VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định phối hợp, liên thông một số thủ tục hành chính khi thành lập doanh nghiệp
VCCI_Góp ý dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ
Kính gửi: Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 1509/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở tổng hợp góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Đối tượng áp dụng (Điều 2)
Khoản 1 Điều 2 Dự thảo liệt kê các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Quy định này chưa bao quát được hết các đối tượng bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vì trên thực tế, có những tổ chức không kinh doanh nhưng có cung cấp dịch vụ, bán hàng hóa thu tiền mang tính chất kinh doanh như: các tổ chức sự nghiệp có thu, các cơ sở cung cấp dịch vụ công của nhà nước nhưng có hoạt động kinh doanh thu tiền; nhà thầu nước ngoài áp dụng phương pháp kê khai và phương pháp hỗn hợp; ban quản lý dự án, …
Để đảm bảo bao quát được hết các đối tượng bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các đối tượng sau:
- Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (ví dụ: ban quản lý dự án, nhà thầu nước ngoài áp dụng phương pháp kê khai và phương pháp hỗn hợp;…)
- Các đơn vị sự nghiệp công lập có phát sinh doanh thu không thường xuyên.
- Giải thích từ ngữ (Điều 3)
Khoản 1 Điều 3 quy định “hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in”. Theo quy định này thì hóa đơn do doanh nghiệp tự đặt in theo quy định tại Nghị định 51 không được xem là hóa đơn. Điều này cần được xem xét ở các điểm sau:
- Theo quy định tại Điều 52 Dự thảo thì Nghị định 51 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 01/07/2022, như vậy trước thời điểm này hóa đơn do doanh nghiệp đặt in vẫn được xem là hóa đơn. Quy định trên là mâu thuẫn với quy định tại Điều 52 Dự thảo;
- Nếu hóa đơn chỉ được thể hiện ở hai hình thức trên thì hình thức giấy do doanh nghiệp tự in sẽ được xử lý như thế nào trước thời điểm 01/07/2022?
Để đảm bảo tính hợp lý và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định giải thích về hóa đơn.
- Loại hóa đơn (Điều 7)
- Hóa đơn bán hàng cho tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp
Khoản 2 Điều 7 Dự thảo quy định: “hóa đơn bán hàng là hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, cụ thể: a) tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài”.
Quy định này đưa đến cách hiểu, tổ chức, cá nhân khai thuế theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ vào nội địa không có hóa đơn hoặc không biết sử dụng loại hóa đơn gì, vì Dự thảo không xác định loại hóa đơn cho trường hợp các đối tượng này bán hàng, cung cấp dịch vụ vào nội địa.
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên thành “hóa đơn bán hàng là hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ … : a) tổ chức, cá nhân khai, tính thuế … khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài”.
- Các chứng từ khác
Theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Dự thảo thì “các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý”. Quy định này không rõ phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý sẽ áp dụng theo hình thức điện tử hay hình thức tự in? Doanh nghiệp có cần phải đăng ký và phát hành, truyền nhận như hóa đơn điện tử hay không?
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.
- Thời điểm lập hóa đơn (Điều 8)
- Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ
Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định “thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.
Quy định “thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là … thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ” là chưa rõ ràng, khó hiểu, có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo sửa lại quy định trên theo hướng: thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ. Trường hợp xuất hóa đơn khi dịch vụ chưa hoàn thành thì tính theo thời điểm lập hóa đơn, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể
Điểm a khoản 4 Điều 8 Dự thảo quy định thời điểm lập hóa đơn cho một số trường hợp đặc thù như hoạt động cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truyền hình, dịch vụ công nghệ thông tin được bán theo kỳ nhất định.
Một số doanh nghiệp cho biết, dịch vụ ngân hàng cung cấp online 24/7 cũng có tính chất như điện, nước, viễn thông… vì vậy cần phải có quy định riêng đối với thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động này, cụ thể: trường hợp cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo thỏa thuận giữa người mua và người bán nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ.
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử
Khoản 5 Điều 8 Dự thảo quy định “thời điểm lập hóa đơn điện tử xác định theo thời điểm người bán ký theo số, ký điện tử trên hóa đơn được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch”.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp với một số trường hợp trên thực tế, cụ thể:
Đối với các doanh nghiệp có giao dịch tự động online, tại một thời điểm mặc định được sinh hóa đơn thì về mặt công nghệ hạ tầng không cho phép có thể thực hiện ký đồng thời khối lượng lớn hóa đơn trong một khoảng thời gian ngắn. Ví dụ, đối với hoạt động ngân hàng, chứng khoán tại thời điểm cuối ngày hoặc thời điểm cuối tháng, với khối lượng có thể lên đến hàng triệu giao dịch thì phải đến hai hôm sau hệ thống mới ký hết được hóa đơn, hoặc tại thời điểm 23h59’ phát sinh giao dịch thì hệ thống ký số sẽ thực hiện sang ngày hôm sau, như vậy thời điểm lập hóa đơn và thời điểm ký số, ký điện tử trên hóa đơn trong các trường hợp này là không thể trùng khớp được.
Để đảm bảo phù hợp với thực tế, đề nghị Ban soạn thảo quy định lại về thời điểm lập hóa đơn của hóa đơn điện tử trong một số trường hợp đặc thù được nêu ở trên.
- Nội dung của hóa đơn (Điều 9)
- Tên, địa chỉ của người mua
Điểm a khoản 5 Điều 9 Dự thảo quy định về ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua “trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thể hiện trên hóa đơn phải ghi theo đúng ghi tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.
Một số doanh nghiệp có tên, địa chỉ rất dài, nếu phải viết đầy đủ trên hóa đơn sẽ gây khó khăn khi thực hiện trên thực tế. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép viết tắt tên thương mại và địa chỉ ngắn gọn nhưng không làm sai lệch thông tin của người mua và lấy mã số thuế làm gốc để quản lý thông tin.
- Đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ
Đoạn cuối cùng khoản 6 Điều 9 Dự thảo quy định cách thức ghi hóa đơn đối với hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng hoặc khuyến mại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa có quy định về cách thức phát hành hóa đơn chiết khấu thương mại cho trường hợp chiết khấu dựa trên số lượng, khối lượng mua hàng, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.
- Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử
Điểm h khoản 13 Điều 9 Dự thảo quy định các nội dung không nhất thiết phải có đầy đủ trong Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử và một số nội dung khác trên Phiếu này. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định các trường hợp sử dụng loại Phiếu này, để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các trường hợp sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử.
- Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (Điều 12)
- Lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu
Điểm c khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định “cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử”. Quy định này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn thương mại. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc phải thay đổi mẫu hóa đơn sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn trong việc thay đổi hóa đơn, trong khi trước đó doanh nghiệp đã phải thay đổi mẫu rất nhiều lần do các điều chỉnh liên tiếp của quy định đối với mẫu hóa đơn áp dụng cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Mặt khác, việc dùng hóa đơn thương mại cũng không ảnh hưởng đến khâu xác định doanh thu, hoàn thuế.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được lựa chọn hoặc áp dụng hóa đơn thương mại như hiện nay hoặc áp dụng hóa đơn điện tử cho các hoạt động này như quy định hiện hành.
- Điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc
Điểm d khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ: i) sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế giá trị gia tăng ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau; ii) sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử đối với hàng hóa xuất cho cơ sở làm đại lý.
Quy định hướng dẫn về Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử chỉ đề cập đến trường hợp hàng hóa xuất cho cơ sở làm đại lý, còn các trường hợp sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử khi điều chuyển hàng hóa giữa cơ sở sản xuất và các chi nhánh, cửa hàng ở khác phương cũng như giữa các chi nhánh đơn vị phụ thuộc với nhau thì như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.
- Ngừng sử dụng hóa đơn điện tử (Điều 15)
Khoản 4 Điều 15 Dự thảo quy định trường hợp “doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh tạm ngừng kinh doanh cần có hóa đơn điện tử giao cho người mua để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh có văn bản thông báo với cơ quan thế được tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử”.
Quy định này chưa rõ ở điểm: doanh nghiệp chỉ cần thông báo với cơ quan thuế là được tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử hay là phải chờ phản hồi của cơ quan thuế? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
- Xử lý hóa đơn có sai sót (Điều 18)
- Trường hợp chưa gửi cho người mua
Khoản 1 Điều 18 Dự thảo quy định xử lý cho trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua, còn trường hợp tương tự đối với hóa đơn điện tử không có mã lại không thấy quy định. Điều này có thể gây khó khăn trong thực tế áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định xử lý cho trường hợp này.
