VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình
VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính trong quản lý ngoại hối
Kính gửi: Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 9022/NHNN-QLNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính trong quản lý ngoại hối (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quy chế đại lý đổi ngoại tệ ban hành kèm theo Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN (Điều 1 Dự thảo)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Dự thảo thì Hồ sơ đăng ký thay đổi ngoại tệ sẽ bỏ “Báo cáo về tình hình trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đổi ngoại tệ” và vẫn giữ “Văn bản cam kết của tổ chức kinh tế kèm bản sao giấy tờ chứng minh (nếu có) về việc đặt đại lý đổi ngoại tệ tại địa điểm theo quy định của Chính phủ về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tế (đối với trường hợp tăng số lượng đại lý đổi ngoại tệ)”.
Quy định trong Hồ sơ đăng ký thay đổi ngoại tệ có văn bản cam kết trên là không cần thiết, bởi vì dù có cam kết hay không, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ việc đặt đại lý đổi ngoại tệ tại địa điểm theo quy định của Chính phủ về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ. Đây được xem là nghĩa vụ/yêu cầu bắt buộc phải thực hiện và Nhà nước sẽ quản lý thông qua chế độ hậu kiểm. Văn bản cam kết không có giá trị đảm bảo cho việc doanh nghiệp sẽ thực hiện và cũng sẽ không là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nếu doanh nghiệp không chấp hành.
Vì vậy, để đảm bảo tính chất về cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ toàn bộ điểm c khoản 2 Điều 7 Quyết định 21/2008/QĐ-NHNN.
- Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2013/TT-NHNN hướng dẫn thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng được phép (Điều 5 Dự thảo)
So với Thông tư 33/2013/TT-NHNN thì Dự thảo đã điều chỉnh về phương thức thực hiện thủ tục hành chính, cụ thể: thay vì thực hiện theo phương thức nộp trực tiếp/qua đường bưu điện thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Dự thảo cũng quy định dự phòng cho trường hợp hệ thống nhận, xử lý hồ sơ gặp lỗi kỹ thuật thì sẽ được thực hiện theo phương thức truyền thống (nộp trực tiếp/qua đường bưu điện). Việc quy định trường hợp dự phòng này là hợp lý, để giải quyết cho tình huống chưa kết nối được Cơ chế một cửa quốc gia và/hoặc có lỗi kỹ thuật của hệ thống. Tuy nhiên, quy định này lại chưa thể hiện đồng bộ đối với cả thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, cụ thể:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Dự thảo thì, trường hợp không chấp thuận việc xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của ngân hàng được phép, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh “có thông báo phản hồi trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nêu rõ lý do”. Trường hợp này sẽ thực hiện được khi hệ thống kỹ thuật không bị lỗi, vậy trong trường hợp hệ thống kỹ thuật bị lỗi thì hình thức phản hồi sẽ như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cho trường hợp này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính trong quản lý ngoại hối. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.