VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư và Mẫu hợp đồng dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao thuộc lĩnh vực giao thông vận tải
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về quản lý thuế và hóa đơn, chứng từ
Kính gửi: Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính,
Trả lời Công văn số 1382/BTC-TCT ngày 14/02/2022 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Trách nhiệm nộp thuế thay cho người bán của sàn thương mại điện tử
Điều 1.2 Dự thảo quy định các sàn thương mại điện tử (sàn TMĐT) có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên sàn. Quy định này cần được xem xét ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, quy định này yêu cầu các sàn TMĐT thực hiện khấu trừ thuế từ thu nhập kinh doanh của người bán là cá nhân trên sàn. Tuy nhiên, việc này dường như chưa phù hợp với quy định pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, vốn quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế của thu nhập từ kinh doanh thuộc về cá nhân kinh doanh. Cụ thể, Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân chỉ quy định hai chủ thể có trách nhiệm thực hiện việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân, gồm: (i) tổ chức, cá nhân trả thu nhập; (ii) cá nhân có thu nhập chịu thuế. Điều 29 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định người nộp thuế trực tiếp khai thuế, nộp thuế với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân cư trú với cơ quan Thuế. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính thống nhất của quy định này với hệ thống pháp luật hiện tại.
Thứ hai, quy định yêu cầu các sàn TMĐT có trách nhiệm đại diện cho người bán kê khai, nộp thuế thay. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các nội dung sau:
- Căn cứ phát sinh trách nhiệm đại diện: Không rõ trách nhiệm đại diện được phát sinh theo căn cứ nào, có cần trình tự, thủ tục nào hay không? Lý do là vì Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định 2 trường hợp căn cứ xác lập quyền đại diện, gồm: (i) đại diện theo pháp luật (gồm đại diện của cá nhân trong 1 số trường hợp đặc biệt; đại diện của pháp nhân); (ii) đại diện theo uỷ quyền;
- Phạm vi trách nhiệm đại diện: Không rõ phạm vi đại diện trong việc kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT bao gồm những trách nhiệm nào, có bao gồm quyết toán, hoàn thuế hay không?
Thứ ba, quy định này có nguy cơ tạo ra nhiều phương pháp thu thuế trùng lặp nhau. Trên thực tế, hiện nay có nhiều hộ, cá nhân kinh doanh vừa kinh doanh tại chỗ (offline) vừa kinh doanh online trên nền tảng thương mại điện tử, chẳng hạn như các cửa hàng ăn uống, cà phê hoặc kinh doanh lưu trú…Khi kinh doanh trên thương mại điện tử, cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp riêng thuế cho phần doanh thu này (do sàn TMĐT khấu trừ). Tuy nhiên, đồng thời, cá nhân kinh doanh đã phải nộp thuế theo phương pháp khoán. Việc xác định thuế khoán (khi thực hiện ấn định thuế) sẽ thực hiện thông qua việc khảo sát của cơ quan thuế, chẳng hạn như số lượng khách trong một ngày của quán, số lượng nhân viên… Việc tách riêng phần doanh thu từ kinh doanh online với phần doanh thu từ kinh doanh offline sẽ trở nên khó khăn do việc kinh doanh được thực hiện tại cùng một địa điểm. Liệu có xảy ra vấn đề liệu có xuất hiện chồng lấn khi thu thuế hình thức kinh doanh này hay không? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, làm rõ phạm vi, cách thức thực hiện của các phương pháp trên.
Thứ tư, quy định này có thể tạo ra các ảnh hưởng bất cân xứng lên các chủ thể liên quan trong hoạt động thương mại điện tử, chẳng hạn:
- Sàn TMĐT và mạng xã hội: Quy định này dự kiến sẽ gây nên gánh nặng tuân thủ lên sàn TMĐT trong việc nộp thuế cho người bán trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các mạng xã hội dự kiến sẽ không thuộc đối tượng thực hiện nghĩa vụ. Cần lưu ý rằng thương mại điện tử qua mạng xã hội cũng tương đối phát triển. Theo Báo cáo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, khoảng 57% người được khảo sát cho biết họ có thực hiện mua sắm qua diễn đàn, mạng xã hội, tương đương tỷ lệ mua sắm trên sàn giao dịch TMĐT.
- Sàn TMĐT trong nước và sàn TMĐT cung cấp dịch vụ xuyên biên giới: Không rõ quy định này có áp dụng không và áp dụng như thế nào với các sàn TMĐT cung cấp dịch vụ xuyên biên giới? Nếu quy định này chỉ áp dụng được với các sàn TMĐT trong nước, đây có thể là một rào cản “bảo hộ ngược”, gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp nội địa;
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá các tác động, ảnh hưởng của quy định này lên các nhóm đối tượng liên quan và ảnh hưởng lên cạnh tranh trong ngành thương mại điện tử.
