VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Kính gửi: Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 2224/TCT-TTKT của Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:
Nghị định 20 là văn bản pháp lý quan trọng của Việt Nam nhằm chống chuyển giá, trốn thuế, thất thu ngân sách. Thời gian trước đây, nhiều ý kiến nghi vấn về hoạt động chuyển giá, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã được đặt ra, nhưng do khi đó chưa có các quy định về quản lý giao dịch liên kết nên các cơ quan không có đủ cơ sở để xác định. Nghị định 20 ra đời đã tháo gỡ vướng mắc này, giúp phân loại rõ ràng các trường hợp có chuyển giá để xử lý, tăng thu cho ngân sách Việt Nam và đồng thời bảo đảm quyền lợi cho những doanh nghiệp không chuyển giá. Nghị định 20 cũng đã được xây dựng dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), với nhiều nội dung phù hợp với thông lệ chung về chuyển giá của các nước trên thế giới.
Mặc dù rất phù hợp với việc quản lý các giao dịch liên kết xuyên biên giới như vậy, nhưng một số nội dung của Nghị định 20 lại chưa phù hợp khi quản lý các giao dịch liên kết nội địa thuần tuý tại Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian qua có nhiều ý kiến của các doanh nghiệp trong nước phản ánh khó khăn, vướng mắc và cả sự bất hợp lý khi áp dụng Nghị định 20.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, VCCI nhận thấy rằng việc áp dụng quy định về chống chuyển giá cho các giao dịch thuần tuý nội địa rất khác nhau ở các quốc gia. Theo báo cáo của công ty Ernst & Young (EY) về chuyển giá năm 2019[1], trong 124 quốc gia có quy định về chống chuyển giá, thì có 68 quốc gia áp dụng các quy định chống chuyển giá cho giao dịch nội địa, còn 56 quốc gia khác chỉ áp dụng các quy định chống chuyển giá đối với giao dịch xuyên biên giới, mà không áp dụng đối với giao dịch nội địa. Trong các quốc gia có áp dụng đối với giao dịch nội địa thì đa số cũng chỉ áp dụng cho các giao dịch giữa các bên liên kết có chênh lệch thuế suất.
OECD cũng khuyến nghị áp dụng quy định chống chuyển giá đối với giao dịch nội địa, nhưng không bắt buộc, vì thế nên nhiều nước thành viên OECD không áp dụng quy định chống chuyển giá đối với giao dịch nội địa. Trong 38 nước OECD thì có 17 quốc gia không áp dụng cho các giao dịch nội địa như Úc, Áo, Canada, Chile, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Israel, Ý, Nhật Bản, Latvia, New Zealand, Hàn Quốc, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ,…
Như vậy, việc có áp dụng các biện pháp chống chuyển giá đối với các giao dịch nội địa phụ thuộc vào chính sách mỗi quốc gia phù hợp với thực tiễn nền kinh tế quốc gia đó, chứ không phải là thông lệ chung của thế giới. Các quốc gia chú trọng việc chống chuyển giá đối với giao dịch xuyên biên giới là do các giao dịch này có nguy cơ chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Trong khi đó, các giao dịch liên kết nội địa dù vẫn có thể làm giảm nghĩa vụ thuế, nhưng phần lợi nhuận vẫn được giữ lại trong nước để tái đầu tư. Do đó, nhiều nước bỏ qua việc chống chuyển giá đối với các giao dịch nội địa.
Câu hỏi đặt ra là với hiện trạng kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện nay thì có nên áp dụng quy định chống chuyển giá đối với giao dịch nội địa hay không?
Việc chống chuyển giá đối với giao dịch liên kết nội địa sẽ giúp làm tăng thu ngân sách, nhưng sẽ có tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp lớn được tổ chức dưới hình thức tập đoàn, tổng công ty.
- Thứ nhất, việc áp dụng Nghị định 20 cho các giao dịch liên kết nội địa sẽ tác động tiêu cực đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế trong nước. Tác động này đi ngược lại chủ trương của Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo là “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.”
