VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ (sửa đổi)
Kính gửi: Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 222/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc mời tham gia cuộc họp thẩm định đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
Về cơ bản, Dự thảo đã thể hiện được các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải thể hiện tại Quyết định 1977/QĐ-TTg[1]. Tuy nhiên, để đảm bảo tinh thần cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét mở rộng việc sửa đổi các quy định so với các đề xuất tại Quyết định 1977/QĐ-TTg.
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 125/2018/NĐ-CP, Nghị định 64/2016/ND-CP, Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
a.Về thời hạn giải quyết thủ tục cấp lại Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo
Theo quy định tại khoản 4 Điều 12b, thời hạn giải quyết thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đào tạo trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất, bị hư hỏng là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Đây là thủ tục rất đơn giản vì vậy cần cân nhắc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục từ 07 ngày xuống còn 05 ngày. Đây cũng là thời hạn được đề xuất trong một số thủ tục tương tự trong lĩnh vực giao thông vận tải, cụ thể là lĩnh vực hàng hải – cũng đang được sửa đổi, bổ sung.
b. Về điều kiện của học viên tham gia đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ
Theo quy đinh tại điểm b khoản 2 Điều 12c, học viên phải “có năng lực hành vi dân sự; có đủ sức khỏe”. Đây là điều kiện không cần thiết, vì là đương nhiên. Các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực có nhiều đề xuất cắt giảm dạng điều kiện này. Đề nghị cân nhắc bỏ quy định này tại Dự thảo.
- Về sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe
Điều 3 Dự thảo sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP theo hướng “Có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; …”. Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
- Điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 138/2018/NĐ-CP. Dự thảo sửa đổi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP nhưng không bãi bỏ điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 138/2018/NĐ-CP sẽ tạo ra sự xung đột pháp luật. Đề nghị bỏ quy định tại Nghị định 138/2018/NĐ-CP.
- Quy định trên chưa thống nhất với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP về xe tập lái, cụ thể: điểm a yêu cầu “xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe” trong khi đó điểm b lại yêu cầu xe tập lại “thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe”. Đề nghị xem xét lại trong chính quy định tại khoản 2 về xe tập lái để đảm bảo tính thống nhất.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Quyết định 1977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải