VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 4 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm

Thứ Hai 10:44 09-09-2019

Kính gửi: Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế

Trả lời Công văn số 11309/QLD-MP của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 4 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có một số ý kiến như sau:

Hiện nay, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc phải nộp kèm Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành tự do (CFS) trong thành phần hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu tại Điều 4.4 của Thông tư 06/2011/TT-BYT gây nhiều khó khăn, tốn thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp. Thời gian để xin cấp CFS tại nước xuất khẩu, sau đó làm thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự hiện mất rất nhiều thời gian, thường từ 2-3 tháng, làm chậm quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mục tiêu quản lý của Nhà nước là bảo đảm sự an toàn của hàng hoá mỹ phẩm khi được cung cấp cho người tiêu dùng. Việc chứng minh tính an toàn của mỹ phẩm đã được thực hiện thông qua Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần hồ sơ quy định tại Điều 4.2 của Thông tư 06/2011/TT-BYT. Xét về ý nghĩa, CFS thể hiện rằng quốc gia xuất khẩu đã kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, do nhiều quốc gia có chính sách khuyến khích xuất khẩu nên việc cấp CFS được tiến hành khá đơn giản mà không đi kèm với việc kiểm tra chất lượng hàng hoá. Do đó, CFS chỉ nên giữ tư cách là một tài liệu tăng thêm giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc đánh giá tính an toàn của sản phẩm, chứ không nên là một tài liệu bắt buộc.

Với lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra cơ chế công bố sản phẩm mỹ phẩm theo hướng, CFS không phải là thành phần hồ sơ bắt buộc mà chỉ mang tính tự nguyện. Nếu doanh nghiệp nộp CFS trong thành phần hồ sơ thì cơ quan nhà nước sẽ áp dụng cơ chế ưu đãi phù hợp. Một số biện pháp ưu đãi có thể tính đến như sau:

  • Những bộ hồ sơ có nộp kèm CFS thì thời gian ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm ngắn hơn đối với những bộ hồ sơ không có CFS
  • Mức phí (hoặc lệ phí thẩm định hồ sơ, nếu có) đối với những bộ hồ sơ có CFS thấp hơn những bộ hồ sơ không có CFS.
  • Những sản phẩm không có CFS sẽ được coi là rủi ro cao hơn và sẽ được áp dụng biện pháp thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hoá chặt hơn, ví dụ tần suất lấy mẫu kiểm tra hàng hoá trên thị trường cao hơn, kiểm nghiệm nhiều chỉ tiêu hơn so với những sản phẩm có CFS.

Một cơ chế quản lý như vậy sẽ phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm việc kiểm soát về an toàn, chất lượng từ phía Nhà nước.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 4 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm.Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.