VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại

Thứ Hai 11:55 03-10-2022

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Trả lời Công văn số 5557/BNN-KTHT ngày 22/08/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Quản lý Nhà nước đối với kinh tế trang trại

Mặc dù Nghị định có tên là chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp, nhưng nội dung của Dự thảo không chỉ bao gồm chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế trang trại (tại Chương IV) mà còn có cả các quy định quản lý Nhà nước đối với kinh tế trang trại (tại Chương III). Chương III bao gồm nhiều quy định đặt thêm các rào cản gia nhập thị trường, thủ tục hành chính, giấy phép “con”, nghĩa vụ báo cáo cho hoạt động kinh tế trang trại. Các quy định này dự báo sẽ làm tăng chi phí tuân thủ và rủi ro pháp lý, có thể cản trở việc phát triển kinh tế trang trại tại Việt Nam. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc có một chương về quản lý nhà nước đối với kinh tế trang trại, đặc biệt là các vấn đề mang tính giấy phép, thủ tục, báo cáo (góp ý cụ thể dưới đây).

  1. Các trường hợp phải lập, thẩm định và phê duyệt dự án kinh tế trang trại

Điều 9.1 của Dự thảo quy định các trường hợp các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp phải lập, thẩm định và xin phê duyệt dự án kinh tế trang trại. Nếu đủ điều kiện và thành phần hồ sơ thì UBND cấp huyện sẽ ban hành Quyết định phê duyệt dự án kinh tế trang trại. Quy định này theo chúng tôi là trái luật và không cần thiết.

Quy định này là một dạng điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, trong các ngành nghề kinh tế trang trại, chỉ có chăn nuôi và kinh doanh thuỷ sản được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư – Mục 167, trong đó nuôi trồng thuỷ sản chỉ áp dụng đối với nuôi lồng bè và thuỷ sản chủ lực (cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Các ngành nghề như trồng trọt, lâm nghiệp, làm muối, và nuôi trồng thuỷ sản khác không thuộc danh mục Phụ lục 4 của Luật Đầu tư và vì thế các cá nhân, tổ chức không cần đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như không phải xin phép trước khi thực hiện ở bất kỳ quy mô nào.

Đối với các trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản lồng bè, chủ lực thì giấy phép này này sẽ chồng chéo với các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đã có trong pháp luật về chăn nuôi, thuỷ sản.

Tờ trình của dự thảo chưa thuyết minh rõ lý do vì sao cần có thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án kinh tế trang trại. Điều 7.1 của Luật Đầu tư cũng quy định việc ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh (giấy phép con) chỉ được đặt ra khi thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng. Tờ trình chưa làm rõ việc một cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ở quy mô trang trại thì ảnh hưởng như thế nào đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng đến mức Nhà nước cần phải cấp phép. Lưu ý, cá nhân, tổ chức vẫn phải đáp ứng các quy định về đất đai, xây dựng, đầu tư, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm,… trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Với các lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định về việc phải lập, thảm định và phê duyệt dự án kinh tế trang trại.

  1. Quy định về đất đai, xây dựng

Tờ trình của dự thảo nêu lên một số bất cập như khó khăn trong việc tích tụ, tập trung đất đai nên các trang trại có quy mô đất nhỏ, quy định về mục đích sử dụng đất khiến việc xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản, hệ thống năng lượng mặt trời, phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Điều 10 của Dự thảo đã có quy định về đất đai, xây dựng trong trang trại, gồm các nội dung như tuân thủ quy hoạch, mục đích sử dụng đất, chất lượng công trình, vật liệu xây dựng, diện tích xây dựng, chiều cao công trình…

Tuy nhiên, không rõ các quy định tại Điều 10 sẽ giải quyết như thế nào các vấn đề bất cập trên. Nếu các trang trại vẫn đồng thời phải tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng vừa phải tuân thủ Điều 10 của dự thảo này sẽ tạo thêm nhiều khó khăn, vướng mắc cho quá trình thực hiện. Trong trường hợp dụng ý của cơ quan soạn thảo là các trang trại sẽ được miễn áp dụng các quy định bất hợp lý tại pháp luật về đất đai, xây dựng mà chỉ pháp áp dụng quy định của Nghị định này thì cần nêu rõ tại văn bản. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật và cần được xử lý bằng các kỹ thuật lập pháp.

Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 10 của Dự thảo theo hướng như sau:

  • Rà soát chính xác các quy định pháp luật đang tồn tại trong lĩnh vực xây dựng, đất đai gây ra vướng mắc cho các trang trại hiện nay, ví dụ như quy định về mục đích sử dụng đất tại Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn, quy định về giấy phép xây dựng tại Luật Xây dựng và văn bản hướng dẫn…
  • Phân loại các quy định gây vướng mắc trên theo cấp văn bản, gồm: cấp trên nghị định (luật, nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH), cấp nghị định và các văn bản thấp hơn (quyết định của Thủ tướng, Thông tư…).
  • Đối với các vấn đề thuộc cấp trên Nghị định thì chưa xử lý ngay mà kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
  • Đối với các vấn đề thuộc cấp nghị định và thấp hơn thì xử lý chồng chéo pháp luật bằng một trong hai cách sau:
    • Dùng Nghị định này để sửa đổi các Nghị định khác trong lĩnh vực đất đai, xây dựng theo hình thức một Nghị định sửa nhiều Nghị định.
    • Quy định nguyên tắc ưu tiên áp dụng Nghị định này nếu có mâu thuẫn, xung đột với pháp luật về đất đai, xây dựng.
  1. Kê khai thông tin và chế độ báo cáo