- Trách nhiệm cung cấp thông tin của sàn thương mại điện tử
Điều 1.7 Dự thảo (bổ sung Điều 27.8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) quy định sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin của người bán trên sàn. Tuy nhiên, quy định này cần được cân nhắc ở một số điểm như sau:
Thứ nhất, một trong các thông tin sàn TMĐT cần cung cấp là mã số thuế. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quan ngại rằng liệu họ có phải chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp cho cơ quan thuế hay không. Lý do là Điều 37.1 Nghị định 52/2013/NĐ-CP có yêu cầu người bán cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin này. Cùng với đó, Điều 36.3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP chỉ quy định trách nhiệm của các sàn TMĐT yêu cầu người bán cung cấp thông tin. Trong tình huống như vậy, các sàn TMĐT khó có thể đảm bảo tính chính xác của toàn bộ dữ liệu về mã số thuế đã thu thập. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
Thứ hai, một thông tin khác mà sàn TMĐT cần cung cấp là doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến. Doanh thu bán hàng có thể được căn cứ theo định nghĩa tại Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC.[1] Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, định nghĩa về doanh thu như vậy quá phức tạp và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tổng hợp thông tin, đặc biệt doanh thu liên quan đến các chương trình khuyến mại, hỗ trợ được thực hiện cùng lúc từ nhiều phía (từ người bán, từ sàn TMĐT, hoặc chương trình kết hợp giữa hai bên, vốn được thực hiện rất thường xuyên để thu hút người dùng). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh lại quy định này, theo hướng đơn giản hoá cách tính doanh thu của người bán trên sàn.
Thứ ba, Dự thảo chưa có các quy định về bảo mật thông tin được cung cấp. Việc lộ, lọt thông tin sẽ gây tổn thất lớn với các sàn, đặc biệt nếu trường hợp các đối thủ khác có thể nắm được các dữ liệu này. Trong đó, việc xác định nguồn rò rỉ dữ liệu là công đoạn rất quan trọng để xác định yếu tố lỗi trong vụ việc lộ, lọt thông tin. Vấn đề này đã được trình bày tại Công văn 1904/PTM-PC ngày 12/11/2021 của VCCI. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cơ chế xác định lỗi khi phát hiện trường hợp lộ, lọt dữ liệu.
- Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Điều 1.3 Dự thảo đã sửa đổi quy định tại Điều 8.6.b Nghị định 126/2020/NĐ-CP về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khi thực hiện. Theo đó, quy định này sẽ cho phép doanh nghiệp được tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của 4 quý không thấp hơn 80% số thuế phải nộp theo quyết toán năm.
Tuy nhiên, đoạn 4 Điều 8.6.b (sửa đổi) quy định thời gian tính tiền chậm nộp còn chưa phù hợp với Luật Quản lý thuế. Cụ thể, thời gian tính tiền chậm nộp theo Dự thảo được tính từ ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp quý 04 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Điều 59.2.b Luật Quản lý thuế quy định thời gian tính tiền chậm nộp được tính từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế chuyển vào ngân sách nhà nước. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp.
- Kê khai, nộp thuế thay với hoạt động khai thác tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng
Điều 7.5.b Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay với hoạt động khai thác tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức được tổ chức tín dụng uỷ quyền khai thác tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định như vậy chưa rõ ràng và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp có tài sản bảo đảm tại tổ chức tín dụng thực hiện kê khai, tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp doanh thu trừ (-) chi phí. Việc kê khai, nộp thuế thay trong trường hợp này phát sinh vấn đề như sau:
- Với các tổ chức tín dụng: Tổ chức tín dụng không thể xác định được khoảng chi phí liên quan đến tài sản bảo đảm để tính toán mức thu nhập chịu thuế theo công thức doanh thu trừ chi phí;
- Với doanh nghiệp có tài sản bảo đảm: doanh nghiệp thực hiện kê khai và tính toán với khoản chi phí được trừ liên quan đến tài sản đảm bảo như thế nào và có được tính vào chi phí được trừ hay không;
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn, làm rõ quy định này.
- Điều chỉnh hoá đơn trong trường hợp đặc thù
Nghị định 123/2020/NĐ-CP hiện chỉ có quy định về điều chỉnh hoá đơn trong trường hợp có sai sót (Điều 19, 20). Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, thực tế còn có một số trường hợp đặc thù cần điều chỉnh hoá đơn, chẳng hạn hoàn phí dịch vụ khi đạt được một số tiêu chí nhất định. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải hạch toán giảm doanh thu đối với phần phí giảm cho khách hàng và xuất hoá đơn tương ứng để phản ánh việc giảm thu nhập của ngân hàng và giảm chi phí của khách hàng. Tuy nhiên, Nghị định chưa có quy định xử lý vấn đề này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định xử lý trường hợp này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.