VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết điều kiện chuyển mạng, thủ tục chuyển mạng; quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia chuyển mạng; quy trình kỹ thuật thực hiện chuyển mạng
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về đầu tư, xây dựng trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc
VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật”
Kính gửi: Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 6612/BTP-KTrVB ngày 26/11/2024 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Đề án “Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật” (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến ban đầu như sau:
Việc ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp gửi ý kiến đối với những vướng mắc, bấp cập trong các quy định của pháp luật. Việc ứng dụng này cũng tạo nên sự giao tiếp hiệu quả, minh bạch giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp, đồng thời là kênh giám sát của các đối tượng chịu tác động đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Về cơ bản, doanh nghiệp đánh giá cao và hoan nghênh tinh thần của Đề án.
Tuy vậy, để hoạt động ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về VBQPPL thực sự hiệu quả, việc thiết kế và vận hành cần chú trọng đến tính thân thiện với người dùng, với mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số”. Trên cơ sở đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số nội dung sau:
- Xác định phản ánh, kiến nghị được tiếp nhận
Theo nội dung các bước gửi kiến nghị, phản ánh và xử lý của cơ quan tiếp nhận tại Tờ trình, tổ chức, cá nhân sẽ gửi kiến nghị về các chính sách trong VBQPPL và căn cứ vào thông tin về VBQPPL do tổ chức, cá nhân phản ánh, phần mềm tự động đánh giá, lọc, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất cá nhân, tổ chức lựa chọn cơ quan nhận phản ánh kiến nghị. Trường hợp phát hiện thông tin phản ánh, kiến nghị không đảm báo tính chính xác, phần mềm sẽ loại bỏ/không tiếp nhận phản ánh.
Với nội dung trên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số vấn đề sau:
– Các chính sách trong VBQPPL do tổ chức, cá nhân phản ánh được cụ thể đến đâu? Tức là, các phản ánh này có cần phải xác định chính xác các điều, khoản, điểm trong VBQPPL hay không?
Trên thực tế, không phải doanh nghiệp, cá nhân nào cũng am hiểu về quy định pháp luật và xác định chính xác quy định tại một VBQPPL cụ thể để phán ảnh. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ xác định vấn đề hoặc những điểm vướng trong thực tế hoạt động liên quan đến từng lĩnh vực mà không chỉ ra cụ thể quy định. Các cán bộ tiếp nhận cần phải rà soát để nhận diện các phản ánh của doanh nghiệp, người dân ở trong quy định nào tại VBQPPL cụ thể nào.
Xuất phát từ thực tế này, nếu yêu cầu phải chính xác đến từng điều, khoản, điểm sẽ gây khó cho tổ chức, cá nhân phản ánh.
Đề nghị giải trình rõ hơn về phản ánh, kiến nghị do người dân, doanh nghiệp gửi đến có cần chi tiết đến từng điều khoản điểm của VBQPPL không? Và cần thiết kế, người dân, doanh nghiệp chỉ cần gửi phản ánh, kiến nghị về vấn đề vướng mắc, bất cập trong VBQPPL nào mà không cần chi tiết đến từng điều, khoản, điểm.
– “Trường hợp phát hiện thông tin phản ánh, kiến nghị không đảm bảo tính chính xác, phần mềm sẽ loại bỏ/không tiếp nhận phản ánh”. Cần cung cấp thông tin rõ hơn về tiêu chí xác định như thế nào là “thông tin phản ánh, kiến nghị không đảm bảo chính xác”? Trong trường hợp loại bỏ/không tiếp nhận phản ánh thì cơ chế phản hồi cho người dân, doanh nghiệp gửi như thế nào? Nội dung này cũng được hiểu, những phản ánh, kiến nghị được tiếp nhận là những kiến nghị, phản ánh chính xác, nhưng trong trường hợp khi chuyển đến đơn vị giải quyết và cho ra kết quả là phản ánh, kiến nghị này không chính xác, không phù hợp, không được tiếp thu thì giải quyết như thế nào? Bởi vì, điều này có thể xảy ra, khi những quan điểm khác nhau giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý về một vấn đề.
Tóm lại, đề nghị giải trình rõ hơn về việc xử lý tính chính xác của thông tin phản ánh, kiến nghị ngay ở giai đoạn tiếp nhận để đảm bảo tính minh bạch của quy trình này.
– Về chủ thể lựa chọn cơ quan nhận phản ánh kiến nghị
Theo giải trình tại Tờ trình, căn cứ vào thông tin về VBQPPL do người dân, doanh nghiệp phản ánh, phần mềm tự động sẽ lọc cơ quan chủ trì soạn thảo để đề xuất cá nhân, tổ chức lựa chọn cơ quan nhận phản ánh, kiến nghị. Như vậy, theo quy trình này, cá nhân, tổ chức sẽ phải lựa chọn cơ quan nhận phản ánh, kiến nghị trên cơ sở phần mềm gợi ý. Điều này khiến cho các bước gửi phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trở nên thiếu thuận lợi hơn và quy trình này “ít tự động” hơn. Đề nghị xây dựng theo hướng, khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, phần mềm sẽ tự động phân loại, xác định cơ quan chủ trì và chuyển đến cơ quan có trách nhiệm xử lý, thay vì yêu cầu tổ chức, cá nhân phải làm thêm một bước lựa chọn cơ quan nhận phản ánh, kiến nghị.
- Thời điểm được xem là hoàn thành xử lý phản ánh, kiến nghị
Dự thảo đang chưa làm rõ thời điểm nào được xác định là hoàn thành việc xử lý phản ánh, kiến nghị:
– Cơ quan nhà nước xem xét, xác định phản ánh, kiến nghị là chính xác và sẽ sửa đổi quy định liên quan, gửi phản hồi lại cho tổ chức, cá nhân phản ánh về việc phản ánh, kiến nghị này sẽ được xử lý?
– Cơ quan nhà nước hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định mà tổ chức, cá nhân có phản ánh?
Việc làm rõ thời điểm được xem là hoàn thành xử lý phản ánh, kiến nghị là rất quan trọng. Vì đây là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành của việc tiếp nhận, xử lý vướng mắc, bất cập, cũng là căn cứ để đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức gửi kiến nghị.
Đề nghị làm rõ thời điểm này.
- Cơ chế đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị hiệu quả
Dự thảo đang chưa có nội dung để làm rõ cơ chế đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị hiệu quả. Trong trường hợp, cơ quan nhà nước chậm trễ hoặc không giải quyết phản ánh, kiến nghị, tình trạng nợ đọng VBQPPL cần sửa đổi, bổ sung, thay thế xuất phát từ việc giải quyết kiến nghị … cần có cơ chế để đảm bảo việc thực thi của các cơ quan nhà nước có liên quan.
Để đảm bảo tính hiệu quả của việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị hiệu quả, đề nghị bổ sung cơ chế đảm bảo thực thi của hoạt động này (ví dụ: nêu rõ chủ thể có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, yêu cầu phải thực hiện).
- Cung cấp thông tin
Đối với những thông tin đã được tiếp nhận, xử lý, tổ chức, cá nhân có tiếp cận được nguồn thông tin này không? Việc tra cứu các thông tin này có thể khiến cho việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trở nên minh bạch, và cũng có thể hạn chế tình trạng người dân, doanh nghiệp phản ánh lại những vấn đề đã được giải quyết. Đề nghị làm rõ trong Dự thảo về việc tổng hợp kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thành một thư mục (có thể có phân loại theo lĩnh vực, hoặc cho phép tìm kiếm theo từ khoá) và người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn thông tin này để đảm bảo tính minh bạch, dễ tiếp cận của trang web và thuận tiện cho người dân doanh nghiệp.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Đề án “Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật”. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.