VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc đánh giá, xác nhận và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước
Kính gửi: Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ
Trả lời Công văn số 4888/BKHCN-ĐTG của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 30/12/2014 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc đánh giá, xác nhận và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
I. Về quan điểm tiếp cận
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ hóa như hiện nay, các hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) của các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước, không sử dụng ngân sách Nhà nước (sau đây tạm gọi là “hoạt động KHCN tư nhân”) là hoạt động diễn ra hàng ngày hàng giờ, bởi các tổ chức cá nhân ở mọi lĩnh vực, mang tính sáng tạo và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội hiện tại cũng như trong tương lai.
Vì vậy, nhằm thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản trong Luật Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là nguyên tắc “bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy dân chủ trong hoạt động KHCN vì sự phát triển của đất nước” và “bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ môi trường”, việc quản lý Nhà nước đối với các hoạt động KHCN tư nhân này cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Đối với việc đánh giá, xác nhận kết quả hoạt động KHCN tư nhân:
Đây là việc có tính chất lựa chọn, theo yêu cầu/nhu cầu tự nguyện của tổ chức cá nhân (muốn được Nhà nước xác nhận theo chuẩn của Nhà nước). Vì vậy, về mặt nguyên tắc Nhà nước có thể đặt ra các tiêu chí đánh giá theo quan điểm của mình, với các thủ tục trình tự mà Nhà nước cho là cần thiết.
Mặc dù vậy, việc thiết kế các thủ tục trình tự, tiêu chí đánh giá trong trường hợp này cần chú ý ít nhất 02 điểm sau: (i) Về tiêu chí đánh giá: trong khi tiêu chí đánh giá những hoạt động KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước có thể phải quan tâm nhiều hơn tới các ưu tiên của Nhà nước (ví dụ tiêu chí về hiệu quả kinh tế trực tiếp, tác động tới kinh tế xã hội như tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước...) thì các tiêu chí đánh giá hoạt động KHCN không sử dụng ngân sách Nhà nước cần hướng tới các giá trị khác, gắn với tính sáng tạo nhiều hơn, qua đó khuyến khích được việc nghiên cứu các vấn đề mới, táo bạo, có thể chưa có ý nghĩa ngay trong hiện tại nhưng là hữu ích cho tương lai xa; (ii) Về thủ tục trình tự: Về bản chất đây là hoạt động dịch vụ công của Nhà nước, lại được thực hiện trên cơ sở nhu cầu tự nguyên của các tổ chức cá nhân tư nhân, Nhà nước có thể thu phí, và quá việc đánh giá này có thông tin về hoạt động KHCN đang diễn ra. Vì vậy, các thủ tục, trình tự thực hiện việc này cần được thiết kế theo hướng đơn giản, thuận lợi và nhanh chóng nhất có thể, qua đó khuyến khích, thu hút được các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công này của Nhà nước.
- Đối với việc thẩm định kết quả hoạt động KHCN có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng tới các lợi ích công công quan trọng
Về nguyên tắc, việc bảo vệ các lợi ích công cộng thông qua các biện pháp quản lý Nhà nước là cần thiết trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực KHCN.
Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã có rất nhiều các công cụ, chế định pháp luật để thực hiện mục tiêu này (đặc biệt trong pháp luật chuyên ngành), do đó việc triển khai thực hiện các mục tiêu quản lý thông qua Dự thảo này cần chú ý 02 vấn đề: (i) Về phạm vi quản lý: Không trùng lặp, chồng lấn với các biện pháp quản lý đã có đối với cùng các đối tượng kết quả nghiên cứu KHCN; và (ii) Về đối tượng quản lý: Chỉ giới hạn ở những đối tượng mà Nhà nước có thể kiểm soát, quản lý được (ví dụ Nhà nước có thể kiểm soát các pháp nhân, tổ chức, nhưng không thể kiểm soát được hoạt động của từng cá nhân riêng lẻ).
Từ quan điểm nêu trên, rà soát các quy định Dự thảo cho thấy còn nhiều điểm chưa đáp ứng được yêu cầu và vì vậy cần được xem xét, điều chỉnh. Cụ thể
II. Về việc Đánh giá, xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước
Rà soát Dự thảo cho thấy một số quy định tại Dự thảo dường như chưa đáp ứng được 02 yêu cầu nói trên đối với hoạt động đánh giá, xác nhận kết quả hoạt động KHCN:
1. Về Kinh phí thực hiện việc đánh giá, xác nhận, thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 5)
Khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định về các “nội dung chi”. Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định các khoản chi phí liên quan đến việc tổ chức và thực hiện hoạt động đánh giá, thẩm định do tổ chức, cá nhân đề nghị tự chi trả, và mức chi “tham khảo theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hiện hành”.
