VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo và Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Khoa học và Công nghệ
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm
Kính gửi: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế
Trả lời Công văn số 6697/BYT-ATTP ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Danh mục mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm chưa được quy định theo tiêu chuẩn Codex Stan
Thông tư 24/2019/TT-BYT ban hành Phụ lục 2B về mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm chưa được quy định theo tiêu chuẩn Codex Stan. Tuy nhiên, Thông tư chưa có quy định cho phép cập nhật Phụ lục này, do đó việc cập nhật các thông tin trong Phụ lục sẽ chỉ được thực hiện theo quy trình sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật nên không có thời điểm cập nhật cụ thể và có thể bị lỗi thời, chậm cập nhật. Trong khi đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, hàng năm, các nước tiên tiến như EU và Mỹ đều cho phép thêm các chất phụ gia thực phẩm mới. Việc này sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi nhập khẩu các sản phẩm này để sử dụng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép cập nhật Phụ lục 2B theo chu kỳ 02 năm một lần sau khi tiến hành họp Hội đồng tư vấn của Bộ Y tế.
- Nguyên tắc sử dụng phụ gia dạng bột hoặc cô đặc
Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về mức giới hạn sử dụng của các loại phụ gia và áp dụng chung cho cả các sản phẩm dạng nước và sản phẩm dạng bột hoặc cô đặc. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không hợp lý do đặc tính của hai loại sản phẩm này là khác nhau, cụ thể: độ đậm đặc của phụ gia dạng bột hoặc cô đặc thường cao hơn so với dạng nước, và sẽ giảm đi 4-5 lần sau khi pha theo hướng dẫn. Việc áp dụng chung mức giới hạn cho sản phẩm dạng nước và sản phẩm dạng bột, cô đặc là không phù hợp. Quy định này cũng không thống nhất với hướng dẫn của Codex khi cho phép mức giới hạn của các sản phẩm dạng này được tính trên lượng sản phẩm đã pha theo hướng dẫn để ăn liền (ready to eat). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về nguyên tắc mức sử dụng tối đa phụ gia dạng bột hoặc cô đặc cho phù hợp với thực tế.
- Quy trình lấy mẫu
Điều 1.4.g Dự thảo (bổ sung Điều 6a vào Thông tư 48/2015/TT-BYT) quy định về việc lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, Điều 6a.3.đ (sau khi bổ sung) quy định nếu đại diện cơ sở lấy mẫu không ký biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu thì ghi “đại diện cơ sở không ký biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu”. Tuy nhiên, kinh nghiệm các thủ tục lấy mẫu kiểm nghiệm trong các lĩnh vực khác cho thấy có trường hợp cán bộ lấy mẫu không thực hiện đúng quy trình lấy mẫu, thậm chí phát sinh vi phạm tiêu cực gây bức xúc cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp được ghi ý kiến của mình lên biên bản lấy mẫu, ký xác nhận không đồng ý với mẫu được lấy kèm theo chứng cứ (nếu có) để làm căn cứ giải quyết sau này.
Thứ hai, Điều 6a.3.c (sau khi bổ sung) quy định mẫu lấy gồm 2 phần: (i) mẫu kiểm nghiệm và (ii) mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra hoặc cơ sở kiểm nghiệm. Tuy nhiên, hàm lượng giá trị dinh dưỡng và các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm khác của sản phẩm thực phẩm phụ thuộc rất lớn vào điều kiện bảo quản. Nếu điều kiện bảo quản không phù hợp sẽ khiến mẫu kiểm nghiệm không phản ánh đúng thực tế. Trong khi đó, mẫu kiểm nghiệm chỉ được bàn giao sau quá trình vận chuyển sau kiểm tra, thậm chí là qua nhiều địa bàn, không chắc chắn đảm bảo hoàn toàn về điều kiện bảo quản. Do vậy, để bảo đảm khả năng đối chiếu, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép một mẫu lưu tại cơ sở, được niêm phong để đối chứng trong trường hợp cần thiết.