- Trường hợp đã gửi cho người mua
Khoản 2 Điều 18 Dự thảo quy định xử lý cho hóa đơn đã gửi cho người mua mà bị phát hiện sai sót trong hai trường hợp: i) sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác; ii) sai sót về mã số thuế, về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng.
Quy định trên cần được xem xét ở các điểm sau:
- Chưa bao quát được các trường hợp trên thực tế: Dự thảo không quy định xử lý cho trường hợp hóa đơn có sai sót về nội dung mô tả hàng hóa và dịch vụ, các sai sót khác trên hóa đơn. Điều này có thể gây lung túng cho các đối tượng áp dụng;
- Cách thức xử lý: đối với trường hợp (i), Dự thảo quy định người bán không phải thông báo với cơ quan thuế trong trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế. Đối với trường hợp (ii), Dự thảo không quy định trường hợp hóa đơn không có mã thì doanh nghiệp có phải gửi thông báo cho cơ quan thuế khi chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế không?
- Mẫu 04/HĐĐT là mẫu thông báo hủy hóa đơn điện tử, không thích hợp để sử dụng làm thông báo cho cơ quan thuế trong trường hợp sai sót (i);
- Đối với trường hợp sai sót (ii), Dự thảo quy định người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót và người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế. Theo phản ánh của doanh nghiệp thì quy định này sẽ gây khó khăn trên thực tế áp dụng đối với một số hoạt động đặc thù như ngân hàng. Ngân hàng sử dụng các chứng từ giao dịch kiêm hóa đơn tài chính, trên chứng từ này có đầy đủ tên, địa chỉ, mã số thuế khách hàng, số tiền thuế, thuế suất diễn giải theo từng giao dịch và các thông số này đã được xây dựng trên hệ thống, mỗi chứng từ giao dịch được gán một tham số duy nhất theo thứ tự từ thấp đến cao là số hóa đơn. Do đó, khi phát sinh giao dịch hoàn/hủy phí dịch vụ hoặc lãi cho khách hàng thì hệ thống tự sinh hóa đơn tương ứng, giao dịch được tự gán tham số duy nhất (theo dạng chứng từ giao dịch báo có) theo thứ tự từ thấp đến cao. Do đó, yêu cầu phải lập văn bản thỏa thuận trong trường hợp này sẽ rất khó khăn. Mặt khác, yêu cầu phải thực hiện thông báo ngay với cơ quan thuế tại thời điểm có hóa đơn xuất thay thế sẽ gia tăng về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp;
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:
- Bổ sung hướng dẫn cho trường hợp hóa đơn sai sót về mô tả hàng hóa, dịch vụ và các sai sót khác;
- Quy định rõ phương thức xử lý đối với sai sót hóa đơn trong trường hợp (ii) khi chưa gửi dữ liệu hóa đơn không có mã cho cơ quan thuế;
- Quy định mẫu thông báo khác cho trường hợp phải thông báo cho cơ quan thuế quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18;
- Quy định trường hợp đặc thù như ngân hàng và một số trường hợp tương tự khác, đối với sai sót quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 thì cho phép gửi báo cáo tổng hợp như báo cáo định kỳ hóa đơn gửi cơ quan thuế thay vì phải gửi thông báo cho mỗi lần phát sinh việc sai sót. Bỏ quy định phải có văn bản thỏa thuận với người mua;
- Bổ sung hướng dẫn cho trường hợp người mua trả hàng cho người bán thì hóa đơn sẽ xử lý như thế nào?
- Định dạng chứng từ điện tử (Điều 36)
Khoản 5 Điều 36 Dự thảo quy định “Chứng từ điện tử phải được hiển thị đầy đủ, chính xác các nội dung của hóa đơn đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch để người sử dụng có thể đọc được bằng phương tiện điện tử”.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Dự thảo thì chứng từ là tài liệu khác ngoài hóa đơn dung để ghi nhận thông tin về các khoản thuế khấu trừ, các khoản thu khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Do đó, việc chứng từ điện tử thể hiện nội dung của hóa đơn là chưa phù hợp.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định khoản 5 Điều 36 Dự thảo như sau: “Chứng từ điện tử phải được hiển thị đầy đủ, chính xác các nội dung của chứng từ, biên lai đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch để người sử dụng có thể đọc được bằng phương tiện điện tử”.
Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối Dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.