VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định thu phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến
VCCI_Góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước
Kính gửi: Bộ Xây dựng
Trả lời Công văn của Bộ Xây dựng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Sự cần thiết xây dựng luật
Dự thảo Tờ trình chưa làm rõ được sự cần thiết ban hành Luật Cấp, thoát nước, mặc dù Mục I – Sự cần thiết ban hành luật dài 21 trang trên tổng số 38 trang của Tờ trình. Trong Mục này, Phần 3 – Cơ sở thực tiễn mới chỉ tập trung đề cập đến việc ban hành và thực thi pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật một số nước trên thế giới về cấp nước và thoát nước mà chưa nói nhiều đến các vấn đề thực tiễn của việc cấp nước sạch và thoát nước tại Việt Nam hiện nay.
Để làm rõ hơn sự cần thiết ban hành Luật Cấp, thoát nước, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Tờ trình nhằm thể hiện được các nội dung sau:
- Thực trạng tiếp cận nước sạch của người dân và doanh nghiệp, chia theo các khu vực đô thị, nông thôn; chất lượng, độ sẵn có, tính ổn định của việc tiếp cận nước sạch; tình trạng mất nước, thất thoát nước, nước không đáp ứng chất lượng an toàn thời gian qua; giá nước sạch…
- Thực trạng thoát nước và xử lý nước thải, chia theo khu vực đô thị, nông thôn; tình trạng úng ngập tại các đô thị ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp; thực trạng đầu tư các công trình thoát nước, xử lý nước thải…
Các thông tin này sẽ là cơ sở đầu vào để cơ quan có thẩm quyền quyết định liệu có cần thiết ban hành Luật Cấp thoát nước hay không.
- Phạm vi điều chỉnh và nguy cơ chồng chéo, xung đột pháp luật
Phạm vi điều chỉnh của luật này chưa rõ ràng và có nguy cơ chồng chéo với một số luật khác, ví dụ:
- Các vấn đề về khai thác nước tự nhiên (nước mặt, nước ngầm, nước mưa) để phục vụ cho các công trình cấp nước sạch có nguy cơ chồng chéo với Luật Tài nguyên nước.
- Các vấn đề về cấp nước, thoát nước khu vực nông thôn có nguy cơ chồng chéo với Luật Thuỷ lợi.
- Các vấn đề về thu gom và xử lý nước thải có nguy cơ chồng chéo với Luật Bảo vệ môi trường.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc xử lý chồng chéo giữa các đạo luật, theo một trong hai phương án:
- Phương án 1: thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật này để tránh chồng chéo với các luật trên. Có thể cân nhắc phương án Luật này chỉ điều chỉnh vấn đề sản xuất và cung cấp nước sạch; thoát nước khu vực đô thị.
- Phương án 2: bổ sung thêm điều khoản vào cuối Luật này để sửa đổi các luật khác, nhằm bảo đảm không còn chồng chéo.
- Bố cục của Luật
Hiện nay, bố cục của Luật đang được thiết kế theo phương pháp trộn lẫn giữa các quy định về cấp nước và thoát nước. VCCI nhận thấy, mặc dù cấp nước và thoát nước đô thị có nhiều điểm chung như đều là hạ tầng xây dựng phục vụ dân sinh nhưng hai lĩnh vực này có nhiều điểm riêng rất khác nhau, ví dụ:
- Cấp nước cần bảo đảm khả năng tiếp cận nước sạch ổn định, an toàn với chi phí hợp lý; trong khi đó thoát nước lại cần bảo đảm chống úng ngập và ô nhiễm.
- Cấp nước là dịch vụ có thể mang lại lợi nhuận nhưng mang đặc tính độc quyền tự nhiên; trong khi đó, thoát nước lại khó có thể mang lại lợi nhuận. Do đó, vai trò và biện pháp can thiệp của Nhà nước trong hai thị trường này rất khác nhau.
Nếu bố cục của Luật theo hướng trộn lẫn giữa cấp nước và thoát nước thì có nguy cơ dẫn đến các quy định phù hợp với lĩnh vực này, nhưng không phù hợp với lĩnh vực kia, gây khó khăn cho việc thực hiện sau này. Do đó, để thuận tiện cho việc thiết kế các quy định pháp luật mạch lạc, phù hợp với đối tượng tác động và đạt được các mục tiêu chính sách khác nhau, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh bố cục của Luật theo hướng tách riêng các nội dung về cấp nước và thoát nước.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.