Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài tại tòa án cấp sơ thẩm
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2011/TT-NHNN về cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhanh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp – VNTLAS
Kính gửi: Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Trả lời Công văn số 3658/BNN-TCLN của Quý Cơ quan về việc xin ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp – VNTLAS (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở ý kiến của chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
Về cơ bản, Dự thảo lần này đã có nhiều điều chỉnh, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của VCCI đối với phiên bản Dự thảo trước đó. VCCI đánh giá cao tinh thần cầu thị và làm việc nghiêm túc của Ban soạn thảo.
Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn một số điểm chưa hợp lý, cần tiếp tục được điều chỉnh để hoàn thiện:
- Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo
Theo Điều 1 Dự thảo thì Dự thảo này chỉ quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS) đối với việc nhập khẩu, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, theo quy định của VPA/FLEGT và Điều 69 Luật Lâm nghiệp thì Hệ thống VNTLAS này là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các loại gỗ và sản phẩm gỗ tham gia chuỗi cung ứng mà không căn cứ vào mục tiêu hay thị trường khách hàng (tức là không chỉ bao gồm các trường hợp nhập khẩu, xuất khẩu, mà cả các trường hợp tiêu thụ nội địa). Cụ thể:
- Điều 8 VPA/FLEGT quy định “Hệ thống VNTLAS quy định việc kiểm tra và thủ tục tuân thủ pháp luật nhằm bảo đảm rằng gỗ bất hợp pháp hoặc có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng không được tham gia vào chuỗi cung ứng”
- Điều 69 Luật Lâm nghiệp quy định “Nhà nước xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam” – tức là chỉ mộtHệ thống cho tất cả các vấn đề về bảo đảm gỗ hợp pháp (chú ý Điều 69 nằm trong Mục 1 Chương VII về Chế biến lâm sản – tức là liên quan tới chuỗi cung gỗ nói chung, không phân biệt chuỗi cung nhập khẩu-xuất khẩu hay chuỗi cung hoàn toàn nội địa).
Có ý kiến cho rằng Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT thực chất đã quy định về các khía cạnh liên quan tới bảo đảm gỗ hợp pháp trong chuỗi cung nội địa (khai thác, hồ sơ lâm sản…) và vì vậy có thể coi như đã bảo đảm yêu cầu gỗ hợp pháp cho các chuỗi cung nội địa. Các ý kiến này dường như không phù hợp bởi:
- Về mặt nội dung, Thông tư 27 đặt ra các quy định là căn cứ, chuẩn mực để xác định gỗ nào là hợp pháp – nhưng Thông tư không có quy định về hệ thống hay cơ chế để kiểm soát, qua đó bảo đảm gỗ là hợp pháp và chỉ gỗ hợp pháp mới được phép đi vào chuỗi cung ứng.
- Về mặt hình thức pháp lý, Thông tư 27 dù có nhiều quy định về từng nhóm vấn đề liên quan tới bảo đảm gỗ hợp pháp nhưng hoàn toàn không đề cập tới Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp trong khi theo Điều 69 Luật Lâm nghiệp thì việc bảo đảm gỗ hợp pháp phải được thiết lập thành Hệ thống (kể cả gỗ nội địa).
Hơn nữa, theo Điều 69 Luật Lâm nghiệp thì chỉ có Chính phủ mới được quy định chi tiết về hệ thống gỗ hợp pháp – tức là vấn đề Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp phải quy định trong một Nghị định chứ không phải trong Thông tư.
Từ các lý do nêu trên, đề nghị Ban soạn thảocân nhắc bổ sung phạm vi áp dụng của Hệ thống VNTLAS, đồng thời điều chỉnh tất cả các nội dung liên quan trong Dự thảo để bảo đảm rằng hệ thống này bao trùm toàn bộ các chuỗi cung gỗ ở Việt Nam.
(Chú ý: Các bình luận từ mục 2 trở đi trong Công văn này về các nội dung Dự thảo dù chỉ liên quan tới gỗ nhập khẩu, xuất khẩu nhưng không làm ảnh hưởng tới ý kiến liên quan tới phạm vi điều chỉnh nói trên).
