VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2030

Thứ Hai 16:41 19-04-2021

Kính gửi: Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời Công văn số 214/BHCN-SHTT của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2030 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:

Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo khá chi tiết, cụ thể, rõ ràng, có thể áp dụng được ngay khi phát sinh hiệu lực. Tuy nhiên, để hoàn thiện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

1. Yêu cầu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình (Điều 5)

Theo quy định tại Điều 1 Dự thảo thì Thông tư này quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chương trình). Chương trình này đã đặt ra mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể (ví dụ như tỷ lệ về số lượng đơn đăng ký sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16-18%/năm, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8-10%/năm đến năm 2030; …). Như vậy, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình quy định tại Dự thảo được hiểu là nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra tại Chương trình.

Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa có quy định nào có tính liên kết giữa nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu này, nhất là các yêu cầu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình quy định tại Điều 5 (ví dụ: kết quả, sản phẩm đầu ra của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có góp phần thúc đẩy Chương trình đạt được mục tiêu đặt ra hay không? Vấn đề này không thấy được xem xét khi xem xét, đánh giá các nhiệm vụ khoa học và công nghệ). Đề nghị Ban soạn thảo xem xét đến vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình.

2. Một số quy định liên quan đến trình tự thủ tục chưa thực sự rõ ràng

  • Đề xuất đặt hàng nhiệm vụ (Điều 13)

Khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định “hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Khọc và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương hoặc tổ chức, cá nhân đề xuất đặt hàng nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình”.

“Hàng năm” là khái niệm chưa rõ về mốc thời gian sẽ phải thực hiện (trong quý đầu, tháng đầu hay là ngày tháng cụ thể nào?). Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Dự thảo thì “trong 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tiếp nhận đề xuất đặt hàng … quy định tại Điều 13”, như vậy sẽ có “ngày bắt đầu” và “ngày kết thúc” của việc đề xuất. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định cụ thể về thời điểm này, ngoài khái niệm “hàng năm” tại khoản 1 Điều 13. Điều này sẽ gây khó khăn cho các đối tượng trên thực tế áp dụng, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời điểm hàng năm các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất đặt hàng nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình.

  • Thời điểm xác định thời hạn gửi ý kiến của tổ chức nộp hồ sơ đăng ký tuyển chọn (Điều 22)

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 22 Dự thảo thì thời điểm để xác định thời hạn (07 ngày làm việc) để tổ chức nộp hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp gửi ý kiến tới Cục Sở hữu trí tuệ trong trường hợp có ý kiến khác với kết quả họp của hội đồng là “ngày Cục Sở hữu trí tuệ ký văn bản thông báo kết quả họp hội đồng”.

Xác định thời điểm dựa vào ngày ký văn bản thông báo kết quả họp hội đồng là chưa hợp lý và có phần gây bất lợi cho tổ chức nộp hồ sơ đăng ký, bởi vì “ngày ký văn bản thông báo” và ngày gửi thông báo, ngày tổ chức nộp hồ sơ tiếp nhận thông tin là khác nhau. Tổ chức nộp hồ sơ đăng ký phải biết thông tin thì mới thực hiện được hành động gửi ý kiến tới cơ quan có thẩm quyền. Quy định tại Dự thảo có thể dẫn tới nguy cơ, tổ chức nộp hồ sơ sẽ có ít hơn 07 ngày làm việc để chuẩn bị các ý kiến gửi tới cơ quan có thẩm quyền.

Để tạo thuận lợi cho tổ chức nộp hồ sơ, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại thời điểm xác định thời hạn gửi ý kiến của tổ chức nộp hồ sơ đăng ký tuyển chọn là tính từ ngày gửi thông báo.

  • Tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì nhiệm vụ (Điều 24)

Điều 24 Dự thảo quy định về quy trình giải quyết trường hợp tổ chức nộp hồ sơ có ý kiến khác so với Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì nhiệm vụ, nhưng Dự thảo chưa quy định giải quyết cho trường hợp ý kiến của tổ chức nộp hồ sơ là đúng/hợp lý thì sẽ như thế nào (cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đồng ý lựa chọn tổ chức nộp hồ sơ hay là tổ chức tuyển chọn lại?)?

Để bao quát các trường hợp trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên.

  • Phê duyệt kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì nhiệm vụ (Điều 26)

Khoản 2 Điều 26 Dự thảo chưa quy định rõ thời hạn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét, phê duyệt kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì nhiệm vụ thuộc Chương trình kể từ thời điểm nhận được hồ sơ trình của Cục Sở hữu trí tuệ.

Để quy trình trở nên minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thời hạn này.

  • Điều chỉnh thời gian thực hiện nhiệm vụ (Điều 30)

Theo quy định tại Điều 30 Dự thảo thì tổ chức chủ trì nhiệm vụ có thể đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét gia hạn hoặc rút ngắn thời gian thực hiện nhiệm vụ. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét lý do đề nghị gia hạn, rút ngắn thời gian thực hiện nhiệm vụ và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.

Dự thảo không quy định rõ tiêu chí để các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cho phép gia hạn hay rút ngắn thời gian thực hiện nhiệm vụ, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định này để đảm bảo tính minh bạch của quy định.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2030. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.