- Xử lý kết quả kiểm tra hàng hóa vi phạm quy định về nhãn hàng hóa
Điều 1.4.i Dự thảo (sửa đổi Điều 10 Thông tư 48/2015/TT-BYT) quy định việc xử lý hành vi vi phạm. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, Điều 10.1 (sau khi sửa đổi) yêu cầu tạm dừng lưu thông hàng hóa trong trường hợp có vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, quy định này là không thống nhất với các quy định về xử lý vi phạm hàng chính. Theo đó, biện pháp tạm dừng lưu thông là không phù hợp với quy định tại Chương I Phần II về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP, các biện pháp cao hơn đã được áp dụng cho hành vi vi phạm nhãn hàng hóa, gồm một trong số các biện pháp thu hồi, tịch thu, tiêu hủy. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên và thực hiện theo các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ hai, Điều 10.2.đ (sau khi sửa đổi) quy định về trình tự kiểm nghiệm đối chứng theo quy trình: (i) doanh nghiệp đề nghị (03 ngày) – cơ quan kiểm tra lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm (05 ngày) – kiểm nghiệm – cơ quan kiểm tra nhận và thông báo cho doanh nghiệp (03 ngày). Tuy nhiên, quy định này còn rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Theo kinh nghiệm từ các quy định pháp luật tương tự (chẳng hạn Điều 30 Nghị định 08/2015/NĐ-CP về giám định hải quan), việc kiểm nghiệm lại có thể giao cho doanh nghiệp (doanh nghiệp được tự lựa chọn cơ quan kiểm nghiệm). Quy trình này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian ra kết quả do tính linh hoạt của hoạt động dịch vụ, trong khi vẫn đáp bảo các yêu cầu về kết quả kiểm nghiệm (do các tổ chức kiểm nghiệm phải chịu trách nhiệm về kết quả của mình). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được lựa chọn cơ quan kiểm nghiệm lại, tự chi trả chi phí.
- Bãi bỏ nội dung tại Quyết định 46/2007/QĐ-BYT
Điều 2.1 Dự thảo và Phụ lục 3 bãi bỏ một số nội dung tại Quyết định 46/2007/QĐ-BYT quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm. Tuy nhiên, tính pháp lý của việc vẫn duy trì Quyết định 46/2007/QĐ-BYT cần được xem xét lại vì lý do sau:
- Vi phạm điều cấm của Luật: theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, các quy định về giới hạn tối đa ô nhiễm trong thực phẩm là quy định bắt buộc phải thực hiện với doanh nghiệp, tức là quy phạm pháp luật. Việc này là vi phạm điều cấm tại Điều 14.2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do ban hành quy phạm pháp luật trong văn bản không quy phạm.
- Tính hiệu lực của văn bản: Quyết định 46/2007/QĐ-BYT được ban hành căn cứ theo Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm 2003, Nghị định 163/2004/NĐ-CP. Đến nay, các văn bản này đều đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật An toàn thực phẩm 2010.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ văn bản này và ban hành các quy định còn hiệu lực tại văn bản mới theo các quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật.
Đối với các nội dung còn hiệu lực, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại như sau:
- Nội dung tại Mục 6.5 và Mục 6.8 về giới hạn với ngũ cốc, sản phẩm từ ngũ cốc, gia vị và nước chấm: các quy định này không phù hợp với các văn bản cao hơn, cụ thể là về mặt thẩm quyền ban hành. Giới hạn với các sản phẩm này, về bản chất, là quy chuẩn kỹ thuật theo định nghĩa tại Điều 3.2 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Thẩm quyền ban hành trong trường hợp này thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không phải Bộ Y tế, theo quy định tại Điều 38.1 Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ hiệu lực các nội dung này và trao đổi với cơ quan có thẩm quyền ban hành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để thực hiện;
- Phần 7 về Danh mục các chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng trong sản xuất: theo phản ánh của doanh nghiệp, Danh mục này đã quá cũ và không cập nhật theo Danh mục của Codex. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Danh mục và bổ sung quy định cho phép tự động cập nhật Danh mục theo tiêu chuẩn mới của Codex, tương tự như cơ chế với phụ gia thực phẩm tại Điều 1.1 Dự thảo.
- Một số góp ý khác
a. Khái niệm phụ gia thực phẩm hỗn hợp
Điều 1.1.a Dự thảo (sửa đổi Điều 3.8 Thông tư 24/2019/TT-BYT) đưa ra khái niệm về phụ gia thực phẩm hỗn hợp, theo đó phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng khác với công dụng của các loại phụ gia thành phần. Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự rõ ràng ở điểm nếu một công dụng của phụ gia thực phẩm sau khi phối trộn trùng với một trong số nhiều công dụng của phụ gia thành phần có được coi là phụ gia hỗn hợp không? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng khác với tất cả các công dụng được quy định cho mỗi chất phụ gia đó.
b. Danh mục thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng
Điều 1.6 Dự thảo (sửa đổi Điều 1 Thông tư 05/2018/TT-BYT) sửa đổi quy định về việc Ban hành Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế. Quy định này cụ thể như sau:
“Điều 1. Ban hành Danh mục
- Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Danh mục) …
- Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này”
Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo chưa rõ là (i) sẽ ban hành một Danh mục mới thay thế cho Danh mục tại Thông tư 05/2018/TT-BYT hay (ii) bổ sung thêm một Danh mục mới bên cạnh Danh mục đã có. Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi để làm rõ nội dung của quy định
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.