạo hiểm (Điều 19)

Điểm b khoản 1 Điều 19 Dự thảo quy định thu nhập của doanh nghiệp từ lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao được hưởng thuế suất ưu đãi. Tuy nhiên, hiện chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là đầu tư mạo hiểm. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung định nghĩa “lĩnh vực đầu tư mạo hiểm” để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.