VCCI_Góp ý Dự thảo Luật thi hành án dân sự (sửa đổi)
Kính gửi: Bộ Tư pháp
Trả lời đề nghị của Bộ Tư Pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Quan điểm tiếp cận
Thi hành án dân sự là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nếu mỗi bản án được thi hành nhanh, hiệu quả, tỷ lệ thành công cao sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, nếu công tác thi hành án không hiệu quả sẽ làm tăng rủi ro kinh doanh, tăng chi phí giao dịch và đầu tư kéo lùi sự phát triển của đất nước.
Trong thời gian qua, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự đã có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thi hành án xong trên số tiền có điều kiện thi hành đã tăng từ mức 38,31% năm 2017 lên mức 51,84% năm 2024. Điều này đặt trong bối cảnh số tiền phải thi hành án tăng rất nhanh, từ 164 nghỉn tỷ đồng năm 2017 lên 500 nghìn tỷ đồng năm 2024, gấp 3 lần chỉ trong 7 năm.
Dù có chuyển biết tích cực như vậy nhưng công tác thi hành án dân sự vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Số tiền thi hành án thành công trên tổng số yêu cầu chỉ tăng từ 21,5% năm 2017 lên mức 23,4% năm 2024. Đứng từ góc độ của người kinh doanh, tỷ lệ thi hành án thành công như vậy vẫn là rủi ro rất lớn cho các hoạt động kinh tế.
Do đó, VCCI cho rằng việc sửa Luật Thi hành án dân sự lần này cần tập trung vào các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian thi hành án, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án và xác định rõ trách nhiệm trong các trường hợp để chậm trễ hoặc không thực hiện đầy đủ các biện pháp thi hành án. Dự trên tinh thần đó, VCCI kiến nghị một số giải pháp cụ thể như sau:
- Thủ tục thi hành án
Dự thảo vẫn có một số bước, thủ tục thi hành án chưa rõ về thời hạn thực hiện. Điều này có thể làm kéo dài thời gian thi hành án và không quy được trách nhiệm khi tình trạng này xảy ra. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo để bảo đảm tất cả các bước, thủ tục thi hành án đều có thời hạn cụ thể. Ví dụ:
- Thời hạn từ khi xác minh hiện trạng tài sản đến khi ra quyết định cưỡng chế
- Thời hạn từ khi ra quyết định cưỡng chế đến khi tổ chức cưỡng chế
- Xác minh điều kiện thi hành án
Dự thảo tờ trình và thuyết minh của cơ quan soạn thảo cũng cho rằng việc xác minh điều kiện thi hành án vẫn chưa triệt để, vì thế cần bổ sung quy định về việc người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản của mình và chịu trách nhiệm về việc kê khai đó (bị xử phạt khi kê khai không đầy đủ). Đây là biện pháp cần thiết, nhưng chúng tôi cho rằng biện pháp này chưa đủ mạnh để giúp tăng cường công tác xác minh điều kiện thi hành án.
Cần nhận thức rằng, xác minh điều kiện thi hành án là bước tiền đề rất quan trọng để thi hành án hiệu quả. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ giữa số có điều kiện thi hành (sau khi xác minh) trên số tiền phải thi hành đã giảm từ mức 56,2% năm 2017 xuống 45,6% năm 2024. Điều này cho thấy việc gia cố thêm các quy định về biện pháp xác minh điều kiện thi hành án cần được coi là một trong những nội dung trọng tâm của lần sửa đổi luật này.
Một số biện pháp xác minh cụ thể có thể cân nhắc tính đến như sau:
- Sử dụng các cơ sở dữ liệu tập trung để xác minh tài sản của người bị thi hành án. Hiện nay, Luật Dữ liệu đã được ban hành và các cơ sở dữ liệu của Nhà nước đang được tập trung hoá để phục vụ công tác quản lý xã hội. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các biện pháp để sử dụng các cơ sở dữ liệu này để xác minh điều kiện thi hành án.
- Quy định nghĩa vụ của người thứ ba nắm thông tin về tài sản như ngân hàng, công ty chứng khoán và các bên khác buộc phải cung cấp, và quy định trách nhiệm pháp lý nếu các chủ thể này nếu không cung cấp thông tin đúng hạn.