- Thứ hai, việc áp dụng Nghị định 20 đối với giao dịch liên kết nội địa sẽ làm giảm động lực của các tập đoàn kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực được khuyến khích như sản xuất quy mô lớn, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường… Đây là các lĩnh vực đang được ưu đãi thuế và nếu đầu tư vào thì các tập đoàn kinh tế phải chịu quy định về chống chuyển giá.
Đối với vấn đề hạn chế chi phí lãi vay tại Điều 8.3, các tác động của quy định này đã được phân tích tương đối đầy đủ khi ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP và trong tờ trình, bản thuyết minh của dự thảo này. Tuy nhiên, tại Điều 11.3 của Dự thảo (mới được bổ sung so với Nghị định 20) có quy định: “Mặc dù có các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, việc xác định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp có giao dịch liên kết được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này.” Như vậy, cơ quan soạn thảo đã nhấn mạnh việc phải áp dụng quy định hạn chế chi phí lãi vay ngay cả đối với các giao dịch nội địa không có chênh lệch thuế suất và giao dịch của các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Quy định này sẽ có một số vấn đề cần phân tích kỹ hơn:
- Quy định như vậy sẽ tác động bất lợi đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng như việc khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro. Thông thường, khi một tập đoàn muốn đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro như dự án sản xuất quy mô lớn, công ty mẹ tập đoàn sẽ đứng ra vay ngân hàng rồi cho công ty con vay lại. Do công ty con mới thành lập, lại kinh doanh trong lĩnh vực nhiều rủi ro nên các ngân hàng sẽ khó chấp nhận cấp tín dụng. Như vậy, việc hạn chế chi phí lãi vay với các giao dịch liên kết sẽ hạn chế hình thức cấp tín dụng này và từ đó gây khó khăn cho việc hình thành các tập đoàn kinh tế và cản trở các tập đoàn này đầu tư các dự án lớn.
- Một số ý kiến cho rằng quy định hạn chế chi phí lãi vay thực hiện theo khuyến nghị của OECD về chống vốn mỏng, giúp bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính, tiền tệ, ngân hàng. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của Nghị định này lại chỉ bao gồm chi phí lãi vay từ các giao dịch liên kết chứ không áp dụng đối với các giao dịch vay trực tiếp từ ngân hàng. Do đó, quy định này sẽ khiến các doanh nghiệp phải vay trực tiếp ngân hàng thay vì vay thông qua công ty mẹ. Khi rủi ro xảy ra, các ngân hàng sẽ phải hứng chịu toàn bộ thay vì có công ty mẹ cùng chung tay giải quyết. Vô hình chung, quy định này lại gây thêm rủi ro cho hệ thống ngân hàng, đi ngược lại với mục tiêu giúp an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.
- Đối với chống chuyển giá các giao dịch vay nợ, việc áp dụng trần chi phí lãi suất là tương đối cứng nhắc. Quy định này sẽ dẫn đến trường hợp có giao dịch vay nợ với lãi suất phù hợp, tương đương với các giao dịch độc lập nhưng vẫn không được coi là chi phí hợp lý toàn bộ vì lý do vượt trần chi phí lãi suất. Nhiều quốc gia khác vẫn áp dụng các nguyên tắc giao dịch độc lập (arm’s length) đối với giao dịch tài chính và cho phép doanh nghiệp chứng minh[2].
Với các phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá, cân nhắc việc áp dụng quy định chống chuyển giá của Nghị định này đối với các giao dịch thuần tuý nội địa. Trong trường hợp thấy rằng các lợi ích thu được từ việc áp dụng quy định này đối với giao dịch nội địa không lớn hơn tác động tiêu cực thì cần có quy định loại trừ. Trong trường hợp giải trình rõ được lợi ích của việc chống chuyển giá đối với giao dịch liên kết nội địa thì mới đưa vào Nghị định. Đối với giao dịch vay nợ giữa các doanh nghiệp liên kết nội địa thì đề nghị cơ quan soạn thảo cho phép doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc chứng minh giao dịch độc lập mà không giới hạn trần chi phí lãi vay.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] EY Worldwide Transfer Pricing Reference Guide 2018–19
[2] Section 13 of the 2018 Singapore Transfer Pricing Guidelines for related- party loans