VCCI_góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BVHTTDL, Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL, Thông tư 06/2015/TT-BVHTTDL
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thể thao
Kính gửi: Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trả lời Công văn số 4113/BVHTTDL-TTr của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau[1]:
- Về hành vi bạo lực trong tập luyện, thi đấu thể thao (Điều 9)
- Khoản 1 Điều 9 và điểm b khoản 3 Điều 8 đều quy định xử phạt đối với hành vi “chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân thân, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam”, trong đó điểm b khoản 3 Điều 8 xử phạt hành vi này đối với “trọng tài trong thi đấu thể thao”, còn khoản 1 Điều 9 lại không giới hạn đối tượng chịu tác động của hành vi vi phạm (tức là có thể bao gồm “trọng tài trong thi đấu thể thao”).
Trong khi đó hành vi vi phạm ở khoản này có hai khung xử phạt khác nhau. Điều này có thể dẫn tới tình trạng hành vi vi phạm trên đối với trọng tài trong thi đấu thể thao có thể bị xử phạt ở hai quy định, theo hai khung xử phạt khác nhau. Điều này sẽ gây khó khăn, thiếu rõ ràng trong quá trình thực hiện.
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 9 theo hướng tách biệt đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều 8 (tức là loại trừ khỏi phạm vi áp dụng hành vi đối với trọng tài trong thi đấu thể thao).
- Khoản 2 Điều 9 quy định xử phạt đối với hành vi “cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao”. “Gây ảnh hưởng xấu” là khái niệm chưa rõ, có thể tạo ra nhiều cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo quy định khái niệm này theo hướng có thể định lượng hơn (“ảnh hưởng xấu” đến mức độ nào?).
- Về hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao
Liên quan đến nhóm hành vi này, Dự thảo chỉ quy định về các hành vi vi phạm tại Điều 15, trong đó không có các hành vi như:
- Tẩy xóa, sửa chữa giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao
- Sử dụng giấy giờ giả để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao
- Làm giả giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao (trong khi đó có hành vi sử dụng Giấy chứng nhận giả tại khoản 3 Điều 15)
Đây là các hành vi vi phạm có thể xảy ra trên thực tế liên quan đến Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (mà các văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính tương tự khác đều quy định).
Để đảm bảo bao quát các hành vi vi phạm trên thực tế đối với giấy chứng nhận này, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về các hành vi trên.
- Về hành vi vi phạm các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, vùng hoạt động trong kinh doanh hoạt động thể thao (Điều 16)
Điều 16 Dự thảo quy định khá cụ thể về các hành vi vi phạm liên quan đến các quy định về điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh hoạt động thể thao.
Trong Luật thể dục, thể thao (sửa đổi năm 2018) và Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật thể dục, thể thao đang được soạn thảo, các điều kiện kinh doanh về cơ sở vật chất, trang thiết bị được quy định một cách chung chung. Như vậy, không rõ quy định này căn cứ vào văn bản nào để quy định cụ thể các hành vi vi vi phạm về điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh hoạt động thể thao?
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong các quy định.
- Về hành vi vi phạm quy định điều kiện về nhân viên chuyên môn (Điều 18)
Điểm a khoản 2 Điều 18 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không có hoặc có nhưng không đủ số lượng người hướng dẫn tập luyện thể thao, nhân viên cứu hộ theo quy định”.
Điều 50, 55 Luật thể dục, thể thao (sửa đổi năm 2018) quy định về các điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao và Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật thể dục, thể thao đang được soạn thảo có quy định về đội ngũ cán bộ, nhân viên thể thao, huấn luyện viên chuyên nghiệp nhưng chỉ quy định về trình độ chuyên môn mà không quy định về số lượng bắt buộc. Vì vậy, không rõ quy định này căn cứ vào văn bản nào?
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ vấn đề này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Ngày 27/9/2018 VCCI nhận được Công văn đề nghị góp ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với Dự thảo trước ngày 29/9/2018. Vì thời hạn quá ngắn (02 ngày làm việc), VCCI không thể triển khai lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng chịu sự tác động của Dự thảo. Vì vậy, các ý kiến góp ý tại Dự thảo là trên cơ sở nghiên cứu của cán bộ VCCI