VCCI góp ý Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/07/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế tài nguyên
http://vibonline.com.vn/Duthao/1564/Du-thao-Thong-tu-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-Thong-tu-so-1052010TTBTC-ngay-2372010-cua-Bo.aspx
Kính gửi: Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 10752/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/07/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế tài nguyên (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của các doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
1. Về người nộp thuế tài nguyên (sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 3 – khoản 2 Điều 1 Dự thảo)
Dự thảo quy định, người nộp thuế tài nguyên bao gồm: “Công ty Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác …”. Quy định theo cách liệt kê này là chưa chính xác (bởi công ty nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) là khái niệm xuất phát từ nguồn gốc vốn sở hữu, còn công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh là khái niệm được xác định dựa vào loại hình doanh nghiệp, có thể đã bao gồm công ty nhà nước, doanh nghiệp FDI) và không hợp lý (bởi các loại chủ thể kinh doanh có thể sẽ thay đổi theo pháp luật liên quan tới chủ thể đó, khi đó Luật này sẽ lại phải điều chỉnh theo).
Do vậy, để đảm bảo tính chính xác về pháp lý và ổn định trong áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng quy định đối tượng chịu thuế tài nguyên là: “các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, các Hợp tác xã, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân…”.
2. Về xác định sản lượng tài nguyên tính thuế
- Khoản 5 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 5) quy định về việc xác định sản lượng tài nguyên tính thuế đối với loại tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì “sản lượng tính thuế được phân loại theo sản lượng tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy đổi ra đơn vị sản lượng tài nguyên để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác”.
Quy định trên là chưa rõ ràng ở điểm: có rất nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại của sản phẩm, vậy phải phân cấp chi tiết tới đâu? Ngoài ra, thời điểm xác định sản phẩm này là khi nào (khi khai thác, hay khi bán lại, hay khi đưa vào sản xuất?
Chính vì quy định thiếu rõ ràng trên nên tại ví dụ 1
+ không rõ tại sao trong trường hợp, sau khi khai thác bán một phần sản lượng đá khối, đá hộc, đá dăm còn lại được đưa vào nghiền để sản xuất đá làm vật liệu xây dựng các cỡ, sản xuất xi măng thì phải quy đổi sản lượng đá khối, đá hộc, đá dăm ra đã qua xay, nghiền để xác định sản lượng đá hộc mà không phải là đá dăm, đá khối?
+ Ngoài ra, lúc vừa khai thác thì các sản phẩm đó là đá hộc, đá dăm.. vậy tại sao không tính sản lượng tính thuế ngay khi đó mà lại tính theo sản phẩm cuối cùng (và vì vậy lại phải tính ngược trở lại)?
Để đảm bảo sự rõ ràng và thuận lợi khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên.
- Khoản 6 Điều 1 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5) quy định “Trường hợp mức tiêu hao tài nguyên để sản xuất một đơn vị sản phẩm cao hơn 5% so với tiêu chuẩn công nghệ thiết kế, thì cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan liên quan để thẩm định làm cơ sở ấn định sản lượng tài nguyên khai thác chịu thuế”.
Quy định này chưa nêu rõ cơ sở nào để các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và ấn định sản lượng tài nguyên khai thác chịu thuế và vì vậy có thể tạo cho cơ quan thẩm quyền quá nhiều quyền quyết định., Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ về vấn đề này.
Dự thảo quy định “Đối với loại sản phẩm sản xuất, chế biến từ tài nguyên không thuộc danh mục, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước nếu trên, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xác định sản phẩm được sản xuất, chế biến theo quy trình sản xuất, công nghệ, sản phẩm tạo ra có mục đích sử dụng riêng”. Không rõ cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền phê duyệt trường hợp này? Phê duyệt trên cơ sở, căn cứ và tiêu chí nào? Trình tự thủ tục như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện.
3. Về cơ quan chủ trì xây dựng, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 6 – khoản 8 Điều 1 Dự thảo)
Dự thảo quy định Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án giá tính thuế tài nguyên trình UBND cấp tỉnh quyết định và Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường “tổ chức khảo sát tình hình về giá bán tài nguyên trên thị trường địa phương và đối chiếu, so sánh với giá tính thuế tài nguyên của UBND cấp tỉnh của địa phương khác, để lập phương án điều chỉnh giá tính thuế trình UBND cấp tỉnh quyết định và báo cáo về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế)”.
Quy định giao cho Sở Tài chính chủ trì trong các trường hợp trên dường như là chưa thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 203/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, theo đó “Đối với loại loại khoáng sản chưa có giá tính thuế tài nguyên hoặc phải điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên do không phù hợp theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng giá; Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”, cơ quan có trách nhiệm chủ trì lại là Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định trên để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản cùng điều chỉnh.
Mặt khác, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thời hoạn mà UBND cấp tỉnh phải hoàn thành việc xây dựng giá tính thuế tài nguyên hoặc phải điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên khi có biến động của thị trường để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong thực hiện.
4. Một số góp ý khác
VCCI gửi kèm theo góp ý của các doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/07/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế tài nguyên. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.