- Về một số định nghĩa tại Điều 3
- Về định nghĩa gỗ hợp pháp
Điều 3.1 Dự thảo quy định “gỗ hợp pháp là gỗ …phù hợp với quy định của pháp luật Việt Namvà pháp luật của quốc gia xuất khẩu, nhập khẩu”.
Quy định về việc phải tuân thủ quy định của pháp luật quốc gia xuất khẩu, nhập khẩu là bất hợp lý vì ít nhất các lý do sau:
- Yêu cầu này vượt quá so với yêu cầu của VPA/FLEGT, theo đó gỗ hợp pháp là gỗ tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nơi khai thác gỗ (tức là có thể là pháp luật nước nhập khẩu, nếu gỗ được nhập khẩu trực tiếp từ nước khai thác sang Việt Nam, nhưng hoàn toàn không liên quan tới pháp luật nước xuất khẩu). Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam có nhập cả các sản phẩm gỗ công nghiệp, nước nhập khẩu có thể không phải là nước khai thác gỗ;
- Yêu cầu này đặt gánh nặng quá lớn lên vai các doanh nghiệp xuất khẩu – bởi mỗi nước xuất khẩu có hệ thống pháp luật riêng khác nhau và rất phức tạp (đặc biệt là pháp luật về vận chuyển, mua bán, chế biến), doanh nghiệp có thể phải xuất hàng đi nhiều nước. Trong khi đó VNTLAS thì quản lý cả chuỗi không phân biệt sản phẩm xuất khẩu đi đâu. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp không thể và không có cách nào đáp ứng toàn bộ các quy định pháp luật của các nước xuất khẩu được;
- Chú ý là hiện tại các quy định về gỗ nhập khẩu hợp pháp của nhiều nước phát triển, ví dụ như Mỹ, Australia… cũng không đòi hỏi gỗ phải tuân thủ quy định pháp luật nước họ mà yêu cầu tương tự EU (chỉ cần gỗ đáp ứng pháp luật nơi sản xuất và nơi khai thác)
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định tại Điều 3.1 theo hướng phạm vi pháp luật phải tuân thủ chỉ bao gồm “pháp luật Việt Nam và pháp luật nơi khác thác gỗ”.
- Định nghĩa Hệ thống VNTLAS
Điều 3.2. Dự thảo hiện đang định nghĩa Hệ thống này là “các quy định tại Nghị định này; các quy định về quản lý, truy xuất…”. Quy định này có một số bất cập sau:
- Về bản chất, “hệ thống” trong trường hợp này phải là các cơ chế và cách thức vận hành, chứ không phải là các quy định được; hệ thống có thể bao gồm các quy định nhưng không thể định nghĩa hệ thống là các quy định;
- Về mục tiêu, hệ thống này phải hướng tới mục tiêu kiểm soát để bảo đảm tuân thủ các quy định về tiêu chí/điều kiện gỗ hợp pháp chứ không phải bản thân các quy định này
- Theo Điều 8 của VPA/FLEGT thì “Hệ thống VNTLAS quy định việc kiểm tra và thủ tục tuân thủ pháp luật…”
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại định nghĩa về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp theo hướng:
- Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp “là các quy trình, thủ tục nhằm kiểm soát….”
