VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật

Thứ Sáu 15:31 02-12-2022

Kính gửi:  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông

Trả lời Công văn số 5517/BNN-TY ngày 19/08/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh

Điều 3.1 của dự thảo quy định Cục Thú y có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở xuất khẩu và theo yêu cầu; các trường hợp khác do cơ quan thú y cấp tỉnh cấp. Quy định này sẽ khiến cho nhiều cơ sở chăn nuôi, thuỷ sản tại các địa phương phải làm thủ tục tại Cục Thú y, hết sức tốn kém thời gian và chi phí. Theo định hướng cải cách thủ tục hành chính, cần tăng cường phân cấp phân quyền cho địa phương làm các thủ tục hành chính còn cấp trung ương tập trung vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng phân quyền cho các địa phương làm thủ tục hành chính này.

  1. Các tiêu chí cơ sở an toàn dịch bệnh

Chương II của dự thảo quy định nhiều tiêu chí về cơ sở an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các quy định này chưa minh bạch, mang tính chung chung, định tính, chưa có cơ sở khách quan để xác định mà phụ thuộc nhiều vào đánh giá chủ quan của người thực hiện. Điều này không chỉ gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng mà còn làm tăng rủi ro, chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, thậm chí gây nguy cơ tham nhũng, tiêu cực khi làm thủ tục hành chính. Cụ thể như sau:

  • Điều 5.1 quy định “Vị trí và các điều kiện của cơ sở phải đáp ứng các quy định pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản; tách biệt với cơ sở khác có chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cùng loài động vật cảm nhiễm; tách biệt với các nguồn có khả năng lây nhiễm bệnh đăng ký chứng nhận an toàn.” Không rõ tách biệt là cách bao xa? Không rõ nguồn có khả năng lây nhiễm là những gì?
  • Điều 5.2.a quy định “Hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt”. Không rõ mức độ riêng biệt như thế nào? (vì trong cùng một thành phố, thị trấn, thị xã thì việc dùng chung hạ tầng cấp nước, thoát nước là điều không thể tránh khỏi)
  • Điều 5.2.c quy định “Có các biện pháp phù hợp hoặc các thiết bị bảo vệ, ngăn chặn các loài động vật mẫn cảm với bệnh chứng nhận an toàn và vật chủ trung gian truyền bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;” Không rõ biện pháp như thế nào là phù hợp, như thế nào là không phù hợp?
  • Điều 5.2.d quy định “Có biện pháp phù hợp tại lối ra vào cơ sở để thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cho người, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị và vật tư cần thiết khác;” Không rõ biện pháp như thế nào là phù hợp, như thế nào là không phù hợp?
  • Điều 5.2.đ quy định “Có dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, phù hợp với đối tượng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm không có nguy cơ mang tác nhân gây bệnh, nhiễm bệnh.” Không rõ biện pháp như thế nào là phù hợp, như thế nào là không phù hợp?

Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định trong dự thảo nhằm loại bỏ các quy định không minh bạch như ví dụ trên.

  1. Thẩm định kế hoạch giám sát dịch bệnh

Điều 7.5 của Dự thảo quy định về việc thẩm định Kế hoạch giám sát dịch bệnh của cơ sở. Đây là một thủ tục hành chính không được quy định tại Luật Thú y. Điều 14.4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã cấm quy định thủ tục hành chính tại các thông tư trừ trường hợp được giao trong luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về thủ tục hành chính này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.