VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ Tư 09:14 30-11-2022

Kính gửi: Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời Công văn số 8225/BKHĐT-PTDN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

Về cơ bản, Dự thảo Báo cáo đã thể hiện khá toàn diện về tình hình hoạt động cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các nội dung trong Dự thảo về các nhóm chính sách hỗ trợ đã bám sát với quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 80/2012/NĐ-CP. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  1. Kết quả triển khai Luật hỗ trợ DNNVV

Báo cáo đã trình bày khá bao quát, toàn diện những hoạt động do các cơ quan Nhà nước đã thực hiện để hỗ trợ DNNVV theo quy định tại pháp luật về hỗ trợ DNNVV, tuy nhiên một vài nội dung cần được định lượng rõ hơn và cụ thể hơn để có thể đánh giá được tốt hơn tính hiệu quả của các hoạt động triển khai thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV hay tính khả thi của các quy định của pháp luật về DNNVV. Ví dụ:

  • Về tiếp cận tín dụng qua các tổ chức tín dụng

Điểm 1.1.a Mục II Dự thảo liệt kê về các thay đổi, chuyển biến trong hoạt động cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng, nhưng lại không đưa ra các thông tin cụ thể hơn, như: bao nhiêu % tổ chức tín dụng đổi mới; thời gian thực hiện thủ tục giảm xuống bao nhiêu ngày; số lượng hồ sơ được duyệt/được hướng dẫn cụ thể; …

  • Về các đối tượng thụ hưởng

Dự thảo mới chỉ mang tính liệt kê các hoạt động do cơ quan Nhà nước đã triển khai mà chưa đánh giá hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ đối với các đối tượng thụ hưởng, ví dụ: về nội dung hỗ trợ mặt bằng sản xuất, không rõ bao nhiêu DNNVV tiếp cận được các mặt bằng sản xuất từ các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, trong khi đây lại là một trong những khó khăn lớn của DNNVV khi hoạt động sản xuất kinh doanh. Hay nội dung về hỗ trợ công nghệ, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, cũng không rõ số lượng DNNVV thụ hưởng được các biện pháp này.

Các số liệu về các DNNVV thụ hưởng các chính sách hỗ trợ sẽ đánh giá được hiệu quả của các biện pháp này, từ đó có thể nhận diện tính khả thi, hợp lý của các chính sách hỗ trợ.

Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Dự thảo các thông tin mang tính định lượng hơn, cụ thể hơn đối với kết quả thực hiện một số hoạt động triển khai Luật hỗ trợ DNNVV.

  1. Cung cấp thông tin, đánh giá từ các điều tra, khảo sát từ đối tượng thụ hưởng

Nhìn chung Dự thảo xây dựng nội dung chủ yếu từ góc nhìn của các cơ quan quản lý Nhà nước (theo hướng, Nhà nước đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ gì, thông qua các chính sách gì, thực tế triển khai như thế nào, …). Góc nhìn từ đối tượng trung tâm – là các DNNVV lại chưa được phản ánh một cách đầy đủ trong Dự thảo. Việc bổ sung thêm các thông tin, đánh giá từ đối tượng thụ hưởng – các DNNVV- có thể giúp việc đánh giá việc thực hiện các chính sách liên quan đến DNNVV được toàn diện hơn.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 do VCCI công bố ngày 27/4/2022 dựa trên phản hồi của trên 10.000 doanh nghiệp tới từ toàn bộ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình còn khiêm tốn, đều dưới 8%. Chương trình hỗ trợ có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng, nhưng cũng chỉ có 7,34% doanh nghiệp thực tế đã tiếp cận. Chương trình có tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, với chỉ khoảng 4,75% doanh nghiệp đã được thụ hưởng, do phần lớn DNNVV nằm bên ngoài khu công nghiệp nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này. Khoảng 51,3% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI 2021 không biết đến Luật Hỗ trợ DNNVV. Trong số các doanh nghiệp biết đến Luật này, chỉ 36,8% doanh nghiệp đã thụ hưởng ít nhất một chương trình hỗ trợ.

Các con số trên sẽ cung cấp góc nhìn từ các đối tượng thụ hưởng, từ đó cơ quan nhà nước sẽ đánh giá được khách quan hơn về hiệu quả chính sách của mình. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm các số liệu từ các tổ chức khảo sát doanh nghiệp về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV để nhận diện tính hiệu quả của chính sách.

  1. Về nội dung “Hỗ trợ mặt bằng sản xuất” (điểm 1.4 mục II)

Nội dung này tại Dự thảo chủ yếu phản ánh các chính sách dự kiến sẽ thực hiện trong tương lai về chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất (bổ sung các chính sách hỗ trợ trong Dự thảo Luật Đất đai đang được soạn thảo – dự kiến thông qua vào tháng 10/2023). Nội dung này không phản ánh các chính sách hiện hành mà Nhà nước đang thực hiện để hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các DNNVV. Như vậy, từ khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực cho đến nay, không có chính sách nào về hỗ trợ mặt bằng được thực thi?

