VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp
VCCI_Góp Ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều
Kính gửi: Tổng cục Phòng, chống thiên tai
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 7669/BNN-PCTT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về quy định thực hiện chấp thuận (Điều 3)
- Yêu cầu bổ sung hồ sơ:
Khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định về các tài liệu trong hồ sơ gửi xin ý kiến chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đó trong quá trình xem xét hồ sơ, nếu xét thấy công trình có ảnh hưởng đến an toàn đề điều và thoát lũ thì cơ quan trực tiếp xử lý hồ sơ thông báo bổ sung thêm các tài liệu, trong đó có tài liệu là “ý kiến bằng văn bản của các cơ quan chức năng liên quan”. Quy định này là chưa rõ các “cơ quan chức năng liên quan” là các cơ quan nào? Các cơ quan này sẽ cho ý kiến về vấn đề gì? Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ về những vấn đề này để đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện.
- Ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Dự thảo thì “đối với công trình mà phạm vi ảnh hưởng từ hai tỉnh trở lên phải có ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan”. Liên quan đến công trình mà phạm vi ảnh hưởng từ hai tỉnh trở lên, Dự thảo chưa quy định rõ các điểm: i) trong trường hợp công trình mà phạm vi ảnh hưởng từ hai tỉnh trở lên thì Ủy ban nhân dân tỉnh nào sẽ phải thực hiện thủ tục xin ý kiến chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan sẽ cho ý kiến bằng văn bản về nội dung gì?; iii) Trình tự, thủ tục để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan cho ý kiến về vấn đề này như thế nào?
Đây là quy định quan trọng, có ảnh hưởng đến thời hạn thực hiện thủ tục hành chính, vì vậy cần phải được quy định rõ ràng, cụ thể trong Dự thảo để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
- Việc không chấp thuận xây dựng công trình
Khoản 3 Điều 3 Dự thảo quy định, trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có văn bản thông báo việc không chấp thuận xây dựng công trình và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng việc không chấp thuận này phải được nêu rõ lý do trong văn bản để đảm bảo tính minh bạch.
- Về quy định thực hiện thẩm định (Điều 4)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo thì đối với các công trình xây dựng theo dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì quy trình thẩm định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, trong đó phải lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn. Với những nội dung thẩm định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo thì các tài liệu trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư 2020 nhiều khả năng sẽ không có đủ thông tin để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện được thẩm định các nội dung này.
Đề nghị Ban soạn thảo đối chiếu giữa nội dung thẩm định quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo và Điều 33, khoản 1 Điều 35 Luật Đầu tư 2020 để đảm bảo tính khả thi của quy định.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.