VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Thứ Sáu 16:35 09-09-2022

Kính gửi: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Trả lời Công văn số 2756/BLĐTBXH-TCGDNN của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Sự phù hợp giữa các quy định của Dự thảo với Quyết định 2230/QĐ-TTg[1]

Theo Quyết định 2230/QĐ-TTg các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung ở các ngành nghề:

  • Kinh doanh dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2016/NĐ-CP);
  • Kinh doanh dịch vụ đánh giá kỹ năng nghề (sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2015/NĐ-CP; Thông tư số 38/2015/TT-BLĐTBXH);
  • Hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi, bổ sung Nghị định 143/2016/NĐ-CP; Nghị định 15/2019/NĐ-CP);
  • Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi, bổ sung Nghị định 49/2018/NĐ-CP);
  • Kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 11/2008/TT-BLĐTBXH-BTC; Nghị định 38/2020/NĐ-CP);
  • Kinh doanh dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện (sửa đổi, bổ sung Nghị định 147/2003/NĐ-CP)

Theo nội dung Tờ trình, Dự thảo này ban hành để thực hiện Quyết định 2230/QĐ-TTg, tuy nhiên các quy định tại Dự thảo chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 49/2018/NĐ-CP về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và Nghị định 44/2016/NĐ-CP về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động. Không rõ các ngành nghề quy định tại các nghị định khác trong Quyết định 2230/QĐ-TTg sẽ được xử lý như thế nào? Ban hành ở nghị định sửa đổi, bổ sung khác hay là không ban hành? Để đảm bảo tính rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ hơn vấn đề này tại Tờ trình.

  1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định 49/2018/NĐ-CP về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

a. Về sửa đổi điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp (khoản 1 Điều 1 Dự thảo)

Dự thảo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 49/2018/NĐ-CP thành “được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam trừ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Quy định này không rõ tại sao lại “trừ cơ sở giáo dục nghề nghiệp”? Điều này có thể đưa đến hai cách hiểu:

  • Thứ nhất, “cơ sở giáo dục nghề nghiệp” không cần phải đáp ứng điều kiện về “thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật”. Như vậy thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được thành lập và hoạt động theo quy định nào? Đây là điều kiện về tính pháp lý/hợp pháp của tổ chức muốn được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (Giấy chứng nhận). Quy định loại trừ cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên là chưa phù hợp với tính chất của điều kiện này;
  • Thứ hai, “cơ sở giáo dục nghề nghiệp” không phải là đối tượng phải đáp ứng các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận. Nếu được hiểu theo cách này thì không rõ tại sao lại loại trừ cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi các đối tượng phải đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận. Trong Quyết định 2230/QĐ-TTg không thấy đề cập đến vấn đề này.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là bỏ cụm từ ”trừ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

b. Về sửa đổi quy định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đối với tổ chức trong nước (khoản 2 Điều 1 Dự thảo)

Dự thảo sửa đổi khoản 1 Điều 8 Nghị định 49/2018/NĐ-CP về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo hướng yêu cầu bổ sung thêm ”bản xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh cho người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định”.

Quy định này cần xem xét ở điểm:

  • Yêu cầu tài liệu này tại thời điểm doanh nghiệp xin cấp Giấy chứng nhận là chưa phù hợp, bởi vì thời điểm này doanh nghiệp chưa được phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, vì vậy sẽ không thể đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Do đó, doanh nghiệp rất khó cung cấp bản xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan Bảo hiểm xã hội cho người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định;
  • Tài liệu này không thể hiện hình thức của điều kiện kinh doanh nào quy định tại Điều 4 Nghị định 49/2018/NĐ-CP;
  • Đây là yêu cầu tăng thêm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp vì bổ sung thêm tài liệu trong hồ sơ xin cấp phép. Việc Dự thảo Nghị định hiện thực hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lại quy định theo hướng gia tăng thêm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ suy định phải cung cấp ”bản xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh cho người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định” tại điểm c khoản 1 Điều 8 (được sửa đổi).

Góp ý tương tự, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định ”bản xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan Bảo hiểm xã hổi tỉnh cho kiểm định viên” tại điểm d khoản 1 Điều 8 (được sửa đổi).

c. Về sửa đổi quy định thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định (khoản 4 Điều 1 Dự thảo)

So với quy định hiện hành, Dự thảo đã giảm thời hạn giải quyết thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định. Điều này sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn nữa, đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau:

  • Về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính:

Theo quy định tại Dự thảo thủ tục để cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định được thực hiện theo trình tự sau: i) gửi hồ sơ tới Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để thẩm định; ii) sau khi thẩm định sẽ trình lên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận; iii) Bộ trưởng sẽ quyết định cấp hay không cấp và báo lại cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; iv) Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ thông báo kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục.

Như vậy, trình tự thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định được thực hiện theo hai tầng nấc. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng các phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, trong đó xu hướng được các Bộ đề xuất nhiều nhất là phân cấp từ Bộ xuống cho các đơn vị chuyên môn của Bộ thẩm định và cấp giấy phép để giảm các tầng nấc trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đang đẩy mạnh, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giảm tầng nấc trong trình tự thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tương ứng với các tầng nấc đã được cắt giảm.

  • Dự thảo đang thiết kế thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu và thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất, hư hỏng là như nhau. Điều này dường như chưa hợp lý bởi tính chất phức tạp của hai thủ tục này là khác nhau, vì vậy không thể cùng một thời gian thẩm định hồ sơ. Đề nghị Ban soạn thảo tách thủ tục cấp lần đầu, cấp lại Giấy chứng nhận, trong đó thủ tục cấp lại có thời hạn giải quyết thủ tục ngắn hơn.

d. Về sửa đổi cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp (khoản 7 Điều 1 Dự thảo)

Theo quy định tại Dự thảo ”trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định phê duyệt danh sách người được đánh giá cấp thẻ kiểm định viên đạt yêu cầu, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp thẻ kiểm định viên cho người đạt yêu cầu”.

Thời hạn 15 ngày làm việc là khá dài để cấp thẻ trong khi đã có phê duyệt danh sách người được đánh giá cấp thẻ kiểm định viên đạt yêu cầu. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rút ngắn thời gian này xuống (có thể là 07 ngày làm việc).

e. Về trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (khoản 9 Điều 1 Dự thảo)

Dự thảo đã bổ sung thêm trách nhiệm báo cáo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Thủ tục báo cáo sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, vì vậy Ban soạn thảo cần phải có giải trình thuyết phục về yêu cầu bổ sung thêm thủ tục này, để đảm bảo nhất quán với tinh thần cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh mà Dự thảo đang hướng tới.

  1. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2016/NĐ-CP về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động (Điều 3)

Về cơ bản các nội dung sửa đổi tại Điều 3 Dự thảo là phù hợp với Quyết định 2230/QĐ-TTg.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Quyết định 2230/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2021

Các văn bản liên quan