Đề nghị bổ sung các chính sách, hoạt động về hỗ trợ mặt bằng sản xuất đang thực hiện trên thực tế, thay vì các chính sách dự kiến ban hành.

  1. Về Mục tiêu trong thời gian tới

Về cơ bản các mục tiêu đặt ra tại mục IV.2 là hợp lý, tuy nhiên cần cụ thể hơn để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện và đánh giá việc đạt được mục tiêu hay không. Ví dụ: Đối với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ DNNVV, cần liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật phải ban hành, cơ quan phụ trách và ấn định thời gian ban hành.

  1. Về kiến nghị giải pháp thúc đẩy nâng cao hiệu quả hỗ trợ DNNVV trong thời gian tới

Điểm 4 Mục IV Dự thảo đã đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả hỗ trợ DNNVV trong thời gian tới, trong đó chủ yếu giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương mà thiếu vắng một chủ thể quan trọng là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

Điều 26 Luật Hỗ trợ DNNVV quy định, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có trách nhiệm ”thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp”; ”thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ DNNVV trong thời gian tới, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trách nhiệm của các chủ thể này đối với các hoạt động hỗ trợ DNNVV đồng thời phân bổ ngân sách Nhà nước để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức này.

  1. Về việc cung cấp các thông tin của các tổ chức khác

Dự thảo đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bổ sung các thông tin thuộc phạm vi quản lý của mình liên quan đến hoạt động thực hiện pháp luật về DNNVV. Trên thực tế, các hiệp hội cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV, tự thực hiện và/hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước thực hiện.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao và với vai trò là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian qua VCCI đã thực hiện nhiều hoạt động để hỗ trợ DNNVV như:

  • Hỗ trợ tiếp cận tài chính

VCCI đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị tài chính và tiếp cận các nguồn tài chính hiệu quả như: Phối hợp với BIDV thực hiện khảo sát, tìm hiểu nhu cầu đánh giá thực trạng và nhu cầu tín dụng trung và dài hạn của  DNNVV, từ đó thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính như tư vấn lập kế hoạch kinh doanh, các khóa đào tạo, hội thảo để hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh và các giải pháp tiếp cận nguồn tài chính một cách có hiệu quả.

  • Hỗ trợ chuyển đổi số

VCCI đã thực hiện các hoạt động nhận thức và hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp như: tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp và trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp bắt đầu việc chuyển đổi số bằng việc tận dụng các nền tàng số; xây dựng các tài liệu truyền thông về chuyển đổi số; kết nối các bên liên quan cùng thảo luận để có được kế hoạch và giải pháp hành động phù hợp với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về chuyển đổi số

Trong 06 tháng đầu năm 2022, VCCI đã tư vấn chuyển đổi số cho 3.020 doanh nghiệp liên quan đến phần mềm kế toán, hoá đơn điện tử, chữ ký số, cơ sở dữ liệu online; hỗ trợ chuyển giao sản phẩm và dịch vụ số cho 936 doanh nghiệp; giải đáp vướng mắc về sản phẩm và dịch vụ số cho 667 doanh nghiệp. VCCI cũng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp thông qua nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo và 76 lớp tập huấn với 2.583 lượt người tham dự.

VCCI đã thực hiện khảo sát, thu thập thông tin tình hình ứng dụng website, các nền tảng thương mại điện tử, các phần mềm quản trị doanh nghiệp, cũng như thực trạng phát triển và tiêu thụ sản phẩm “Make in Việt Nam” trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; Chủ trì, phối hợp với một số doanh nghiệp công nghệ, các đối tác để xây dựng cổng thông tin giải pháp chuyển đổi số cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, VCCI đã triển khai khảo sát, đánh giá về năng lực và nhu cầu chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp. Đây là cuộc khảo sát quy mô lớn trên diện rộng tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến 30/6/2022 đã có 122.000 doanh nghiệp phản hồi thông qua nền tảng khảo sát online. Từ dữ liệu khảo sát này, VCCI sẽ phân tích, lập báo cáo đánh giá về năng lực và nhu cầu chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp, tạo cơ sở thực tiễn để kiến nghị với Chính phủ những giải pháp và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả.

  • Hỗ trợ mở rộng thị trường

Xây dựng cuốn sổ tay điện tử (eBook) giới thiệu 100 DNNVV ngành hàng trà, cà phê, nông thủy sản sử dụng công cụ số đến khách hàng trong và ngoài nước: những câu chuyện kinh doanh, sản phẩm và nỗ lực truyền thông trực tuyến của doanh nghiệp. eBook là nguồn thông tin hữu ích để mua sắm, tìm kiếm đối tác, bạn hàng; là sự ghi nhận và khích lệ các DNNVV chuyển đổi số và sử dụng truyền thông trực tuyến; là một lát cắt để các nhà hoạch định chính sách, những tổ chức hỗ trợ DNNVV thấy được sự chuyển mình tích cực, tận dụng tốt nền tảng số để tiếp cận khách hàng của các DNNVV ở khắp mọi miền đất nước từ thành phố lớn đến những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Hỗ trợ các DNNVV tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước (cả hình thức trực tiếp và trực tuyến) giúp các DNNVV quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng, thị trường trong và ngoài nước.

