VCCI_Góp y Dự thảo Đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư áp dụng hoặc chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường

Thứ Hai 08:00 14-12-2020

Kính gửi: Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời Công văn số 3236/BKHCN-CNN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư áp dụng hoặc chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:

Về cơ bản, các chính sách và phương án thực hiện chính sách được đề xuất trong Dự thảo khá rõ ràng, nội dung của chính sách phù hợp với mục tiêu của chính sách. Phần lớn các chính sách trong Dự thảo tập trung vào các ưu đãi sẽ được áp dụng cho nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư áp dụng hoặc chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường. Tuy nhiên, một số vấn đề sau cần được làm rõ để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và hiệu quả của các chính sách đề ra, cụ thể:

  1. Về chính sách 1: Quy định danh mục công nghệ và nhóm đối tượng ứng dụng ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư, đổi mới công nghệ

Theo nội dung phân tích phần chính sách này thì hiện nay việc xác định địa bàn ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ xác định “địa giới hành chính với các vùng núi cao, dân tộc thiểu số, khu vực hải đảo có điều kiện khó khăn mà chưa có địa bàn về vùng chuyên canh, thâm canh, vùng nguyên liệu, làng nghề truyền thống … có điều kiện phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản”.

Xuất phát từ thực trạng này, nội dung của chính sách sẽ “xây dựng danh mục các nhóm đối tượng ứng dụng là cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản có dự án đầu tư áp dụng, đổi mới công nghệ thuộc các nhóm mặt hàng sản phẩm chủ lực, sản phẩm ưu tiên, sản phẩm quốc gia; thuộc vùng nguyên liệu tại các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo; thuộc làng nghề truyền thống phát triển ở quy mô công nghiệp”. Nội dung của chính sách này cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Xác định địa bàn ưu đãi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được quy định trong văn bản cấp luật hay nghị định? Nếu quy định trong văn bản cấp luật thì việc Dự thảo Nghị định bổ sung thêm địa bàn được hưởng ưu đãi dường như chưa đảm bảo tính thống nhất. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm nội dung làm rõ về tính pháp lý của đề xuất chính sách này.
  • Trong phần phân tích có nêu ra tính bất cập khi không xác định “vùng chuyên canh, thâm canh, vùng nguyên liệu” là địa bàn được hưởng ưu đãi, nhưng phần nội dung chính sách lại không đưa các địa bàn này vào phần địa bàn được hưởng ưu đãi khiến cho nội dung của chính sách trở nên chưa bao quát hết được các vấn đề được nêu ở phần phân tích khó khăn, bất cập. Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về việc thiếu nhất quán trên.
  1. Các chính sách ưu đãi

Dự thảo đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế; đất đai và hạ tầng; tài chính. Đây là các chính sách quan trọng đảm bảo tính hiệu quả trong cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản đầu tư, đổi mới công nghệ. Nhưng, theo như phân tích tại Dự thảo thì hiện nay các quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, vì vậy, Dự thảo đề xuất chính sách theo hướng chỉ dẫn chiếu tới các văn bản quy định hoặc quy định riêng về các chính sách ưu đãi vừa không cần thiết (vì doanh nghiệp có thể tra cứu tại các văn bản quy định tương ứng để nhận biết ưu đãi) vừa chưa đảm bảo tính thống nhất (vì quy định ưu đãi tại Dự thảo có thể “vênh” so với các quy định hiện hành).Để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong các quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ các vấn đề trên trong đề xuất chính sách.

  1. Về giải pháp thực hiện chính sách

Hầu hết các chính sách được đề xuất trong Dự thảo chỉ có một giải pháp thực hiện chính sách. Điều này khiến cho phân tích chính sách chưa toàn diện, bởi vì như đã phân tích ở trên, các chính sách ưu đãi hiện đang được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, như vậy chính sách ưu đãi là có cơ sở pháp lý. Trong trường hợp này cần phải phân tích thêm một lựa chọn chính sách nữa là: không cần quy định tại Dự thảo Nghị định về các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mà chỉ cần áp dụng chính sách hiện hành là đủ. Phương pháp đề xuất tại Dự thảo có ưu điểm nào hơn so với phương pháp không quy định này?

Cách thức đưa ra nhiều giải pháp, phân tích chi phí lợi ích từng nhóm giải pháp và đề xuất lựa chọn giải pháp tối ưu nhất sẽ khiến cho chính sách đề xuất đảm bảo thuyết phục. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các giải pháp chính sách khác bên cạnh một giải pháp chính sách đang được đề xuất tại Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư áp dụng hoặc chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.