VCCI góp ý Luật Doanh nghiệp thống nhất

Thứ Sáu 09:47 26-05-2006
GÓP Ý LUẬT DOANH NGHIỆP THỐNG NHẤT


Dự án Luật Doanh nghiệp là một Dự án Luật lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường pháp lý kinh doanh ở Việt Nam, góp phần tăng cường sức cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Để phục vụ cho quá trình soạn thảo Luật này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Ban soạn thảo Dự án Luật tiến hành nhiều hoạt động như:

(i) Tổ chức các cuộc Hội thảo xin ý kiến cho Dự thảo Luật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước (Hội thảo lấy ý kiến Luật Doanh nghiệp thống nhất tại Hà Nội (ngày 04/3/2005), TP Hồ Chí Minh (ngày 11/4/2005); Cần Thơ (ngày 08/6/2005); Vinh (ngày 14/6/2005), Thanh Hóa (ngày 15/6/2005) và Hải Phòng (ngày 16/6/2005) với sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu là đại diện từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các Viện Nghiên cứu, các Trường Đại học, các Công ty luật và các chuyên gia độc lập) với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan;

(ii) Tổ chức diễn đàn về Dự án Luật Doanh nghiệp trên mạng (trang www.vibonline.com.vn) để thu thập ý kiến rộng rãi từ công chúng;

(iii) Tiến hành Nghiên cứu rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp với sự chủ trì của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (Nghiên cứu Rà soát các VBPL về Thành lập, Tổ chức, Hoạt động của doanh nghiệp với các Tư tưởng chỉ đạo xây dựng Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung do Ban Pháp chế - VCCI thực hiện từ 8/2004 – 2/2005 (Báo cáo Tổng thuật 411trang, gồm Báo cáo Tổng hợp, Báo cáo Tóm tắt, 13 Phụ lục).

Trên cơ sở rất nhiều các ý kiến của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tập hợp được qua các hoạt động này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Luật Doanh nghiệp như sau:

A. Về quan điểm tiếp cận

Để định hướng cho quá trình soạn thảo nội dung Dự án Luật Doanh nghiệp, một hệ thống các tư tưởng chỉ đạo xây dựng Luật này (và Luật Đầu tư chung) đã được soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Công văn 285/BNC ngày 26/4/2005 của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng về Tờ trình các Tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Các tư tưởng chỉ đạo này phản ánh cô đọng đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ tới đồng thời cũng thể hiện khá đầy đủ những yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với Luật này (Bản thân quá trình xây dựng hệ thống các Tư tưởng chỉ đạo này cũng là một quá trình rất mở: Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan soạn thảo Tờ trình các Tư tưởng này, đã tiến hành nhiều cuộc Tọa đàm, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, các cơ quan liên quan để xin ý kiến rộng rãi hoàn thiện hệ thống các Tư tưởng này).

Do đó, việc xem xét các quy định tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp cần được thực hiện trên cơ sở đánh giá mức độ thoả mãn của các quy định đối với các Tư tưởng chỉ đạo nói trên. Cụ thể, Dự thảo Luật DN cần pháp điển hoá các Tư tưởng chỉ đạo cơ bản sau:

(i) Xoá bỏ các phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhau;
(ii) Tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp;
(iii) Đổi mới chức năng của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp là chính;
(iv) Cơ chế quản trị doanh nghiệp hợp lý, hiệu quả.
Về cơ bản, mặc dù còn một số điểm nhỏ cần hoàn thiện thêm, Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã bám sát các Tư tưởng chỉ đạo nói trên với các quy định thể hiện một cách linh hoạt các Tư tưởng, có tính đến các ngoại lệ và điều chỉnh thích hợp.

B. Về những ý kiến cụ thể đối với nội dung của Dự thảo Luật

I. Về nguyên tắc không phân biệt đối xử

Có thể xem đây là một thành công của Dự thảo Luật này. Các chế định trong Dự thảo về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tạo ra một môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hầu hết các chế định trong Dự thảo đều được thiết kế chung cho các chủ thể, không phân biệt nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Đặc biệt, Dự thảo Luật đã thể hiện quyết tâm rất đáng ghi nhận của cơ quan soạn thảo trong việc chuyển từ cơ chế cấp phép thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay sang cơ chế đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp này, tương tự như cơ chế gia nhập thị trường đang áp dụng cho các doanh nghiệp của nhà đầu tư trong nước.