VCCI thực hiện các hoạt động xúc tiến – đầu tư tập trung vào các thị trường trọng điểm là đối tác chiến lược của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật, Hàn, … thông qua các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc gặp mặt, tiếp xúc doanh nghiệp, … đã có những thỏa thuận hợp tác, hơp đồng thương mại được ký kết.

  • Hỗ trợ thông tin, tư vấn, pháp lý

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau thông qua hệ thống thông tin của VCCI: các trang tin điện tử, tạp chí diễn đàn doanh nghiệp và trên 200 ấn phẩm thông tin các loại của VCCI; các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thuyết trình các lớp đào tạo phổ biến, tư vấn, thông tin chính sách, hỗ trợ kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, …

VCCI chú trọng tuyên truyền phổ biến pháp luật quốc tế phục vụ hội nhập. VCCI đã cung cấp các gói hỗ trợ (thông tin, tư vấn pháp lý) cho các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đến các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài; cung cấp thông tin và tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp về các vấn đề hội nhập kinh tế. Cổng thông tin về WTO và hội nhập www.trungtamwto.vn là trang thông tin điện tử lớn nhất tại Việt Nam về hội nhập cho doanh nghiệp với lượng thông tin lớn được cập nhật thường xuyên. Trang tin điện tử về xây dựng pháp luật www.vibonline.com.vn là cơ sở dữ liệu lớn ở Việt Nam về các dự thảo chính sách, pháp luật nội địa (đến ngày 22/11/2022, số lượng người truy cập trên VibOnline tăng thêm khoảng 3.399.985 lượt truy cập, 549.728 người truy cập).

  • Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực

VCCI huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, các tổ chức hỗ trợ như: BIDV, Meta, USAID, Vinexad, GIZ, Oxfam, … thực hiện hàng trăm hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV như:  đào tạo, huấn luyện cho doanh nhân, đội ngũ nhân sự doanh nghiệp về kỹ năng số, quản trị kinh doanh cao cấp, tuân thủ các quy định của một số chứng chỉ chất lượng, phát triển bền vững để vào thị trường châu Âu, ….

Nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 và nắm bắt xu hướng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2022, VCCI đã nghiên cứu, tổ chức thành công hơn 300 khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho gần 20.200 lượt doanh nghiệp bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các chương trình đào tạo của VCCI thực hiện trong toàn hệ thống đều đã chủ động chuyển hướng nội dung tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh COVID-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn và bền vững hoặc lồng ghép các giải pháp để các doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Các chương trình đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp của VCCI nhận được sự đánh giá cao và tham gia tích cực từ phía các doanh nghiệp.

  • Nhóm chính sách về khởi nghiệp sáng tạo

Từ năm 2013, VCCI là đầu mối tại Việt Nam tham gia Mạng lưới Khởi nghiệp toàn cầu (GEN). Mạng lưới GEN toàn cầu tới nay đã có 200 quốc gia tham dự với nhiều hoạt động nhằm chia sẻ các sáng kiến, thông tin, nghiên cứu và tổ chức sự kiện về khởi nghiệp trên toàn cầu. Từ tháng 6-9 hàng năm, VCCI tổ chức cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu tại Việt Nam để tìm ra 1-2 dự án khởi nghiệp xuất sắc để tham gia thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu. Đây là một sân chơi chuyên nghiệp, một cơ hội lớn với quy mô toàn cầu để các bạn trẻ, các dự án khởi nghiệp Việt được bước ra thế giới học hỏi và khẳng định. Đây cũng chính là một nơi Việt Nam có mặt trên bản đồ thế giới về khởi nghiệp.  Năm 2022, cuộc thi đã đặc biệt thu hút sự quan tâm và tham gia của rất nhiều các bạn trẻ Việt. Dự án TUBUDD đã giành chiến thắng, trở thành quán quân EWC Vietnam 2022 và có cơ hội tham gia EWC 100, vào vòng thi EWC toàn cầu.

Ngoài ra, VCCI cũng đã tham gia một sáng kiến khác của Mạng lưới khởi nghiệp Toàn cầu GEN, đó là Tuần lễ khởi nghiệp toàn cầu và các hoạt động hưởng ứng của Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ này được quảng bá trong mạng lưới GEN toàn cầu.

Tóm lại, để thông tin toàn diện, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm thông tin từ các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có hoạt động hỗ trợ DNNVV.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Báo cáo triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan