VCCI_Góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Thứ Tư 15:28 27-01-2021

Kính gửi: Cục An toàn thông tin,

                                                                             Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 4329/BTTTT-CATTT ngày 05/11/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Dịch vụ tin cậy, dịch vụ định danh điện tử, xác thực điện tử

Dự thảo sẽ bổ sung các quy định về dịch vụ định danh điện tử, xác thực điện tử và dịch vụ tin cậy. Cùng với dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử thì sẽ có đến ba loại hình dịch vụ có chức năng khá tương đồng, đều nhằm xác định tính chính xác của nội dung và người gửi dữ liệu điện tử. Đó là chưa kể đến một số dịch vụ khác được quy định trong các văn bản pháp luật khác như dịch vụ an toàn thông tin mạng, dịch vụ mật mã dân sự trong Luật An toàn thông tin mạng, dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Quy định về các dịch vụ này có nguy cơ chồng chéo, xung đột. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiến hành rà soát và thống nhất các quy định trên, trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng một luật để sửa nhiều luật, nhằm tránh nguy cơ chồng chéo quy định về các dịch vụ xác thực điện tử.

  1. Bắt buộc chấp nhận giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước

Hiện nay, có tình trạng một số doanh nghiệp và người dân mong muốn được thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, nhưng nhiều trường hợp cơ quan nhà nước từ chối tiếp nhận bản điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu doanh nghiệp và người dân nộp thêm bản giấy. Điều này gây cản trở rất lớn đối với việc điện tử hoá các dịch vụ công, thủ tục hành chính, gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của người dân và doanh nghiệp, thậm chí còn là cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực. Vấn đề các cơ quan nhà nước có chấp nhận giao dịch điện tử hay không thường được quy định ở pháp luật chuyên ngành do chính cơ quan đó soạn thảo, vì vậy mà tốc độ chuyển biến rất chậm. Để khắc phục tình trạng này, cần có chính sách mạnh và quy định rõ ràng từ Luật Giao dịch điện tử về các giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một chính sách về xác định các trường hợp mà cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp; các cơ quan này không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.