- Ghi rõ luôn chữ viết tắt VNTLAS ngay trong định nghĩa này
- Một số định nghĩa khác
- Điều 3.3 Dự thảo định nghĩa doanh nghiệp phải “…có đăng ký kinh doanh về xuất khẩu gỗ”: Quy định này không còn phù hợp bởi theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì trong Giấy đăng ký doanh nghiệp không còn ghi “ngành nghề kinh doanh” nữa;
- Điều 3.7: Định nghĩa Chủ gỗ
+ Dự thảo nêu “chủ gỗ là… có quyền sở hữu gỗ hợp pháp” – để tránh nhầm lẫn, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại cho chính xác: “chủ gỗ là… có quyền sở hữu hợp pháp đối với gỗ”
+ Đoạn “thực hiện việc quản lý, xuất khẩu, nhập khẩu gỗ” trong định nghĩa có ý nghĩa gì? Chủ gỗ phải vừa là người có quyền sở hữu, vừa là người thực hiện quản lý, xuất khẩu, nhập khẩu gỗ? Vậy nếu 2 chủ thể này khác nhau thì ai là chủ gỗ? Về mặt pháp lý, dù người được ủy quyền để quản lý, xuất khẩu, nhập khẩu… là ai thì người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với gỗ là chủ sở hữu hợp pháp của gỗ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ đoạn “thực hiện việc quản lý, xuất khẩu, nhập khẩu gỗ”
- Điều 3.9: Sửa lại cho chính xác “Xác nhận là việc cơ quan có thẩm quyền xác định…”
- Điều 3.11: Định nghĩa về lô hàng gỗ (trong khuôn khổ Giấy phép FLEGT):
+ Đề nghị rà lại toàn bộ Dự thảo để dùng thống nhất thuật ngữ (hiện trong Dự thảo chỗ thì dùng “lô hàng gỗ”, chỗ thì dùng “lô gỗ” (kể cả trong định nghĩa cũng đang dùng 2 thuật ngữ khác nhau)
+ Định nghĩa lô hàng gỗ liên quan EU chỉ bao gồm gỗ xuất khẩu “cùng giấy phép FLEGT” là chưa chính xác, bởi không phải lô hàng gỗ nào xuất khẩu đi EU cũng thuộc diện cấp phép FLEGT, vì vậy đề nghị điều chỉnh theo hướng “… hoặc bảng kê lâm sản đối với lô hàng gỗ xuất khẩu sang các thị trường ngoài EUhoặc sang EU nhưng không thuộc diện cấp phép FLEGT”
- Đề nghị bổ sung định nghĩa về “truy xuất”: Đây không phải thuật ngữ thông dụng, lại được sử dụng trong toàn bộ Chương IV
- Về kết cấu và nội dung các quy định tại Chương II-III (về Hệ thống kiểm soát gỗ xuất khẩu/nhập khẩu)
- Về kết cấu
Chương II-III Dự thảo quy định về các nội dung cốt lõi của Hệ thống VNTLAS (các bước kiểm tra giám sát đối với gỗ xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu chí để kiểm tra, giám sát). Tuy nhiên, việc sắp xếp thứ tự các Điều khoản hiện đang rối, vì vậy làm cho người đọc (tức người thực hiện và người tuân thủ) rất khó theo dõi (ví dụ: Điều 4 quy định về hồ sơ gỗ trong khi tới tận Điều 6 mới quy định về thủ tục mà hồ sơ đó được sử dụng).
Về nguyên tắc thì khi quy định về hệ thống kiểm soát cần sắp xếp các quy định theo trình tự:
- Hệ thống đó kiểm soát các đối tượng nào; mỗi đối tượng có quy trình kiểm soát chung hay riêng?
- Hệ thống kiểm soát đó bao gồm các bước kiểm soát nào? Điều kiện, trình tự, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền kiểm soát ở mỗi bước đó
Theo trật tự nói trên thì đề nghị Ban soạn thảosắp xếp lại trật tự các Điều khoản trong các Chương II-III hiện tại của Dự thảo theo hướng:
- Gộp các Chương II, III vào thành một Chương; trong đó chia 02 Mục: Mục 1 về Kiểm soát nhập khẩu; Mục 2 về Kiểm soát gỗ xuất khẩu
- Ở Mục về Kiểm soát gỗ nhập khẩu sẽ quy định lần lượt như sau:
- Liệt kê các bước/thủ tục kiểm soát đối với gỗ nhập khẩu: Sửa Điều 6.1 để nội dung đi theo hướng nêu rõ các bước/thủ tục kiểm soát đối với gỗ nhập khẩu, ví dụ kiểm soát khi làm thủ tục hải quan, kiểm soát sau khi thông quan (chú ý: Hiện quy định tại Dự thảo về quản lý rủi ro tại các Điều 6-8 tương đối khó hiểu: Không rõ việc quản lý rủi ro này là một bước kiểm soát độc lập hay là một phần của các bước kiểm soát khác? Do ai thực hiện? Kết quả là gì/ảnh hưởng thế nào?)
- Quy định về hồ sơ thủ tục, cách thức, cơ quan có thẩm quyền ở từng bước kiểm soát (ví dụ kiểm soát khi làm thủ tục hải quan, kiểm soát sau khi thông quan)
Tương tự với Mục về Kiểm soát gỗ xuất khẩu
- Tách Điều 9 và 10 thành 01 Chương riêng vì đây là cơ chế về phân loại doanh nghiệp – hoàn toàn độc lập với các thủ tục kiểm soát gỗ xuất khẩu/nhập khẩu
- Về các nội dung chi tiết cần điều chỉnh
- Điều 4 Dự thảo – Hồ sơ gỗ nhập khẩu
- Điểm đ khoản 1: Đề nghị có quy định dẫn chiếu rõ tới các Điều 7-8 khi nói về loài rủi ro cao hay vùng địa lý không tích cực
- Khoản 2: Đề nghị làm rõ thủ tục kiểm soát, sau thông quan này cơ quan nào sẽ phụ trách kiểm soát?
- Điều 5 Dự thảo – Hồ sơ gỗ xuất khẩu
- Đề nghị gộp các khoản 1-3 thành 01 khoản, có quy định dẫn tương tự quy định dẫn tại khoản 1 Điều 4; đồng thời làm rõ các giấy tờ quy định tại các khoản 1-3 là phải có tất cả hay chỉ cần có một trong các giấy tờ?
- Điểm a Khoản 4: “chủ gỗ” với “Doanh nghiệp Nhóm I” có nhất thiết là cùng một người không? Liệu có phải ý ở đây là “Bảng kê lâm sản do chủ gỗ lập với trường hợp Đơn vị xuất khẩu là Doanh nghiệp Nhóm I”?
- Điều 6 Dự thảo – Quản lý gỗ xuất, nhập khẩu
- Điểm c khoản 1: Sửa lại cho chính xác “…tiêu chí quản lý rủi ro theo quốc gia nơi khai thác gỗ, theo loài gỗ”
- Điểm b và c khoản 2: Quy định này chỉ thích hợp cho các trường hợp xuất khẩu theo giấy phép FLEGT. Vì vậy cần nêu rõ điểm b, c chỉ áp dụng cho trường hợp xuất khẩu sản phẩm gỗ thuộc Phụ lục II Nghị định xuất khẩu đi EU; đồng thời đề nghị làm rõ quy định đối với các trường hợp xuất khẩu không thuộc diện nói trên
- Điều 7 Dự thảo – Quản lý rủi ro theo vùng địa lý
- Khoản 1: Câu chưa chính xác, đề nghị sửa lại như sau: “Vùng địa lý tích cực là vùng địa lý đáp ứng các tiêu chí sau đây…”
- Khoản 2: Cần quy định rõ việc công bố này được thực hiện hoặc được sửa đổi “theo từng thời kỳ”
- Điều 8 Dự thảo – Quản lý rủi ro theo loài: Khoản 1: Câu chưa chính xác, đề nghị sửa lại như sau “Loài gỗ rủi ro cao là loài gỗ thuộc một trong các trường hợp sau đây…”
- Về phân loại doanh nghiệp (Điều 9)
- Về kết cấu
Điều 9 Dự thảo quy định về phân loại doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, trong đó có 02 vấn đề:
- Các tiêu chí phân loại
- Trình tự để doanh nghiệp thủ tục đăng ký vào hệ thống
Đây là 02 vấn đề khá riêng rẽ, đề nghị Ban soạn thảo tách riêng thành 02 Điều cho rõ ràng
- Về các tiêu chí đối với doanh nghiệp Nhóm 1
- Tiêu chí về thời gian hoạt động (điểm a khoản 1):
- Quy định chưa chính xác, đề nghị sửa lại thành “… đãhoạt động liên tục ít nhất 02 năm tính đến ngày đăng ký vào hệ thống”
- Liên quan tới “tính liên tục” trong hoạt động kinh doanh: Quy định này nhằm mục đích gì (nếu đã hoạt động 01 năm, sau vì lý do nào đó tạm ngừng kinh doanh 3 tháng, rồi lại tiếp tục kinh doanh 9 tháng tiếp theo thì có được không? nếu không được thì logic là gì)? Giấy tờ nào chứng minh việc hoạt động liên tục? – Đề nghị Ban soạn thảonếu không làm rõ được thì bỏ điều kiện về tính liên tục này.
- Các tiêu chí cốt lõi
Dự thảo chỉ nêu quy định chung về việc tuân thủ pháp luật về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp và pháp luật về gỗ hợp pháp; không có tiêu chí cụ thể nào mà chỉ dẫn chiếu tới Mẫu 02 Phụ lục I (điểm c khoản 1).
Mẫu 02 mặc dù có tên là “Tiêu chí phân loại doanh nghiệp” nhưng thực chất chỉ là bảng liệt kê các nhóm với các loại giấy tờ, đồng thời các quy định cũng không rõ ràng, ví dụ:
- Đối với tiêu chí về thành lập doanh nghiệp: Các giấy tờ được liệt kê trong Mẫu ở phần này là bắt buộc có đủ hay chỉ cần có một trong số các giấy tờ? Quy định pháp luật không thể để “…” được
- Doanh nghiệp phải đáp ứng tất cả các tiêu chí hay chỉ một số tiêu chí?
- Doanh nghiệp không tham gia trồng rừng tại sao cần các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất?
- Tại sao lại có tiêu chí trái ngược nhau: “Có/Không có tên trong danh sách công khai… vi phạm pháp luật về thuế?”
- Giấy tờ nào để xác định việc tuân thủ pháp luật về khai thác gỗ đối với trường hợp gỗ nhập khẩu?
Ngoài ra, cần chú ý rằng việc xem xét lịch sử tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cần phải làm rõ khoảng thời gian liên quan (không thể là toàn bộ lịch sử của doanh nghiệp, bởi ngay cả trường hợp tiền án tiền sự thì cũng có thời hiệu để xóa bỏ). Hơn nữa, điều này còn liên quan tới số lượng các giấy tờ được sử dụng để chứng minh (ví dụ ngoại trừ một số ít giấy tờ chỉ cấp một lần như Giấy đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ khác đều chỉ chứng minh một khoảng thời gian, ví dụ giấy tờ về lao động, thuế…).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảocân nhắc:
- Quy định rõ về khoảng thời gian xem xét lịch sử tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (ví dụ 01 năm hoặc 02 năm liền trước thời điểm đăng ký) – tất cả các giấy tờ/tài liệu cần cung cấp cũng chỉ giới hạn ở các giấy tờ phục vụ cho việc chứng minh tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong khoảng thời gian này;
- Sửa lại nội dung và cấu trúc của khoản 1 Điều 9 theo hướng quy định rõ luôn về tiêu chí, Mẫu 2 chỉ đơn thuần là liệt kê các loại giấy tờ, ví dụ:
“1. Doanh nghiệp Nhóm I là doanh nghiệp đăng ký vào hệ thống phân loại doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:
- Đã hoạt động được ít nhất 02 năm tính đến ngày doanh nghiệp đăng ký vào hệ thống phân loại doanh nghiệp;
- Được thành lập hợp pháp
- Tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất đối với doanh nghiệp có hoạt động trồng rừng
- Tuân thủ các quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy
- Tuân thủ các quy định về thuế, lao động
- Tuân thủ các quy định về khai thác gỗ đối với doanh nghiệp có hoạt động khai thác gỗ
- Tuân thủ các quy định về vận chuyển, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu gỗ đối với doanh nghiệp có hoạt động vận chuyển, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu gỗ
Các giấy tờ chứng minh việc đáp ứng các tiêu chí từ (a) đến (g) được quy định tại Mẫu 02 Phụ lục I của Nghị định này”
- Về Mẫu 02 Phụ lục I
- Đề nghị đặt tên lại: thay vì Mẫu số 02 của Phụ lục I thì chuyển thành một Phụ lục riêng, ví dụ Phụ lục III (bởi ở đây không có Mẫu nào cả mà là Danh mục các loại giấy tờ cần thiết để chứng minh việc thỏa mãn các tiêu chí về gỗ hợp pháp)
- Căn cứ vào VPA/FLEGT rà soát lại tất cả loại giấy tờ cần thiết để chứng minh doanh nghiệp, cá nhân bảo đảm gỗ hợp pháp để đưa vào đây
- Điều chỉnh lại Danh mục các giấy tờ liệt kê trong Mẫu 02 Phụ lục, trong đó chú ý nêu rõ trường hợp nào bắt buộc có tất cả các giấy tờ, trường hợp nào chỉ cần một loại giấy tờ (căn cứ vào VPA/FLEGT)
- Về trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại doanh nghiệp (Điều 10)
(i) Về kết cấu
Điều 10 Dự thảo quy định về trình tự đánh giá, phân loại doanh nghiệp cho 02 trường hợp:
- Đánh giá, phân loại ban đầu khi doanh nghiệp đăng ký (khoản 1 và 2)
- Cập nhật việc đánh giá, phân loại khi doanh nghiệp có vi phạm pháp luật (khoản 3)
Đây là 02 vấn đề khá riêng rẽ, đề nghị Ban soạn thảotách riêng thành 02 Điều cho rõ ràng.
(ii ) Về nội dung
- Về trình tự thủ tục phân loại doanh nghiệp đăng ký mới
Đề nghị Ban soạn thảothiết kế lại khoản 1 và 2 Điều này theo hướng:
- Nêu rõ ngay từ đầu các bước trong trình tự thủ tục
- Sau đó quy định từng bước, trình tự: ai, làm gì, thời hạn, kết quả?
Ngoài ra, một số bước, trình tự được thiết kế rối, không cần thiết, ví dụ:
- Theo thiết kế này thì hệ thống phải làm phân loại tất cả doanh nghiệp thay vì chỉ làm phân loại đối với doanh nghiệp đăng ký mới
- Tại sao sau khi xác minh cơ quan Kiểm lâm tỉnh không công bố, cập nhật doanh nghiệp luôn trên hệ thống mà phải qua Cục Kiểm lâm xem xét? Cục Kiểm Lâm sẽ xem xét cái gì (làm lại việc xác minh chăng?) Khi nào thì Cục Kiểm Lâm có quyền từ chối Kết quả xác minh của Kiểm lâm tỉnh? Nếu doanh nghiệp khiếu nại thì Cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm giải trình?
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảorà soát lại toàn bộ các quy định trong Điều này để bảo đảm trình tự suôn sẻ, và hợp logic và nội dung phù hợp
“Điều 10. Trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại doanh nghiệp đăng ký mới
Sau khi doanh nghiệp đăng ký vào hệ thống phân loại doanh nghiệp, hệ thống tiến hành thủ tục đánh giá, phân loại doanh nghiệp theo các bước như sau:
- Bước 1: Doanh nghiệp tự đánh giá
Doanh nghiệp đăng ký vào hệ thống sẽ được hệ thống hướng dẫn để tự đánh giá trên hệ thống theo Mẫu 03 Phụ lục I Nghị định này.
- Bước 2: Hệ thống phân loại tự động đánh giá, phân loại sơ bộ doanh nghiệp các doanh nghiệp mới đăng ký
Trên cơ sở thông tin cho doanh nghiệp đăng ký, cung cấp và tự đánh giá trên hệ thống, hệ thống sẽ tự động phân loại mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Việc phân loại sẽ được thực hiện tự động bởi hệ thống vào 0g00 hàng ngày, đối với các doanh nghiệp đăng ký trong vòng 24g liền trước đó.
Kết quả phân loại được cập nhật tự động trên hệ thống nội bộ của Cơ quan Kiểm lâm, trong đó nêu rõ doanh nghiệp sơ bộ được xếp vào Nhóm I hoặc Nhóm II.
- Bước 3: Trên cơ sở kết quả phân loại tự động, trường hợp doanh nghiệp được xếp Nhóm I, cơ quan Kiểm lâm tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tiến hành xác minh các thông tin do doanh nghiệp cung cấp, tự đánh giá….
- Bước 4: ….”
- Về thủ tục cập nhật phân loại doanh nghiệp trong trường hợp có cập nhật tình hình vi phạm
- Về loại vi phạm làm thay đổi phân loại doanh nghiệp:
Dự thảo xác định mức độ nghiêm trọng của vi phạm theo biện pháp xử lý (bị xử lý hình sự, tịch thu tang vật…). Tuy nhiên, diện vi phạm vẫn chưa được xác định. Ví dụ nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quảng cáo tới mức bị phạt tịch thu sản phẩm quảng cáo thì có ảnh hưởng tới phân loại doanh nghiệp không? (chú ý là trong các tiêu chí doanh nghiệp Nhóm I thì không có tiêu chí nào về pháp luật quảng cáo).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định giới hạn các vi phạm chỉ trong các lĩnh vực pháp luật thuộc tiêu chí xét doanh nghiệp Nhóm I.
- Về quy trình nhận diện vi phạm:
Dự thảo dự kiến sau khi phạt vi phạm thì cơ quan ra quyết định xử lý vi phạm phải gửi quyết định này cho Kiểm lâm tỉnh. Quy trình này về logic là hợp lý và chính xác nhất, nhưng có lẽ là không khả thi trên thực tế (bởi không có gì chắc chắn là cán bộ thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính của tất cả các ngành liên quan biết về quy định này để thực hiện).
Ngoài ra, cần có thêm quy trình cho phép cập nhật nếu vi phạm được phát hiện từ các nguồn khác (ví dụ từ các doanh nghiệp, hiệp hội, từ chính cơ quan Kiểm lâm…).
- Về xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu (Điều 14)
- Về trường hợp phải xác nhận[1]:
Khoản 1 dẫn chiếu tới Điều 17, mà Điều 17 lại chỉ đề cập tới trường hợp xuất khẩu sản phẩm thuộc Phụ lục II và xuất sang EU. Trong khi đó điểm b khoản 4 Điều 5 lại quy định về việc xác nhận Bảng kê lâm sản của doanh nghiệp Nhóm II và tổ chức, cá nhân khác đối với tất cả các trường hợp xuất khẩu gỗ (không phân biệt thị trường xuất khẩu hay loại sản phẩm xuất khẩu) nếu không có Giấy phép CITES hoặc FLEGT.
Do đó đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng phù hợp với diện phải xin xác nhận Bảng kê lâm sản trong Điều 5 Dự thảo.
- Về trình tự thủ tục xác nhận:
Khoản 4 Dự thảo quy định về trình tự thủ tục xác nhận với doanh nghiệp Nhóm II, khoản 5 quy định trình tự thủ tục xác nhận với cá nhân thì thực hiện như đối với doanh nghiệp Nhóm II. Nếu là trình tự thủ tục giống nhau thì tại sao phải phân biệt thành các nhóm, ở các khoản khác nhau?
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 5 và quy định khoản 4 áp dụng chung cho tất cả các trường hợp.
- Về việc cấp phép FLEGT
- Về điều kiện cấp phép (Điều 15)
- Khoản 2 Điều 15: Đề nghị làm rõ doanh nghiệp chỉ được cấp phép nếu đáp ứng đầy đủ tất cảcác điều kiện liệt kê
- Khoản 2 Điều 17: Thời hạn xác minh 05 ngày là ngày nào (ngày làm việc hay ngày lịch)? Tính từ thời điểm nào?
- Về thủ tục gia hạn, cấp thay thế
- Điểm b khoản 1 Điều 19: Quy định hồ sơ xin gia hạn giấy phép phải “có xác nhận của hải quan về việc lô hàng chưa xuất khẩu theo giấy phép đã cấp” là không khả thi (hải quan không có trình tự cấp xác nhận này) và không cần thiết (theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Dự thảo thì đối với các lô hàng xuất khẩu, sau khi cho phép xuất khẩu “hải quan xác nhận số lượng, khối lượng gỗ xuất khẩu vào bản chính[2]Giấy phép CITES hoặc FLEGT…” – như vậy nếu hàng chưa xuất khẩu theo Giấy phép FLEGT thì đương nhiên trên bản gốc Giấy phép FLEGT sẽ không có xác nhận này của hải quan, mà bản chính Giấy phép FLEGT đã có trong hồ sơ xin gia hạn, cơ quan gia hạn có thể kiểm tra ngay hàng đã xuất khẩu chưa).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “có xác nhận của cơ quan hải quan…” tại điểm b khoản 1 Điều 19.
- Điểm b khoản 2 Điều 19: Quy định hồ sơ xin cấp thay thế giấy phép phải “có xác nhận của hải quan về việc lô hàng chưa xuất khẩu theo giấy phép đã cấp” là không cần thiết (như bình luận với điểm b khoản 1 Điều 19 nói trên) và có thể là không thích hợp trong trường hợp Giấy phép có sai sót, lỗi trong quá trình soạn thảo của Cơ quan cấp phép (nếu là trường hợp này thì dù hàng hóa đã xuất doanh nghiệp vẫn có quyền xin cấp thay thế để bảo đảm hàng sang EU được chấp nhận).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “có xác nhận của cơ quan hải quan…” tại điểm b khoản 2 Điều 19.
- Về thủ tục thu hồi:
- Khoản 4 Điều 19 chưa quy định về trình tự, thủ tục thu hồi?
- Trên thực tế, rất khó để doanh nghiệp, cá nhân tự nguyện mang Giấy phép đến trả lại cho Cơ quan CITES.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ tại khoản này theo hướng cơ quan CITES sẽ thu hồi Giấy phép bằng cách rút thông báo Giấy phép FLEGT bị thu hồi (và do đó bị vô hiệu) trên Cổng thông tin và thông báo cho cơ quan hải quan về các Giấy phép bị thu hồi.
- Về Giấy phép với gỗ thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan CITES (gỗ CITES)
- Quy định tại khoản a về việc gỗ CITES cũng phải chịu tuân thủ quy trình của VNTLAS như các gỗ khác: Quy định này là thừa, vì trong toàn bộ Nghị định VNTLAS được thiết kế cho tất cả các loại gỗ và sản phẩm gỗ, không hề loại trừ gỗ CITES
- Quy định tại khoản b về việc cơ quan CITES phải bảo đảm rằng trước khi xuất khẩu gỗ CITES đáp ứng các yêu cầu VNTLAS: Quy định này là bất hợp lý, vì cơ quan CITES không phải chủ thể xuất khẩu, sao lại phải chịu trách nhiệm bảo đảm này?
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ khoản 5 Điều 15. Trường hợp giải trình được sự cần thiết và ý nghĩa của khoản 5 thì đề nghị Ban soạn thảo tách thành 01 Điều riêng về vấn đề này (vì khoản này hoàn toàn không liên quan tới Điều 19 về gia hạn, cấp thay thế, cấp lại, thu hồi giấy phép FLEGT)
- Về trách nhiệm tuyên truyền phổ biến
Điều 22.2 và 24.1 Dự thảo quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh trong việc tuyên truyền phổ biến về VNTLAS. Quy định này là không cần thiết bởi việc tuyên truyền phổ biến là một trong các nhiệm vụ và yêu cầu bắt buộc của thi hành pháp luật, đối với bất kỳ văn bản pháp luật nào.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của VCCI đối với Dự thảo. Mong Quý Cơ quan cân nhắc, điều chỉnh để hoàn thiện Dự thảo.
VCCI cũng đang triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo này theo đúng quy trình và sẽ gửi các ý kiến tập hợp được từ doanh nghiệp cho Quý Cơ quan khi nhận được.
Trân trọng./
[1]Dự thảo dùng từ “đối tượng” không thực sự chuẩn xác
[2] Chú ý Điều 5 dùng từ “bản chính”, Điều này lại dùng từ “bản gốc” – Đề nghị rà soát lại để bảo đảm từ ngữ dùng thống nhất