VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng kinh doanh - quản lý đường bộ cao tốc
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực
File đính kèm
VCCI_Góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí
Kính gửi: Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Phân loại dịch vụ miễn phí và trả tiền
Hoạt động báo chí thường có hai nguồn thu chủ yếu là (1) thu từ người đọc, nghe, xem và (2) thu từ quảng cáo. Luật Báo chí hiện không nhất quán trong việc phân loại các loại hình báo chí theo nguồn thu. Ví dụ, các loại hình báo in và báo điện tử không có sự phân biệt giữa báo chí trả tiền (thu từ người đọc và có thể thu thêm từ quảng cáo) và báo chí miễn phí (không thu từ người đọc, mà chỉ thu từ quảng cáo). Ngược lại, dịch vụ phát thanh, truyền hình lại được phân loại thành truyền hình trả tiền (có thu từ người xem) và truyền hình quảng bá (không thu từ người xem).
Hiện nay, tiến bộ của khoa học công nghệ đã cho phép đa dạng hoá, thậm chí trộn lẫn giữa các hình thức thu tiền khác nhau. Ví dụ, một số tờ báo điện tử đã có sự kết hợp giữa miễn phí và trả tiền, người đọc miễn phí được xem một số bài còn người đọc trả tiền được xem nhiều bài báo chất lượng hơn. Một số đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên nền tảng internet đưa ra gói dịch vụ dành cho khách hàng có trả tiền thì không phải nghe/xem quảng cáo.
Do đó, việc phân loại dịch vụ dựa vào nguồn thu không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề nguồn thu của cơ quan báo chí nên được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về dân sự và sở hữu trí tuệ, thay vì các quy định hành chính như tại Điều 33, Điều 50, Điều 51 của Luật Báo chí như hiện nay. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi các quy định trên theo hướng quản lý chung, không phân biệt loại nguồn thu của bên cung cấp dịch vụ.
- Liên kết sản xuất và thị trường chuyển nhượng nội dung số
Mục 8.8 của Dự thảo Tờ trình đề xuất việc yêu cầu điều kiện, năng lực của đối tác liên kết và bổ sung thủ tục hành chính mới khi liên kết hoạt động báo chí.
Việc liên kết trong hoạt động báo chí, đặc biệt là liên kết sản xuất nội dung số để phát thanh, phát sóng trên truyền hình, internet hiện nay đang phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức tham gia. Đảng và Nhà nước cũng có chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất nội dung số, công nghiệp sáng tạo với tư cách là một bộ phận trong hệ sinh thái kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia. Việc đặt thêm các quy định về điều kiện, năng lực cũng như thủ tục hành chính khi liên kết trong hoạt động báo chí, đặc biệt là sản xuất nội dung chương trình truyền hình, có thể gây tác động cản trở sự phát triển của công nghiệp nội dung số của Việt Nam.
Những vấn đề thực tiễn trong các chương trình liên kết được đề cập trong Tờ trình như sai sót về nội dung thông tin, hình ảnh, lời thoại phản cảm, thiếu thẩm mỹ, giáo dục trong một số chương trình giải trí, game show, truyền hình thực tế… đã diễn ra. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ công tác biên tập, chịu trách nhiệm về nội dung của cơ quan báo chí chưa được thực hiện nghiêm túc, chứ không nằm ở việc chưa có thủ tục hành chính hay đơn vị liên kết thiếu năng lực. Nếu công tác biên tập nội dung của cơ quan báo chí không được cải thiện thì việc đặt ra thêm giấy phép, điều kiện cho đơn vị liên kết cũng không giúp giải quyết được vấn đề.
Ngược lại, quy định này có thể cản trở trường hợp bên liên kết chỉ là các cá nhân, nhóm cá nhân nhưng có năng lực sáng tạo tốt, sản xuất ra nội dung hay, mang tính thẩm mỹ và giáo dục cao. Trên thực tế, việc liên kết hiện nay rất đa dạng, không chỉ bao gồm việc cơ quan báo chí ký kết thoả thuận hợp tác với một đơn vị rồi mới sản xuất nội dung, mà còn bao gồm cả việc mua bán, chuyển nhượng quyền phát sóng với các nội dung đã được sản xuất. Nếu cơ quan báo chí thấy có chương trình chất lượng tốt đã được sản xuất, muốn mua lại để phát sóng thì lại phải yêu cầu đối tác hoàn thiện về năng lực và làm thủ tục hành chính. Một cơ chế như vậy sẽ cản trở sự phát triển của thị trường nội dung số.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về sự cần thiết và phạm vi của đề xuất tại mục 8.8 của Tờ trình. Trong trường hợp cần thiết, có thể cân nhắc phương án tập trung quy định về trách nhiệm và quy trình chặt chẽ hơn của các cơ quan báo chí khi biên tập các nội dung liên kết hoặc khi mua lại để phát sóng các nội dung mà không do nhân sự của cơ quan báo chí sản xuất, ví dụ, có quy trình thẩm định nội dung chặt chẽ hơn như từ hai người hoặc hội đồng thẩm định độc lập trở lên trước khi phát sóng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.