Như vậy, quy định tại Điều này chưa làm rõ được vấn đề cốt yếu nhất: Tính chất của các “khoản chi” này là gì; Các khoản chi phí này được xác định theo phương thức nào: thỏa thuận giữa tổ chức/cá nhân cần dịch vụ hay là do Nhà nước ấn định?
Trong khi đó, như đã đề cập phía trên, ở đây có 02 hoạt động riêng, tới tính chất khác nhau, vì vậy cần phân biệt rõ:
- Việc đánh giá, xác nhận kết quả hoạt động KHCN không sử dụng ngân sách nhà nước là dịch vụ công của Nhà nước cung cấp cho cá nhân, tổ chức theo nhu cầu. Vì vậy, chi phí ở đây thực chất là “phí dịch vụ công”, là khoản thu của Nhà nước (chứ không phải là “chi”);
- Việc thẩm định kết quả hoạt động KHCN có liên quan tới các lợi ích công cộng là hoạt động quản lý Nhà nước mà tổ chức, cá nhân bắt buộc phải tuân thủ (dù không có nhu cầu). Vì vậy, chi phí ở đây phải do Nhà nước chịu, tổ chức, cá nhân chỉ có nghĩa vụ nộp “lệ phí thủ tục hành chính”.
Nói cách khác, với tính chất như trên, quy định về mức, phương thức nộp phí, lệ phí trong hai trường hợp phải tuân thủ các quy định liên quan tại Pháp lệnh phí, lệ phí.
Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại toàn bộ quy định tại Điều 5 này cho phù hợp với quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí.
2. Hồ sơ đề nghị đánh giá, xác nhận kết quả nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 8)
Điều 8 Dự thảo quy định về các loại tài liệu cần phải có trong Hồ sơ đề nghị đánh giá, xác nhận kết quả nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có một số tài liệu chưa hợp lý, tạo gánh nặng giấy tờ cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục, ví dụ:
- “Bảng liệt kê các kết quả nhiệm vụ (mẫu, sản phẩm, vật liệu, thiết bị, máy móc, quy trình công nghệ, phần mềm máy tính, bài báo, sách chuyên khảo …)” (khoản 3) là không cần thiết bởi những trong Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Phụ lục 2a hoặc Phụ lục 2b đã bao gồm các nội dung trong Bảng liệt kê này rồi. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 3.
- Yêu cầu phải nộp “giải thưởng về khoa học và công nghệ” (nếu có) là chưa rõ ràng và chưa hợp lý:
“Giải thưởng về khoa học và công nghệ” có thể do nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau cấp, với mức độ tin cậy và giá trị không giống nhau (trong đó có cả những trường hợp mà giải thưởng được trao bởi các tổ chức không có thẩm quyền, hoặc thực hiện với mục tiêu thương mại là chủ yếu). Vì vậy không thể bất kỳ giải thưởng nào cũng sẽ được xem xét, tính điểm khi đánh giá.
Trường hợp giải thưởng thực sự có giá trị (ví dụ được trao bởi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền) thì theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Dự thảo đây là một trong những trường hợp được đặc cách cấp Giấy xác nhận kết quả nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước rồi, do đó sẽ không phải thực hiện thủ tục này.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này hoặc nếu vẫn giữ thì cần quy định rõ trường hợp ngoại lệ tại Điều 14.1 Dự thảo và cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức đánh giá các giải thưởng này (do ai trao tặng, có thẩm quyền, có chuyên môn/uy tín trong lĩnh vực liên quan không...).
- Mẫu Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Phụ lục 2a, Phụ lục 2b có một số nội dung mang nặng tính hành chính, hình thức trong khi đây là các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có tính chất tư nhân, có thể được xuất phát từ chính nhu cầu của các cá nhân, tổ chức đó, vì vậy những nội dung đó không cần thiết, ví dụ:
+ Thông tin chung về nhiệm vụ (trang 2 của 2 Phụ lục): Phụ lục yêu cầu phải ghi về “Học hàm, học vị/trình độ chuyên môn; Chức danh khoa học” trong mục về “Thông tin về cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ” là không cần thiết, bởi vì những thông tin này không có tính chất định danh cá nhân, trong khi mục đích của thông tin này là xác định cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học và công nghệ là ai, với mục đích này thì chỉ cần thông tin về số chứng minh nhân dân, địa chỉ là đủ. Hơn nữa, trên thực tế, rất nhiều cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học và có sản phẩm chất lượng khi không hề có học hàm, học vị hay chức danh khoa học. Việc yêu cầu cung cấp những thông tin này dường như đưa đến sự phân biệt đối xử gián tiếp, hoặc tạo ra rào cản tâm lý cho những đối tượng trên trong việc quyết định tìm sự hỗ trợ của nhà nước trong việc đánh giá nhiệm vụ về khoa học và công nghệ. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu cung cấp thông tin về “học hàm, học vị/trình độ chuyên môn”, “chức danh khoa học” trong mục “4.2. Thông tin về cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ” và mục “5. Danh sách các thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ”.
