VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 4 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm
VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công thương
Kính gửi: Văn phòng Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 5647/BCT-VP ngày 06/08/2019 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công thương (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Tài liệu về điều hành xuất nhập khẩu hàng hoá
Điều 1.19 quy định “Kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng đặc biệt giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển và bảo vệ đất nước chưa công khai” sẽ thuộc diện bí mật Nhà nước. Điều 2.18 quy định “Kế hoạch và biện pháp điều hành xuất nhập khẩu, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường xã hội chưa công khai” cũng thuộc diện bí mật Nhà nước. Các quy định này đều cho phép cơ quan nhà nước đưa ra các kế hoạch, biện pháp can thiệp vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.
Nếu đây là hàng hoá thuộc sở hữu nhà nước thì Nhà nước hoàn toàn có quyền xuất nhập khẩu và các kế hoạch, biện pháp điều hành xuất nhập khẩu có thể được giữ bí mật với tư cách là quyết định của chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu đây là hàng hoá thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức khác thì các biện pháp can thiệp của Nhà nước cần hết sức hạn chế và phải được công khai.
Hiện nay, Luật Quản lý ngoại thương đã có quy định về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại Điều 5. Việc tuyên bố bảo vệ quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vì nó bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, dự liệu được, vốn giữ vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế.
Các biện pháp can thiệp vào quyền xuất nhập khẩu hàng hoá cũng đã được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương như biện pháp hành chính, biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch, biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp kiểm soát khẩn cấp. Qua rà soát, các biện pháp này đều phải thông báo rộng rãi, công bố công khai thậm chí một số biện pháp phải tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi trước khi áp dụng.
Nếu các biện pháp điều hành xuất nhập khẩu được đề cập tại Điều 1.19 và Điều 2.18 của dự thảo đã được quy định trong Luật Quản lý ngoại thương thì cần được ban hành theo đúng trình tự thủ tục của Luật này và do đó, không cần thiết đưa vào diện bí mật nhà nước.
- Các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược
Điều 2.1 của dự thảo quy định: “Các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược của ngành thương mại, cơ khí, luyện kim, năng lượng điện, hoá chất, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác chưa công khai” thuộc diện bí mật nhà nước. Tuy nhiên, hiện không rõ như thế nào là hợp đồng, đề án mang tính chiến lược. Hơn nữa, diện các lĩnh vực rất rộng, gồm cả thương mại (thương mại là khái niệm rất rộng, bao gồm hầu hết các ngành kinh tế), công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác (gồm rất nhiều ngành nhỏ hơn trong đó). Quy định vừa lỏng, vừa rộng như vậy có thể dẫn đến nguy cơ đóng dấu mật một cách tuỳ tiện vào các hợp đồng, đề án. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm “mang tính chiến lược” và nghiên cứu thu hẹp phạm vi của Điều 2.1 theo hướng chỉ áp dụng cho một số ngành rất hạn chế có liên quan đến an ninh quốc gia.
- Báo cáo kết quả tham dự các hội nghị
Điều 2.2 của Dự thảo quy định “Phương án, báo cáo kết quả tham dự các hội nghị trong khuôn khổ hợp tác ASEAN (ban gồm cả hợp tác ASEAN và các đối tác), APEC, ASEM, WTO và các tổ chức khác chưa công khai” thuộc diện bí mật Nhà nước. Nhận thấy, các phương án tham dự các hội nghị thì có thể để ở chế độ bí mật vì đây là dự định của Việt Nam. Đối với các báo cáo kết quả tham dự hội nghị, cần có sự phân biệt rõ hơn về mặt nội dung. Một số báo cáo chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin về các kết luận, các thoả thuận đạt được từ các hội nghị thì cần công khai cho người dân và doanh nghiệp được biết. Một số báo cáo chi tiết gồm cả diễn biến đàm phán, quan điểm thảo luận của Việt Nam và các bên khác thì cần được giữ bí mật để tránh mất lợi thế đàm phán trong những hội nghị sau. Đã từng có trường hợp cơ quan tham dự hội nghị đạt được thoả thuận với nước ngoài có liên quan đến thương mại nhưng không thông báo rộng rãi cho các doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp bị động trong quan hệ xuất nhập khẩu hàng hoá.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 2.2 thu hẹp phạm vi bí mật nhà nước chỉ gồm các phương án và báo cáo chi tiết diễn biến, quan điểm của các bên khi tham dự các hội nghị.
- Tài liệu, địa điểm, trữ lượng các mỏ khoáng sản
Điều 2.14 của Dự thảo quy định: “Tài liệu, địa điểm, trữ lượng các mỏ than và khoáng sản, các mỏ kim loại, phi kim loại quý hiếm, đá quý, các mỏ phóng xạ, các phát hiện dầu khí tại Việt Nam chưa công khai” thuộc diện bí mật nhà nước.