Cơ chế đăng ký kinh doanh đã góp phần giải quyết nhiều bất cập của thủ tục cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua thông qua việc:

- Xoá bỏ thủ tục cấp giấy phép rắc rối, phức tạp: tránh cho nhà đầu tư nước ngoài không phải tiếp xúc với nhiều cơ quan hành chính Nhà nước, không phải giải trình bổ sung rất nhiều vấn đề, tiết kiệm thời gian và tiền của cho nhà đầu tư;

- Xoá bỏ thủ tục thẩm định không hiệu quả: thực tế cho thấy quá trình thẩm định hiện hành đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không đạt được hiệu quả (báo cáo của nhà đầu tư chỉ mang tính hình thức, cơ quan Nhà nước không có đủ nhân lực, thời gian, kinh phí để thẩm định); việc xoá bỏ thủ tục này có thể tiết kiệm chi phí cho nhà nước và giảm rủi ro cho xã hội (bởi các chủ thể sẽ thận trọng hơn khi lựa chọn đối tác bởi không còn suy đoán là nhà nước đã thẩm định “hộ” mình);

- Phù hợp với các cam kết quốc tế: tại Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa kỳ, Việt Nam cam kết áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia (đối xử như với nhà đầu tư Việt Nam) trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, bán, định đoạt... đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ; sau khi đã gia nhập WTO, với nguyên tắc tối huệ quốc (đối xử như nhau giữa các nhà đầu tư nước ngoài từ các quốc tịch khác nhau), Việt Nam sẽ phải đối xử tương tự với nhà đầu tư đến từ các nước thành viên WTO khác. Như vậy, trong một tương lai rất gần (sau khi gia nhập WTO), Việt Nam buộc phải áp dụng chung một cơ chế gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (cơ chế đăng ký kinh doanh).

Trong Dự thảo hiện hành những quy định phân biệt đối xử theo hướng bất lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn trong (i) Danh mục ngành nghề cấm hoặc hạn chế kinh doanh (ii) Chế độ kiểm toán các báo cáo tài chính.

Về Danh mục ngành nghề cấm hoặc hạn chế kinh doanh: Trên thực tế, đây là các phân biệt đối xử được áp dụng khá phổ biến tại nhiều nước nhằm bảo vệ một số lợi ích công cộng đặc biệt hoặc bảo hộ hợp pháp nền sản xuất trong nước. Ngoài ra, phân biệt đối xử này cũng có giới hạn theo các lộ trình tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên. Vì vậy, đây là phân biệt đối xử hợp lý, hợp pháp.

Về Chế độ kiểm toán báo cáo tài chính: Dự thảo quy định Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp có phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% phải được xác nhận của kiểm toán độc lập. Phân biệt đối xử này có lẽ là không phù hợp với quy định của Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và do đó cần được cân nhắc lại.

Cũng liên quan đến vấn đề không phân biệt đối xử, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm Công ty Nhà nước (Các loại Doanh nghiệp Nhà nước khác thực chất đã được điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp rồi (theo các quy định có tính dẫn chiếu tại Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003) vào phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Về cơ bản, ý kiến này phù hợp với mục tiêu tạo lập khung khổ pháp lý chung cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế của Luật Doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là cần bổ sung vấn đề này như thế nào cho phù hợp với kết cấu chung của Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật đang được thiết kế theo hướng phân loại các loại hình doanh nghiệp theo tiêu chí trách nhiệm (doanh nghiệp chịu trách nhiệm như thế nào trước các đối tác, cơ quan quản lý và các chủ thể khác trong xã hội) (Và tiêu chí bổ trợ là “hình thức góp vốn” trong doanh nghiệp)không theo tiêu chí nguồn gốc vốn (không phân biệt doanh nghiệp có vốn Nhà nước hay tư nhân, vốn trong nước hay nước ngoài). Vì thế, nếu bổ sung thêm một chế định riêng về Công ty Nhà nước vào Dự thảo sẽ có một số bất cập sau:

(i) Phá vỡ kết cấu chung: Một chế định riêng về Công ty Nhà nước (tiêu chí nguồn gốc vốn) bên cạnh các chế định về các loại hình doanh nghiệp khác (phân loại theo tiêu chí trách nhiệm) sẽ làm cho Luật Doanh nghiệp mất đi tính thống nhất cần thiết bởi việc phân loại chỉ có thể hợp lý căn cứ vào một tiêu chí nhất định;

(ii) Phân biệt đối xử: Một chế định riêng cho Công ty Nhà nước cũng đồng thời tạo ra một “sân chơi” riêng cho loại hình này so với các loại hình doanh nghiệp khác trong Luật Doanh nghiệp. Điều này đi ngược lại tư tưởng chỉ đạo ban đầu về việc tạo ra một khung khổ pháp lý chung cho mọi loại hình doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế (nguồn gốc vốn);

(iii) Không cần thiết: Nếu Công ty Nhà nước được bổ sung vào Luật Doanh nghiệp nhưng vẫn có quy chế riêng thì không khác gì so với tình trạng pháp luật hiện hành (Công ty Nhà nước thuộc sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003). Chế định này, do đó, sẽ là không cần thiết.

Giải pháp phù hợp nhất cho vấn đề này có lẽ là chuyển đổi Công ty Nhà nước (một loại hình doanh nghiệp xác định theo tiêu chí nguồn gốc vốn) sang các loại hình doanh nghiệp hiện đang được Luật Doanh nghiệp điều chỉnh. Cách làm này không tạo ra một sự xáo trộn trong kết cấu của Luật Doanh nghiệp và quan trọng hơn, nó cho phép thực sự xoá bỏ sự phân biệt đối xử căn cứ theo nguồn gốc vốn (Nhà nước hay tư nhân) hiện nay.

Kiến nghị:

- Giữ nguyên kết cấu hiện tại của Dự thảo Luật (không bổ sung thêm chế định về Công ty Nhà nước)

- Bổ sung quy định cụ thểvề thời hạn chuyển đổi Công ty Nhà nước sang các loại hình doanh nghiệp (mà Luật này ghi nhận) vào Dự thảo. Quy định rõ ràng về thời hạn này sẽ cho phép thúc đẩy nhanh và kiên quyết quá trình chuyển đổi các Công ty Nhà nước hiện nay sang hoạt động theo khung khổ pháp lý chung với các doanh nghiệp dân doanh khác.

II. Về nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh

Tự do kinh doanh là một trong những điều kiện giải phóng các nguồn lực, khả năng kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Quyền tự do kinh doanh cũng đã được ghi nhận trong Hiến pháp 1992 và cụ thể hoá trong nhiều văn bản pháp luật. Tự do kinh doanh cũng là một Tư tưởng chỉ đạo quan trọng về nội dung của Luật Doanh nghiệp.

Thực tế, Dự thảo Luật đã thể hiện tốt tư tưởng này với những quy định vừa đảm bảo ở mức tối đa có thể quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư và doanh nghiệp, vừa góp phần bảo vệ đúng mức các lợi ích công cộng quan trọng. Cụ thể, Dự thảo đã:
- Thừa nhận quyền tự do thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư thông qua việc áp dụng cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp

- Khẳng định quyền tự do lựa chọn kinh doanh tất cả các ngành nghề ngoài danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh;

- Ghi nhận quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp cũng như trong quá trình tổ chức lại;

Tuy nhiên, rải rác trong một số Điều khoản của Dự thảo còn hạn chế ở một mức độ nhất định quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư và doanh nghiệp cần được cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm.
Ví dụ: Điều 33 (trụ sở doanh nghiệp), 34 (con dấu của doanh nghiệp), 86 (trả cổ tức), 163.3 (Hộ kinh doanh cá thể) ...

III. Về nguyên tắc đổi mới chức năng quản lý của Nhà nước

Đổi mới chức năng quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư trong nền kinh tế, coi việc khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư là chức năng chính, coi nhà đầu tư là đối tượng phục vụ của cơ quan nhà nước là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng: việc thực hiện đòi hỏi những thay đổi không chỉ trong các quy định pháp luật mà còn trong thực tế thi hành, trong lề lối làm việc của các cơ quan, cán bộ Nhà nước.

