VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Nghị định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp

Thứ Năm 16:21 20-06-2024

Kính gửi: Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 3267/BTP-BTTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Nghị định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Về các quy định tại Dự thảo

Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính quy định tại bốn Nghị định: Nghị định 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại; Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại; Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Các sửa đổi, bổ sung theo hướng:

– Bổ sung quy trình giải quyết thủ tục qua bưu chính hoặc phương thức điện tử (Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp; Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh);

– Phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp xuống cho Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp;

– Cắt giảm thủ tục: đối với việc yêu cầu phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp, thay vì yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp Phiếu này thì cơ quan giải quyết thủ tục sẽ lấy Phiếu lý lịch tư pháp từ cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Những sửa đổi, bổ sung trên đã thể hiện được tinh thần cải cách, sẽ góp phần tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn nữa về thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vấn đề sau:

Việc phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính trong các thủ tục trên sẽ làm giảm các tầng nấc giải quyết thủ tục, làm cho thủ tục trở nên đơn giản hơn, người thực hiện thủ tục sẽ cảm thấy thuận lợi hơn. Nhưng nếu đối chiếu giữa thủ tục hành chính trước và sau khi sửa đổi tại Dự thảo, nếu nhìn ở góc độ của cá nhân, tổ chức phải thực hiện thủ tục, sẽ không thuận lợi hơn. Bởi vì, thời gian giải quyết thủ tục giữ nguyên, nơi nộp hồ sơ và nhận hồ sơ là như cũ. Như vậy, mức độ tác động của việc phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với cá nhân tổ chức là không nhiều.

Để thể hiện tinh thần cải cách hơn nữa, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các thủ tục được phân cấp tại Dự thảo, thời gian giảm tương ứng với thời gian đã lược bỏ khi Cục trình lên Bộ xem xét, quyết định.

  1. Về Phụ lục

– Về Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên

Trong Đơn đề nghị, Phụ lục yêu cầu nội dung “quá trình hoạt động của bản thân” người phải kê khai gồm cả luật sư, kiểm toán viên. Điều này là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Phá sản 2014. Luật Phá sản chỉ yêu cầu kinh nghiệm 05 năm đối với người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, không yêu cầu kinh nghiệm đối với luật sư, kiểm toán viên. Vì vậy, yêu cầu luật sư, kiểm toán viên kê khai về quá trình hoạt động của bản thân là chưa phù hợp.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo chỉ yêu cầu ghi nội dung về quá trình hoạt động của bản thân đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 Luật Phá sản, tức là người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng.

– Về các trường thông tin có thể khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Các mẫu Giấy đề nghị quy định tại Phụ lục yêu cầu: đối với các thông tin được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu nộp hồ sơ trực tuyến thì người thực hiện thủ tục hành chính không phải kê khai, nếu nộp hồ sơ giấy thì người thực hiện thủ tục hành chính phải kê khai đầy đủ.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định yêu cầu người thực hiện thủ tục hành chính phải kê khai đầy đủ các thông tin được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với trường hợp nộp hồ sơ giấy. Bởi vì, dù phương thức thực hiện thủ tục là gì, thì nếu cơ quan giải quyết thủ tục có thể khai thác được thông tin trong hệ thống thông tin của Nhà nước, thì không nên yêu cầu người thực hiện thủ tục phải kê khai. Do đó, để tạo thuận lợi cho người thực hiện thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo quy định những thông tin có thể khai thác được trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người thực hiện thủ tục hành chính phải kê khai, kể cả trường hợp nộp hồ sơ giấy.

Trên đây là một số ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Nghị định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.