- Quy định nghĩa vụ của chấp hành viên trong việc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ để xác minh tài sản và quy định trách nhiệm của chấp hành viên nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ đó dẫn đến việc làm chậm trễ quá trình thi hành án.
- Ngăn chặn tẩu tán tài sản
Tẩu tán tài sản cũng là một vấn đề khiến việc thi hành án dân sự thường xuyên đi vào ngõ cụt. Trong nhiều trường hợp, việc tẩu tán tài sản không chỉ do đương sự cố tình trốn tránh mà còn có sự giúp sức của bên thứ ba đang nắm giữ tài sản. Thậm chí, có doanh nghiệp phản ánh tình trạng chấp hành viên chậm trễ trong việc xác minh, kê biên, phong toả tài sản dẫn đến việc đương sự có đủ thời gian để tẩu tán tài sản.
Hiện nay, Luật Căn cước đã có quy định về số định danh cá nhân và được sử dụng cho hầu hết các giao dịch mở tài khoản tại các nơi. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về việc thông báo số định danh cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ thi hành án dân sự đến cho các bên thường nắm giữ tài sản như ngân hàng, công ty chứng khoán, đồng thời quy định nghĩa vụ của các tổ chức này trong việc phong toả mọi tài khoản có liên quan đến số định danh cá nhân đó.
Thêm vào đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của chấp hành viên trong việc chậm trễ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong việc xác minh, kê biên, phong toả tài sản dẫn đến tình trạng tẩu tán tài sản, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người được thi hành án.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục thi hành án dân sự
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thủ tục thi hành án dân sự hiện vẫn phải thực hiện theo hình thức trực tiếp (hồ sơ giấy), mà chưa cho phép thực hiện theo hình thức điện tử. Điều này không chỉ gây mất thời gian cho người dân và doanh nghiệp mà còn tạo nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực khi chấp hành viên gây khó dễ trong việc nhận đơn cũng như làm các thủ tục khác. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc chấp hành viên thường gọi lên để làm các thủ tục xác minh điều kiện thi hành án, trao đổi trong quá trình đấu giá tài sản hay cập nhật tình hình phong toả, cưỡng chế tài sản… rất mất thời gian và công sức. Trong khi đó, việc điện tử hoá ở các thủ tục hành chính khác đang diễn ra mạnh mẽ và cho thấy hiệu quả rất cao nâng cao hiệu quả, năng suất và giảm tham nhũng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo coi việc ứng dụng công nghệ thông tin, trực tuyến hoá các thủ tục thi hành án cụ thể như sau:
- Đẩy mạnh việc nộp đơn yêu cầu thi hành án bằng hình thức điện tử, coi đây là một chỉ tiêu đánh giá các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
- Các trao đổi khác như thay đổi nội dung đơn yêu cầu thi hành án, thông báo về tình trạng xác minh tài sản, tình trạng cưỡng chế, phong toả tài sản, tình trạng thẩm định giá, bán đấu giá tài sản cũng cần được thực hiện trực tuyến.
- Xã hội hoá thi hành án dân sự
Hiện tại, theo thống kê của ngành thi hành án dân sự, mỗi chấp hành viên phải tổ chức thi hành 233 việc, với số tiền trên 127 tỷ đồng[1]. Số lượng vụ việc gia tăng nhanh chóng gây áp lực quá tải lên hệ thống thi hành án, dẫn đến tình trạng trì trệ trong tiến độ thực thi. Trong tình hình đó, xã hội hoá công tác thi hành án cho các đơn vị Thừa phát lại sẽ làm giảm bớt áp lực lên hệ thống. Chủ trương này đặc biệt phát huy hiệu quả trong bối cảnh đẩy mạnh tinh giản biên chế, số lượng Chấp hành viên có nguy cơ bị cắt giảm, trong khi đó, các quan hệ kinh tế ngày càng phức tạp, khối lượng giải quyết tranh chấp ngày càng tăng cao.
