VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy
VCCI_Góp ý Đề án “Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam”
Kính gửi: Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 7719/BCT-ĐTĐL ngày 15/10/2019 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Đề án “Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Đề án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có ý kiến ban đầu như sau:
Đề án đã đưa ra được khung khổ cho việc cạnh tranh hoá thị trường bán lẻ điện năng tại Việt Nam với đầy đủ các yêu cầu tiền đề cũng như các bước tiến hành. Để đề án hoàn thiện hơn, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung sau:
Hiện nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã đi vào hoạt động được nhiều năm, nhưng đây mới chỉ đạt về khung khổ cạnh tranh, còn mức độ cạnh tranh trên thực tế chưa cao, thể hiện ở hai vấn đề:
- Thứ nhất, tỷ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh còn ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 49% công suất đặt của thị trường. Ngay trong đề án này, phần hiện trạng của thị trường điện, cơ quan soạn thảo cũng đã công nhận hạn chế này.
- Thứ hai, mặc dù có nhiều nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng các nhà máy này vẫn chung một vài công ty mẹ tập đoàn. Như vậy, mức độ cạnh tranh thực sự trên thị trường không cao. Các chỉ số đánh giá mức độ tập trung của thị trường (concentration ratio) như CR4, CR8 vẫn rất cao.
Để tránh tình trạng này lặp lại ở thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một số mục tiêu cần đạt được trong đề án này, cụ thể như sau:
- Bổ sung mục tiêu tỷ lệ khách hàng tham gia/chưa tham gia thị trường điện theo thời gian.
- Bổ sung mục tiêu về số đơn vị bán lẻ điện độc lập với nhau cùng tồn tại trên thị trường, ví dụ thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có ít nhất 3 hoặc 4 đơn vị bán lẻ độc lập.
Những chỉ tiêu này là những kết quả đầu ra quan trọng của việc thực hiện đề án, bởi nếu một khuôn khổ thị trường cạnh tranh có được tạo lập tốt, nhưng nếu các khách hàng được lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện thì khuôn khổ thị trường đó trở nên vô nghĩa.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Đề án “Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam”. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.