VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng

Thứ Ba 17:31 18-04-2023

Kính gửi: Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 3657/BTC-CST ngày 14/4/2023 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:

VCCI hoàn toàn đồng tình với việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% vào thời điểm này để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và những biến động kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam, việc sử dụng chính sách tài khoá mang tính phổ cập như giảm thuế giá trị gia tăng là rất phù hợp.

VCCI cũng đồng tình với việc giảm thuế đối với toàn bộ các hàng hoá, dịch vụ thay vì chỉ giảm đối với hầu hết hàng hoá dịch vụ như Nghị quyết 43/2022/QH15. Thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 43 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP cho thấy, việc chỉ giảm thuế với một số mặt hàng mà không giảm với một số khác khiến việc kê khai và nộp thuế trở nên vô cùng phức tạp. Các doanh nghiệp và cơ quan thuế, cơ quan hải quan đều lo ngại việc xác định không đúng mặt hàng sẽ dẫn đến nguy cơ bị xử phạt, xử lý kỷ luật sau này. Do đó, việc giảm thuế cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ là hợp lý.

Mặc dù Tờ trình đã đề xuất thời gian áp dụng chính sách này là cho đến hết ngày 31/12/2023, tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết (trong tài liệu đính kèm) chưa có nội dung này. Đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý bổ sung vào Dự thảo.

Dự thảo quy định thời điểm bắt đầu áp dụng chính sách giảm thuế là ngày Nghị quyết này được ban hành. Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng quy định thời điểm áp dụng là từ ngày ban hành (11/01/2022). Khi triển khai, một số doanh nghiệp phản ánh tình trạng họ không cập nhật kịp thời sự thay đổi thuế suất vào ngày 11/01/2022. Nhiều doanh nghiệp đã phải sửa hoá đơn giá trị gia tăng, sửa tờ khai hải quan, điều chỉnh sổ sách kế toán và hoàn trả tiền cho khách hàng khá vất vả. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng, thời điểm có hiệu lực của chính sách này là 01 ngày sau khi ban hành (sẽ ghi ngày cụ thể khi ban hành). Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo chuẩn bị tốt về mặt truyền thông chính sách để bảo đảm doanh nghiệp nhanh chóng kịp thời cập nhật sự thay đổi này, tránh các sai sót không đáng có.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan