VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt

Thứ Hai 16:49 30-12-2024

Kính gửi: Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 827/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị tham gia Hội đồng thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

Thủ tục đầu tư đặc biệt là quy trình thực hiện dự án đầu tư khác biệt so với các dự án đầu tư thông thường khác, trong đó lược bỏ khá nhiều các loại giấy phép, thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện đầu tư, chuyển từ cơ chế quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, rút ngắn rất lớn thời gian triển khai, thực hiện dự án. Đây là một bước đột phá lớn  trong quy định của pháp luật về đầu tư và kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư trong những lĩnh vực công nghệ cao. Điều 36a Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quy định cơ bản về quy trình thủ tục đầu tư đặc biệt, với tính chất của văn bản hướng dẫn, Dự thảo cần đảm bảo cụ thể hóa và thể hiện được tinh thần cải cách, đột phá của quy định này.

  1. Quy trình thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt

Việc thực hiện dự án đầu tư liên quan đến rất nhiều các quy định trong nhiều ngành, lĩnh vực. Ở từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện các thủ tục, xin các loại giấy phép khác nhau cho đến khi dự án đầu tư đi vào vận hành.

Ví dụ: trong giai đoạn chuẩn bị dự án, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu dự án thuộc trường hợp phải chấp thuận chủ trương); nếu có cấu phần xây dựng, phải có báo cáo nghiên cứu khả thi được thẩm định; nếu có công nghệ tác động xấu đến môi trường phải được cơ quan quản lý về công nghệ thẩm định về công nghệ; nếu thuộc trường hợp phải đánh giá tác động môi trường theo pháp luật về môi trường phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; thủ tục để được giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; …

Trong giai đoạn thực hiện dự án, nếu có cấu phần xây dựng, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục thẩm duyệt thiết kế sau cơ sở, xin giấy phép xây dựng, giấy phép về môi trường; Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; …

Tại giai đoạn kết thúc dự án, đối với một số công trình xây dựng phải thực hiện thủ tục nghiệm thu công trình, nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy …

Thủ tục đầu tư đặc biệt có một số điểm khác biệt so với việc thực hiện các dự án đầu tư thông thường khác, trong đó lược bỏ một số giấy phép, thủ tục mà nhà đầu tư phải thực hiện với cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, thay vào đó nhà đầu tư sẽ cam kết thực hiện các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Khoản 7 Điều 36a Luật Đầu tư quy định “Dự án đăng ký đầu tư theo quy định của Điều này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp Giấy phép xây dựng và các thủ tục để được phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy”. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư dễ hình dung vào các bước thực hiện cũng như tạo căn cứ cho cơ quan quản lý giám sát, quản lý, đề nghị cần phải xây dựng quy trình thủ tục đầu tư đặc biệt theo các bước, từ giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư cho đến khi giai đoạn đưa vào dự án vào thực hiện. Trong mỗi giai đoạn, đối chiếu với dự án đầu tư thông thường, nhà đầu tư theo thủ tục đặc biệt không phải thực hiện thủ tục/xin giấy phép nào.

Quy định hiện tại Dự thảo mới chỉ tập trung vào giai đoạn đầu của dự án, đăng ký đầu tư, còn các giai đoạn thực hiện dự án, kết thúc đưa dự án còn khá mờ nhạt. Cách thức thiết kế vẫn chưa đủ rõ việc nhà đầu tư sẽ được miễn các loại giấy phép, thủ tục nào, phải thực hiện thủ tục nào, cần có tài liệu nào. Ví dụ, Luật Đầu tư quy định không phải thẩm định công nghệ, nhưng đây được hiểu là trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư, không cần phải thẩm định công nghệ nếu thuộc trường hợp phải thẩm định công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, nhưng trong giai đoạn thực hiện có phải thực hiện thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ không?

Mặt khác, liên quan đến tính đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật, theo quy định của Luật Đầu tư và Dự thảo, đối với dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt, không phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn phải xin giấy phép môi trường. Hiện nay, pháp luật về môi trường đang thiết kế trình tự thủ tục cấp giấy phép môi trường theo hướng: cấp giấy phép môi trường cho dự án đã có đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường cho dự án không phải đánh giá tác động môi trường nhưng lại thuộc các nhóm theo phân loại của pháp luật môi trường. Như vậy, pháp luật về môi trường sẽ không có quy định cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư được miễn Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Để đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện, cần thiết phải sửa đổi đồng thời pháp luật về môi trường liên quan đến trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt.

Tóm lại, để đảm bảo thuận lợi trong triển khai dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt, đề nghị thiết kế trình thực thực hiện dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị cho đến giai đoạn vận hành, trong đó quy định rõ các loại thủ tục được miễn, thủ tục nào phải thực hiện, đồng thời có biện pháp để xử lý các quy định có liên quan để điều chỉnh phù hợp với việc triển khai thực hiện dự án đầu tư này.

  1. Lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt

Việc lựa chọn lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt thể hiện được quan điểm chính sách của nước ta trong việc thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư trong lĩnh vực nào. Khoản 1 Điều 36a Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quy định các lĩnh vực được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt.

