VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế 2% theo Nghị quyết số .../2023/QH15 ... tháng 6 năm 2023
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học
Kính gửi: Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 2652/BCT-HC của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất (không phải là hóa chất Bảng, hóa chất DOC) phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và phải được cấp giấy phép theo quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Doanh nghiệp sản xuất hóa chất Bảng, hóa chất DOC phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và phải được cấp giấy phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định 38/2014/NĐ-CP (Dự thảo đang sửa đổi Nghị định này).
Giữa hai Nghị định trên chưa có quy định giải quyết cho trường hợp doanh nghiệp vừa sản xuất kinh doanh hóa chất Bảng, DOC vừa sản xuất kinh doanh hóa chất thông thường. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng, doanh nghiệp phải xin hai loại giấy phép tại cùng một cơ quan quản lý mới được phép hoạt động kinh doanh, trong khi về cơ bản thì điều kiện kinh doanh của hai hoạt động này có nhiều điểm tương đồng nhau. Dự thảo cũng chưa giải quyết cho trường hợp này.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo mục tiêu quản lý, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định, đối với những doanh nghiệp được cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng được phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Đồng thời, để tránh chồng lẫn giữa hai Nghị định, đề nghị rà soát lại Nghị định 113/2017/NĐ-CP để đảm bảo Nghị định này không quy định quản lý các hóa chất Bảng, DOC thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo.
- Về việc bổ sung điều kiện kinh doanh hóa chất Bảng
So với quy định hiện hành, Dự thảo đã bổ sung điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh hóa chất Bảng. Hiện nay, các quy định chỉ ràng buộc điều kiện đối với hoạt động sản xuất, còn các hoạt động kinh doanh thì không quy định. Việc thay đổi cơ chế quản lý này suy đoán, nhằm khắc phục tình trạng kinh doanh hóa chất Bảng, chủ yếu là hóa chất Bảng 3 đang “diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát, dẫn đến các hệ lụy về an ninh, an toàn hóa chất, không thể kiểm soát việc “chuyển giao nội địa” hóa chất Bảng đến “người sử dụng cuối cùng” (end-user)”.
Tuy nhiên, việc thay đổi cơ chế quản lý này sẽ tác động khá lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy cần phải đánh giá tác động một cách kĩ càng, nhất là các doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường vì không đáp ứng được điều kiện kinh doanh mới. Đề nghị Ban soạn thảo đánh giá tác động đối với việc bổ sung quy định này.
- Các thủ tục liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh hóa chất Bảng
So với quy định hiện hành, Dự thảo đã thay đổi cơ chế quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất DOC, DOC-PSF, từ cấp phép sang đáp ứng điều kiện không cần giấy phép. Sự thay đổi này là phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đối với sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng, cơ chế quản lý vẫn là cấp giấy phép là phù hợp, tuy vậy, các quy định về thủ tục liên quan đến giấy phép kinh doanh này cần được xem xét để có thể đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn, cụ thể:
a. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng (Điều 12)
Hiện nay, các thủ tục hành chính đang có xu hướng, không yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp các loại tài liệu mà cơ quan quản lý nhà nước có thể tra cứu thông tin trong hệ thống dữ liệu của cơ quan nhà nước. Vì vậy, để phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bỏ “Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” trong Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng vì có thể tra cứu trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (điểm b khoản 1 Điều 12 Dự thảo); trong Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng (điểm b khoản 1 Điều 21 Dự thảo).
b. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Dự thảo, doanh nghiệp phải cung cấp “Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các nội dung điều chỉnh”. Đây là quy định chưa đủ rõ loại tài liệu cụ thể nào trong các trường hợp điều chỉnh, vì vậy có thể tạo ra các cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các loại tài liệu này là gì.
c. Trình tự cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng
So với quy định hiện hành, quy trình cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng tại Dự thảo thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn và phức tạp hơn. Nếu như trình tự thủ tục cấp giấy phép sản xuất hóa chất Bảng tại Nghị định 38/2014/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp phép dựa trên hồ sơ, thì theo quy định tại Dự thảo, cơ quan quản lý sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế sau đó mới cấp giấy phép.
Việc thay đổi quy trình cấp phép cần được cân nhắc, xem xét ở điểm: Trên thực tế, từ ngày 03/8/2005 đến nay, ở nước ta, chưa có tổ chức, cá nhân nào đầu tư cơ sở sản xuất hóa chất Bảng[1]. Vì vậy, quy trình cấp phép này chưa được áp dụng trên thực tế. Do đó, không có căn cứ để đánh giá quy trình hiện tại có hạn chế và cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc thiết kế thủ tục trở nên chặt chẽ hơn sẽ là rào cản cho các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất hóa chất Bảng – trong khi hóa chất Bảng 3 là hóa chất được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy trình cấp phép sản xuất kinh doanh hóa chất Bảng như hiện hành.
Mặt khác, xét về tính minh bạch, điểm b khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định “trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng”. Quy định này là chưa rõ về thời gian cơ quan có thẩm quyền tiến hành đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng, cụ thể: 15 ngày làm việc được tính từ thời điểm nào? Thời điểm “nhận hồ sơ đầy đủ” hay là thời điểm “hồ sơ đạt yêu cầu”. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn về thời điểm dùng làm căn cứ tính thời hạn thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế.
d. Thời gian kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ
So với quy định hiện hành, thời gian kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ trong thủ tục cấp phép sản xuất kinh doanh hóa chất Bảng tại Dự thảo là nhiều hơn và thiếu rõ ràng hơn.
