VCCI_Góp Ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế GTGT đối với thiết bị, dụng cụ y tế
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn thuế GTGT
Kính gửi: Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 13303/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Đối tượng không chịu thuế GTGT (Điều 4)
Điểm a khoản 9 Điều 4 Dự thảo liệt kê các hình thức của dịch vụ cấp tín dụng không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), trong đó không có hai hình thức “cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C)”, “mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”. Trong khi đây là hai hình thức cấp tín dụng theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
Để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hai hình thức cấp tín dụng trên vào đối tượng không chịu thuế GTGT tại điểm a khoản 9 Điều 4 Dự thảo.
- Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT (Điều 5)
- Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trường hợp cơ sở kinh doanh nhận để thực hiện chi hộ cho bên thứ ba như nhân viên, đại lý cấp dưới vào trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT quy định tại khoản 1 Điều 5 Dự thảo. Bởi vì khoản chi hộ này không phải là doanh thu nhận được từ thực hiện dịch vụ, vì vậy cần phải quy định rõ là không phải kê khai, nộp thuế để thống nhất trong triển khai thực hiện;
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Dự thảo thì “trường hợp tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với toàn bộ dự án chuyển nhượng”. Việc xác định dự án đầu tư sản xuất kinh doanh hàng hóa chịu thuế hay không chịu thuế GTGT căn cứ nào (đặc biệt là trong trường hợp dự án đầu tư chưa đi vào hoạt động?). Để đảm bảo sự rõ ràng và thuận lợi trong quá trình hoạt động, đề nghị Ban soạn thảo hướng dẫn căn cứ để xác định một dự án đầu tư sản xuất hàng chịu thuế GTGT và/hoặc không chịu thuế GTGT.
- Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (Điều 14)
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trường hợp được kê khai, khấu trừ đối với hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân khác quy định tại khoản 12 Điều 14 Dự thảo như sau: ”Doanh nghiệp phát sinh các chi phí trong quá trình tố tụng dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự như chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, chi phí định giá tài sản nhưng hóa đơn được lập cho Tòa án các cấp”.
Bởi vì, trên thực tế, trong quá trình tố tụng dân sự sẽ phát sinh một số khoản chi phí như: chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, chi phí định giá tài sản (từ Điều 155 đến Điều169, Bộ luật Tố tụng dân sự). Nghĩa vụ chịu chi phí phụ thuộc vào quyết định của Tòa án. Tại thời điểm thực hiện dịch vụ chưa xác định rõ bên chịu chi phí. Do đó, hóa đơn thường được bên cung cấp dịch vụ xuất cho Tòa án. Điều này tạo ra khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc ghi nhận các chi phí phát sinh khi khởi kiện khách hàng để thu hồi nợ.
- Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (Điều 15)
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào cho trường hợp ”Công ty ủy ủy quyền cho cá nhân là người lao động của Công ty sử dụng thẻ ngân hàng cá nhân, chuyển khoản từ tài khoản cá nhân, chuyển tiền từ ví điện tử liên kết với tài khoản cá nhân để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ cho người bán, sau đó Công ty sẽ thanh toán cho cá nhân thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng từ tài khoản của Công ty đã đăng ký với cơ quan thuế vào tài khoản của cá nhân”.
Bởi vì, hình thức thanh toán bằng thẻ/tài khoản của cá nhân người lao động đã được thực hiện trên thực tế và đã được Tổng cục Thuế hướng dẫn tại Công văn 5465/TCT-KK ngày 25/11/2016, Công văn 3977/TCT-DNL. Do đó, cần được quy định chính thức trong Dự thảo để đảm bảo thống nhất trong thực hiện.
- Kỹ thuật soạn thảo văn bản
- Dự thảo đã bỏ toàn bộ các ví dụ minh họa cho các quy định. Điều này có thể gây khó khăn cho các đối tượng áp dụng khi muốn hiểu tinh thần của các quy định. Đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên các ví dụ minh họa tương tự như thiết kế các quy định hiện hành;
- Một số dẫn chiếu tại quy định chưa chính xác ví dụ: hiện tại đã có Luật Quản lý thuế 2019, vì vậy dẫn chiếu tới Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn chi tiết cho Luật Quản lý 2012, 2006 tại khoản 3 Điều 12 Dự thảo là chưa phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo để đảm bảo về mặt kỹ thuật soạn thảo văn bản.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.