VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế tài nguyên

Thứ Hai 17:02 27-04-2020

Kính gửi: Tổng cục thuế – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 3383/BTC-TCT của Bộ Tài chính ngày 23/03/2020 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Chi phí được trừ khi xác định giá tính thuế

Điều 4.5 của Nghị định 12/2015/NĐ-CP sửa đổi Điều 4.5.c của Nghị định 50/2010/NĐ-CP giao Bộ Tài chính hướng dẫn chi phí sản xuất, chế biến được trừ khi xác định giá tính thuế tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra. Điều 6.3 của Dự thảo đã hướng dẫn quy định này theo hướng cho phép trừ các chi phí của công đoạn sản xuất, chế biến khoáng sản như chi phí quản lý sản xuất, chi phí nhân công, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng liên quan trực tiếp đến cộng đoạn sản xuất, chế biến tài nguyên thành sản phẩm khác, nhưng không bao gồm chi phí ở khâu khai thác, sàng, tuyển, làm giàu hàm lượng. Dự thảo đang tiếp cận theo hướng, nếu các hoạt động tác động đến tài nguyên sau khai thác mà biến tài nguyên thành sản phẩm khác thì được trừ chi phí, nhưng nếu chưa thành sản phẩm khác thì không được trừ chi phí. Đối với trường hợp được trừ chi phí thì cũng chỉ được trừ các chi phí sản xuất, chế biến mà không được trừ các chi phí sàng, tuyển, làm giàu.

Việc quản lý thuế theo các tiêu chí “thành sản phẩm khác” hay “chưa thành sản phẩm khác” hay dựa trên các hoạt động như “sàng”, “tuyển”, “phân loại”, “làm giàu hàm lượng”, “chế biến”, “sản xuất”… rất thiếu minh bạch vì không có tiêu chí khách quan để xác định. Quy định như vậy tạo cơ hội cho nhũng nhiễu tiêu cực và gây khó khăn cho quá trình áp dụng.

Việc phân loại như vậy cũng không cần thiết do bản chất của thuế tài nguyên là khoản thu của Nhà nước khi chuyển quyền sở hữu tài nguyên từ chế độ sở hữu toàn dân (theo Điều 53 Hiến pháp) sang chế độ sở hữu khác (ví dụ như sở hữu tư nhân). Việc chuyển sở hữu như vậy chỉ phát sinh từ hoạt động khai thác tài nguyên, chứ không phát sinh trong các hoạt động làm gia tăng giá trị tài nguyên sau khai thác như sàng, tuyển, làm giàu, chế biến… Do đó, thuế tài nguyên chỉ nên đánh trên hoạt động khai thác chứ không nên đánh trên các hoạt động sau khai thác.

Cách xác định giá tính thuế bao gồm các chi phí sau khai thác cũng không hợp lý vì nó khiến các doanh nghiệp chuyển hoạt động sàng, tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng… ra nước ngoài để né thuế. Nếu doanh nghiệp thực hiện các hoạt động này ở Việt Nam thì sẽ làm cho giá tính thuế của sản phẩm cao hơn và doanh nghiệp sẽ phải nộp nhiều thuế tài nguyên hơn. Còn nếu doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản thô ra nước ngoài rồi mới thực hiện việc sàng tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng thì phần giá trị gia tăng này sẽ không chịu thuế tài nguyên. Vô hình chung, chính sách thuế như vậy chính là một phần nguyên nhân khiến cho các ngành công nghiệp làm gia tăng giá trị tài nguyên sau khai thác không phát triển được tại Việt Nam. Ví dụ sau làm rõ điều này:

  • Giả sử có một lượng tài nguyên khai thác lên có giá bán 2 tỷ đồng. Hoạt động sàng tuyển, phân loại, làm giàu sẽ làm tăng giá trị lượng tài nguyên đó lên thành 3 tỷ đồng. Thuế suất thuế tài nguyên tương ứng là 20%.
    • Nếu doanh nghiệp thực hiện việc sàng tuyển, phân loại, làm giàu tại Việt Nam (mà chưa thành sản phẩm khác) thì doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế tài nguyên là: 3 tỷ đồng x 20% = 600 triệu đồng.
    • Nếu doanh nghiệp thực hiện việc sàng tuyển, phân loại, làm giàu tại nước ngoài thì số tiền thuế tài nguyên phải đóng là: 2 tỷ đồng x 20% = 400 triệu đồng.

Kết quả là, doanh nghiệp càng thực hiện việc sàng tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng tại Việt Nam thì càng phải mất nhiều tiền thuế hơn so với thực hiện các công đoạn này ở nước ngoài.

Với những lý do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định theo hướng: Giá tính thuế là giá bán tài nguyên trừ đi tất cả các chi phí sản xuất, chế biến, làm giàu, phân loại, sàng tuyển (nhưng không bao gồm chi phí khai thác).

  1. Giá tính thuế tài nguyên tối thiểu do UBND cấp tỉnh ban hành

Luật Thuế tài nguyên cho phép doanh nghiệp kê khai giá tính thuế nhưng không được thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định. Chính sách này được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng doanh nghiệp khai thác tài nguyên liên kết với bên mua để ghi giá bán tài nguyên trên hoá đơn, chứng từ thấp hơn giá thực tế giao dịch. Về bản chất, đây là hoạt động chuyển giá. Trong giai đoạn trước đây, khi mà pháp luật về chống chuyển giá của Việt Nam chưa hoàn thiện thì việc Nhà nước quy định giá tính thuế tối thiểu có thể tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, từ khi ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì công tác chống chuyển giá của Việt Nam đã được nâng cấp tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước trên thế giới. Do đó, về lâu dài, cần tính đến phương án bỏ cơ chế Nhà nước ban hành giá tính thuế tối thiểu mà nên để doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm. Nhà nước chỉ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện chuyển giá thì xử phạt theo quy định của pháp luật.

Bản chất của thuế tài nguyên được tính trên giá bán tài nguyên là nhằm tạo cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong việc khai thác khoáng sản. Nếu giá khoáng sản trên thị trường tăng thì Nhà nước được hưởng lợi theo đó. Còn nếu giá khoáng sản sụt giảm thì rủi ro này sẽ được Nhà nước chia sẻ một phần do số tiền thu thuế tài nguyên cũng giảm theo tương ứng. Tuy nhiên, cơ chế giá Nhà nước ban hành tính thuế tài nguyên tối thiểu tạo sự bất bình đẳng về rủi ro khi mà giá lên thì Nhà nước được hưởng lợi, nhưng nếu giá giảm thì chỉ có doanh nghiệp chịu thiệt hại.

Hơn nữa, thẩm quyền ban hành giá tính thuế tối thiểu lại thuộc về UBND cấp tính khiến rủi ro này lại càng lớn. So sánh với một yếu tố khác khi tính thuế là thuế suất thì thấy việc quy định thẩm quyền như vậy là chưa phù hợp. Khung thuế suất do Quốc hội quy định còn mức thuế suất cụ thể do UBTVQH xác định. Trong khi giá tính thuế thì do Bộ Tài chính quy định khung và UBND cấp tỉnh xác định mức cụ thể. Sự khác nhau về thẩm quyền đó khiến doanh nghiệp sẽ đối mặt với rủi ro rất lớn khi phải nộp nhiều thuế hơn mà chỉ do chính quyền địa phương thay đổi mức giá tính thuế chứ không phải là UBTVQH thay đổi thuế suất.

Một cách tự nhiên, ngành khoáng sản đã là lĩnh vực kinh doanh có rủi ro rất cao, nhiều dự án đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, thời gian kéo dài. Do đó, việc duy trì một môi trường chính sách thuế ổn định là điều kiện rất quan trọng để có thể thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh doanh bài bản, sử dụng công nghệ cao, thu hồi triệt để tài nguyên. Tuy nhiên, với cơ chế UBND cấp tỉnh ban hành giá tính thuế tối thiểu như hiện nay thì càng làm gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực khoáng sản. Điều này là một phần nguyên nhân khiến cho các dự án khai thác khoáng sản tại Việt Nam thường ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

Theo quy định hiện nay, kể cả trường hợp doanh nghiệp bán được tài nguyên với giá cao hơn giá tính thuế tối thiểu, mà doanh nghiệp thực hiện hoạt động chuyển giá nhằm kê khai giá trên chứng từ chỉ bằng giá tính thuế tối thiểu do UBND cấp tỉnh quy định, thì cơ quan nhà nước cũng không có công cụ để kiểm tra, giám sát.

Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án đưa ra cơ chế chống chuyển giá thuế tài nguyên tương tự như các nguyên tắc tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP như lập hồ sơ báo cáo giao dịch độc lập. Trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn báo cáo chống chuyển giá này thì không nhất thiết phải áp dụng mức giá tối thiểu do UBND cấp tỉnh quy định.

Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 152/2015/TT-BTC. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.