Nhìn một cách tổng thể, có thể nói nguyên tắc này đã được cụ thể hoá một cách tương đối đầy đủ trong Dự thảo thông qua một loạt các quy định đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong quá trình gia nhập thị trường của doanh nghiệp, trao cho doanh nghiệp quyền tự chủ trong tổ chức quản lý nội bộ và hoạt động kinh doanh, tổ chức lại doanh nghiệp....

Tuy nhiên, các quy định này dường như chưa đủ để có thể ngăn chặn có hiệu quả nhiều nguy cơ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan (cách thức hành xử của cán bộ Nhà nước) hoặc khách quan (quy định thiếu chặt chẽ, dễ bị lợi dụng hoặc thiếu tính hướng dẫn) dẫn tới những bất cập trong thủ tục hành chính làm nản lòng các nhà đầu tư trong quá trình gia nhập thị trường và hoạt động kinh doanh.

Để giảm thiểu hiện tượng này, cơ quan soạn thảo Luật DN cần có sự lưu tâm nhất định trong việc thiết kế chặt chẽ hơn một số quy định (trong Luật này hoặc trong các văn bản hướng dẫn thi hành), giảm khó khăn về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như đảm bảo tính “hỗ trợ” từ phía Nhà nước. Ví dụ:

- Liên quan đến thủ tục gia nhập thị trường nói chung: Có thể kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế - hải quan và đăng ký con dấu (cơ chế 1 cửa - mặc dù vẫn có thể do các cơ quan chức năng khác nhau thực hiện), tránh hiện tượng doanh nghiệp phải đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều cơ quan trong thủ tục gia nhập thị trường ;

- Danh mục các ngành nghề kinh doanh, nếu có (như hiện nay), cần xác định rõ các ngành, nghề nêu trong Danh mục chỉ có tính hướng dẫn, không phải là danh mục “đóng” về các loại ngành nghề (Quy định này nhằm hạn chế hiện tượng một số cơ quan ĐKKD từ chối đăng ký cho các doanh nghiệp muốn kinh doanh những ngành nghề mới, không có trong Danh mục các ngành nghề kinh doanh);

- Liên quan đến quy định về tên gọi: Cần có quy định về việc thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh, được cập nhật thường xuyên và có thể tra cứu bất kỳ khi nào (đây là một hỗ trợ cần thiết từ phía Nhà nước bởi bản thân nhà đầu tư khi đăng ký kinh doanh rất khó xác định rõ tên doanh nghiệp của mình có trùng lặp hay tương tự tên một doanh nghiệp không;

- Về các mẫu kê khai thông tin, báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp gửi cơ quan Thuế, cơ quan ĐKKD: Cần được thiết kế rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với tính chất của mỗi loại hình doanh nghiệp, chỉ tập trung vào các thông tin cần thiết tối thiểu, kèm theo bản hướng dẫn kê khai cụ thể (Trên thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đa số doanh nghiệp không thực hiện các nghĩa vụ báo cáo hàng năm là do các biểu mẫu khai báo quá dài, phức tạp, đòi hỏi nhiều thông tin nhạy cảm không cần thiết khiến doanh nghiệp không hiểu hoặc không muốn trả lời) ;

- Về Cơ quan đăng ký kinh doanh: Cần có quy định về vai trò của Cơ quan này trong cả nước (về vị trí, cấp...), tránh hiện tượng tản mạn, thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong việc đăng ký kinh doanh, cung cấp thông tin về doanh nghiệp, bảo hộ tên doanh nghiệp... như hiện nay; Các mẫu đơn Đăng ký kinh doanh cũng cần được quy định thống nhất trong cả nước (Theo quy định hiện tại của Dự thảo (Điều 16) thì cơ quan ĐKKD được quyền quy định về mẫu Đơn ĐKKD);...

- Xuất bản Công báo Doanh nghiệp: Đăng tải chính thức và đầy đủ về doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, bổ sung đăng ký kinh doanh, giải thể, phá sản doanh nghiệp.