Khoản 1 Điều 2 Dự thảo dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 36a Luật Đầu tư, nhưng quy định theo hướng mở hơn tại khoản 2 đó là bổ sung thêm “các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ tiên tiến hoặc sản phẩm được tạo ra từ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến có tính cấp thiết, phục vụ nh cầu phát triển kinh tế – xã hội” vào lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt.

Việc mở rộng hơn lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt vừa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án đầu tư có công nghệ mới, tiên tiến ở tương lai được áp dụng thủ tục này vừa đảm bảo tính ổn định của pháp luật, khi không phải sửa quy định pháp luật để bổ sung. Điều này là phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.

Mặc dù vậy, quy định tại khoản 2 Điều 2 Dự thảo cần cân nhắc, xem xét các điểm sau:

  • Cần có cơ chế để nhà đầu tư kiến nghị các dự án được thực hiện theo thủ tục đầu tư đặc biệt. Khoản 2 đang thiết kế theo hướng, việc đề xuất dự án thuộc lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ tiên tiến hoặc sản phẩm được tạo ra từ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt xuất phát từ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trên thực tế, nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và muốn thực hiện theo trình tự thủ tục đặc biệt, nhưng lại không cơ chế đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được thực hiện thủ tục này. Điều này khiến cho chính sách chưa phù hợp với thực tiễn.

Đề nghị bổ sung quy định, nhà đầu tư có thể để xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ tiên tiến hoặc sản phẩm được tạo ra từ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.

  • Cần quy định rõ về quy trình để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án thuộc lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ tiên tiến hoặc sản phẩm được tạo ra từ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến có tính cấp thiết, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội chưa được quy định tại khoản 1 Điều 36a Luật Đầu tư. Quy định tại khoản 2 Điều 2 Dự thảo đang chưa rõ về quy trình để bổ sung lĩnh vực đầu tư thực hiện thủ tục đặc biệt, chẳng hạn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm định các đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân không? Căn cứ để Thủ tướng Chính phủ quyết định là gì? Đề nghị quy định rõ, cụ thể hơn về quy trình này.
  1. Về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
  • Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Khoản 7 Điều 3 Dự thảo quy định, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập phải đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 36a Luật Đầu tư và chỉ được điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp để bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh khác sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Quy định này đang chưa rõ việc bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh khác sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có bị giới hạn các ngành nghề quy định tại khoản 1 Điều 36a Luật Đầu tư hay không? Việc bổ sung ngành nghề kinh doanh khác có được xem là điều chỉnh dự án đầu tư không? Và việc thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như thế nào?

Đề nghị quy định rõ vấn đề này.

  • Chủ thể thực hiện dự án đầu tư

Theo quy định tại Điều 36a Luật Đầu tư, thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt, nhà đầu tư được phép thành lập tổ chức kinh tế trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Như vậy, trong trường hợp này, tổ chức kinh tế sẽ trở thành nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư và sẽ thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư này.

Hiện nay, trên thực tế đang có điểm vướng đến việc xác định nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi xác định giữa nhà đầu tư và tổ chức kinh tế do nhà đầu tư thành lập. Để đảm bảo tính rõ ràng và thuận lợi khi triển khai các dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt, đề nghị quy định rõ các vấn đề sau:

+ Tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập theo quy định tại khoản 5 Điều 36a Luật Đầu tư là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư và thực hiện các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

+ Trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận nhà đầu tư là tổ chức kinh tế

  1. Căn cứ giám sát việc thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt
  • Nhà đầu tư cam kết cái gì?

Dự thảo đang thiết kế nhà đầu tư cam kết đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Trên thực tế, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư ở những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, vì vậy việc áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn nhiều trường hợp cao hơn các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn của quy định hiện hành. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ cam kết áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn cao hơn hay là chỉ cần ghi đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn hiện hành?

Khi thực hiện kiểm tra, giám sát, xem xét nhà đầu tư thực hiện theo cam kết (có thể cao hơn tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn của quy định hiện hành) hay là đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật?

Đề nghị điều chỉnh theo hướng cam kết của nhà đầu tư về các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn khi thực hiện dự án đầu tư và phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn này tối thiểu đáp ứng theo quy định hiện hành.

  • Căn cứ giám sát

Khi thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt, điểm khác biệt so với các thủ tục thông thường khác đó chính là cơ chế quản lý áp dụng đối với thủ tục đặc biệt là “hậu kiểm”, nhà đầu tư thực hiện dự án không phải các thủ tục để được thẩm định, phê duyệt, cấp phép trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy, xây dựng, nhưng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy vẫn phải đáp ứng, tuân thủ. Như vậy, dù nhà đầu tư cam kết hay không cũng phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Với tính chất này, căn cứ để kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt của nhà đầu tư là các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy chứ không phải là cam kết của nhà đầu tư. Do đó, đề nghị sửa đổi các quy định sau:

  • Sửa đổi khoản 1 Điều 7 Dự thảo theo hướng trường hợp nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bị xem xét xử lý vi phạm hành chính, ngừng, chấm dứt hoạt động.
  • Sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 7 Dự thảo theo hướng Ban quản lý phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thực hiện theo ủy quyền hoạt động thanh tra, kiểm tra , giám sát, đánh giá việc thực hiện các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.