VCCI_Góp ý Báo cáo về việc rà soát VBQPPL theo lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, CQ ngang bộ
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy
Kính gửi: Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Bộ Công an
Trả lời Công văn số 2670/BCA-C07 của Bộ Công an về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:
Dự thảo đã giúp giải quyết nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng thực tiễn các quy định của Nghị định 79/2014/NĐ-CP như quy định rõ hơn về thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh dối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy, giảm tần suất kiểm tra phòng cháy chữa cháy theo đúng Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Đây là những nội dung rất đáng ghi nhận và được nhiều doanh nghiệp đồng tình. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo, cân nhắc thêm một số vấn đề sau đây:
- Xem xét tính đầy đủ của hồ sơ khi làm thủ tục hành chính
Dự thảo quy định nhiều thủ tục hành chính như cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm (Điều 9), thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Điều 14), nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (Điều 16), phê duyệt phương án chữa cháy (Điều 20), cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy (Điều 34), kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Điều 39), cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy (Điều 45), cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (Điều 46). Để đáp ứng tốt hơn quy định của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một số quy định vào các thủ tục hành chính trong Nghị định này:
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với quy định tại Nghị định này.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được phép yêu cầu bổ sung hồ sơ một lần.
- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì cán bộ tiếp nhận phải trả lời ngay về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì cơ quan tiếp nhận phải trả lời về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ trong vòng 01 ngày kể từ ngày tiếp nhận.
- Danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan công an về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng
Điều 3.4 của Dự thảo quy định về Phụ lục IV: Danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan công an về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng. Điều 15.1.d của Dự thảo quy định đối với các cơ sở quy định tại Phụ lục IV trước khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở phải thông báo với cơ quan công an về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, Luật Phòng cháy và chữa cháy không giao cho Chính phủ ban hành Danh mục này. Điều 11.1 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao”. Như vậy, việc đưa Phụ lục IV và Điều 15.1.d vào Dự thảo Nghị định này là chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hơn nữa, quy định trên tạo ra nghĩa vụ không cần thiết cho một số chủ thể, khi cơ sở của họ vừa thuộc Phụ lục IV lại vừa thuộc Phụ lục V. Những chủ thể này có trách nhiệm thực hiện thủ tục nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 16 Dự thảo, ví dụ bệnh viện đa khoa từ 5 tầng trở lên (Phụ lục IV.2 và Phụ lục V.3), chợ kiên cố có tổng diện tích kinh doanh từ 1500m2 trở lên (Phụ lục IV.3 và Phụ lục V.6)… Do vậy, việc yêu cầu các chủ thể này thực hiện thêm thủ tục thông báo đảm bảo các điều kiện an toàn là không cần thiết.
Đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ Phụ lục IV và Điều 15.1.d của Dự thảo.
- Phụ lục III: Danh mục cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý
Dự thảo bổ sung Phụ lục III quy định về các cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Đây là những cơ sở được coi là quy mô nhỏ, nguy cơ cháy nổ thấp, nếu xảy ra cháy nổ thì thiệt hại cũng không quá lớn. Phụ lục III đang quy định theo hướng giới hạn quy mô lớn nhất, nhưng lại không giới hạn quy mô nhỏ nhất. Điều này dẫn đến thực tiễn là có thể cơ sở quy mô rất nhỏ như quán bán nước hoa quả ép mang đi diện tích vài mét vuông, cơ sở lưu trú dạng home-stay, đón tiếp một vài khách mỗi lần ở cùng chủ nhà, cũng sẽ phải đáp ứng các quy định.
Việc tuân thủ nhiều nghĩa vụ về phòng cháy, chữa cháy có thể gây tốn kém, tạo ra chi phí quá mức đối với các đơn vị quy mô nhỏ này. Theo quy định tại Điều 5.2 của Dự thảo, các đơn vị nhỏ này vẫn phải có có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ, biển chỉ dẫn, hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phải bảo đảm hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy, có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ, phải được huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ.
Do vậy, để đảm bảo tính khả thi của quy định và khả năng tuân thủ của các đối tượng, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung mức quy mô tối thiểu mà một cơ sở tại Phụ lục III của dự thảo.
- Nhà ở hộ gia đình có bố trí phần nhà để sinh sống kết hợp với phần nhà sản xuất, kinh doanh
Việc bổ sung nhà ở hộ gia định có bố trí phần nhà để sinh sống kết hợp với phần nhà sản xuất, kinh doanh vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy (Điều 7.2 và các Phụ lục) là hợp lý, vì có nhiều trường hợp hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh ngay trong nhà có nguy cơ mất an toàn về cháy nổ. Tuy nhiên, cách sử dụng từ ngữ “nhà ở hộ gia đình có bố trí phần nhà để sinh sống kết hợp với phần nhà sản xuất, kinh doanh” bao trùm quá rộng và sẽ dẫn đến một số trường hợp không cần thiết. Khái niệm sản xuất kinh doanh rất rộng không chỉ bao gồm hoạt động công nghiệp, thương mại mà còn có thể là các hoạt động văn phòng, nông nghiệp. Ví dụ, hộ gia đình có phần nhà sử dụng làm văn phòng công ty (tương tự như phòng làm việc gia đình) hoặc hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định chi tiết hơn về khái niệm “nhà ở hộ gia đình có bố trí phần nhà để sinh sống kết hợp với phần nhà sản xuất, kinh doanh” theo hướng chỉ bao gồm các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ mất an toàn cháy nổ ở quy mô đáng kể trở lên.
- Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở
Điều 5.1.a và Điều 5.1.d của Dự thảo quy định các cơ sở phải đảm bảo hai điều kiện như sau: “Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở” và “Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp thì hiện nay không có quy định chi tiết như thế nào là “phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở”. Các quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy cũng không đủ rõ để xác định liệu trang thiết bị của doanh nghiệp có phù hợp với quy định pháp luật hay không. Các doanh nghiệp và cơ quan chức năng không có tiêu chí khách quan để đánh giá và từ đó dẫn đến nguy cơ tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật. Quy định thiếu tính minh bạch như vậy có thể sẽ gây nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ các tiêu chí khách quan, định lượng được để xác định tính phù hợp của các trang thiết bị của cơ sở. Việc quy định minh bạch này có thể trực tiếp trong dự thảo hoặc viện dẫn quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong trường hợp không thể quy định một cách minh bạch thì cần bỏ quy định này.
Góp ý tương tự đối với các quy định sau:
- Điều 6.2.a: “Có quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của khu dân cư”
- Điều 7.1.c: “Có phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình”
- Điều 7.2.b: “Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của hộ gia đình”
- Điều 8.1.a: “Có nội quy, biển cấm, biển báo về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của phương tiện”
- Điều 8.1.đ: “Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy phù hợp với yêu cầu chữa cháy tại chỗ”
- Điều 12.2: “Bậc chịu lửa của công trình phải phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình”
- Cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ
Điều 9 Dự thảo quy định về cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành sửa đổi Nghị định 104/2009/NĐ-CP về vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định 29/2005/NĐ-CP về vận chuyển hàng nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa. Dự kiến việc sửa đổi sẽ tập trung nhiều vào điều chỉnh cơ chế cấp phép gồm các vấn đề về điều kiện cấp phép, thủ tục cấp phép, các loại giấy phép, thời hạn giấy phép và thẩm quyền của cơ quan cấp phép. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo không đưa nội dung này vào Dự thảo.
- Liên thông thủ tục hành chính thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy và thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công
Thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy và thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công hiện nay có nhiều điểm tương đồng. Cơ quan xây dựng cũng chỉ chấp nhận thẩm định thiết kế khi có kết quả thẩm duyệt thiết kế của cơ quan phòng cháy chữa cháy. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới tại báo cáo Doing Business năm 2019 thì thời gian làm thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy là 30 ngày và thẩm định thiết kế xây dựng là 82 ngày trên tổng số 166 ngày đo lường “Chỉ số cấp phép xây dựng”. Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 19 các năm 2015, 2016, 2017, 2018 của Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu cải thiện chỉ số A3 về cấp phép xây dựng trong Doing Business. Một trong những biện pháp được khuyến nghị là cho phép doanh nghiệp thực hiện đồng thời hai thủ tục hành chính hay liên thông thủ tục hành chính. Tương tự như thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thủ tục cấp mã số thuế và thủ tục đăng ký mẫu dấu được liên thông với nhau. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế liên thông thủ tục như sau:
- Doanh nghiệp nộp thiết kế tại cơ quan xây dựng.
- Cơ quan xây dựng gửi một bản sao cho cơ quan phòng cháy chữa cháy (bản sao có thể là bản cứng hoặc bản mềm qua mạng internet)
- Cơ quan xây dựng và cơ quan phòng cháy chữa cháy tiến hành thẩm định và thẩm duyệt thiết kế như bình thường.
- Cơ quan phòng cháy chữa cháy trả lời ý kiến thẩm duyệt cho cơ quan xây dựng.
- Cơ quan xây dựng tổng hợp kết quả và trả lời doanh nghiệp.
Hiện nay, Luật Xây dựng (Điều 82.1) và Nghị định 59/2015/NĐ-CP (Điều 10.6 và Điều 30.2) đã có quy định về việc cơ quan xây dựng sẽ lấy ý kiến cơ quan phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thẩm định thiết kế. Cơ chế này phù hợp với biện pháp liên thông thủ tục hành chính. Nếu tiến hành liên thông giữa hai thủ tục về xây dựng và phòng cháy chữa cháy thì có thể rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải thiện chỉ số A3 theo Nghị quyết 02 năm 2019 của Chính phủ.
Để có thể áp dụng cơ chế liên thông này đòi hỏi sự thống nhất về thành phần hồ sơ (Điều 14.4) và về phân cấp trung ương – địa phương (Điều 14.9) giữa thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Xây dựng để thống nhất các nội dung trên, sau đó thực hiện cơ chế liên thông thủ tục hành chính theo hướng dẫn tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP.
- Thiết kế và thẩm duyệt thiết kết về phòng cháy chữa cháy
Điều 14.1 của Dự thảo quy định “Việc lập đồ án quy hoạch, hồ sơ thiết kế xây dựng dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này phải do đơn vị có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 42 của Nghị định này thực hiện và phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy”. Quy định này khiến cho chủ đầu tư bắt buộc phải thuê một đơn vị kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy để thiết kế dự án mà không thể tự làm việc này. Quy định như vậy là bất hợp lý, gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp.
Bản chất thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy là việc cơ quan nhà nước xem xét tính phù hợp với thiết kế công trình so với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về PCCC. Nếu một chủ đầu tư có kinh nghiệm (hoặc đã thuê dịch vụ thiết kế kiến trúc) có thể tự tin rằng thiết kế của mình phù hợp và nếu cơ quan thẩm duyệt thấy rằng thiết kế đó phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về PCCC thì không có lý do gì để từ chối phê duyệt thiết kế. Việc có hay không thuê dịch vụ là quyền của chủ đầu tư, không nên coi đây là nghĩa vụ bắt buộc. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định nêu trên tại Điều 14.1 của Dự thảo. Góp ý này đi kèm với việc bỏ yêu cầu bắt buộc thành phần hồ sơ gồm bản sao giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh và hồ sơ năng lực của đơn vị cung cấp dịch vụ PCCC tại các Điều 14 và mẫu đơn PC19 tại Phụ lục Dự thảo.
- Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế cơ sở về phòng cháy và chữa cháy của dự án, công trình
Điều 14.4.b Dự thảo quy định hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế cơ sở của dự án, công trình cần phải có:
- Bản sao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án sử dụng vốn khác (nếu có)
- Bản sao văn bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (quy hoạch 1/2.000 đối với khu công nghiệp quy mô trên 20 ha) được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc bản sao văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp
- Đơn theo mẫu PC19 tại Phụ lục của Dự thảo. Mục II của Mẫu đơn này yêu cầu danh mục hồ sơ gửi kèm, trong đó có nhiều hồ sơ không nằm trong quy định tại Điều 14.4.b như dự toán xây dựng công trình.
Như đã trình bày ở trên, mục đích của việc thẩm duyệt thiết kế về PCCC là nhằm bảo đảm thiết kế đó phù hợp với các quy định về an toàn PCCC của công trình. Cơ quan PCCC chỉ xác nhận sự phù hợp của thiết kế đối với quy định về PCCC, cơ quan PCCC không cần thiết phải giám sát việc chủ đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư chưa (trách nhiệm của cơ quan quản lý đầu tư) hay việc đất xây dựng công trình có quyền sử dụng hợp pháp hay không (trách nhiệm của cơ quan đất đai). Việc yêu cầu hồ sơ có dự toán xây dựng công trình cũng không cần thiết, vì nếu thiết kế công trình đã phù hợp với quy định về PCCC thì việc doanh nghiệp dự toán không có dự toán không thể là căn cứ để cơ quan nhà nước từ chối phê duyệt thiết kế.
Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại thành phần hồ sơ, bãi bỏ các thành phần hồ sơ không liên quan đến mục tiêu của thủ tục thẩm duyệt thiết kế tại Điều 14 và Mẫu đơn PC19 của dự thảo.
- Trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước
Điều 15.6 Dự thảo quy định trách nhiệm không cung ứng dịch vụ điện nước cho dự án, công trình khi chủ đầu tư không cung cấp được văn bản thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Trong khi đó, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 không quy định biện pháp này là một biện pháp xử lý hay biện pháp khắc phục hậu quả. Do vậy, không có căn cứ pháp lý để quy định như vậy. Hơn nữa, pháp luật về điện lực (Luật Điện lực, Luật Điện lực sửa đổi, Nghị định 137/2010/NĐ-CP) và pháp luật về tài nguyên nước (Luật Tài nguyên nước, Nghị định 117/2007/NĐ-CP) không có quy định quy định về trách nhiệm này của tổ chức cung ứng điện, nước. Thậm chí, điện và nước được coi là dịch vụ công, các đơn vị cung cấp dịch vụ không được phép đơn phương từ chối cung cấp cho khách hàng trừ trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước.
- Áp dụng quản lý rủi ro và phối hợp về kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy
Hiện nay, công tác hậu kiểm của nhiều cơ quan nhà nước đang chuyển dần theo hướng quản lý rủi ro. Cơ quan nhà nước tiến hành thu thập và tổng hợp thông tin đầu vào (gồm cả lịch sử tuân thủ) của mỗi đối tượng quản lý, hệ thống máy tính dựa trên tiêu chí định sẵn và thông tin đầu vào sẽ chấm điểm rủi ro của mỗi đối tượng quản lý và phân các đối tượng này thành các nhóm có mức độ rủi ro cao thấp khác nhau. Đối tượng quản lý sẽ được thanh kiểm tra với tần suất tương ứng với mức độ rủi ro đó. Cách quản lý này vừa bảo đảm minh bạch, tránh việc lợi dụng thanh kiểm tra để nhũng nhiễu, tiêu cực, vừa giúp tiết kiệm thời gian, công sức tăng hiệu quả làm việc của cơ quan thanh kiểm tra, vừa tạo động lực để đối tượng quản lý tuân thủ quy định tốt hơn.
Điều 17.3 của Dự thảo quy định về tần suất kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đang theo xu hướng cào bằng, không có sự phân biệt giữa những đơn vị có rủi ro cao với đơn vị rủi ro thấp, cũng không phân biệt giữa các đơn vị có lịch sử tuân thủ tốt với đơn vị có lịch sử tuân thủ kém.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý rủi ro khi kiểm tra. Ví dụ, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó tốt thì tần suất kiểm tra sau đó ít hơn, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó không tốt thì tần suất kiểm tra cao hơn.
