VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu
VCCI_Góp ý Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Kính gửi: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương
Theo đề nghị của Bộ Công Thương về việc góp ý đối với dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (bản thẩm định tại Bộ Tư pháp, sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Điều chỉnh hành vi tiêu dùng mới
Báo cáo không chính thức của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển UNCTAD[1] về bảo vệ người tiêu dùng trong các thị trường nền tảng (peer platform markets) và Báo cáo Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: một số vấn đề pháp lý[2] đều đã đề cập đến các hành vi tiêu dùng mới trên nền tảng internet như hội nhóm sử dụng sản phẩm, dịch vụ; trao đổi hàng hoá với những người có nhu cầu sử dụng lại… Các hình thức tiêu dùng mới này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng từ các hành vi thiếu công bằng trên thị trường cung cấp hàng hoá, dịch vụ, bất cân xứng thông tin, không đảm bảo chất lượng hàng hoá, dịch vụ… Thiệt hại với người tiêu dùng có thể về tài chính hoặc phi tài chính (sức khoẻ, tâm lý, thông tin cá nhân, thời gian…). Đây dự kiến là những lĩnh vực sẽ ảnh hưởng lớn đến quan hệ tiêu dùng, nên là nội dung quan trọng khi thiết kế pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nội dung này và cân nhắc đưa vào điều chỉnh trong dự luật.
- Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 6 Dự thảo)
VCCI cho rằng chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng cần được quy định đối với tất cả các đối tượng người tiêu dùng và trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng.
Việc này không chỉ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Việc quy định “có cơ chế, chính sách chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng” người tiêu dùng dễ bị tổn thương chỉ trong việc “thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin” (điểm d các khoản 1, 2; điểm đ khoản 3, điểm c khoản 4 và khoản 5 Điều 6) có thể dẫn tới cách hiểu chưa đầy đủ và tạo lỗ hổng trong áp dụng quy định này.
Hiện tại, trong các luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi (tại Điều 9), Luật Trẻ em (tại Điều 5), Luật Người khuyết tật (tại Điều 14), Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (tại Điều 8) đã quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử nhưng thực tế dường như chưa đi vào cuộc sống. Hoạt động giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh với người tiêu dùng còn có nhiều đặc thù mà nếu không có quy định cụ thể hơn sẽ có thể dẫn đến việc vô tình vi phạm do các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định cụ thể về các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử trong giao dịch với các đối tượng yếu thế để bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Để tăng tính rõ ràng, minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo sửa các khoản trong điều này theo hướng bỏ các từ “bảo đảm thực hiện” bởi đây là trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với khách hàng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương (đã được quy định tại các Luật chuyên ngành nói trên), tránh các cách hiểu khác nhau dẫn tới áp dụng pháp luật không chính xác.
- Chính sách về thông tin của người tiêu dùng (Điều 8, 9, 10, 11 Dự thảo)
Liên quan đến giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin của người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để thực hiện được giao dịch (cơ bản là các thông tin về: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc các tài khoản cho phép thanh toán trực tuyến). Do đó, quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải thông báo trước bằng hình thức phù hợp và phải được người đó đồng ý” là không phù hợp với các giao dịch trực tuyến. Để bảo đảm tính chính xác và chặt chẽ của văn bản, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào các khoản 1, 2, 3 Điều 9 dự thảo cụm từ “trừ quy định tại khoản 4 Điều này” để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định.
Quy định tại khoản 1 Điều 10 Dự thảo “tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo…” là bỏ sót các trường hợp tổ chức, cá nhân không phải thông báo khi thu thập thông tin quy định tại khoản 4 Điều 9. Vậy trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng các thông tin này ngoài mục đích ban đầu (như thông tin để giao kết/thực hiện hợp đồng; thông tin để tính giá, cước…) thì sẽ không có quy định, tạo thành khoảng trống pháp lý. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cho các trường hợp này.
Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin (Điều 11 Dự thảo): vấn đề này được quy định khá chung chung. Các yêu cầu như “phải có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng”, “báo cho cơ quan chức năng trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết…” không rõ trình tự, thủ tục, đối tượng báo cáo thì sẽ khó bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo dẫn chiếu hoặc uỷ quyền quy định chi tiết các nội dung này.
Góp ý tương tự đối với quy định về kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh, chuyển giao hoặc huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng (Điều 12 Dự thảo).
4. Về quyền của người tiêu dùng (Điều 14 Dự thảo):
Quyền của người tiêu dùng sẽ tương ứng với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, dự thảo còn có một số nội dung chưa bảo đảm tính hợp lý, khả thi như:
Khoản 6 quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, khoản 4 quy định nội dung gần tương tự cho phép người tiêu dùng “góp ý kiến với tổ chức, cá nhân về giá cả, chất lượng…”. Vậy không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng, trước khi phải đứng ra làm một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự? Để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng: tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác về các vấn đề của sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, bổ sung quy định vào Điều 55 Dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền yêu cầu người tiêu dùng thương lượng khi có tranh chấp liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp.
Nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 15 Dự thảo): thực tế cho thấy một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Chính vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
5. Các hành vi bị cấm (Điều 16 Dự thảo)
Điểm đ, khoản 1 Điều 16 quy định điều cấm như sau: “Yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hoá, dịch vụ đã cung cấp mà không có thoả thuận trước với người tiêu dùng”. Quy định này có thể gây khó khăn cho các bên tham gia giao dịch khi theo cách hiểu thông thường người tiêu dùng mua/sử dụng hàng hoá dịch vụ thì đương nhiên phải thanh toán chi phí (trừ các loại hàng hoá có giá trị lớn hoặc có hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung). Khi đó, quy định này có thể gây bất lợi cho bên bán vì không rõ “thoả thuận trước” phải được thể hiện dưới hình thức nào? Nhìn chung các giao dịch mua bán hàng hoá hàng ngày, thông thường nếu áp dụng quy định này thì có thể sẽ không thực sự phù hợp.
Trong trường hợp quy định buộc phải có thoả thuận trước với bên cung cấp dịch vụ/bán hàng hoá là thực sự cần thiết thì đề nghị Ban soạn thảo cần hết sức cân nhắc tính khả thi của quy định này vì có thể xảy ra rất nhiều vi phạm này mà không có cơ chế phù hợp và không đủ nguồn lực để bảo đảm việc giám sát, xử lý hiệu quả.
Điểm n, khoản 1 quy định điều cấm: “Sử dụng hoặc lợi dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người có ảnh hưởng, có uy tín nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mà không thông báo trước cho người tiêu dùng đây là các nội dung được tài trợ”. Việc thông báo “đây là nội dung được tài trợ” không chỉ là nghĩa vụ của bên cung cấp sản phẩm mà quan trọng hơn là của người có ảnh hưởng, có uy tín khi thực hiện việc quảng cáo này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về nghĩa vụ của những người này.
Điểm b khoản 3 quy định “hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng thông qua việc sắp xếp ưu tiên lựa chọn sản phẩm bất hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp trên nền tảng” nhưng không rõ tiêu chí xác định tính bất hợp lý ở đây là gì. Điều này có khả năng đưa đến các cách hiểu khác nhau hoặc lúng túng trong áp dụng pháp luật. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vấn đề này.
6. Về trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng xản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng (Điều 19 Dự thảo)
Quy định tại khoản 2 Điều 19 của Dự thảo chưa bảo đảm tính minh bạch, hợp lý ở chỗ không rõ tiêu chí nào để nhà quản lý xác định được “sự phù hợp” của hàng hoá, dịch vụ đối với “các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, giới tính, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khoẻ, đặc điểm tâm thần, thể chất”. Trước khi xét đến khả năng khi quy định này có thể can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp thì trên thực tế cá nhân, tổ chức cũng không thể thực hiện được quy định này bởi những hạn chế về thông tin được yêu cầu như trên. Việc điều tra thông tin thị trường là hoạt động nội bộ của doanh nghiệp, trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh của từng đơn vị. Cá nhân, tổ chức kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm về khả năng tiếp cận người tiêu dùng và năng lực hoạt động của mình. Nhà nước không có quyền và không thể can thiệp về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, việc điều tra thị phần, thị trường thường chiếm một phần chi phí không nhỏ và Dự thảo chưa có đánh giá tác động của quy định này.
Tương tự như vậy, tiêu chí “lựa chọn trung tính về giới một cách nổi bật cho người tiêu dùng” cũng rất khó đo lường nếu không có quy định hợp lý hơn. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các quy định này.
7. Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng (Điều 21 Dự thảo):
Điểm b, khoản 1 quy định: “a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hoá, dịch vụ được cung cấp và các chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan”: đề nghị bổ sung “nếu có” vì không phải bên thứ ba nào cũng tự mình thực hiện các chương trình đánh giá, xếp hạng này. Nếu bên bán hàng, cung cấp dịch vụ sử dụng một tổ chức đánh giá, xếp hạng khác thì phải có trách nhiệm cung cấp cho bên thứ ba này.
Điểm c, khoản 1 quy định: “c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;”. Tuy nhiên, không rõ các quy định của pháp luật về kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin hàng hoá, dịch vụ là gì. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung dẫn chiếu tại quy định này, làm cơ sở cho việc áp dụng được hiệu quả.
Điểm c, khoản 2 quy định chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm “từ chối cho tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý nếu việc sử dụng có khả năng dẫn đến quấy rối người tiêu dùng” có thể sẽ gây ra những cách hiểu khác nhau về tiêu chí xác định thế nào là có khả năng dẫn đến quấy rối người tiêu dùng. Các tiêu chí này sẽ được xác định theo từng vụ việc cụ thể hay như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ theo hướng bảo đảm tính hợp lý và khả thi của quy định, tránh trường hợp gây ra tâm lý không an tâm cho chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông.
