VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập

Thứ Năm 16:49 10-06-2021

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 5319/BTC-PC của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

Về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Khoản 6 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 43 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, theo đó trình tự, thủ tục miễn giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được dẫn chiếu theo quy định tại khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) và các quy định tại Dự thảo. Dự thảo cũng quy định về hồ sơ chứng minh giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại và giá trị được bảo hiểm, bồi thường.

Quy định tại Dự thảo cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Tính thống nhất: Khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) quy định để được miễn, giảm tiền phạt cá nhân, tổ chức phải gửi Đơn đề nghị và kèm theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tình trạng khó khăn của mình. Như vậy, theo quy định của Luật thì hồ sơ chỉ cần Đơn và văn bản xác nhận của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trong khi đó, Dự thảo quy định bên cạnh hồ sơ theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, cá nhân, tổ chức vi phạm phải cung cấp thêm các tài liệu hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP (sửa đổi). Quy định này dường như chưa phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi);
  • Tính hợp lý: theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp có thẩm quyền xác nhận tình trạng khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn của cá nhân, tổ chức bị xử phạt. Đây là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét việc giảm, miễn tiền phạt.

Dự thảo yêu cầu, bên cạnh văn bản xác nhận của các tổ chức có thẩm quyền trên, cá nhân, tổ chức vi phạm phải cung cấp thêm các giấy tờ để chứng minh thiệt hại là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân, bởi vì cá nhân, tổ chức đã phải lặp lại việc chứng minh thiệt hại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mặt khác việc yêu cầu các tài liệu trong hồ sơ chứng minh giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại và giá trị được bảo hiểm, bồi thường khiến cho văn bản của các cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng khó khăn về kinh tế của cá nhân, tổ chức theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) là ít ý nghĩa.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “Hồ sơ chứng minh giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại và giá trị được bảo hiểm, bồi thường” và thiết kế hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính tương tự như quy định về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định tại khoản 9 Điều 2 Dự thảo – dẫn chiếu tới quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.