VCCI_Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

Thứ Ba 11:09 12-02-2019

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời Công văn số 363/BKHĐT-PC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến sơ bộ như sau:

I. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư

  1. Về bổ sung quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (khoản 2 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 7 Luật Đầu tư)

Dự thảo bổ sung khoản 4a về các nội dung bắt buộc phải có khi quy định về điều kiện kinh doanh, trong đó có:

  • Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính để thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh (điểm đ khoản 4a);
  • Thời hạn có hiệu lực của điều kiện đầu tư kinh doanh (điểm g khoản 4a)

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định trên ở một số vấn đề sau:

  • Về nội dung phải có thủ tục hành chính:

Theo quy định của Luật Đầu tư thì có hai nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện: (1) nhóm thứ nhất là giấy phép kinh doanh – tiền kiểm (doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động và phải được cấp phép trước khi hoạt động); (2) nhóm thứ hai là các điều kiện kinh doanh không cần giấy phép – hậu kiểm (doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động nhưng không phải xin cấp phép trước khi hoạt động).

Như vậy, thủ tục hành chính (hồ sơ, trình tự để cấp phép) chỉ áp dụng cho trường hợp (1) mà không áp dụng đối với trường hợp (2) bởi trong trường hợp này doanh nghiệp chỉ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh là có thể tiến hành hoạt động kinh doanh bình thường mà không phải thực hiện bất kì thủ tục hành chính nào liên quan tới điều kiện kinh doanh (việc quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng hậu kiểm sẽ theo các thủ tục thanh tra, kiểm tra).

Vì vậy, quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính là không thích hợp với trường hợp điều kiện kinh doanh không cần giấy phép.

  • Về thời hạn có hiệu lực của điều kiện đầu tư kinh doanh

Quy định này có thể dẫn tới 02 cách hiểu:

  • Các điều kiện đầu tư kinh doanh mà pháp luật quy định sẽ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định, hết thời hạn này thì không còn các điều kiện đó nữa (và nếu không có văn bản quy định tiếp theo về các điều kiện kinh doanh này, ngành nghề kinh doanh liên quan từ loại ngành nghề có điều kiện sẽ chuyển sang ngành, nghề kinh doanh thông thường
  • Việc công nhận doanh nghiệp đáp ứng điều kiện kinh doanh và được phép hoạt động chỉ là có thời hạn – hết thời hạn đó doanh nghiệp phải xin cấp phép lại.

Xét về tính chất thì cả 2 cách hiểu này đều đang có vấn đề.

Đối với cách hiểu (1): Về mặt tính chất thì cách hiểu này có thể là hợp lý (điều kiện kinh doanh được xác định cho một ngành nghề kinh doanh tùy thuộc theo mức độ ảnh hưởng/tác động tới lợi ích công cộng của ngành nghề đó trong từng thời kỳ; vì vậy các điều kiện kinh doanh cụ thể có thể chỉ thích hợp cho một giai đoạn nhất định, có thể phải sửa đổi bổ sung hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn trong giai đoạn khác). Tuy nhiên, về mặt logic thì rất hiếm trường hợp có thể nhận biết ngay từ đầu khoảng thời gian thích hợp cho một điều kiện kinh doanh cụ thể để xác định thời hạn hiệu lực. Về pháp lý, thì đối với các trường hợp này, khi cần thiết phải thay đổi điều kiện kinh doanh (sửa đổi, bãi bỏ) thì cơ quan có thẩm quyền đơn giản là ban hành quy định sửa đổi, bãi bỏ, vào bất kỳ thời điểm nào phù hợp.

Đối với cách hiểu (2), đây thực chất là thời hạn của Giấy phép kinh doanh (áp dụng cho trường hợp điều kiện kinh doanh là tiền kiểm thông qua Giấy phép). Về mặt hình thức, quy định về thời hạn có hiệu lực của Giấy phép có thể là hợp lý trong một số rất ít các trường hợp (ví dụ nếu điều kiện giấy phép gắn với các yếu tố về bản chất là không thể ổn định, luôn thay đổi theo thời gian, ví dụ sức khỏe con người); tuy nhiên trong phần lớn các trường hợp thì quy định thời hạn là bất hợp lý và không cần thiết, tạo thêm thủ tục cho doanh nghiệp mà không nhằm bảo vệ lợi ích công cộng nào (bởi với Giấy phép đã được cấp trước đó, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, tất nhiên vẫn bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định – bởi nếu không bảo đảm thì bằng các thủ tục hậu kiểm thanh tra – kiểm tra doanh nghiệp đã bị xử lý, thậm chí có thể bị rút Giấy phép rồi).

Tóm lại, việc xác định các nội dung cần phải có của điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ tạo ra sự minh bạch của quy định, tuy nhiên yêu cầu bắt buộc phải có hai nội dung trên có thể là chưa phù hợp với tất cả các trường hợp và dẫn tới một số bất cập khi triển khai thực hiện.

 

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định này theo hướng:

  • Đối với quy định về hồ sơ trình tự, thủ tục (điểm đ khoản 4a Điều 7): bổ sung cụm từ “đối với trường hợp điều kiện kinh doanh có giấy phép”
  • Bỏ quy định tại điểm g khoản 4a Điều 7 (về thời hạn có hiệu lực)
  1. Về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
    • Về sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 8 Luật đầu tư)

Theo quy định thì Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Danh mục) được quy định tại Phụ lục 4 của Luật đầu tư (khoản 2 Điều 7 Luật đầu tư). Danh mục sẽ được sửa đổi, bổ sung trong từng thời kỳ do Chính phủ rà soát và trình Quốc hội (Điều 8). Quy định này được thiết kế với mục tiêu hạn chế tình trạng ban hành mới các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong các các lĩnh vực chuyên ngành một cách không thể kiểm soát – với cách hiểu là chỉ đối vớicác ngành, nghề đầu tư kinh doanh có trong Danh mục mới có thể quy định điều kiện kinh doanh .

Trên thực tế, nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành trong các Luật ban hành sau Luật Đầu tư, vì vậy nằm ngoài Danh mục. Sau một thời gian, các ngành nghề này được bổ sung vào Danh mục sau với lý do là “đã được quy định trong Luật A …”. Như vậy, với thực trạng này thì mục tiêu quy định Danh mục này trong Luật đầu tư sẽ trở nên ít ý nghĩa.

Hiện Dự thảo Luật sửa đổi lại chưa có quy định nào để giải quyết tình trạng “gián tiếp vô hiệu hóa” Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Về mặt pháp lý, sở dĩ tình trạng này có thể tồn tại là do quy định tại Luật đầu tư chưa làm rõ được mối quan hệ giữa Luật đầu tư và các Luật ban hành sau về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ít nhất là ở các điểm:

  • Thời điểm sửa đổi Danh mục trong Luật đầu tư với thời điểm ban hành Luật có ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới;
  • Cơ chế kiểm soát việc ban hành mới các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, để đảm bảo các ngành, nghề này phù hợp với tính chất quy định tại Điều 7 Luật đầu tư

Do đó, để giải quyết vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Dự thảo các quy định làm rõ ít nhất các nội dung trên tại Điều 8 Luật đầu tư.

  • Về bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Dự thảo bổ sung thêm 3 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới là “tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp”; “đăng kiểm tàu cá”; “kinh doanh sản phẩm báo chí” với lý do là thống nhất với các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Việc bổ sung thêm các ngành, nghề kinh doanh này cần được xem xét ở một số vấn đề sau:

  • Với tư cách là luật gốc quy định về điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì việc xem xét để bổ sung hay bãi bỏ một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cần được dựa vào vào tiêu chí quy định tại Điều 7 Luật đầu tư, chứ không phải là vì các ngành, nghề này đã có trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, lý do để bổ sung các ngành, nghề này cần được đánh giá, giải trình lại theo hướng có phù hợp với Điều 7 Luật đầu tư (liên quan tới các lợi ích công cộng cần bảo vệ) hay không;
  • Về “kinh doanh sản phẩm báo chí”:

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật báo chí 2016 thì “sản phẩm báo chí là ấn phẩm, phụ trương của báo in; nội dung hoàn chính của báo điện tử; bản tin thông tấn; kênh phát thanh, kênh truyền hình; chuyên trang của báo điện tử”.

“Kinh doanh sản phẩm báo chí” sẽ là hoạt động kinh doanh với phạm vi rất rộng liên quan đến các sản phẩm trên và có sự chồng lấn với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác, ví dụ: “kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”; “kinh doanh dịch vụ phát hành xuất bản phẩm”; “kinh doanh dịch vụ mạng xã hội”; “kinh doanh dịch vụ thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp”; … và có khả năng bao gồm với cả những hoạt động kinh doanh không nhất thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh (ví dụ: buôn bán các loại ấn phẩm …).

Mặt khác, “kinh doanh sản phẩm báo chí” là khái niệm không được nhắc đến trong Luật báo chí, vì vậy không rõ hoạt động kinh doanh này như thế nào? Các điều kiện kinh doanh áp dụng ra sao?

Tóm lại, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Đánh giá và giải trình lại các lý do, căn cứ để bổ sung các ngành, nghề kinh doanh mới trong Danh mục;
  • Bỏ “Kinh doanh sản phẩm báo chí” ra khỏi Danh mục
  1. Về việc sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (khoản 11 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 31 Luật đầu tư)

Dự thảo sửa đổi về các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ trong đó có quy định “tùy thuộc mục tiêu, tính chất, quy mô của dự án và điều kiện kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Bộ, ngành, địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư” đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.

Quy định này là chưa rõ ở ít nhất một số điểm:

  • Tiêu chí nào để Thủ tướng Chính phủ phân cấp thẩm quyền cho Bộ, ngành, địa phương? (chú ý là quy định về “mục tiêu, tính chất, quy mô” thực chất là các khía cạnh đã quy định cứng trong Luật để phân cấp thẩm quyền, do đó không thể là “căn cứ/tiêu chí”; chỉ duy có quy định “điều kiện kinh tế, xã hội từng thời kỳ” là có thể sử dụng – tuy nhiên tiêu chí này lại quá chung chung);
  • Hình thức của phân cấp của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp này là gì (ban hành một văn bản quy phạm pháp luật trong đó quy định rõ việc phân cấp dự án nào cho Bộ/địa phương hay là quyết định theo từng trường hợp)?

Đề nghị Ban soạn thảo:

  • Bỏ quy định tiêu chí “tùy thuộc mục đích, tính chất, quy mô”;
  • Làm rõ tiêu chí “điều kiện kinh tế, xã hội từng thời kỳ”;
  • Làm rõ quy trình, thủ tục phân cấp của Thủ tướng Chính phủ

Góp ý tương tự đối với quy định về việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền của mình quy định tại khoản 3 Điều 32 sửa đổi (khoản 12 Điều 1 Dự thảo).

  1. Về sửa đổi quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội (khoản 14, 15 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 34, 35 Luật đầu tư)

So với quy định hiện hành, Dự thảo đã sửa đổi quy định về hồ sơ dự án đầu tư cho trường hợp xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội theo đó trong Hồ sơ không còn phải cung cấp “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường”.

Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Quốc hội/Thủ tướng phải được đánh giá tác động môi trường (Điều 18) và Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (điểm a khoản 2 Điều 25) – quy định này  Dự thảo đang dự kiến bãi bỏ tại khoản 3 Điều 3.

Trên thực tế, thủ tục đánh giá tác động môi trường, giải pháp bảo vệ môi trường đối với các dự án quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội/Thủ tướng là cần thiết và không thể bàn cãi. Vấn đề còn lại là thủ tục này thực hiện khi nào? Ở khâu nào trong quy trình chung về phê duyệt dự án đầu tư.

Hiện nay Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường cũng đang được soạn thảo. Do đó, đề nghị hai Ban soạn thảo phối hợp để đảm bảo tính thống nhất giữa hai Luật về báo cáo đánh giá tác động môi trường (về tên gọi, thời điểm đánh giá tác động môi trường). Trên cơ sở thống nhất quy trình mới có thể xác định quy định tại Dự thảo như thế nào về vấn đề này.

  1. Về hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 33 Luật đầu tư)

Luật đầu tư quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây được xem là quy định thống nhất, áp dụng chung cho các trường hợp phải thực hiện các thủ tục này.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số lĩnh vực, các văn bản có quy định bổ sung thêm một số tài liệu trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư (ví dụ: Điều 6 Thông tư 23/2015/TT-BKHCN có quy định trong trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có thể thẩm định về danh mục máy móc, thiết bị đã qua sử dụng (), đây là tài liệu không có trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Điều 33, 34, 35 Luật đầu tư).

Trường hợp ví dụ ở trên về mặt pháp lý là không phù hợp, bởi văn bản cấp Thông tư không thể đặt thêm điều kiện/thủ tục/hồ sơ mà Luật Đầu tư không quy định. Mặc dù vậy trên thực tế doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ. Ngoài ra, không loại trừ khả năng các văn bản cấp Luật cũng có thể đặt ra các quy định kiểu này (mà xét về pháp lý thì nếu ban hành sau có thể “vượt qua” quy định của Luật Đầu tư.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào Dự thảo quy định vềnguyên tắc xử lý trong các trường hợp này, để đảm bảo việc áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục này, nhất là hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư (sửa đổi bổ sung quy định tại Điều …. Luật Đầu tư).

  1. Một số góp ý khác
  • Quy định trao quyền cho Chính phủ hướng dẫn:

So với quy định Luật Đầu tư  hiện hành thì quy định tại Dự thảo không chi tiết, cụ thể bằng, với khá nhiều quy định trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết. Ví dụ, Điều 26, 40, 43, 48 tại Luật đầu tư không trao quyền cho Chính phủ quy định mà quy định trực tiếp ngay trong luật, trong khi đó Dự thảo lại sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc, còn hướng dẫn chi tiết lại trao lại cho Chính phủ.

Một số điểm vướng mắc lớn của Luật đầu tư được nêu ra trong Dự thảo nhưng nội dung quan trọng nhất là giải pháp để tháo gỡ thì lại giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết (ví dụ: các hình thức đầu tư ra nước ngoài; …).

Việc Dự thảo có nhiều quy định trao quyền hướng dẫn chi tiết cho Chính phủ khiến cho các quy định tại Luật mang tính chung chung, các định hướng chính sách trở nên thiếu rõ ràng và có thể “biến tướng” khi xuống văn bản thấp hơn.

Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên tinh thần tại Luật đầu tư 2014, tức là quy định chi tiết tại Luật các quy định tại Điều 26, 40, 43, 48 mà không trao cho Chính phủ quy định chi tiết.

  • Thống nhất khái niệm:

Khoản 19 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 48 Luật đầu tư theo hướng “Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện đình chỉ hoạt động, trừ trường hợp bất khả kháng”. Sử dụng khái niệm “đình chỉ” là chưa phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật đầu tư mà phải là  khái niệm “ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động của dự án đầu tư”. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại để đảm bảo tính thống nhất.

  • Về tần suất báo cáo

Dự thảo đã sửa đổi tần suất báo cáo hoạt động đầu tư quy định tại điểm a, b khoản 2 Luật đầu tư theo hướng bỏ báo cáo tháng. Điều này đã tạo thuận lợi phần nào cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên để thúc đẩy cải cách về thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, sửa đổi tần suất báo cáo theo hướng báo cáo 6 tháng và báo cáo năm với phương thức báo cáo là điện tử.

II. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp

  1. Về sửa đổi quy định về áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành (khoản 1 Điều 2 Dự thảo sửa đổi Điều 3 Luật doanh nghiệp)

Dự thảo đã có sửa đổi khá quan trọng về việc áp dụng thủ tục đăng ký doanh nghiệp, theo đó tất cả các tổ chức kinh tế khi thành lập đều phải thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp.

Đối với các lĩnh vực mà hiện việc thành lập và hoạt động hoàn toàn theo pháp luật chuyên ngành (trong đó có quy định giấy phép hoạt động đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp), ví dụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…, quy định mới này của Dự thảo sẽ làm thay đổi trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trong Dự thảo lại chưa có quy định để “xử lý” các vấn đề pháp lý phát sinh từ thay đổi này, ít nhất ở các điểm sau:

  • Đối với các tổ chức đã thành lập và đang hoạt động theo luật chuyên ngành:Họ có phải thực hiện lại thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Dự thảo hay không? Khi đó giá trị, thời điểm hiệu lực của giấy đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp có ảnh hưởng như thế nào tới các giấy phép kinh doanh theo Luật chuyên ngành mà doanh nghiệp đang có?
  • Đối với các tổ chức sẽ thành lập trong các lĩnh vực này trong tương lai: Quy trình đăng ký kinh doanh theo Luật này và xin phép thành lập theo Luật chuyên ngành sẽ kết hợp như thế nào? Chú ý là trong trường hợp này, về mặt pháp lý, nếu doanh nghiệp đã đăng ký thành lập thành công theo Luật Doanh nghiệp thì là chủ thể đã tồn tại, do đó sẽ mâu thuẫn với thủ tục “xin phép thành lập” theo Luật chuyên ngành – và trong trường hợp này về nguyên tắc các Luật chuyên ngành sẽ phải sửa đổi, để chuyển thủ tục “cấp phép thành lập và kinh doanh” hiện tại thành thủ tục cấp phép kinh doanh (Giấy phép cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện – Giấy phép con) như bất kỳ ngành nghề kinh doanh có điều kiện bằng giấy phép nào khác.
  • Các quy định liên quan đến thủ tục thành lập các tổ chức tại các văn bản chuyên ngành nào sẽ bị bãi bỏ sau khi Luật này. Điều 3 Dự thảo có bãi bỏ một số quy định tại văn bản có liên quan, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ (ví dụ: văn phòng luật sư, công ty luật được thành lập và hoạt động theo Luật luật sư, Dự thảo không thấy quy định nào về việc sửa đổi/bãi bỏ các quy định liên quan trong Luật luật sư)

Để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong quy định, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.

  1. Về thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Một trong những quy định được đánh giá là có tính cải cách nhất của Luật doanh nghiệp 2014 là thủ tục đăng ký doanh nghiệp, trong đó Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, sự tiến bộ này của Luật doanh nghiệp về thủ tục đăng ký kinh doanh đã không được hiện thực hóa trong các văn bản hướng dẫn cũng như trên thực tế. Cụ thể, đối với thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải xác định mã ngành cấp 4 đối với ngành, nghề mà mình đăng ký kinh doanh.

Nói cách khác, đây là một trong những điểm vướng đã được xác định trong giai đoạn soạn thảo Luật doanh nghiệp năm 2014 nhưng lại chưa được giải quyết, đặc biệt trong Nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ quy định này, mặc dù Luật doanh nghiệp 2014 lại không thấy có quy định.

Để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo tính cải cách, đột phá về thủ tục đăng ký kinh doanh, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ về thủ tục đăng ký doanh nghiệp ngay trong Dự thảo Luật lần này, theo đó quy định rõ khi đăng ký kinh doanh doanh nghiệp phải xác định mã ngành đối với ngành, nghề mà mình đăng ký.

  1. Về các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 211 Luật doanh nghiệp)

Điều 211 Luật doanh nghiệp quy định các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định này được hiểu là chỉ thuộc các trường hợp được liệt kê này thì doanh nghiệp mới bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp (Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Nghị định 108/2018/NĐ-CP) thì ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 211 Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi trong trường hợp:

  • Theo quyết định hành chính thuế (khoản 20 Điều 1 Nghị định 108 sửa đổi Điều 63 Nghị định 78);
  • Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 19 Nghị định 78)

Việc bổ sung các trường hợp này được xem là “bất đắc dĩ” vì cần thiết mà lại bị “bỏ quên” trong Luật.

Chính vì thiếu căn cứ trong Luật nên quy định về thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh trong các trường hợp này hiện rất vòng vo, phức tạp. Ví dụ đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Nghị định 78 đã quy định quy trình xử lý khá phức tạp, trong đó yêu cầu doanh nghiệp vi phạm phải báo cáo về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu doanh nghiệp không báo cáo sẽ vận dụng điểm d khoản 1 Điều 211 Luật doanh nghiệp (không gửi báo cáo) để thu hồi. Quy định này bất cập ở điểm, nếu doanh nghiệp thực hiện báo cáo thì cũng đã thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình và cơ quan nhà nước sẽ không có căn cứ để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong khi đó, Nghị định 78 chỉ quy định để giải quyết cho trường hợp, nếu doanh nghiệp không báo cáo mà không có quy định giải quyết cho trường hợp doanh nghiệp có báo cáo. Hơn nữa, Nghị định 78 cũng thiếu quy định về căn cứ để cơ quan nhà nước xem xét nội dung báo cáo, giải trình của doanh nghiệp, vì vậy quy trình này sẽ trở nên thiếu minh bạch.

Trên thực tế còn một số trường hợp khác cũng được phản ánh là cần thiết phải thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh (ví dụ các vi phạm nghiêm trọng pháp luật, ví dụ về môi trường, lao động…) mà không thể xử lý rút Giấy phép do không có căn cứ trong Luật Doanh nghiệp.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ quy định của Luật về vấn đề này, và bổ sung thêm các trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi (ví dụ: theo quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc liệt kê cụ thể các dạng quyết định hành chính này).

  • Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật

Khoản 3 Điều 3 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật, trong đó có các quy định bãi bỏ hoặc sửa đổi về các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh; thủ tục hành chính … Không rõ mục tiêu của các quy định này là gì?

  • Nếu là sửa đổi các quy định về các điều kiện kinh doanh bất cập hiện hành thì các quy định này là chưa đủ.
  • Nếu là sửa đổi để tương thích với sửa đổi việc áp dụng Luật doanh nghiệp và luật chuyên ngành về thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì vẫn còn thiếu nhiều trường hợp khác.

Tóm lại, quy định tại Điều 3 là chưa rõ về mục tiêu chính sách. Đề nghị Ban soạn thảo giải trình về quy định này.

Trên đây là một số ý kiến sơ bộ ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Do đây là Dự án sửa đổi hai Luật lớn, tác động trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp, VCCI dự định sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp trong thời gian tới. Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, VCCI sẽ tiếp tục gửi ý kiến tới quý Cơ quan.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.