VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

Thứ Hai 23:29 02-10-2023

Kính gửi:  Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 2809/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 14/7/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Bảo hộ ngược với doanh nghiệp trong nước

Dự thảo đưa ra các biện pháp, điều kiện quản lý các chủ thể cung cấp thông tin, phân biệt theo loại hình cung cấp. Điều 26 điều chỉnh với các loại hình cung cấp xuyên biên giới và Điều 27 điều chỉnh với các loại hình cung cấp dịch vụ trong nước. So sánh quy định điều chỉnh giữa các chủ thể này, có thể thấy dường như các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới được áp dụng các biện pháp quản lý thông thoáng, nhẹ nhàng và ít nghĩa vụ so với các doanh nghiệp trong nước, cụ thể:

– Quy định về cấp phép với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ:

      + Doanh nghiệp xuyên biên giới chỉ cần cung cấp thông tin liên hệ, và chỉ cần khi đạt ngưỡng 100.000 lượt truy cập hàng tháng từ Việt Nam;

      + Doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện thủ tục thông báo, bất kể quy mô và sẽ phải thực hiện thủ tục cấp phép khi đạt ngưỡng 10.000 lượt truy cập hàng tháng

Như vậy, ngưỡng quy mô được coi là lớn với doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài có sự chênh lệch rất lớn (chỉ bằng 1/10). Tuy nhiên, vấn đề nội dung xấu của các mạng xã hội xuất phát chủ yếu từ hiệu ứng mạng lưới khi tin giả có thể lan truyền nhanh chóng trong mạng lưới nhiều người dùng. Do vậy, việc quản lý với doanh nghiệp nên phụ thuộc vào số lượng người dùng, mà không nên phân biệt giữa trong nước và nước ngoài. Có thể, cơ quan soạn thảo cho rằng ngưỡng 10.000 là phù hợp vì chỉ một số ít các mạng xã hội trong nước đạt ngưỡng này. Nhưng nếu lượng truy cập vào các mạng xã hội trong nước thấp như vậy, thì các mạng xã hội này tương đối nhỏ trên thị trường Việt Nam, không có ảnh hưởng quá lớn đến các lợi ích công và do đó không cần phải áp dụng biện pháp cấp phép.

– Dự thảo cũng quy định nhiều nghĩa vụ với mạng xã hội trong nước mà các mạng xã hội nước ngoài không phải đáp ứng, chẳng hạn: hệ thống kỹ thuật lưu trữ tối thiểu 02 năm; phương án dự phòng bảo đảm duy trì an toàn, liên tục; lưu trữ nhiều thông tin cá nhân hơn, trong đó có số CMND, nơi cấp, ngày cấp.

Dự thảo đưa ra hạn chế về tính năng cung cấp cho người dùng với mạng xã hội trong nước, chẳng hạn: phải thu thập đầy đủ thông tin người dùng theo yêu cầu trước khi cung cấp các tính năng chủ yếu như viết bài, chia sẻ…; và chỉ được cung cấp tính năng livestream khi đã được cấp phép (Điều 38.10, 27.7.d). Dự thảo cũng đặt ra yêu cầu khó kiểm soát với doanh nghiệp trong nước như không cho đăng bài dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn, mà không rõ cách thức nào các doanh nghiệp có thể phân biệt các nội dung giữa luồng thông tin khổng lồ được đăng tải hàng ngày.

Các quy định như vậy sẽ khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh ngược với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường Việt Nam. Nếu các quy định phù hợp để quản lý các doanh nghiệp xuyên biên giới thì các quy định này cũng sẽ có hiệu quả để quản lý các doanh nghiệp trong nước, thậm chí hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam thường là các doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực ít, phải đi vào thị trường ngách và cần dựa vào thị trường trong nước để phát triển. Các quy định về điều kiện kinh doanh chặt chẽ và quá nhiều nghĩa vụ sẽ khiến các doanh nghiệp tốn nhiều chi phí tuân thủ trong khi phải đối đầu bài toán kinh doanh trong thị trường có nhiều ông lớn toàn cầu, và vô tình khiến các doanh nghiệp nội địa khó có thể phát triển trên chính sân nhà.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại tất cả các quy định quản lý với loại hình trong nước và nước ngoài và loại bỏ các nghĩa vụ của doanh nghiệp nội địa so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

  1. Trách nhiệm, nghĩa vụ của các mạng xã hội

Điều 26, Điều 27 Dự thảo quy định về các trách nhiệm nghĩa vụ của doanh nghiệp vận hành mạng xã hội. Quy định này cần được xem xét ở một số nội dung sau:

Thứ nhất, Điều 26.3 Dự thảo quy định các nghĩa vụ với tổ chức cung cấp thông tin xuyên biên giới có tác động lớn đến Việt Nam, được xác định theo ngưỡng. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ cách thức đo đạc và đơn vị có trách nhiệm xác định ngưỡng này. Không rõ cơ quan quản lý nhà nước hay doanh nghiệp có trách nhiệm đo đạc và xác định ngưỡng này? Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung này.

Bên cạnh đó, quy định này bao gồm rất nhiều nghĩa vụ phức tạp. Yêu cầu doanh nghiệp mới đạt ngưỡng phải đáp ứng luôn các nghĩa vụ này là tương đối khó khăn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thời gian chuyển tiếp, từ thời điểm thông báo đạt ngưỡng đến thời điểm phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này.

Thứ hai, Điều 26.3.g, Điều 31.2.b Dự thảo quy định doanh nghiệp cần thành lập bộ phận chuyên trách để xử lý các yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam. Quy định được suy đoán nhằm yêu cầu doanh nghiệp phải có động thái nhanh chóng khi nhận được yêu cầu từ cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, quy định là không cần thiết và không hợp lý, cụ thể:

  • Dự thảo đã có quy định xử lý vấn đề này: Dự thảo đã có quy định về thời hạn tiếp nhận và xử lý yêu cầu, đồng thời bổ sung các biện pháp kinh tế – kỹ thuật cần thiết trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ. Các quy định như vậy đã đủ đảm bảo việc tuân thủ của doanh nghiệp;
  • Quy định này can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp: Doanh nghiệp, căn cứ theo quy định đã đề cập trên, sẽ tự chủ động bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện. Việc yêu cầu thành lập bộ phận chuyên trách có thể hạn chế tính linh hoạt trong vận hành doanh nghiệp và gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp;

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Thứ ba, Điều 26.3.m, Điều 38.14 Dự thảo quy định doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Quy định này chưa rõ ràng, có thể dẫn đến hai cách hiểu trên thực tế: (1) nhà cung cấp dịch vụ phải thiết kế thêm một công cụ mới theo yêu cầu của Bộ; (2) phải trao quyền kiểm soát công cụ tìm kiếm, rà soát nội dung có sẵn trên dịch vụ cho Bộ. Trường hợp thứ nhất sẽ phát sinh rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Trường hợp thứ hai sẽ tạo ra các rủi ro liên quan đến quyền riêng tư của người dùng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định này theo hướng giới hạn trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp.

Thứ tư, Điều 26.3.n, Điều 38.11 Dự thảo quy định doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, phổ biến quy định pháp luật đến người dùng tại Việt Nam. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa rõ ràng về phạm vi trách nhiệm phối hợp của doanh nghiệp. Các dịch vụ không được thiết kế cho mục đích này, do đó có thể phải điều chỉnh dịch vụ, gây tốn kém chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng làm rõ phạm vi nghĩa vụ này.

  1. Nghĩa vụ kiểm tra, giám sát thông tin người dùng

Điều 26.3.c, Điều 38.4 Dự thảo đặt ra nghĩa vụ của mạng xã hội trong nước trong việc kiểm tra, giám sát, loại bỏ thông tin thông tin, dịch vụ vi phạm. Quy định này cần xem xét ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, quy định này không phù hợp với mô hình kinh doanh của các mạng xã hội. Trong mô hình này, các mạng xã hội chỉ là chủ thể trung gian thực hiện cung cấp nền tảng công nghệ, tạo điều kiện cho người dùng tương tác với nhau trên không gian mạng. Các nội dung trên mạng xã hội do người dùng tạo ra, chia sẻ, điều hướng. Do vậy, người dùng tự chịu trách nhiệm cho nội dung và hành vi của mình trên mạng xã hội. Việc yêu cầu các mạng xã hội phải giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm, đồng nghĩa với việc phải kiểm soát tính pháp lý của toàn bộ nội dung đăng tải là gần như không thể vì (i) khối lượng thông tin được trao đổi tức thời trên mạng xã hội là khổng lồ; (ii) việc xác định vi phạm là rất khó khăn với doanh nghiệp vì các căn cứ không rõ ràng (ví dụ: vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức…), cũng như không có khả năng điều tra, thu thập thông tin vi phạm pháp luật (ví dụ: vu khống, xúc phạm tổ chức, cá nhân…). Quy định như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm liên đới với người dùng do không kịp phát hiện nội dung vi phạm pháp luật.

Thứ hai, quy định này sẽ tạo ra gánh nặng tuân thủ rất lớn cho doanh nghiệp. Để giám sát lượng thông tin khổng lồ được tạo ra, doanh nghiệp buộc phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phân loại các nội dung thông tin, và tuyển dụng rất nhiều nhân sự phụ trách đọc, xác định và loại bỏ nội dung vi phạm. Gánh nặng chi phí trong việc giám sát thông tin sẽ ảnh hưởng đến việc tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi tạo ra giá trị cho người dùng và nền kinh tế.

Thứ ba, quy định trên dường như chưa phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Điều 20.2 Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định miễn trừ trách nhiệm của các tổ chức tham gia ứng dụng công nghệ thông tin, theo đó các tổ chức này không phải chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân khác, điều tra hành vi vi phạm, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Tương tự, nhiều nước phát triển như Mỹ, EU, Australia, New Zealand… đều quy định cơ chế miễn trừ “safe harbor” cho các nhà cung cấp dịch vụ trung gian (trong đó có mạng xã hội). 

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Thay vào đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật khác có tính khả thi và phù hợp về mặt chi phí để ngăn chặn các thông tin xấu, độc như bạo lực, khiêu dâm, chẳng hạn bộ lọc từ khoá, hình ảnh. Các biện pháp này sẽ góp phần hạn chế các thông tin này, đảm bảo các lợi ích công và khả thi với doanh nghiệp.

Tương tự, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 82.3.a Dự thảo về nghĩa vụ giám sát, thu thập và phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật ứng dụng của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu. Quy định này không phù hợp, bất khả thi với các doanh nghiệp. Hơn nữa, quy định này mâu thuẫn với quy định tại Điều 6, Điều 29 Dự thảo Luật Viễn thông[1] về trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin của người dùng; không được theo dõi, giám sát thông tin người dùng.

  1. Kiểm soát thông tin vi phạm pháp luật

Dự thảo quy định trách nhiệm cho các chủ thể doanh nghiệp trong việc xử lý, phối hợp xử lý các thông tin vi phạm điều cấm tại Điều 5.1 Dự thảo, Điều 8.1 Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các quy định này cần được xem xét như sau:

Thứ nhất, các hành vi bị cấm tại Điều 5.1 Dự thảo thiếu quy định phân loại nội dung vi phạm điều cấm theo tính chất. Quy định này bao gồm nhiều hành vi bị cấm, nhưng tính chất của các hành vi lại khác nhau, có thể tạm chia làm hai loại như sau:

  • Hành vi xâm phạm lợi ích công (phá hoại an ninh quốc gia, vi phạm thuần phong mỹ tục, tiết lộ bí mật nhà nước…): hành vi bị cấm tuyệt đối;
  • Hành vi xâm phạm lợi ích tư (xuyên tạc, vu khống, xúc phạm tổ chức, cá nhân; giả mạo tổ chức, cá nhân, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật xâm hại đến quyền của tổ chức, cá nhân): các hành vi bị cấm tương đối, nghĩa là các nội dung này chỉ được coi là hành vi bị cấm nếu có hành vi phản đối từ người được cho rằng bị xâm phạm và được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền;

Thứ hai, thiếu quy định liên quan đến trình tự, thủ tục xác định hành vi vi phạm. Hiện, Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, quy định như vậy là không phù hợp, đặc biệt là với các hành vi xâm phạm lợi ích tư. Như trình bày ở trên, việc xem xét các hành vi vi phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân cần giải quyết theo trình tự, thủ tục khác, cụ thể theo thông qua Tòa án. Khi đó, việc xử lý các nội dung này chỉ nên được thực hiện khi và chỉ khi có quyết định/ phán quyết có hiệu lực của Tòa án, chứ không phải từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với các vi phạm khác liên quan đến lợi ích công, cũng cần phải có trình tự, thủ tục cụ thể và trách nhiệm của từng bên (cơ quan nhà nước yêu cầu; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; người dùng) để đảm bảo quyền lợi của người dùng cũng như làm rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ.

Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các vấn đề trên.

  1. Chính sách quản lý cấp phép trò chơi điện tử (game)

Dự thảo quy định tất cả các trò chơi điện tử đều phải thực hiện thủ tục cấp phép với cơ quan nhà nước trước khi phát hành ra thị trường. Nói cách khác, Dự thảo đang áp dụng chính sách quản lý đồng nhất giữa tất cả các trò chơi điện tử. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp và gây tốn kém rất nhiều chi phí của doanh nghiệp.

Khía cạnh đầu tiên là không thuận lợi cho tổ chức, cá nhân phát triển game non trẻ (startup). Thực tế, có nhiều game nhỏ do các startup này phát triển có thể không dễ để thu hút người dùng, và sẽ có rất nhiều game có lượng người tải thấp, ít có khả năng gây tác hại cho xã hội. Việc yêu cầu cấp phép với các nhà phát triển này sẽ khiến họ bị quản lý quá chặt, dẫn đến việc gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.

Khía cạnh thứ hai là việc phát hành game không đồng nghĩa khả năng thu được lợi nhuận. Thực tế, nhiều trò chơi điện tử bị ngừng hoạt động rất sóm do không đáp ứng các yêu cầu về mặt kinh doanh. Việc yêu cầu phải xin phép tất cả các game sẽ dẫn đến các gánh nặng tuân thủ rất lớn trong khi khả năng mang lại lợi nhuận chưa rõ ràng.

Thay vào đó, việc quản lý game nên đi theo hướng giảm nhẹ gánh nặng hành chính, kiểm soát theo ngưỡng. Cụ thể, các doanh nghiệp, cá nhân sẽ chỉ phải thực hiện thủ tục cấp phép khi đạt được ngưỡng người sử dụng nhất định. Doanh nghiệp, cá nhân phát hành tự trách nhiệm kiểm soát các nội dung kịch bản game, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chính trị, chủ quyền lãnh thổ, thực hiện phân loại độ tuổi người chơi và các nghĩa vụ khác cho đến khi đạt ngưỡng cần cấp phép.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc áp dụng phương pháp phân loại quản lý trong cấp phép trò chơi, tương tự chính sách quản lý mạng xã hội đã được đưa ra.

  1. Thủ tục cấp phép trò chơi điện tử (game)

Dự thảo, tương tự như quy định hiện hành, tiếp tục đặt ra cơ chế cấp phép trò chơi điện tử theo 2 bước: (i) cấp phép với doanh nghiệp cung cấp game; (ii) cấp phép phát hành với từng game. Theo phản ánh của doanh nghiệp, các quy định về cấp phép game quá phức tạp, tạo ra rào cản lớn với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến và không khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của ngành game Việt Nam – một ngành còn tiềm năng phát triển rất lớn.[2] Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đơn giản hóa quy định về cấp phép, có thể cân nhắc theo một trong hai đề xuất sau:

Một, bãi bỏ thủ tục cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng theo Quyết định 1994/QĐ-TTg/2021 của Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc cấp phép với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được suy đoán làm nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ năng lực vận hành theo các yêu cầu về thanh toán, quản lý người chơi. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước không nhất thiết phải sử dụng biện pháp cấp phép (tiền kiểm) để kiểm soát, thay vào đó có thể cho doanh nghiệp hoạt động và cơ quan nhà nước có thể kiểm tra các điều kiện đó sau (hậu kiểm).

