VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất

Thứ Năm 15:52 23-05-2024

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời Công văn số 2723/BKHĐT-QLĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai (Điều 4)

Khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định “dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”; “dự án xây dựng công trình nguồn cấp nước theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch” phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu. Điều này được hiểu, các dự án này bắt buộc phải lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu quy định tại pháp luật đấu thầu.

Trong khi đó, theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 4 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (được sửa đổi tại khoản 4 Điều 84 Luật Tài nguyên nước 2023) “xử lý chất thải”, “cung cấp nước sạch” thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, khoản 1 Điều 59 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định “Việc lựa chọn chủ đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, xây dựng và đấu thầu”. Như vậy, phương thức PPP là một trong những phương thức lựa chọn chủ đầu tư đối với các dự án về “xử lý chất thải”, “cung cấp nước sạch”.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo sửa quy định Điều 4 Dự thảo theo hướng “dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định này …”, tức là bỏ từ “phải”.

  1. Công bố dự án đầu tư có sử dụng đất (Điều 5)

Khoản 1 Điều 5 Dự thảo dẫn chiếu quy định công bố dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại Điều 9 hoặc Điều 10 Nghị định 23/2024/NĐ-CP.

Điều 10 Nghị định 23/2024/NĐ-CP quy định về công bố dự án kinh doanh đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó nhà đầu tư được đề xuất thực hiện dự án đầu tư kinh doanh ngoài dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3. Trong trình tự, thủ tục này, nhà đầu tư phải cung cấp “Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;” (tương ứng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư) và phải nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND hoặc bộ, cơ quan ngang bộ, Ban Quản lý khu kinh tế). Quy định trên cần xem xét ở các điểm:

– Về yêu cầu tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư đề xuất: Đây là thủ tục để xác định các dự án đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Dự án này có thể do cơ quan nhà nước đề xuất hoặc nhà đầu tư đề xuất và cơ quan nhà nước chấp thuận đề xuất này. Trường hợp nhà đầu tư đề xuất và được chấp thuận, không có nghĩa nhà đầu tư này sẽ được thực hiện dự án đầu tư mà mình đề xuất vì dự án này sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu. Do đó, tại thời điểm nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư để cho vào danh mục dự án đầu tư được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cơ quan nhà nước không cần xem xét đến năng lực tài chính của nhà đầu tư đề xuất và yêu cầu tài liệu năng lực tài chính của nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ chứng minh năng lực tài chính khi tham gia đấu thầu. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 Nghị định 23/2024/NĐ-CP theo hướng bỏ yêu cầu phải cung cấp tài liệu tương ứng với điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư, tức là tài liệu chứng minh về năng lực tài chính của nhà đầu tư;

– Về xác định cơ quan có thẩm quyền để gửi đề xuất thực hiện dự án: Khoản 3 Điều 10 Nghị định 23/2024/NĐ-CP quy định về việc xét duyệt hồ sơ của các cơ quan có thẩm quyền, nhưng vấn đề là xác định dự án đầu tư nào thuộc thẩm quyền xét duyệt của UBND hay của bộ, cơ quan ngang bộ lại không thấy quy định hoặc dẫn chiếu tới văn bản pháp luật liên quan. Điều này có thể gây khó cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đề xuất thực hiện dự án đầu tư. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định 23/2024/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể về thẩm quyền xét duyệt hồ sơ theo các loại dự án đầu tư hoặc dẫn chiếu quy định có quy định về vấn đề này.

  1. Đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng và đăng tải thông tin chủ yếu của hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất (Điều 13)

Điểm b khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định về trường hợp đàm phán, hoàn thiện hợp đồng, theo đó nếu không đàm phán thành công với nhà đầu tư trúng thầu, sẽ hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư và mời nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo đàm phán, hoàn thiện hợp đồng.

Trong nội dung Phụ lục I về hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất ban hành kèm theo Nghị định có nội dung về việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định hủy kết quả trúng thầu nếu quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không ứng đủ vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Như vậy, sau khi hủy thầu đối với nhà đầu tư trúng thầu, đã ký hợp đồng thì sẽ giải quyết như thế nào đối với dự án đầu tư này? Sẽ lựa chọn nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo đàm phán và ký kết hợp đồng hay là tiến hành đấu thầu lại?

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên.

  1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm (Điều 23)

Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Dự thảo đối với các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, nhà đầu tư được sử dụng kinh nghiệm của đối tác để chứng minh kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự như đánh giá về kinh nghiệm thực hiện dự án của nhà đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 23 Dự thảo. Đối tác là tổ chức ký kết hợp đồng với nhà đầu tư để tham gia thực hiện dự án đầu tư kinh doanh và được nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu trên cơ sở yêu cầu về kinh nghiệm quy định tại hồ sơ mời thầu.

Việc Dự thảo không quy định nhà đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, dự án khu dân cư nông thôn được sử dụng kinh nghiệm đối tác để chứng minh kinh nghiệm thực hiện dự án dường như chưa thực sự hợp lý. Bởi vì, các dự án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Dự thảo đều là dự án có sử dụng đất. Trên thực tế, theo phản ánh của doanh nghiệp, trong thời gian qua việc sử dụng kinh nghiệm của đối tác để chứng minh kinh nghiệm thực hiện các dự án được sử dụng trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án không chỉ giới hạn các lĩnh vực theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Việc lựa chọn sử dụng đối tác này đã góp phần linh hoạt trong việc đưa ra các tiêu chí để đánh giá và lựa chọn nhà đầu tư; đảm việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện các dự án.

Các doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định các dự án quy định tại Điều 4 Dự thảo (không chỉ giới hạn chỉ các dự án quy định tại khoản 2), nhà đầu tư được sử dụng kinh nghiệm của đối tác để chứng minh kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 23 Dự thảo.

  1. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả sử dụng đất (Điều 25)

– Khoản 1 Điều 25 Dự thảo quy định “Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả sử dụng đất là tỷ lệ tăng bình quân giá đất tối thiểu do nhà đầu tư chia sẻ được quy tương đương giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước theo tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự kiến được sử dụng để lập hồ sơ mời thầu”. Dự thảo chỉ quy định phương pháp tính tỷ lệ tăng bình quân giá đất tối thiểu mà không quy định phương pháp quy đổi tương đương số tiền nộp ngân sách nhà nước, điều này có thể gây khó cho quá trình thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về việc quy đổi tương đương giá trị bằng tiền nộp ngân sách sau khi xác định được tỷ lệ tăng bình quân giá đất tối thiểu.

– Khoản 4 Điều 25 Dự thảo quy định “Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự kiến trong hồ sơ mời thầu được xác định trên cơ sở giá đất cùng mục đích sử dụng đất, cùng loại trong bảng giá đất đã được công bố của địa phương nơi triển khai thực hiện dự án tại thời điểm lập hồ sơ mời thầu”. Hiện tại, Dự thảo Nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hiện không có quy định về việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự kiến trong hồ sơ mời thầu. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo bổ sung thêm quy định về tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự kiến hoặc kiến nghị Dự thảo Nghị định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định về cách tính tiền sử dụng đất dự kiến, nhằm tạo cở sở pháp lý cho việc thực hiện.

– Khoản 5 Điều 25 Dự thảo quy định về việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư trúng thầu phải nộp. Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất này có bao gồm số tiền nộp ngân sách đã được quy đổi theo khoản 1 Điều 25 Dự thảo hay không để làm cơ sở đối trừ theo quy định tại khoản 5. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.

  1. Hướng dẫn lập hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất (Phụ lục I)

Về trách nhiệm của người có thẩm quyền hoặc bên mời thầu trong trường hợp được người có thẩm quyền ủy quyền ký kết hợp đồng (điểm 8 Mục II)

Phụ lục có hướng dẫn về nội dung nghĩa vụ của nhà đầu tư và trách nhiệm của người có thẩm quyền khi thực hiện hợp đồng. Trong khi phần về nghĩa vụ của nhà đầu tư quy định chế tài áp dụng đối với việc nhà đầu tư không thực hiện ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định, thì phía bên trách nhiệm của người có thẩm quyền lại không quy định chế tài đối với việc trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng thầu hoặc thời hạn khác, UBND không thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giao đất, cho thuê đất thì sẽ như thế nào? Điều này là thiếu công bằng đối với nhà đầu tư – một bên chủ thể của hợp đồng, đề nghị Ban soạn thảo hướng dẫn rõ vấn đề này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.