Dự thảo dành riêng Điều 229 (Điều mới) về nội dung Thừa phát lại là một bước tiến lớn, phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII. Tuy nhiên, Điều 229.1.c của Dự thảo quy định thẩm quyền của Thừa phát lại theo hướng thu hẹp hơn quy định hiện hành, chỉ thi hành án đối với bản án cấp huyện, thay vì cả bản án cấp tỉnh như tại Điều 51 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Các quy định hiện hành vẫn chưa hướng đến việc mở rộng thẩm quyền cho Thừa phát lại nhằm chia sẻ gánh nặng với các cơ quan nhà nước. Đồng thời, việc này cũng chưa tạo cơ sở để đánh giá chính xác năng lực, hiệu quả và khả năng của Thừa phát lại trong tổ chức thi hành án dân sự, qua đó tiến tới việc trao quyền mạnh mẽ hơn cho tổ chức này trong tương lai.
Do vậy, kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc giữ nguyên phạm vi thẩm quyền của thừa phát lại cũng như có các quy định mạnh mẽ hơn để thừa phát lại có thể giúp tăng hiệu quả của việc thi hành án dân sự.
- Thi hành phán quyết của Trọng tài thương mại
Phán quyết trọng tài “đủ điều kiện thi hành”
Điểm e khoản 1 Điều 2 quy định “Phán quyết của Trọng tài thương mại đủ điều kiện thi hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại” sẽ được thi hành. Tuy nhiên, Luật Trọng tài thương mại không có quy định cụ thể nào về việc thế nào là một phán quyết trọng tài đã “đủ điều kiện thi hành”. Ngoài ra, khoản 6 Điều 3 của Dự thảo đang đưa ra định nghĩa về “có điều kiện thi hành án” là “trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án.” Vì vậy, việc quy định như điểm e khoản 1 Điều 2 Dự thảo hiện nay rất dễ gây ra nhầm lẫn giữa hai khái niệm “đủ điều kiện thi hành” và “có điều kiện thi hành án”. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định như hiện nay. Đồng thời, bổ sung làm rõ rằng các phán quyết của trọng tài thương mại ở đây là các phán quyết có quốc tịch Việt Nam nhằm phân biệt với các phán quyết trọng tài nước ngoàisẽ được xem xét công nhận và cho thi hành theo Quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam của Tòa án Việt Nam.
Thủ tục thi hành phán quyết trọng tài thương mại
Điều 179 quy định về trình tự, thủ tục thi hành án, đưa ra quyết định chưa có điều kiện thi hành, thẩm quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành phán quyết.
- Khoản 1 quy định thẩm quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành phán quyết trọng tài thuộc về Toà án. Đề nghị Ban soạn thảo mở rộng thẩm quyền cung cấp thông tin này cho bên phải thi hành án hoặc bên yêu cầu thi hành để tăng tính linh hoạt, chủ động của cơ quan thi hành án dân sự trong việc xác nhận yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, từ đó đưa ra quyết định thi hành án dân sự nhanh chóng.
- Khoản 2 quy định rằng Chấp hành viên có trách nhiệm đề nghị “cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” giải quyết trong trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung tuyên không thể thi hành. Đề nghị Ban soan thảo sửa đổi cụm từ “cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” thành “trọng tài”. Lý do vì phán quyết trọng tài được lập trên cơ sở một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và có thể thực hiện được, nên thẩm quyền giải quyết các tranh chấp nếu có đối với nội dung này thuộc về trọng tài.
- Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một điều khoản quy định điều kiện về đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thành một thủ tục trong quá trình yêu cầu thi hành án dân sự.
- Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một điều khoản tương tự như Khoản 2, Điều 224 của Dự thảo về trách nhiệm của cơ quan đã ra bản án, quyết định (trong trường hợp này là Hội đồng Trọng tài) làm rõ, sửa chữa, bổ sung nội dung bản án, quyết định nhằm hỗ trợ cho quá trình thi hành án dân sự thuận lợi.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] https://dantri.com.vn/xa-hoi/moi-chap-hanh-vien-phai-ganh-233-vu-thi-hanh-an-tren-127-ty-dong-20240913143254364.htm#:~:text=(Dân%20trí)%20%2D%20Hiện%20tại,mới%20năm%202024%20tăng%20cao.