VCCI_ Góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

Thứ Hai 18:14 19-04-2021

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 1924/BGTVT-PC của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Hành vi không cùng tính chất trong một khung hình phạt

Dự thảo quy định xử phạt đối với các hành vi như “không thực hiện nghĩa vụ”, “thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn theo quy định” vào cùng một khung xử phạt. Điều này là chưa hợp lý, bởi vì hành vi “không thực hiện nghĩa vụ”, tức là hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ, có tính chất nghiêm trọng hơn là hành vi “thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn theo quy định”, tức là có thực hiện nghĩa vụ nhưng không đúng thời hạn. Việc xếp chung hai hành vi này vào một khung xử phạt sẽ tạo ra sự không công bằng cho các chủ thể vi phạm.

Dự thảo có một số quy định có tính nhất như trên, ví dụ:

  • Hành vi “không bàn giao hoặc bàn giao không đúng thời hạn, không đủ hồ sơ công trình có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa khi đưa công trình vào sử dụng” (điểm a khoản 1 Điều 5); “không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn công trình vào sử dụng theo quy định” (điểm b khoản 1 Điều 5) có cùng khung phạt tiền. “Không thông báo” là việc chủ thể hoàn toàn không thực hiện hành vi thông báo, còn “thông báo không đúng thời hạn” là việc chủ thể có thực hiện hành vi thông báo, nhưng chưa đúng thời hạn theo yêu cầu. Việc xếp chung hành vi không thông báo và thông báo chậm (có thể là 01 ngày) vào cùng mức phạt là chưa hợp lý;
  • Hành vi “không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện” (điểm a khoản 2 Điều 14); “không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện” (khoản 4 Điều 14) có chung khung phạt tiền là chưa hợp lý. Bởi vì, “không có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện”, có nghĩa phương tiện có thể không đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Đây là hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hơn hẳn hành vi “không mang theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện” vì hành vi này là Giấy chứng nhận và phương tiện vận chuyển vẫn đáp ứng được yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
  • Hành vi “không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân …” (khoản 2 Điều 16);
  1. Hành vi có tính chất tương tự nhưng ở khung xử phạt khác nhau

Việc hai hành vi có cùng tính chất tương tự nhưng ở khung xử phạt khác nhau sẽ xảy ra tình huống, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng hai mức phạt khác nhau cho cùng một hành vi vi phạm. Điều này là chưa hợp lý và tạo ra sự không công bằng cho các chủ thể bị xử phạt. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét các quy định về các hành vi tương tự nhau nhưng ở khung phạt tiền khác nhau như sau:

  • Hành vi “tập luyện thể dục, tập luyện, biểu diễn thi đấu thể thao, lễ hội, vui chơi giải trí, diễn tập (trừ trường hợp diễn tập bí mật quốc phòng, an ninh theo quy định) không đúng phương án bảo đảm an toàn giao thông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc không thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa trước khi thực hiện” bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm đ khoản 2 Điều 11)

“Hành vi tổ chức diễn tập, tập luyện thể dục, tập luyện, biểu diễn thi đấu thể thao, lễ hội, vui chơi giải trí” bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (khoản 2 Điều 13).

  • Về vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện (Điều 19)

Hành vi “thiếu từ 01 cán bộ kỹ thuật hoặc cán bộ kiểm tra chất lượng hoặc thợ đóng tàu theo quy định” tại điểm c khoản 2 Điều 19 có thể bị phạt tiền ở khung từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và khung 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 19, vì có cùng tính chất với hành vi “không có đủ nhân lực hoặc hệ thống, công trình hoặc thiết bị quản lý tại cơ sở theo quy định”.

  1. Biện pháp khắc phục hậu quả
  • Vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện (Điều 19)

Điều 19 Dự thảo quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục phồi phương tiện. Doanh nghiệp có các hành vi vi phạm quy định tại Điều này có nghĩa là không đáp ứng được điều kiện kinh doanh, sẽ không được phép kinh doanh trong ngành nghề này. Do đó, biện pháp khắc phục hậu quả cần phải có biện pháp đình chỉ hoạt động cho đến khi doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo quy định.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả này tại khoản 6 Điều 19.