IV. Về nguyên tắc quản trị hiệu quả, hợp lý

Dự thảo Luật đã có bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc quản trị tại Luật Doanh nghiệp 1999 trên cơ sở những thông lệ về quản trị hiện đại và hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Nhiều cơ chế vận hành đã được bổ sung, vấn đề trách nhiệm của các chức vụ quản lý được điều chỉnh, các quy định về minh bạch hoá và kiểm soát được tăng cường... Về cơ bản, ở cấp độ Luật, văn bản này khó có thể chi tiết hơn về vấn đề quản trị.

Tuy nhiên, với những khó khăn rất đặc thù liên quan đến quản trị như đã nói ở trên, cơ quan soạn thảo cần quan tâm đầy đủ hơn đến một số vấn đề như:

- Tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp ở mức tối đa có thể: Trừ các trường hợp thực sự cần thiết đòi hỏi các quy định bắt buộc tuân thủ, các quy định khác về quản trị chỉ áp dụng nếu doanh nghiệp không có lựa chọn khác (“Trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác,...”);

- Các Bộ quy tắc quản trị: Bộ quy tắc quản trị có thể đáp ứng yêu cầu cụ thể hoá từng chi tiết trong quản trị doanh nghiệp, có tính khuyến nghị, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Đây có thể là giải pháp tốt khi mà Luật pháp không thể và cũng không nên đi sâu vào các chi tiết quản trị. Do vậy, vấn đề soạn thảo và ban hành một (hoặc một số) Bộ quy tắc quản trị là việc cần tính đến ngay từ lúc này. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng cần lưu ý đến mối quan hệ giữa các quy định về quản trị của Luật này với các Bộ quy tắc quản trị tốt nhất mà các doanh nghiệp, Hiệp hội áp dụng (nếu có);

V. Về mối quan hệ giữa Luật này với Luật Đầu tư

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư là hai Luật có mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau và cùng tạo ra một môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp (cả về thủ tục lẫn nội dung hoạt động), do đó được soạn thảo và xem xét đồng thời. Về nguyên tắc, hai Luật này cần thống nhất với nhau từ các khái niệm, các tư tưởng cho đến cách thể hiện các nội dung cụ thể nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, áp dụng pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình soạn thảo trên thực tế dường như chưa đạt được yêu cầu này. Cụ thể, một số quy định mới, tiến bộ của Luật Doanh nghiệp đang có nguy cơ bị mất hiệu lực bởi quy định trong Luật Đầu tư chung, ví dụ:

- Về thủ tục: Trong khi Dự thảo Luật DN đã cố gắng để đơn giản hoá đến mức tối đa thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp, Dự thảo Luật ĐT lại có những quy định phức tạp, không rõ ràng liên quan đến mọi dự án đầu tư của doanh nghiệp (dự án khi thành lập cũng như dự án triển khai trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp). Như vậy, doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh nhanh chóng nhưng sẽ gặp phức tạp khi triển khai hoạt động và về tổng thể thì các thủ tục với họ không hề dễ dàng, nếu không nói là phức tạp hơn;

- Về hoạt động: Trong khi Dự thảo Luật DN thừa nhận quyền tự quyết của doanh nghiệp trong tổ chức nội bộ cũng như trong quá trình kinh doanh, Dự thảo Luật ĐT lại quy định một loạt những ràng buộc về quy trình, về thủ tục xin chấp thuận của cơ quan nhà nước đối với một số loại hoạt động, về việc thông báo, đăng ký...;

- Về các khái niệm: Dự thảo Luật DN quy định về nhóm các ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, Dự thảo Luật ĐT quy định về lĩnh vực cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện. Đây có phải là những khái niệm giống nhau không? Liệu rằng nội dung, phạm vi của chúng có thống nhất, hài hoà với nhau không? Ai đảm bảo sự hài hoà này?...

Từ lý do này, đề nghị hai Ban soạn thảo Luật DN và Luật ĐT cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để đạt được sự thống nhất giữa hai văn bản quan trọng này, cùng tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp. Rất mong các cơ quan hữu quan lưu ý xem xét để hoàn thiện Dự thảo Luật này./

Các văn bản liên quan