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 38/2014/NĐ-CP thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ là 03 ngày làm việc, trong khi quy định tại Dự thảo là 05 ngày làm việc. Nghị định 38/2014/NĐ-CP đưa ra nguyên tắc về kiểm tra tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ rất rõ ràng và hợp lý “trong thời gian không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương phải thông báo cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ một lần duy nhất.”. Dự thảo đã bỏ quy định này.
Để đảm bảo tinh thần cải cách hành chính, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên như quy định hiện hành về thời gian xem xét tính hợp lệ và cấp giấy phép, cũng như nguyên tắc về kiểm tra tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ.
e. Thủ tục đánh giá lại để cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng
Đoạn 2 điểm c khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định, trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện thì trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày lập biên bản đánh giá, doanh nghiệp khắc phục và gửi báo cáo kết quả khắc phục đến cơ quan cấp phép để được thẩm định và đánh giá lại điều kiện thực tế. Quy định này là chưa rõ ràng về trình tự, thủ tục đánh giá lại điều kiện thực tế để cấp giấy phép (trong khoảng thời gian bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả khắc phục, cơ quan có thẩm quyền sẽ thành lập đoàn đánh giá lại điều kiện thực tế? Sau khi đánh giá lại trong thời gian bao nhiêu ngày kể từ ngày có kết quả đánh giá, doanh nghiệp được cấp giấy phép nếu đạt điều kiện? nếu không đáp ứng điều kiện thì giải quyết như thế nào? Tiếp tục khắc phục hay từ chối cấp giấy phép?).
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.
- Nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng
a. Điều kiện để được cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Dự thảo “tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng là điều kiện để thông quan khi nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất bảng”. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định nào quy định về điều kiện để tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng. Điều này khiến cho mục tiêu chính sách trở nên thiếu rõ ràng và nguy cơ tạo nhũng nhiễu khi tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục.
Một vấn đề đặt ra về tính cần thiết phải có giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng 2, 3 hay không? Bởi vì, theo quy định chỉ những doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh hóa chất Bảng mới được phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng. Như vậy, Nhà nước đã kiểm soát đối với chủ thể nhập khẩu. Nếu muốn nhận biết về các thông tin về nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng, DOC, có thể kiểm soát thông qua số liệu của cơ quan hải quan và nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thay đổi cơ chế quản lý đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, 3 theo hướng bỏ yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu, trong trường hợp vẫn giữ cơ chế này cần quy định rõ về tiêu chí cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng.
b. Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng
Khoản 6 Điều 20 Dự thảo quy định “trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 cho các mục đích chuyên ngành (y tế, dược phẩm, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng), khi cần thiết, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại khoản 1 Điều này lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi cấp phép. Thời gian lấy ý kiến không tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điều 22 Nghị định này”.
Quy định trên sẽ khiến cho thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng bị kéo dài và gần như không có thời gian kết thúc. Bởi vì, “khi cần thiết” là khái niệm chưa rõ ràng, trao quyền quyết định cho cơ quan cấp phép trong việc xác định có nên hỏi các cơ quan khác trong quá trình cấp phép hay không. Mặt khác, thời gian hỏi ý kiến không được tính vào thời gian giải quyết thủ tục và Dự thảo cũng không quy định về thời gian hỏi ý kiến, thời gian các cơ quan quản lý khác cho ý kiến. Điều này sẽ khiến trình tự thủ tục trở nên phức tạp và bị kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu, xuất khấu hóa chất Bảng.
Trong bối cảnh có nhiều trường hợp cán bộ thực thi sợ trách nhiệm, thì quy định này rất dễ bị lạm dụng và khiến cho trình tự thủ tục hành chính bị kéo dài, thậm chí là đình trệ. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định phải lấy ý kiến trong trường hợp này. Nếu có lý do thuyết phục để giữ quy định này, đề nghị quy định rõ về thời hạn lấy ý kiến, thời hạn phải trả lời của các cơ quan được hỏi và thiết kế thời hạn này trong thời hạn giải quyết thủ tục cấp phép.
- Thanh sát nội địa
So với quy định hiện hành, Dự thảo đã bổ sung quy định về thanh sát nội địa. Hoạt động này sẽ tiến hành thanh sát ngẫu nhiêu đối với các cơ sở hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF. Mục tiêu của quy định này nhằm “đáp ứng các yêu cầu đón tiếp Đoàn thanh sát quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân”; “tăng cường tính tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu thanh sát quốc tế của Tổ chức Công ước”.
Việc bổ sung thủ tục này cần được xem xét lại ở các điểm:
- Theo nội dung của Tờ trình về công tác thanh sát, “từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đón khoảng 11 Đoàn Thanh sát công nghiệp của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đến thanh sát các cơ sở sản xuất hóa chất DOC. Kết quả thanh sát của OPCW trong các năm qua đã cho thấy có sự phù hợp giữa số liệu khai báo của Việt Nam với số kiểm chứng của OPCW”. Như vậy, cho thấy hoạt động của các cơ sở sản xuất hóa chất DOC là chấp hành pháp luật, rủi ro thấp. Do đó, yêu cầu phải thanh sát nội địa để đảm bảo các mục đích trên dường như là quá mức cần thiết, trong khi hoạt động này sẽ tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp;
- Theo quy định, cơ quan quản lý sẽ thực hiện kiểm tra doanh nghiệp đình kỳ hoặc đột xuất để đảm bảo tính tuân thủ của doanh nghiệp. Hoạt động thanh sát nội địa có tính chất tương tự như hoạt động kiểm tra. Điều này sẽ xảy ra trường hợp, doanh nghiệp trong năm vừa bị thanh sát vừa bị kiểm tra (nếu đúng kỳ kiểm tra). Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về thanh sát nội địa.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Trang 4 Tờ trình