Điều 11 của Dự thảo quy định về nghĩa vụ kê khai thông tin của các chủ trang trại lần đầu và hàng năm. Việc này sẽ đặt thêm nghĩa vụ pháp lý cho các trang trại và đi kèm với đó sẽ là các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trang trại không hoặc chậm thực hiện việc kê khai. Quy định này được suy đoán là nhằm cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cách thức thu thập thông tin này tiện cho các cơ quan nhà nước và đẩy cái khó về cho người dân. Trong khi đó, với tinh thần khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh phương thức thu thập thông tin theo hướng cán bộ nông nghiệp cấp xã, huyện chủ động liên hệ với chủ trang trại (qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp) để thu thập thông tin. Phương pháp triển khai có thể áp dụng Điều 30.1.b, Điều 30.2.a và các quy định khác của Luật Thống kê.

  1. Điều kiện hỗ trợ

Điều 15.1.c của Dự thảo quy định trang trại muốn được hỗ trợ phải có giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng các trang trại muốn được hỗ trợ phải làm thủ tục xếp hàng, tức là phải đợi làm xong thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại rồi lại làm tiếp thủ tục xin hỗ trợ. Điều này sẽ làm kéo dài thời gian, tăng tính phức tạp của thủ tục hành chính và sẽ làm giảm tỷ lệ trang trại thuộc diện được hỗ trợ nhưng không thực hiện vì vướng mắc về thủ tục hành chính. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng trang trại có thể làm trực tiếp thủ tục xin hỗ trợ mà không cần phải đăng ký trang trại, miễn là vẫn đáp ứng các điều kiện về trang trại.

  1. Nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ và thủ tục hỗ trợ

Điều 15.2.c của dự thảo quy định theo hướng: trong trường hợp có nhiều trang trại đề nghị hỗ trợ thì ưu tiên các trang trại sản xuất quy mô lớn có hiệu quả trong nhiều năm; sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao; có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đây đều là các chỉ tiêu chung chung, định tính và chắc chắn sẽ dẫn đến cơ chế “xin-cho”, thậm chí là nguy cơ tham nhũng tiêu cực trong quá trình áp dụng.

Điều 16 của Dự thảo thiết kế thủ tục hỗ trợ theo các bước như sau:

  • UBND cấp huyện thông báo dự kiến danh mục hỗ trợ và gửi cho UBND cấp xã;
  • UBND cấp xã thông báo cho trang trại trên địa bàn;
  • Chủ trang trại làm đơn đề nghị hỗ trợ gửi UBND cấp huyện;
  • UBND cấp huyện lập danh mục đề nghị hỗ trợ hàng năm gửi UBND cấp tỉnh;
  • UBND cấp tỉnh phê duyệt ngân sách hỗ trợ gửi cho UBND cấp huyện;
  • UBND cấp huyện rà soát, ra quyết định phê duyệt danh mục hỗ trợ;
  • Chủ trang trại lại tiếp tục làm hồ sơ gửi UBND cấp huyện;
  • UBND cấp huyện thẩm định hồ sơ và phê duyệt chính sách hỗ trợ cho trang trại;
  • UBND cấp huyện thông báo quyết định cho chủ trang trại và phòng ban liên quan;
  • Chủ trang trại làm đề nghị thanh toán gửi kho bạc Nhà nước;
  • Phòng chuyên môn hướng dẫn chủ trang trại lập hồ sơ trình đối với chính sách hỗ trợ yêu cầu trình tự, thủ tục riêng (hiện dự thảo chưa có quy định rõ trình tự thủ tục riêng này sẽ như thế nào).

Đây là một trình tự thủ tục quá dài, đầy rủi ro cho các chủ trang trại và trao quyền tuỳ nghi quá lớn cho các cơ quan nhà nước. Đứng từ góc độ chủ trang trại, khi phải thực hiện quá nhiều thủ tục, thời gian kéo dài, chờ đợi nhiều cơ quan cho ý kiến quyết định và có thể bị chậm trễ, gây khó dễ hoặc bị từ chối ở bất kỳ khâu nào, sẽ có rất ít chủ trang trại muốn tham gia.

Thực tế nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong các lĩnh vực khác cho thấy, hai vấn đề thường gặp dẫn đến sự không hiệu quả của các khoản hỗ trợ là (1) sự thiếu minh bạch của tiêu chí hỗ trợ, cơ chế xin cho khiến cho các nguồn lực của Nhà nước bị lãng phí hoặc thất thoát; (2) trình tự thủ tục quá phức tạp làm nản lòng người đáng được hỗ trợ.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo Điều 15 và 16 của dự thảo theo hướng:

  • Tiêu chí trang trại được hỗ trợ phải khách quan, minh bạch và định lượng.
  • Thủ tục hỗ trợ đơn giản, thời gian ngắn, bảo đảm chủ trang trại chỉ cần đáp ứng đúng điều kiện là chắc chắn được hỗ trợ.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.