VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp và bảo lãnh để vay vốn của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm
Kính gửi: Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 9250/BTC-QLBH của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Quy định về chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam (Điều 33)
- Điều kiện là thành viên Associate và thành viên Fellow
Khoản 2 Điều 33 Dự thảo quy định điều kiện, tiêu chuẩn của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam là:
“Sau 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải tối thiểu là thành viên của Hội các nhà tính toán bảo hiẻm đang là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế”
“Sau 05 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải là thành viên (Fellow) được đào tạo về tính toán trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ của Hội các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế”.
Một số doanh nghiệp cho rằng, thời hạn 02 năm để chuyên gia tính toán trở thành Associate và 05 năm để trở thành Fellow là khá thách thức đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kéo dài thời gian này hơn thời hạn phải đáp ứng các điều kiện trên (chẳng hạn 03 năm để trở thành Associate, 06 năm để trở thành Fellow).
- Điều kiện làm việc và cư trú tại Việt Nam
Khoản 4, 5 Điều 33 Dự thảo quy định điều kiện “là người lao động tại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam”; “cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm”.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 4, 5 Điều 33 Dự thảo.
- Đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (Điều 52)
Điều 52 Dự thảo quy định về việc đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cho hoạt động “kinh doanh bất động sản”.
Khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản và quy định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Để đảm bảo tính thống nhất và rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo quy định hiệu lực của quy định trên.
- Điều kiện đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm (Điều 75)
- Các tổ chức tín dụng đã được cấp phép hoạt động đại lý bảo hiểm
Khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định mới một số điều kiện hoạt động của đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng. Hiện tại, nhiều tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động có ngành nghề kinh doanh bảo hiểm, vì vậy Dự thảo cần phải có quy định rõ vấn đề chuyển tiếp của đối với các tổ chức tín dụng đã được cấp phép hoạt động đại lý bảo hiểm, cũng như quy định chuyển tiếp cho chứng chỉ đại lý bảo hiểm, vì khoản 2 Điều 157 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2025”.
- Tổ chức tín dụng làm đại lý bảo hiểm phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm (điểm a khoản 1)
Tổ chức tín dụng có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động kinh doanh được thường xuyên giám sát, quản lý rủi ro theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng. Việc yêu cầu phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, theo doanh nghiệp, hiệp hội, là không cần thiết đối với tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng sẽ chủ động lựa chọn cơ cấu, bộ phận phù hợp để thực hiện hoạt động kinh doanh này. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 75 Dự thảo.
- Điều kiện áp dụng đối với chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức tín dụng
Điểm c khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định “đối với tổ chức tín dụng thì mỗi chi nhánh, văn phòng giao dịch thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 03 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý”. Việc áp đặt cứng tối thiểu 03 nhân viên đối với mỗi chi nhánh, văn phòng giao dịch là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào quy mô, phạm vi và địa bàn kinh doanh, tổ chức tín dụng sẽ cân nhắc, bố trí số lượng cán bộ nhân viên phù hợp để triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết bao gồm hoạt động đại lý bảo hiểm. Mặt khác, các doanh nghiệp cho rằng điều kiện này là khá khắt khe và rất ít doanh nghiệp đáp ứng được, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định này theo hướng, chỉ cần đảm bảo nguyên tắc nhân viên trong tổ chức tín dụng làm đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý, nhằm đảm bảo sự linh hoạt, chủ động và phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của từng tổ chức tín dụng.
- Điều kiện về chính sách trả thưởng
Điểm e khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định “có chính sách trả thưởng, hỗ trợ cho các nhân viên trong tổ chức đại lý được xây dựng căn cứ trên các Tiêu chí đánh giá chất lượng khai thác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành trong đó bao gồm tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu”. “Tiêu chí đánh giá chất lượng khai thác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành” là khái niệm mới và chưa rõ, đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định rõ hoặc bỏ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 75 vì đây là vấn đề thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức đại lý bảo hiểm, Nhà nước không cần thiết phải can thiệp vào vấn đề này.
- Một số quy định chưa đảm bảo tính minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Dự thảo quy định chi tiết một số điều tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó có nhiều quy định liên quan đến hồ sơ, trình tự thủ tục hành chính. Để quy định có thể thực thi được ngay khi phát sinh hiệu lực và đảm bảo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng, các quy định cần đảm bảo đủ rõ ràng, cụ thể.
Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo đã đảm bảo nguyên tắc này, tuy nhiên để hoàn thiện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số điểm sau:
a. Quy định không chi tiết hơn so với luật
Trong một số quy định hồ sơ, Dự thảo quy định tài liệu theo hướng “tài liệu chứng minh” doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện theo quy định (ví dụ, trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn tái bảo hiểm phải có tài liệu “Tài liệu chứng minh tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn đáp ứng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Kinh doanh bất động sản” (Điều 13 Dự thảo)).
