VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về quản lý và sử dụng pháo

Thứ Năm 12:57 27-04-2023

Kính gửi: Bộ Công an

Trả lời Công văn số 1033/BCA-C06 của Bộ Công an đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về quản lý và sử dụng pháo (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

I. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 1 Dự thảo)

  1. Điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ (khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định 96/2016/NĐ-CP)

Dự thảo quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng điều kiện “người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đảm bảo trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: …”.

Yêu cầu thời gian 05 liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị xử phạt vi phạm hành chính cần được cân nhắc, xem xét lại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính “cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác … mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”. Yêu cầu thời gian 05 liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị xử phạt vi phạm hành chính sẽ không có ý nghĩa, vì sau 01 năm kể từ thời điểm chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân bị xử phạt được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh, trong nhiều trường hợp, đương nhiên là được xem không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định trên theo hướng giảm thời gian từ 05 năm xuống còn 01 năm, tức là “người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đảm bảo trong thời gian 01 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: …”.

  1. Về hủy giá trị sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (khoản 3 Điều 1 bổ sung Điều 18a Nghị định 96/2016/NĐ-CP)

Dự thảo bổ sung quy định về các trường hợp hủy giá trị sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, theo đó các trường hợp bị hủy giá trị sử dụng là “Bị mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 96/2016/NĐ-CP Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được cấp lại trong trường hợp bị mất. Giấy chứng nhận được cấp lại sẽ có nội dung tương tự như Giấy chứng nhận đã mất. Như vậy, Giấy chứng nhận này vẫn còn giá trị sử dụng. Việc hủy giá trị Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong trường hợp mất là chưa hợp lý và ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18a.

  1. Bổ sung bãi bỏ, sửa đổi một số quy định Nghị định 96/2016/NĐ-CP

Tờ trình giải trình một số sửa đổi, bổ sung quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính về cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (Điều 19, 20, 23). Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa thể hiện nội dung theo giải trình trên, cụ thể:

  • Tờ trình có nội dung bãi bỏ “yêu cầu nộp “Bản sao hợp lệ một trong các loại vặn bản sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, …”.

Tuy nhiên, Dự thảo vẫn giữ nguyên khoản 2 Điều 19 Nghị định 96/2016/NĐ-CP yêu cầu bản sao hợp lệ “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp có thu;” trong hồ sơ cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng chung đối với các ngành nghề.

Để đảm bảo phù hợp với nội dung giải trình, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

  • Tờ trình có nội dung bãi bỏ quy định nộp “Bản khai lý lịch kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh”

Tuy nhiên, điểm b khoản 4 Điều 1 Dự thảo vẫn yêu cầu trong hồ sơ cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải có “bản khai lý lịch” kèm theo “Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự” của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải đính kèm “Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự” của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Dự thảo.

II. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu (Điều 2 Dự thảo)

  1. Về sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị đăng ký lại mẫu con dấu (khoản 4 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định 99/2016/NĐ-CP)

Dự thảo quy định hồ sơ của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước nộp trong trường hợp bị mất con dấu phải có “Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu được cấp trước đó”.

Đây là tài liệu cơ quan cấp con dấu đã có, vì vậy theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng không yêu cầu phải cung cấp loại tài liệu này trong hồ sơ.

  1. Về sửa đổi trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng con dấu (khoản 7 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 24 Nghị định 99/2016/NĐ-CP)

Dự thảo sửa đổi quy định theo hướng, cơ quan, tổ chức bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động phải có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký mẫu con dấu, trong đó nêu rõ lý do và cử người đến nộp con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó.

Theo quy định tại Nghị định 99/2016/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức thực hiện nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp. Dự thảo bổ sung thêm quy định phải có “văn bản đề nghị cơ quan đăng mẫu con dấu”. Như vậy, so với quy định hiện hành thì thủ tục này là kém thuận lợi hơn. Đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên như quy định hiện hành.

III. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý và sử dụng pháo (Điều 3 Dự thảo)

Về thời gian giải quyết thủ tục

Theo nội dung tại Tờ trình, Dự thảo sẽ giảm thời hạn giải quyết các thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ (Điều 10); cấp giấy phép vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ (Điều 13); cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa (Điều 15) từ “05 ngày làm việc” xuống “03 ngày làm việc”. Điều chỉnh này sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục.

Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa thể hiện dược như nội dung giải trình tại Tờ trình, tại các khoản 1, 2 Điều 3 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 10, 15 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, thời gian giải quyết thủ tục hành chính vẫn là “05 ngày làm việc”. Dự thảo không có quy định sửa đổi về thời gian cấp giấy phép vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo nổ tại Điều 13.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh giảm thời gian giải quyết thủ tục tại các Điều 10, 13, 15 Nghị định 137/2020/NĐ-CP từ “05 ngày làm việc” xuống “03 ngày làm việc” như diễn giải tại nội dung của Tờ trình.

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về quản lý và sử dụng pháo. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.