Theo pháp luật về khoáng sản, mỗi khi có phát hiện khoáng sản mới là cơ sở để sửa đổi quy hoạch khoáng sản, và quy hoạch là cơ sở để cấp phép. Qua thực tiễn nhiều năm qua, việc sửa đổi quy hoạch khoáng sản trong lĩnh vực công thương diễn ra liên tục, mỗi lần sửa đổi thường bổ sung một hai mỏ vào quy hoạch và ngay sau đó đã có một doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép. Việc các doanh nghiệp nộp hồ sơ sớm như vậy đặt ra nghi vấn về việc các doanh nghiệp đó có biết trước thông tin về mỏ trước khi được đưa vào quy hoạch hay không, bởi thông thường, để quyết định có đầu tư vào một mỏ hay không thì doanh nghiệp cần có thời gian để nghiên cứu hồ sơ, khảo sát thực tế và tính toán thị trường. Nếu duy trì chế độ bí mật nhà nước đối với thông tin về các phát hiện mỏ khoáng sản và phải đợi đến khi đưa vào quy hoạch mới công bố, thì sẽ tạo kẽ hở khiến một số doanh nghiệp biết thông tin trước và chiếm ưu thế khi xin cấp phép.
Việc giữ bí mật thông tin mỏ khoáng sản mới trước khi đưa vào quy hoạch được suy đoán là nhằm tránh việc các cá nhân, tổ chức có được thông tin và khai thác khoáng sản lậu. Tuy nhiên, việc ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép cần được thực hiện bằng các biện pháp khác (như kiểm tra, xử lý vi phạm) chứ không nên giữ bí mật thông tin về tài sản thuộc sở hữu toàn dân như vậy. Hơn nữa, khi một mỏ khoáng sản đã được bổ sung vào quy hoạch, nhưng chưa cấp phép thì nguy cơ bị khai thác lậu cũng không khác gì khi công bố thông tin về mỏ đó mà chưa đưa vào quy hoạch.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 2.14 của Dự thảo.
- Phương án giá xăng, phương án giá điện
Giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, giá điện từ phía Nhà nước.
Việc bí mật phương án giá xăng có thể được suy đoán là nhằm tránh tình trạng đầu cơ như đã diễn ra cách đây nhiều năm. Đã từng có hiện tượng trước mỗi thời điểm tăng giá thì các cây xăng lấy lý do kỹ thuật để dừng bán xăng, gây ảnh hưởng đến nhu cầu xăng dầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ việc kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đầu mối nên hiện này đã giảm rất nhiều và gần như không còn tái diễn trong vài năm trở lại đây.
Hiện nay, cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu và phương pháp tính giá đã được quy định khá chi tiết tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Dựa vào các quy định này, việc tiên đoán thời điểm điều chỉnh giá và mức giá tương đối dễ dàng. Trước mỗi đợt điều chỉnh giá, một số tờ báo đã đưa thông tin dự báo rất chính xác phương án giá xăng dựa trên các thông số đầu vào công khai trên thị trường quốc tế. Thực tiễn cũng cho thấy, các dự báo này không gây tác động gì lớn đến hoạt động mua bán xăng dầu bình thường trên thị trường.
Đối với mặt hàng điện, do đặc tính sản xuất và tiêu dùng đồng thời, nên nguy cơ đầu cơ mặt hàng này rất khó có thể xảy ra. Có chăng chỉ là hiện tượng gia tăng sử dụng điện trước mỗi dịp tăng giá có thể gây ảnh hưởng đến khả năng truyền tải của hệ thống đường dây. Tuy nhiên, nguy cơ này không cao và dễ dàng được xử lý thông qua các biện pháp kỹ thuật và điều hành (ví dụ chọn thời điểm điều chỉnh giá khi công suất phụ tải thấp).
Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại các hiệu ứng tiêu cực và tích cực và cân nhắc loại bỏ Điều 2.19 của Dự thảo.
- Kế hoạch và biện pháp điều hành thị trường trong nước
Điều 2.20 quy định “Kế hoạch và biện pháp điều hành thị trường trong nước bảo đảm cung cầu, ổn định thị trường chưa công khai” thuộc diện bí mật nhà nước.
Nếu biện pháp điều hành thị trường chỉ dừng lại ở việc mua bán hàng hoá thuộc sở hữu của Nhà nước (nghiệp vụ thị trường mở) thì việc giữ bí mật các kế hoạch và biện pháp điều hành thị trường là phù hợp. Tuy nhiên, nếu biện pháp điều hành thị trường liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức khác cần được hạn chế và phải được công khai.
Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước là cam kết xây dựng thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ cung cầu cần được vận hành dựa trên cơ sở giá cả và quy luật cung cầu. Hiến pháp đã có quy định bảo hộ quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cũng đã có quy định về các quyền của doanh nghiệp. Pháp luật về đầu tư và thương mại của Việt Nam chỉ hạn chế quyền này bằng hình thức đầu tư kinh doanh có điều kiện. Pháp luật giá của Việt Nam chỉ cho phép một số biện pháp rất hạn chế để Nhà nước can thiệp vào thị trường như bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá. Theo Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Giá thì các biện pháp này đều được thực hiện một cách công khai.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 2.20 của Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công thương. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.