Đây là các dạng quy định chưa đủ rõ ràng, vì trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ không thể biết tài liệu nào chứng minh đáp ứng điều kiện theo quy định (ví dụ, quy định tại Điều 13 Dự thảo, doanh nghiệp sẽ khó biết được tài liệu nào chứng minh “Lĩnh vực dự kiến đề nghị cấp giấy phép thực hiện tại Việt Nam là lĩnh vực mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài đang trực tiếp thực hiện hoặc có công ty con thực hiện tối thiểu trong 07 năm liên tục gần nhất”) và sẽ chịu rủi ro là cơ quan cấp phép sẽ yêu cầu các tài liệu không theo cách hiểu của doanh nghiệp. Điều này khiến cho quy trình, thủ tục có thể bị kéo dài.
Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo, chỉnh sửa các quy định có tính chất trên theo hướng quy định cụ thể loại tài liệu cần phải cung cấp trong hồ sơ.
b. Thiếu thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ
Quy định về trình tự, thủ tục tại Dự thảo, thời gian xử lý hồ sơ được tính từ ngày “nhận đủ hồ sơ hợp lệ”, tuy nhiên trong một số quy trình thủ tục lại thiếu quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ (tính từ thời điểm nhận đầy đủ hồ sơ), ví dụ: quy định tại Điều 20, 21, 22, 23; …
Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo, bổ sung về thời hạn xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ trong quy trình xem xét, thẩm định hồ sơ để đảm bảo tính minh bạch của quy định.
c. Các tài liệu trong hồ sơ chưa thực sự hợp lý
Các tài liệu trong hồ sơ cấp phép là hình thức của các điều kiện doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng. Về cơ bản, quy định tại Dự thảo đã thể hiện được nguyên tắc này, tuy vậy vẫn còn một số quy định chưa thực sự hợp lý, ví dụ:
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn tái bảo hiểm (Điều 13)
Khoản 6 quy định trong hồ sơ phải có “Danh sách thành viên góp vốn dưới 10% vốn điều lệ” và các giấy tờ kèm theo như “Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác”, “báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép”. Đây là tài liệu chưa phù hợp với quy định tại Điều 69 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Mặt khác, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng không đặt ra điều kiện đối với các thành viên góp vốn dưới 10%, vì vậy yêu cầu các tài liệu về các chủ thể này là chưa phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 6.
Khoản 12 yêu cầu trong hồ sơ phải có “Văn bản cam kết của các thành viên góp vốn đối với việc đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy phép theo quy định tại Điều … Nghị định này và Điều 65 Luật Kinh doanh bảo hiểm” (khoản 12). Yêu cầu văn bản này là không cần thiết, khi các tài liệu khác trong hồ sơ đã chứng minh doanh nghiệp đáp ứng
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty cổ phần bảo hiểm, công ty cổ phần tái bảo hiểm (Điều 14) cũng có những tài liệu có tính chất tương tự ở trên tại khoản 7 và khoản 14
Việc yêu cầu các tài liệu không thể hiện các điều kiện được cấp phép sẽ làm phức tạp thêm hồ sơ thủ tục và gia tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo và loại bỏ các tài liệu có tính chất tương tự như nêu ở trên.
- Một số góp ý khác
a. Giảm vốn điều lệ, vốn được cấp (Điều 22)
Khoản 1 Điều 22 Dự thảo quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài muốn giảm vốn điều lệ, vốn được cấp phải đáp ứng các điều kiện. Việc giảm vốn điều lệ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thanh toán các nghĩa vụ tài chính của công ty cổ phần nên công ty phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm điều kiện vào quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 Dự thảo theo hướng, sau khi giảm vốn điều lệ, vốn được cấp, doanh nghiệp phải đảm bảo khả năng thanh toán đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác.
b. Điều kiện, tiêu chuẩn đối với Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên (Điều 29)
Điều 29 Dự thảo quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên theo đó “không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và người quản lý khác”. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ “người quản lý khác” là người nào?
c. Phụ lục hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí
Điểm I Phụ lục hướng dẫn “3. Trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không dưới 55 (năm mươi lăm) tuổi đối với nữ và 60 (sáu mươi) tuổi đối với nam, trường hợp pháp luật có quy định khác về độ tuổi nghỉ hưu thì thực hiện theo quy định tại văn bản pháp luật đó về độ tuổi nghỉ hưu;”
Điều 169 Bộ luật lao động 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ: “2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035”. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại nội dung này để phù hợp với pháp luật về lao động.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.