  1. Thiết kế quy định chưa nhất quán
  • Vi phạm quy định về vận tải qua biên giới, động vật sống, hàng hóa siêu trường, siêu trọng (Điều 35)

Khoản 2 Điều 34 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm hóa chất từ phương tiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định khi vận tải xăng, dầu, chất lỏng độc hại” và hình thức xử phạt bổ sung là “đình chỉ hoạt động phương tiện từ 06 tháng đến 12 tháng”.

Khoản 3 Điều 35 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng mà không có phương án bảo đảm an toàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” tuy nhiên lại không quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này, trong khi về tính chất của hai hành vi vi phạm trên là tương tự nhau.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định tại Điều 35 để đảm bảo tính nhất quán trong thiết kế quy định.

  • Vi phạm quy định về hoa tiêu và dẫn luồng trên đường thủy nội địa (Điều 38)

Quy định về hành vi vi phạm liên quan đến có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện thì Dự thảo có chia ra các mức: i) trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở; ii) trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở; iii) trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở, tương ứng với từng nồng độ cồn đo được là các khung phạt tiền tương ứng.

Cũng hành vi vi phạm về có nồng độ cồn, thì quy định xử phạt đối với hoa tiêu, Dự thảo không quy định theo hướng phân chia các nồng độ cồn trong máu và hơi thở mà chỉ sử dụng một mức chung là 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở để quy định xử phạt. Điều này khiến cho quy định được thiết kế cho hành vi vi phạm có tính chất tương tự chưa thống nhất. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này và giải trình về sự khác biệt giữa cách thiết kế quy định của hai quy định.

  1. Một số góp ý khác
  • Khái niệm chưa rõ

Một số khái niệm tại Dự thảo còn quy định chung chung, chưa tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng và có thể tạo ra sự không đồng nhất, phân biệt đối xử giữa các chủ thể vi phạm, trên thực tế áp dụng. Ví dụ, khái niệm “kịp thời” được sử dụng khá nhiều trong Dự thảo (điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 6; điểm a khoản 3 Điều 8; khoản 1 Điều 24;) và đây là một khái niệm chưa rõ ràng. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng có thể định lượng được

Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo để điều chỉnh lại các quy định có tính chất tương tự như trên theo hướng có thể định lượng được các khái niệm trên.

  • Vi phạm quy định về trách nhiệm khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa (Điều 24)

Điểm c khoản 4 Điều 24 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “lợi dụng tai nạn xảy ra để xâm phạm tài sản, phương tiện bị nạn”. Quy định này có thể xung đột với quy định của pháp luật về hình sự. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ phạm vi của hành vi vi phạm này bị xử phạt vi phạm hành chính để phân biệt với pháp luật hình sự.

  • Vi phạm quy định về vận chuyển người, hành khách (Điều 30)

Khoản 7 Điều 30 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng chuyến nhưng không có hợp đồng”.

Theo quy định của pháp luật dân sự, hợp đồng được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, không chỉ bằng văn bản. Bất kì hình thức nào thể hiện được sự đồng thuận giữa các bên. Vì vậy, rất khó để xác định hành vi vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng chuyến là có hợp đồng hay không. Xét bản chất thì việc vận chuyển hành khách theo phương thức hợp đồng chuyến, bên vận tải và hành khách cùng thống nhất cung cấp và sử dụng dịch vụ là xác lập hợp đồng, không cần thiết phải lập thành văn bản. Dưới góc độ quản lý nhà nước, thì việc hai bên có thiết lập hợp đồng bằng văn bản hay không cũng rất ít ảnh hưởng đến mục tiêu quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này. Do đó, không cần thiết phải ràng bộc các bên phải có hợp đồng bằng văn bản.

Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bỏ quy định tại khoản 7 Điều 30 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.