VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông

Thứ Sáu 11:30 25-01-2019

Kính gửi: Cục Viễn Thông – Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 3530/BTTTT-CVT ngày 18/10/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể trên thị trường dịch vụ thông tin di động mặt đất

Điều 11b.2.c có quy định doanh nghiệp được coi là có sức mạnh thị trường đáng kể trên thị trường dịch vụ thông tin di động mặt đất khi “được cấp giấy phép sử dụng các băng tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bố”. Quy định này chưa thực sự minh bạch do không có tiêu chí định lượng để xác định. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này ra khỏi dự thảo.

  1. Cung cấp và lưu giữ thông tin thuê bao của tổ chức

Các quy định tại Điều 15 của Dự thảo liên quan đến đăng ký thuê bao và lưu giữ thông tin thuê bao của tổ chức hiện tương đối phức tạp, chưa thực sự tạo thuận lợi. Điều 15.1.b yêu cầu các doanh nghiệp khi đăng ký thuê bao phải gửi kèm (1) danh sách các cá nhân thuộc tổ chức được giao sử dụng dịch vụ viễn thông; (2) bản chính giấy tờ tuỳ thân của từng cá nhân. Các thông tin này sẽ được lưu giữ tại doanh nghiệp viễn thông và phải được cập nhật khi có thay đổi.

Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi đăng ký thuê bao, bởi không phải trường hợp nào các doanh nghiệp cũng xác định được người sẽ sử dụng số thuê bao đó. Hơn nữa, nhiều trường hợp doanh nghiệp thường xuyên thay đổi nhân sự, dẫn đến việc phải thường xuyên cập nhật, thay đổi thông tin chủ thuê bao. Chính sự khó khăn này khiến cho nhiều doanh nghiệp đăng ký thuê bao dưới hình thức cá nhân. Đến khi có sự thay đổi về công việc (chấm dứt hợp đồng lao động) gây ra một số tranh chấp không đáng có.

Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, đơn giản hoá thông tin khi đăng ký và lưu giữ đối với các tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể, bỏ việc doanh nghiệp phải đăng ký thông tin cá nhân trực tiếp sử dụng thuê bao, mà chỉ cần thông tin trong đăng ký doanh nghiệp là đủ.

  1. Điều kiện và thủ tục cấp giấy phép viễn thông

Từ Điều 19, Điều 20, Điều 21 của Nghị định 25 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông, gồm 2 điều kiện chính là (1) vốn pháp định và (2) cam kết số tiền đầu tư. Điều 23 của Nghị định 25 quy định về thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông thì ngoài văn bản xác nhận vốn pháp định và văn bản cam kết số tiền đầu tư, còn yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm kế hoạch kinh doanh và kế hoạch kỹ thuật. Trong đó, nội dung kế hoạch kinh doanh gồm: dự báo, phân tích thị trường, phương án kinh doanh, doanh thu, phân bổ kinh phí đầu tư từng năm, phương án huy động vốn, nhân lực, giá cước, biện pháp bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi doanh nghiệp ngừng hoạt động. Kế hoạch kỹ thuật gồm cấu hình mạng lưới, thiết bị, phân tích năng lực mạng lưới, thiết bị, dung lượng các đường truyền dẫn, công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, kết nối viễn thông, phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ…

Quy định như vậy vừa can thiệp quá mức vào thị trường vừa thiếu minh bạch, dễ dẫn đến nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể:

  • Can thiệp quá mức: nhà nước không nên và cũng không cần thiết can thiệp vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định như vậy có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị từ chối cấp phép khi mà cơ quan nhà nước cho rằng doanh nghiệp dự báo thị trường không chính xác, kế hoạch kinh doanh không khả thi, phương án huy động vốn không hiệu quả… Đây thuần tuý là những vấn đề thuộc về quyền tự quyết của doanh nghiệp. Hơn nữa, các quy định này không tuân thủ Điều 7.1 của Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh chỉ đặt ra “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
  • Không minh bạch: hiện pháp luật không có quy định về việc cơ quan quản lý sẽ dựa vào căn cứ, yếu tố nào để đánh giá kế hoạch kinh doanh và kế hoạch kỹ thuật của doanh nghiệp. Như vậy, có thể dẫn đến khả năng doanh nghiệp cho rằng kế hoạch của mình là phù hợp nhưng cơ quan nhà nước lại cho rằng không. Điều này dẫn đến nguy cơ tranh chấp trong quá trình thực thi pháp luật, thậm chí còn có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về việc yêu cầu doanh nghiệp phải nộp kế hoạch kinh doanh, kế hoạch kỹ thuật. Trong trường hợp chứng minh được sự cần thiết của việc phải kiểm soát các nguy cơ như mất an toàn thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có thể yêu cầu doanh nghiệp phải khai báo nhưng cần có quy định điều kiện và quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng để bảo đảm tính minh bạch.

  1. Cam kết đầu tư và bảo đảm thực hiện giấy phép

Các Điều 19, 20, 21 của Nghị định 25 yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết đầu tư với số tiền rất lớn, với các mức từ 15 tỷ, 100 tỷ, 300 tỷ, 1000 tỷ, 3000 tỷ, 7500 tỷ đồng tuỳ các loại dịch vụ và mốc thời gian đầu tư. Tuy nhiên, Điều 22.2 của dự thảo lại đang quy định theo hướng doanh nghiệp có quyền xin điều chỉnh cam kết và được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận. Quy định này không rõ ràng, không rõ cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào đâu để cho phép hay không cho phép doanh nghiệp điều chỉnh cam kết. Quy định này cho thấy, yêu cầu doanh nghiệp cam kết số tiền đầu tư là một biện pháp không khả thi. Yêu cầu này cũng không rõ là nhằm bảo vệ lợi ích công cộng nào theo Điều 7.1 Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh chỉ đặt ra “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết mức vốn đầu tư.

  1. Nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông

Điều 23.5 của Nghị định 25 quy định giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông có nội dung: “Các điều khoản, điều kiện doanh nghiệp phải tuân thủ khi thiết lập mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông”. Nếu việc ghi nội dung này vào giấy phép chỉ mang tính chép lại quy định pháp luật để nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu việc ghi nội dung này vào giấy phép là do cơ quan cấp phép tự đặt ra thì không phù hợp. Điều này sẽ tạo ra sự tuỳ nghi trong quá trình áp dụng pháp luật, trao quyền quá lớn cho cơ quan cấp phép. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng: các nghĩa vụ của doanh nghiệp được ghi trong giấy phép không vượt quá các quy định của pháp luật.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.