Điểm d, khoản 2 quy định chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông phải ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng nếu có yêu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế không phải yêu cầu nào của người tiêu dùng cũng chính xác và hợp pháp. Trong khi người tiêu dùng đã có cơ chế để thông báo tới cơ quan quản lý khi quyền của mình bị vi phạm thì việc yêu cầu chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông chỉ nên được thực hiện khi có quyết định của cơ quan quản lý đó. Trong giao dịch cung cấp dịch vụ truyền thông giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh và chủ phương tiện/nhà cung cáp dịch vụ truyền thông, người tiêu dùng không phải là một bên tham gia trực tiếp mà chỉ là người có quyền lợi liên quan. Giao dịch này chỉ có thể được điều chỉnh, tạm dừng theo thoả thuận của các bên hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định trên.
8. Về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung (Điều 22 Dự thảo)
Khoản 3 Điều này quy định: “Trường hợp giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải cung cấp đầy đủ các điều khoản của hợp đồng và tạo điều kiện để người tiêu dùng xem xét toàn bộ hợp đồng trước khi giao kết”. Không rõ quy định “tạo điều kiện” ở đây có nghĩa là gì. Nhiều ý kiến cho rằng quy định cần rõ ràng hơn theo hướng tổ chức, cá nhân kinh doanh buộc phải cung cấp hợp đồng tới người tiêu dùng, cho phép thời gian khi quyết định không bị hạn chế.
9. Thực hiện hợp đồng theo mẫu (Điều 25 Dự thảo)
Một số quy định tại Điều này chưa bảo đảm tính minh bạch, hợp lý như sau:
- Khoản 1: “Trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”. Không rõ “thời gian hợp lý” sẽ được xác định như thế nào sẽ có thể gây ra những vi phạm không đáng có trong quá trình cá nhân, tổ chức giao dịch với người tiêu dùng
- Khoản 3: “Hợp đồng theo mẫu phải được công bố công khai để người tiêu dùng biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng”. Quy định này sẽ có khả năng đưa đến những cách hiểu khác nhau giữa người tiêu dùng, cá nhân và tổ chức kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là khi có tranh chấp xảy ra.
Vì những lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng rõ ràng hơn hoặc loại bỏ các quy định này.
10. Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (Điều 27 Dự thảo)
Khoản 2 Điều 27 quy định “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bất cứ lúc nào phát hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.”. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc tính khả thi của quy định này và nghiên cứu sửa đổi theo hướng cần dành thời gian nghiên cứu, phản biện của bên bán hàng về việc này bởi không phải lúc nào đề nghị của người tiêu dùng cũng xác đáng, hợp lý để phải sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
11. Trách nhiệm bảo hành hàng hoá, linh kiện, phụ kiện (Điều 29 Dự thảo)
Điểm a khoản 1 Điều 29 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm: “Xây dựng và công bố công khai về chính sách bảo hành trước khi áp dụng đối với người tiêu dùng.” Đề nghị xem xét lại quy định này vì khi chính sách bảo hành đã công bố công khai đương nhiên được hiểu là có giá trị áp dụng tại thời điểm đó. Nếu quy định này của Dự thảo là nhằm cho phép người tiêu dùng góp ý đối với chính sách bảo hành của cá nhân, tổ chức kinh doanh thì cần thiết kế tại một nội dung khác. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định này.
12. Thông báo thông tin về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện (Điều 72 Dự thảo)
Khoản 1 Điều này quy định: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm thông báo công khai bằng hình thức phù hợp về việc khởi kiện và chịu trách nhiệm về thông tin do mình công bố, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.” Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định này ở các điểm sau:
- Một khi thông tin về vụ án dân sự trong đó cá nhân, tổ chức kinh doanh là bị đơn được công bố thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng này. Việc yêu cầu bảo đảm “không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường” là không khả thi;
- Trên thực tế đã có những vụ việc tổ chức, cá nhân kinh doanh là bị đơn nhưng sau khi Toà án ra quyết định thắng kiện vẫn bị thiệt hại không nhỏ cả về danh tiếng và lợi ích kinh doanh. Trong trường hợp này, thông tin trên báo chí, truyền thông chính là yếu tố ảnh hưởng tới quyết định tiêu dùng trên thị trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện không có cơ chế nào để các cá nhân, tổ chức kinh doanh xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại này.
Vì những lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm đưa thông tin về vụ án dân sự liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bổ sung quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm ảnh hưởng tới hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh.
13. Góp ý khác:
Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 4 Dự thảo) Dự thảo bổ sung Điều 5 “Giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự bình đẳng”. Tuy nhiên quy định này dường như không cùng nhóm nội dung với 4 nguyên tắc còn lại. Đây là nguyên tắc về giao dịch chứ không phải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định này sẽ phu hợp hơn nếu đặt ở một điều về khắc phục vị thế yếu thế của NTD trong các giao dịch tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thiết kế lại Điều 4 Dự thảo.
Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa các quy định tại Điều 36 lên Điều 3 về giải thích từ ngữ để bảo đảm tính thống nhất của văn bản.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.