VCCI_Góp ý Thông tư sửa đổi Thông tư về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm
Kính gửi: Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 9484/BTC-QLBH ngày 19/09/2022 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng
Chương II của Dự thảo (từ Điều 3 đến Điều 15) quy định rất nhiều nội dung về việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng. Các nội dung này nhằm quy định chi tiết cho Điều 14 của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, Điều 14 của Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định về các trường hợp được phép cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng (Điều 14.1) và các nghĩa vụ mà tổ chức, cá nhân này phải thực hiện (Điều 14.2). Trong các quy định này, không có quy định nào về nghĩa vụ đăng ký hay xin phép thì mới được cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng. Điều 14.4. của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã cấm việc ban hành thủ tục hành chính tại các thông tư trừ trường hợp được giao trong luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát Chương II của Dự thảo để bảo đảm tính thống nhất với Luật Kinh doanh bảo hiểm.
- Vấn đề cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Thời gian qua, việc các doanh nghiệp bảo hiểm phân phối qua kênh ngân hàng phát triển tương đối mạnh. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân rất chính đáng như hiệu quả của hình thức tư vấn tài chính toàn diện giúp chi phí bán hàng rẻ hơn. Tuy nhiên, tình trạng này cũng nảy sinh một số vấn đề tiêu cực được báo chí phản ánh như (1) ngân hàng yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm như là một điều kiện để được cấp tín dụng; và (2) một số nhân viên ngân hàng tư vấn gây hiểu nhầm cho khách hàng về việc mua bảo hiểm và gửi tiết kiệm. Việc đưa ra quy định để khắc phục các vấn đề này là cần thiết. Tuy nhiên, các nội dung tại Điều 26 của dự thảo chưa thực sự rõ ràng và rất khó để áp dụng trên thực tế. Cụ thể như sau:
- Điều 26.1 quy định về việc phải ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn và lưu trữ trong thời hạn ít nhất 5 năm: các doanh nghiệp không rõ sẽ phải thực hiện ghi âm khi tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua tin nhắn, email sẽ được thực hiện như thế nào.
- Điều 26.2 về việc doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư: việc kiểm tra độc lập sẽ được thực hiện theo hình thức nào (gặp trực tiếp, gọi điện, email, hay tin nhắn…); các nội dung kiểm tra là gì (các câu hỏi nào); việc kiểm tra này có cần lưu lại biên bản, hồ sơ hay ghi âm không?
Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn các nội dung trên để tạo thuận tiện cho quá trình thực hiện.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.