Hai, bãi bỏ thủ tục cấp phép phát hành với từng game, thay vào đó, cho phép cơ chế tự kiểm duyệt. Các quy định cấp phép này được suy đoán chủ yếu nhằm đảm bảo nội dung, kịch bản không vi phạm các nội dung bị cấm. Với sự phát triển của ngành giải trí và internet, các sản phẩm giải trí (ca nhạc, điện ảnh, game…) được phát hành trên internet ngày càng nhiều và đa dạng, và do đó, việc kiểm soát nội dung của từng sản phẩm này trước khi phát hành ra thị trường sẽ dường như chưa phù hợp khi không thể đáp ứng yêu cầu phát hành nhanh chóng theo nhu cầu của thị trường. Do vậy, nhiều loại hình giải trí đã cho phép cơ chế kiểm duyệt linh hoạt hơn, ví dụ các video ca nhạc không tiền kiểm về nội dung, các phim chiếu mạng cho phép cơ chế tự kiểm duyệt khi doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về hội đồng hoặc phần mềm theo Luật Điện ảnh 2022 và Nghị định 131/2022/NĐ-CP. Việc kiểm soát nội dung, kịch bản game có thể đi theo hướng này.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định về thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép phát hành game cũng tốn nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Điều 58.1.c Dự thảo quy định về doanh nghiệp sẽ phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trong trường hợp có cập nhật, nâng cấp phiên bản mới làm thay đổi, bổ sung nội dung, kịch bản. Hoạt động cập nhật, nâng cấp phiên bản làm thay đổi, bổ sung nội dung, kịch bản là hoạt động phổ biến với tần suất lớn. Trong một năm, các phiên bản nâng cấp, cập nhật có thể được tung ra liên tục để đảm bảo tính hấp dẫn của trò chơi như bổ sung nhân vật, tính năng, vật phẩm ảo…Việc phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung mỗi lần cập nhật sẽ tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp do phải thực hiện với tần suất lớn. Do vậy, để hạn chế gánh nặng không cần thiết cho các doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo một trong hai hướng sau: (1) quy định rõ các thay đổi nào trong nội dung, kịch bản cần thực hiện sửa đổi, bổ sung; hoặc (2) thay thế thủ tục này bằng thủ tục báo cáo các thay đổi trong nội dung, kịch bản; cơ quan nhà nước có thể thực hiện hậu kiểm sau.

  1. Thời hạn giấy phép kinh doanh các loại hình trên internet

Dự thảo quy định cấp phép cho các loại hình kinh doanh trên internet với thời hạn 5 năm, như giấy phép trang thông tin điện tử, giấy phép mạng xã hội, giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, thời hạn các giấy phép này là không cần thiết. Các điều kiện cấp phép là các yêu cầu doanh nghiệp cần chuẩn bị trước khi đi vào hoạt động, và sẽ được duy trì liên tục trong quá trình hoạt động. Cơ quan nhà nước có quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và có thể rút giấy phép bất kỳ lúc nào nếu doanh nghiệp không duy trì các điều kiện này, mà không cần phải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện cấp phép lại. Thời hạn 5 năm là quá ngắn và sẽ gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp mỗi lần cấp phép, đồng thời cũng không tạo ra sự ổn định của môi trường kinh doanh để doanh nghiệp đầu tư lớn và lâu dài vì không rõ có tiếp tục được kinh doanh sau khi hết thời gian giấy phép hay không. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về thời hạn của giấy phép. Nếu không, đề nghị giữ nguyên thời hạn giấy phép 10 năm như Nghị định 72/2013/NĐ-CP để đảm bảo tính ổn định của pháp luật và môi trường kinh doanh.

  1. Phân loại trò chơi

Điều 50 Dự thảo quy định việc phân loại trò chơi theo độ tuổi. Quy định này cần phải xem xét ở những nội dung sau:

Thứ nhất, theo phản ánh của doanh nghiệp, tiêu chí phân loại tại Điều 50.1 còn chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tự phân loại. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi các định nghĩa theo hướng sau:

– Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 16 tuổi trở lên (ký hiệu là 16+) là trò chơi có hoạt động đối kháng giữa nhân vật mô phỏng người thực, chiến đấu có sử dụng vũ khí mô phỏng vũ khí thực; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, nhân vật mặc khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người; 

– Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 12 tuổi trở lên (ký hiệu là 12+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu sử dụng các nhân vật hoạt họa có hình dáng hoặc không có hình dáng con người hoặc chỉ sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chiến đấu mà không có sự hiện diện của con người trong quá trình chơi, có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh, rõ ràng hoặc dưới dạng hoạt họa; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người; 

Thứ hai, Điều 50.2 Dự thảo quy định doanh nghiệp có trách nhiệm tự phân loại và thể hiện kết quả phân loại. Kết quả tự phân loại là một nội dung thẩm định cấp phép trò chơi điện tử. Điều này có nghĩa là cơ quan nhà nước sẽ chấp thuận với kết quả tự phân loại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Điều 50.3 Dự thảo lại quy định nếu cơ quan nhà nước phát hiện phân loại trò chơi không phù hợp, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại việc phân loại. Các quy định này mâu thuẫn với nhau do việc yêu cầu điều chỉnh lại là không nhất quán với sự chấp thuận trước đó và sẽ gây khó khăn trong việc triển khai kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về điều chỉnh kết quả phân loại sau khi đã được thẩm định.

  1. Hiển thị các thông tin trong trò chơi điện tử

Dự thảo quy định một số nghĩa vụ hiển thị thông tin trong trò chơi điện tử, cụ thể:

  • Hiển thị kết quả phân loại trò chơi điện tử trên màn hình thiết bị trong khi người chơi sử dụng dịch vụ (Điều 50.2.c);
  • Hiển thị thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần (Điều 51.1.g);

VCCI đồng tình với mục tiêu của các quy định trên nhằm cung cấp thông tin cho người chơi (và người giám hộ), từ đó giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của việc chơi game. Tuy nhiên, các yêu cầu này lại chưa thực sự phù hợp do việc hiển thị các thông tin trên trong suốt quá trình chơi, vốn chiếm mất một khoảng không gian trên màn hình, đặc biệt với trường hợp các game trên điện thoại di động, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của người chơi. Thay vào đó, việc thông tin cho người chơi có thể thực hiện như sau: (i) hiển thị phân loại game khi bắt đầu khởi động trò chơi; (ii) có biện pháp kỹ thuật để thông báo cho người chơi khi hết 180 phút chơi game; hoặc (iii) các nội dung trên có thể hiển thị trong các khung quảng cáo và trong màn hình thiết bị người chơi, vị trí hiển thị sẽ do doanh nghiệp chủ động lựa chọn phù hợp với từng loại khung quảng cáo hoặc từng loại trò chơi do doanh nghiệp cung cấp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng trên.

  1. Khuyến mãi có thưởng

Điều 69.3 Dự thảo quy định doanh nghiệp không được gắn chương trình khuyến mãi có thưởng vào giao diện, tính năng của trò chơi điện tử trên mạng. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các chương trình khuyến mại. Việc gắn chương trình khuyến mại vào giao diện, tính năng là một cách hữu hiệu giúp tăng sự nhận diện với chương trình khuyến mại và thuận tiện cho khách hàng tham gia các chương trình này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng “Không được gắn chương trình khuyến mãi có thưởng (bằng tiền hoặc hiện vật thật bên ngoài trò chơi) vào giao diện, tính năng của trò chơi điện tử trên mạng mà việc xác định việc trúng thưởng hoặc quà tặng trúng thưởng được quy đổi từ đơn vị ảo, vật phẩm ảo trong trò chơi”.

  1. Thể thao điện tử

Trong một vài năm gần đây, thể thao điện tử (eSports) đang có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đóng góp vào thành tích thể dục thể thao trong nước cũng như đóng góp vào nền kinh tế. Người chơi trong thể thao điện tử, hay còn gọi vận động viên eSports, cũng được yêu cầu phải luyện tập với cường độ cao như các vận động viên trong các môn thể thao vật lý thông thường. Do vậy, việc áp dụng các quy định về giới hạn người chơi trong game tại Dự thảo là không phù hợp với loại hình thể thao điện tử. Hơn nữa, các quy định tại Dự thảo dường như có mục tiêu hạn chế các tác động có hại của game với người dùng có mục đích giải trí, do đó cũng không phù hợp để áp dụng với vận động viên eSports, vốn là một nghề nghiệp. Từ những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định loại trừ với các vận động viên luyện tập/thi đấu thể thao điện tử.

  1. Trách nhiệm của kho ứng dụng

Điều 26.3.i Dự thảo quy định các kho ứng dụng có trách nhiệm kiểm soát các ứng dụng do tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng tải lên phải có đầy đủ giấy phép. Quy định này là không hợp lý và tạo ra gánh nặng chi phí và thời gian cho các kho ứng dụng và các nhà phát triển ứng dụng. Một ứng dụng có thể phải xin nhiều loại giấy phép, và có thể tản mạn ở các văn bản thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chưa kể hệ thống giấy phép trong hệ thống pháp luật nước ta rất phức tạp, liên tục thay đổi. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp rất khó xác định xem mình có thuộc trường hợp phải xin giấy phép hay không vì các quy định chưa rõ ràng. Ở phía kho ứng dụng, doanh nghiệp này sẽ khó có thể nắm bắt đầy đủ các yêu cầu về giấy phép của Việt Nam, từ đó tạo rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động. Ở phía nhà phát triển ứng dụng Việt Nam, quy định này sẽ khiến việc xét duyệt trở nên vô cùng mất thời gian, làm chậm cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam. Trong một số trường hợp, để tránh các rủi ro pháp lý, các kho ứng dụng sẽ yêu cầu thêm các giấy phép (theo cách diễn giải pháp luật của kho ứng dụng) mà nhà phát triển không thể có được, dẫn đến ứng dụng bị từ chối. Nói cách khác, quy định này sẽ làm khó các ứng dụng Việt hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Một số góp ý khác

a. Phạm vi điều chỉnh

Dự thảo Nghị định có phạm vi điều chỉnh rất rộng, trong đó có thể hiểu bao gồm cả các mô hình kinh doanh cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam, hay dịch vụ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Chẳng hạn, các hệ thống thông tin nội bộ có thể được coi là mạng xã hội. Tuy nhiên, quy định như vậy dường như chưa phù hợp vì các loại hình này chỉ phục vụ cho hoạt động vận hành nội bộ của doanh nghiệp, không truyền đưa rộng rãi trên mạng, và do đó không ảnh hưởng đến mục tiêu ngăn chặn các hành vi lợi dụng Internet vi phạm quy định pháp luật. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi điều chỉnh, trong đó không áp dụng với các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp.

b. Khái niệm chồng chéo, trùng lặp

Dự thảo đưa ra nhiều khái niệm, thuật ngữ. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp với các văn bản pháp luật khác, chẳng hạn:

– Khái niệm “nền tảng số” tại Điều 3.34 Dự thảo: khái niệm này đã được quy định tại Điều 45.2 Luật Giao dịch điện tử 2023, và nội hàm hai khái niệm này không thống nhất;

 – Khái niệm “dịch vụ nội dung thông tin mạng” tại Điều 3.21 Dự thảo: có điểm trùng lặp với khái niệm “sản phẩm nội dung thông tin số”, “dịch vụ nội dung thông tin số” tại Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP;

– Khái niệm “an toàn thông tin”, “an ninh thông tin”: trùng lặp với khái niệm “an toàn thông tin mạng” tại Điều 3.1 Luật An toàn thông tin mạng 2015 và “an ninh mạng” tại Điều 2.1 Luật An ninh mạng 2018.

c. Thủ tục hành chính

Dự thảo quy định nhiều thủ tục hành chính trong các lĩnh vực khác nhau. Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo sự phù hợp với Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các quy định sau:

Thứ nhất, cơ quan tiếp nhận không được phép yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với những thành phần hồ sơ đã được quy định tại Nghị định này.

Thứ hai, cơ quan tiếp nhận chỉ được trả lời về tính đầy đủ của thành phần hồ sơ một lần. Thời hạn xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ là 02 ngày.

Thứ ba, trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ có các bản dịch tiếng Việt từ tài liệu chữ nước ngoài đã được công chứng, cơ quan tiếp nhận không được phép từ chối vì lý do bản dịch không chính xác.

Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, cắt giảm hồ sơ không cần thiết trong Dự thảo, chẳng hạn Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vì các thông tin này có thể tra cứu trong hệ thống dữ liệu của cơ quan nhà nước.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] Dự thảo này dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)

[2]https://tuoitre.vn/cong-nghiep-game-viet-ca-ti-nguoi-dung-tham-vong-dan-dau-the-gioi-20230814084140838.htm