VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan

Thứ Tư 15:36 23-11-2022

Kính gửi:  Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 557/GM-BTP ngày 08/11/2022 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Biểu mức trả tiền bản quyền với lĩnh vực truyền hình

Dự thảo quy định về Biểu mức tiền bản quyền khi phát tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của tổ chức phát sóng. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc yêu cầu doanh nghiệp phải trả tiền với các kênh như VTV1, VCT1… không phù hợp. Lý do là vì các kênh này là kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của nhà nước, do đó doanh nghiệp có nghĩa vụ (bắt buộc) tiếp sóng theo quy định tại Nghị định 06/2016/NĐ-CP. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng mức trả tiền bản quyền với các kênh này là 0 đồng.

  1. Thủ tục sử dụng tác phẩm không tìm được hoặc không xác định được chủ sử hữu

Điều 24 Dự thảo quy định thủ tục để tổ chức, cá nhân có thể sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm:

  • Tự tìm kiếm bằng các phương thức được quy định (Niên giám đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; văn bản gửi đến tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan; tìm kiếm trên mạng);
  • Gửi hồ sơ xin chấp thuận cho cơ quan nhà nước;
  • Cơ quan Nhà nước đăng tải công khai nội dung này lấy ý kiến;
  • Ra quyết định (chấp thuận/ từ chối)

Quy trình như vậy được hiểu là áp dụng với mỗi tổ chức, cá nhân muốn sử dụng tác phẩm, và với tổ chức, cá nhân đó sau khi hết thời hạn đăng ký sử dụng. Cách quy định như vậy dường như chưa thực sự phù hợp vì tương đối tốn kém thời gian xin phép sử dụng trong bối cảnh nhiều đơn vị cùng có nhu cầu sử dụng, và có nhu cầu sử dụng nhiều lần. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng đơn giản hoá quy trình, chẳng hạn:

  • Cơ quan nhà nước công khai các tác phẩm mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan (theo diện thuộc Điều 24);
  • Nếu tác phẩm không thuộc Danh sách này, đơn vị có nhu cầu sử dụng thực hiện theo trình tự, thủ tục trên;
  • Nếu tác phẩm thuộc Danh sách này, đơn vị có nhu cầu sử dụng chỉ cần nộp đơn xin chấp thuận sử dụng (mà không cần chứng minh đã nỗ lực tìm kiếm). Cơ quan nhà nước thu tiền bản quyền và cho phép sử dụng;
  • Định kỳ, cơ quan nhà nước thực hiện tìm kiếm và nhận thông tin về chủ sở hữu quyền tác giả. Cơ quan Nhà nước loại bỏ tác phẩm khỏi Danh mục nếu nhận được thông tin phù hợp.
  1. Thủ tục hành chính

Chương IV Dự thảo quy định về thủ tục hành chính đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Để tuân thủ theo Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 về cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số điểm sau:

Với thủ tục cấp phép (Điều 41)

  • Bỏ yêu cầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: cơ quan cấp phép có thể tra cứu trực tuyến thông qua Cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp (Điều 40.2.d Dự thảo, Điều 41.2.c Dự thảo, Điều 42.2.c)
  • Bỏ yêu cầu văn bản uỷ quyền của cá nhân phải được chứng thực: Quy định này được suy đoán nhằm đảm bảo việc uỷ quyền là tự nguyện và đúng theo ý chí của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, việc này là không cần thiết vì việc uỷ quyền trong tình huống này chỉ nhằm mục đích thực hiện thủ tục đăng ký quyền (Điều 40.2.c Dự thảo);
  • Bỏ yêu cầu tóm tắt tác phẩm tại Tờ khai đăng ký quyền tác giả (Phụ lục 1 Dự thảo Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan): quyền tác giả là bảo vệ về hình thức thể hiện, không bảo vệ về ý tưởng, nên việc yêu cầu tóm tắt là không cần thiết.

Với thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận (Điều 42)

Bản chất của thủ tục cấp lại là cấp một bản mới hơn do giấy chứng nhận trước đã không thể sử dụng được trong các hoạt động kinh tế, xã hội thông thường. Hoạt động cấp lại không thay đổi bất kỳ quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như không thay đổi hình thức tác phẩm và do đó, thủ tục nên được thiết kế đơn giản. Để giảm thời gian xét duyệt, pháp luật nên cho phép chủ thể đăng ký có thể tiếp tục sử dụng bảo sao tác phẩm, bản định hình đi kèm Giấy chứng nhận cũ cho Giấy chứng nhận mới.

  • Bỏ yêu cầu nộp 02 bản sao tác phẩm, bản định hình;
  • Bỏ yêu cầu nộp bản sao tác phẩm, bản định hình đã được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận;
  • Rút ngắn thời gian cấp phép: thời gian xem xét thụ lý giảm xuống 3 ngày và thời gian cấp phép giảm xuống 2-3 ngày

Góp ý tương tự với thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận (Điều 43).

  1. Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền

Điều 63 Dự thảo quy định một trong các căn cứ xem xét hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là yếu tố về địa điểm xảy ra của hành vi. Cụ thể, hành vi vi phạm phải xảy ra tại Việt Nam hoặc nếu nhằm vào người tiêu dùng hoặc người khai thác, sử dụng nội dung số tại Việt Nam với hành vi trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet. Quy định này chưa phù hợp vì sẽ vô tình thu hẹp đáng kể phạm vi xác định hành vi và gây khó khăn cho bên bị thiệt hại trong việc chứng minh hành vi đó là hành vi phạm tội. Chẳng hạn, một hành vi không xảy ra ở Việt Nam nhưng có thể xâm phạm đến một chủ thể ở Việt Nam. Hay, việc chứng minh một hành vi có nhằm vào người tiêu dùng ở Việt Nam là tương đối khó khăn và không dễ tiếp cận các bằng chứng để chứng minh. Quy định như vậy sẽ hạn chế quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan khi thực hiện quyền của mình. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

Điều 93, 94 Dự thảo quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Quy định này cần phải xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, Điều 93.3 Dự thảo quy định doanh nghiệp có trách nhiệm cảnh báo cho người sử dụng. Tuy nhiên, không rõ doanh nghiệp phải thực hiện hành vi như thế nào thì được coi là đã cảnh báo đến người dùng? Nếu người dùng chấp thuận điều khoản sử dụng/ ký hợp đồng trong đó có điều khoản về trách nhiệm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ thì đã đầy đủ chưa? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.

Thứ hai, Điều 93.4, Điều 93.5 Dự thảo quy định doanh nghiệp trách nhiệm có trách nhiệm ngăn chặn nếu biết hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, Dự thảo không làm rõ thế nào là “biết”? Doanh nghiệp chỉ cần thực hiện theo Điều 95 Dự thảo là đủ hay các trường hợp nào khác cũng được coi là “biết”? Trách nhiệm “biết” này có bao hàm việc tự cập nhật thông tin về bản án/ quyết định của Toà hay không? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này, có thể cân nhắc theo hướng trách nhiệm phát sinh khi doanh nghiệp nhận được đủ các tài liệu hỗ trợ để chứng minh có hành vi xâm phạm quyền, quyền liên quan đi kèm với yêu cầu gỡ bỏ.

Thứ ba, Điều 93.7 Dự thảo quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền bản quyền nếu khai thác, sử dụng nội dung thông tin số do người sử dụng dịch vụ đăng tải vì mục đích thương mại. Quy định này là quá rộng và có thể dẫn đến cách hiểu các nhà cung cấp phải trả tiền cho tất cả người dùng có đăng nội dung trên dịch vụ của họ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng việc khai thác, sử dụng có loại trừ việc cung cấp các dịch vụ trung gian để đăng tải nội dung thông tin đó.

Thứ tư, Điều 94 Dự thảo quy định các trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại, cụ thể:

  • Nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số mà không được phép;
  • Hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung số có được do hành vi xâm phạm quyền;

Tuy nhiên, Dự thảo không làm rõ như thế nào được coi là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp và nguồn phân phối thứ cấp. Trong khi đó, Điều 198b.3 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định doanh nghiệp được miễn trách nhiệm pháp lý khi: (i) chỉ thực hiện việc truyền dẫn hoặc cung cấp khả năng truy nhập; (ii) gỡ bỏ hoặc không cho truy nhập khi biết rằng nội dung đó đã được gỡ bỏ tại nguồn khởi đầu. Quy định tại Dự thảo sẽ gây rối trong cách hiểu và áp dụng và có nguy cơ làm mất đi cơ chế an toàn cho hoạt động của các doanh nghiệp trung gian. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.

  1. Quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

Điều 95 Dự thảo quy định về quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn nội dung vi phạm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Thời gian thực hiện: Dự thảo tiếp cận theo hướng giới hạn khung thời gian (không quá năm ngày). Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, cách tiếp cận này là tương đối cứng nhắc và khó khả thi, đặc biệt trong các trường hợp tranh chấp có tính phức tạp và khó xác định rõ ràng ngay từ đầu. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp trung gian kéo dài thời gian đánh giá nếu có lý do chính đáng (như: vụ việc có tính chất phức tạp, cần thời gian xác nhận với bên thứ ba…);
  • Chủ thể có quyền yêu cầu: Dự thảo cho phép hai chủ thể có quyền yêu cầu gồm: (i) chủ sở hữu quyền; (ii) cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, theo phản ánh từ doanh nghiệp, thông lệ quốc tế chỉ trao quyền này cho chủ quyền sở hữu quyền vì đây là chủ thể chịu ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm, có quyền và lợi ích liên quan. Việc trao quyền yêu cầu cho cơ quan nhà nước trong khi không đi kèm có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm sẽ gây rủi ro cho tất cả các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp trung gian và nhà cung cấp nội dung bị gỡ bỏ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 95.1.b Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.