VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (bản thẩm định)
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y
Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 2776/BNNPTNT-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc kiểm tra về sinh thú y đối với cơ sở (khoản 10 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 36 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT)
- Về việc cấp Giấy chứng nhận đủ điểu kiện vệ sinh thú y
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT thì Thông tư này hướng dẫn chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều 74 Luật Thú y.
Khoản 3 Điều 74 Luật Thú y trao quyền cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định “Quy trình kiểm soát giết mổ động vật; quy trình, hồ sơ kiểm tra vệ sinh thú y; mẫu dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y; quy định việc xử lý động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.”. Quy định này không đề cập đến “Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y”, chỉ đề cập đến “quy trình, hồ sơ kiểm tra vệ sinh thú y”.
Như vậy, Điều 37 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y dường như chưa phù hợp với quy định tại Luật Thú y. Đây là một dạng giấy phép kinh doanh và tác động khá lớn đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo giải trình về tính pháp lý của quy định này. Trong trường hợp không giải trình thuyết phục về căn cứ pháp lý, đề nghị bỏ các quy định liên quan đến Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.
- Về trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y[1]
Dự thảo quy định một số loại Giấy chứng nhận như: Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAHP, VietGAP, … có giá trị tương đương “Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y”. “Cơ sở có một trong các loại giấy chứng nhận trên không phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thu y trừ trường hợp cơ sở có nhu cầu”.
So với hiện hành, quy định này của Dự thảo đã tạo thuận lợi đáng kể cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để đảm bảo tinh thần cải cách, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vấn đề sau:
Theo quy định tại Dự thảo trường hợp cơ sở không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y nhưng nếu có nhu cầu sẽ thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận này. Dự thảo không quy định trình tự thủ tục riêng cho trường cấp theo nhu cầu của cơ sở kinh doanh, như vậy các cơ sở này sẽ phải thực hiện theo trình tự, thủ tục thông thường quy định tại Điều 37 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT. Điều này dường như chưa hợp lý, bởi vì thủ tục thông thường, cơ quan quản lý sẽ phải tiến hành xem xét hồ sơ, thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế mới quyết định cấp Giấy chứng nhận hay không. Trong khi đó, trường hợp này, cơ sở đã được xem là đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, thì việc nộp hồ sơ với các tài liệu như cơ sở chưa đủ điều kiện, phải trải qua các giai đoạn thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế là không cần thiết, tạo ra thủ tục phiền phức cho cơ sở.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trong trường hợp cơ sở không cần phải làm thủ tục nhưng có nhu cầu cấp. Thủ tục này cần thiết kế theo hướng đơn giản, nhanh chóng về hồ sơ và thời gian giải quyết.
- Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y
Theo quy định tại Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT và Dự thảo thì cơ quan quản lý sẽ kiểm tra đánh giá các yếu tố sau để cấp Giấy chứng nhận: địa điểm, cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ; nguyên liệu đầu vào để sản xuất kinh doanh, nước để sản xuất; con người tham gia sản xuất, kinh doanh và quản lý chất lượng; chương trình quản lý vệ sinh thú y đang áp dụng; việc quản lý và xử lý chất thải rắn, nước thải và các nội dung khác theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Liên quan đến điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận, đề nghị Ban soạn thảo xem xét vấn đề sau:
- Trong Bản Mô tả tóm tắt về cơ sở xin cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 02 Phụ lục II – là tài liệu trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận, không có những nội dung như: nguyên liệu đầu vào để sản xuất, kinh doanh; chương trình quản lý vệ sinh thú y đang áp dụng. Như vậy, không rõ cơ quan cấp Giấy chứng nhận sẽ căn cứ vào tài liệu nào để đánh giá các yếu tố này khi thẩm định cấp Giấy chứng nhận? Đặc biệt là trong trường hợp đánh giá trực tuyến, suy đoán là chỉ đánh giá dựa trên hồ sơ?
- Các nội dung như cơ sở vật chất, nhân lực: không rõ các nội dung này phải đáp ứng điều kiện gì (ví dụ: cơ sở vật chất bao gồm những loại trang thiết bị nào, chất lượng ra sao; nhân lực thì bao nhiêu người, có trình độ chuyên môn gì không?) và các điều kiện này quy định ở đâu, tại văn bản nào? Các điều kiện này không rõ khiến cho các căn cứ cấp Giấy chứng nhận trở nên chưa minh bạch.
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình những vấn đề trên và bổ sung quy định dẫn chiếu tới các văn bản cụ thể quy định về vấn đề này.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung, phương pháp kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở (khoản 12 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 38 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT)
- Về tần suất giám sát:
Dự thảo đã sửa đổi tần suất giám sát từ 01 lần/12 tháng thành 01 lần/18 tháng. Thay đổi này sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay theo phản ánh tại Tờ trình, ”một trang trại chăn nuôi hoặc cơ sở sản xuất con giống cũng có thể được cấp rất nhiều loại Giấy chứng nhận khác nhau như: VietGAHP, VietGAP hoặc cơ sở có Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Tương ứng với mỗi loại giấy chứng nhận là những cơ chế quản lý kèm theo. Như vậy, các cơ sở này sẽ phải chịu rất nhiều cơ chế giám sát và sẽ phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra, giám sát đánh giá việc đáp ứng các điều kiện cấp Giấy chứng nhận.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa các đoàn kiểm tra trong hoạt động giám sát việc chấp hành các điều kiện của doanh nghiệp để hạn chế tình trạng doanh nghiệp phải tiếp rất nhiều đoàn giám sát, gia tăng chi phí tuân thủ.
- Thực hiện đánh giá trực tuyến
Dự thảo bổ sung khoản 4 Điều 38 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT về phương thức đánh giá trực tuyến trong trường hợp thiên tai, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm không thể thực hiện kiểm tra, đánh giá, thẩm định, lấy mẫu, phân tích trực tiếp.
Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định rõ về việc thực hiện đánh giá trực tuyến sẽ đánh giá những yếu tố nào trong các nội dung, phương pháp kiểm tra, giám sát quy định tại khoản 1, 2 Điều 38. Để đảm bảo tính thuận lợi đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các vấn đề này.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Góp ý này trong trường hợp Ban soạn thảo giải trình được căn cứ pháp lý của quy định liên quan đến Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.