Thêm vào đó, hiện nay có tình trạng nhiều đoàn kiểm tra của các cơ quan nhà nước khác nhau cùng kiểm tra doanh nghiệp dẫn đến trùng lặp, chồng chéo về nội dung kiểm tra. Ngoài cơ quan công an, hiện nay vẫn có tình trạng cơ quan quản lý về xây dựng, về an toàn lao động, về an toàn hoá chất, thậm chí cả bảo vệ môi trường cũng kiểm tra doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định vào Điều 17.3 của Dự thảo: “Cơ quan có trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm theo hướng kết hợp kiểm tra nhiều nội dung, trong đó có công tác phòng cháy chữa cháy, bảo đảm không để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động kiểm tra“
- Biện pháp đảm bảo thi hành quyết định đình chỉ hoạt động
Điều 18.10.c Dự thảo quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép đầu tư xây dựng dự án, công trình mới cho chủ đầu tư có công trình đang bị đình chỉ hoạt động”. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định này vì hai lý do sau:
Thứ nhất, quy định này mâu thuẫn với các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật. Luật Xây dựng 2014 không có quy định về việc chủ đầu tư bị đình chỉ hoạt động do vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy là một căn cứ để từ chối cấp giấy phép đầu tư mới. Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng không quy định biện pháp này là một hình thức xử phạt hay biện pháp khắc phục hậu quả. Do vậy, không có căn cứ pháp lý cho quy định này;
Thứ hai, quy định này ít có khả năng thực thi trên thực tế. Doanh nghiệp có thể đơn giản “lách” biện pháp này bằng cách thành lập một pháp nhân mới, công ty con để xin cấp phép cho đầu tư xây dựng dự án hoặc công trình mới.
Từ những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Điều 39 của Dự thảo quy định về việc kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy là việc đánh giá, xác nhận sự phù hợp của phương tiên với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tương ứng. Về bản chất, đây là hoạt động đánh giá sự phù hợp được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực khác đều đã tiến hành xã hội hoá hoạt động đánh giá sự phù hợp. Theo đó, cơ quan nhà nước uỷ quyền hoặc chỉ định một số tổ chức có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ kiểm định. Các tổ chức này nhận thù lao để tiến hành kiểm định cho chủ hàng theo quy trình và quy chuẩn kỹ thuật mà cơ quan nhà nước đề ra, sau đó cấp chứng thư kiểm định và/hoặc dán tem kiểm định. Hàng hoá đã được kiểm định và xác nhận phù hợp với quy định được lưu thông ngay trên thị trường mà không cần xin phép cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước chỉ tiến hành hậu kiểm để bảo đảm rằng các tổ chức kiểm định được cấp phép thực hiện đúng quy định. Đây là cách quản lý tiên tiến và đã được áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực khác. Hiện nay Chính phủ cũng đang yêu cầu các bộ ngành rà soát để cắt giảm và đơn giản hoá kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá, thực hiện các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 và Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Tuy nhiên, Điều 39 của Dự thảo vẫn quy định thẩm quyền kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy thuộc về cơ quan Công an. Điều 39.7.c của Dự thảo cũng cho phép các tổ chức tư vấn kiểm định có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn có quyền tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thử nghiệm, đánh giá chất lượng theo các thông số kỹ thuật của phương tiện. Mặc dù vậy kết quả này chỉ có ý nghĩa là cơ sở để cơ quan công an xem xét, cấp giấy chứng nhận kiểm định, chứ kết quả này chưa được coi là căn cứ để hàng hoá được lưu thông.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép các tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định và dán tem kiểm định với phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Cơ quan nhà nước chỉ làm công tác hậu kiểm chứ không đảm nhận việc cấp phép tiền kiểm.
- Điều kiện về người đứng đầu đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy
Điều 42.1 Dự thảo yêu cầu người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy. Tại các doanh nghiệp, người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật là người làm công tác điều hành doanh nghiệp, người này có thể không trực tiếp mà sẽ có người đủ chuyên môn để tham gia cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Việc quy định người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề sẽ rất bất cập, can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh, tự tổ chức nội bộ của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành gồm dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, kiểm định an toàn lao động, kiểm định thiết bị đo, kiểm định xe cơ giới, kiểm định chất lượng công trình xây dựng, thiết kế xây dựng… Nếu mỗi ngành lại yêu cầu người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề riêng thì sẽ dẫn đến tình trạng một cá nhân phải có nhiều chứng chỉ, trong khi đó chỉ là một doanh nhân, không phải là người trực tiếp làm kỹ thuật. Vô hình chung, quy định bắt buộc người đứng đầu có bằng cấp sẽ cản trở cơ hội kinh doanh đa ngành, đa nghề của các doanh nghiệp, cản trở khả năng một doanh nghiệp tận dụng nguồn lực nhàn rỗi để đa dạng hoá sản phẩm, tăng năng suất lao động.
Do vậy, nhằm tiếp tục giảm rào cản kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các điều kiện đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật mà chỉ cần điều kiện đối với người trực tiếp thực hiện công việc.
- Điều kiện về cơ sở vật chất đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy
Điều 42.2 Dự thảo yêu cầu cơ sở kinh doanh phải “có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị, địa điểm bảo đảm thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy”. Quy định này không minh bạch vì không rõ cơ sở nào để cơ quan nhà nước đánh giá xem cơ sở vật chất của doanh nghiệp có đảm bảo hay không. Ngoài ra, trong thành phần hồ sơ quy định tại Điều 46.1 Dự thảo cũng không yêu cầu doanh nghiệp chứng minh về điều kiện này. Như vậy, có thể thấy điều kiện này là không cần thiết để chứng minh doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh hay không. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 42.2 của Dự thảo.
- Thời hạn chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy
Điều 45.3 Dự thảo quy định chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. Quy định này là không hợp lý vì các điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn bao gồm (i) văn bằng; (ii) kinh nghiệm và (iii) số công trình đã thực hiện đã được đáp ứng tại thời điểm cấp bằng, và những điều kiện này không thể bị suy giảm trong quá trình hành nghề. Trong trường hợp để bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ pháp luật khi kinh doanh thì cơ quan nhà nước đã có chế độ thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, trong đó có biện pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định về thời hạn chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy.
- Thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy
Điều 46.3 Dự thảo phân thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy cho: (i) Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (ii) Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh. Việc quy định thẩm quyền cấp phép của cấp trung ương thường sẽ gây tốn kém chi phí và mất thời gian hơn so với tại cấp tỉnh. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là đẩy mạnh phân cấp việc thực thi pháp luật cho địa phương, các cơ quan trung ương tập trung vào công tác xây dựng pháp luật và giám sát thi hành, không trực tiếp thực thi việc cấp phép, nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng giao toàn bộ thẩm quyền cấp phép cho Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh.
- Áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy
Điều 14.2 của Dự thảo quy định cho phép áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế thay thế cho việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định hướng dẫn về trình tự thủ tục để một doanh nghiệp có thể xin phép áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy chữa cháy. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung này.
- Khoảng cách an toàn và chiều rộng lối thoát nạn
Điều 12.1 của Dự thảo quy định: “Địa điểm xây dựng công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh”. Điều 14.4.d đặt ra thủ tục chấp thuận địa điểm xây dựng công trình và Điều 14.8.a yêu cầu phải có văn bản chấp thuận về địa điểm trước khi tiến hành thiết kế công trình. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp thì hiện nay chưa có quy định rõ ràng về khoảng cách an toàn khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định địa điểm xây dựng để làm các thủ tục về đất đai. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về khoảng cách an toàn này.
Điều 12.4 của dự thảo quy định: “Lối thoát nạn (cửa, lối đi, hành lang, cầu thang thoát nạn), thiết bị chiếu sáng, chỉ dẫn lối thoát nạn, báo tín hiệu; thông gió chống tụ khói; phương tiện cứu người phải bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn”. Nhiều doanh nghiệp phản ánh là hiện chưa có quy định rõ về kích thước tối thiểu của lối thoát hiểm nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định rõ hơn về kích thước của lối thoát hiểm.
- Lỗi dẫn chiếu trong dự thảo
Dự thảo vẫn còn một số trường hợp dẫn chiếu mâu thuẫn. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa nhằm bảo đảm chính xác khi áp dụng. Một số ví dụ như sau:
- Điều 20.4.a quy định UBND xã có thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy của các cơ sở quy định tại Phụ lục III của Nghị định này. Tuy nhiên, Điều 5.2.a của Dự thảo quy định các cơ sở tại Phụ lục III không cần phải có phương án chữa cháy.
- Điều 15.5.a quy định các dự án tại Phụ lục IV phải có kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo Điều 14.8. Tuy nhiên, Điều 14.8 chỉ yêu cầu thẩm duyệt thiết kế PCCC đối với cơ sở tại Phụ lục V.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.