- “Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đề nghị đánh giá, xác nhận kết quả khoa học và công nghệ” (trang 9 Phụ lục 2a; trang 11 Phụ lục 2b) và “Lý lịch khoa học của cá nhân tham gia nhiệm vụ” (trang 10 Phụ lục 2a; trang 12 Phụ lục 2b): Việc Báo cáo yêu cầu hai thông tin này là không cần thiết, bởi vì các thông tin này không có ý nghĩa, không phục vụ trực tiếp cho việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Hơn nữa, như phân tích ở trên, các thông tin này sẽ là không phù hợp trong thực tiễn với nhiều đối tượng không có học hàm, học vị nghiên cứu khoa học, cũng không có “lý lịch khoa học”. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ việc yêu cầu phải có 2 thông tin này trong các Phụ lục.
3. Thời gian thực hiện thủ tục
Từ Điều 9 - 13 Dự thảo quy định về quy trình cấp Giấy xác nhận kết quả nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, từ khâu nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ đến khâu đánh giá của Hội đồng tư vấn đánh giá và cấp Giấy chứng nhận khá rõ ràng về các bước cũng như nội dung thực hiện.
Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định rõ về thời hạn thực hiện đánh giá của Hội đồng và tổ chuyên gia tư vấn đánh giá kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ trong khi đây lại là vấn đề quan trọng để cá nhân, tổ chức sắp xếp gửi Hồ sơ yêu cầu cho phù hợp với kế hoạch thời gian công việc của mình (chú ý là quy định Khoản 4 Điều 9 Dự thảo có quy định về thời hạn 45 ngày nhưng không rõ đây là thời hạn “bắt đầu” thực hiện việc đánh giá hay thời hạn để “trả kết quả” đánh giá).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về (i) thời hạn Hội đồng và tổ chuyên gia tư vấn thực hiện đánh giá và cho ra biên bản đánh giá cũng như (ii) thời hạn Cơ quan thực hiện đánh giá trả kết quả đánh giá cho tổ chức, cá nhân liên quan.
4. Đặc cách cấp Giấy xác nhận kết quả nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 13)
Điều 14 Dự thảo quy định các trường hợp không phải thực hiện thủ tục đánh giá đó là:
- Đã được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) chủ trì tổ chức xét tặng (khoản 1)
- Đã được Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đánh giá và cho phép áp dụng trên thực tế (khoản 2)
Quy định trên là chưa rõ ràng và hợp lý ở điểm:
- Khoản 1: Quy định trên được hiểu, các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được nước ngoài công nhận hoặc được giải thưởng ở nước ngoài sẽ không thuộc diện được đặc cách đánh giá này. Điều này dường như là chưa hợp lý và chưa khuyến khích được các cá nhân, tổ chức có công trình nghiên cứu khoa học ở nước ngoài sử dụng kết quả nghiên cứu ở trong nước. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trường hợp kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được giải thưởng được trao bởi tổ chức nước ngoài có thẩm quyền hoặc có uy tín trong lĩnh vực KHCN liên quan vào phạm vi các trường hợp được đặc cách cấp Giấy xác nhận mà không phải thực hiện thủ tục đánh giá.
- Khoản 2: Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo dẫn chiếu tới văn bản quy định về việc đánh giá và cho phép áp dụng trên thực tế các kết quả nhiệm vụ quy định tại khoản 2 hoặc quy định rõ về các trường hợp này.
- Đề nghị Ban soạn thảo quy định về thủ tục cấp Giấy xác nhận trong các trường hợp đặc cách không phải thực hiện đánh giá trên (thời gian được cấp Giấy xác nhận kể từ khi nộp hồ sơ theo quy định).
5. Tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động KHCN tư nhân (Điều 12 và Phụ lục 3a, 3b)
Điều 12 Dự thảo nêu các nội dung đánh giá kết quả hoạt động KHCN tư nhân, được hiểu là các khía cạnh đánh giá mà Cơ quan đánh giá phải thực hiện đối với kết quả hoạt động. Phụ lục 3a về Phiếu đánh giá trong đó có nêu các nội dung đánh giá chi tiết, được hiểu là các tiêu chí để đánh giá.
Rà soát các quy định tại Điều 12 và Phụ lục 3a, 3b cho thấy các nội dung và tiêu chí đánh giá này gần như không khác so với các nội dung và tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước. Điều này, như đã phân tích tại mục I về Quan điểm tiếp cận, là hoàn toàn không phù hợp.
Ví dụ về một số tiêu chí đánh giá không cần thiết (đối với một kết quả KHCN tư nhân) trong Phụ lục 3b:
- Đánh giá chung về mục tiêu, ý nghĩa của nhiệm vụ: Hoạt động KHCN tư nhân có thể thực hiện với bất kỳ mục tiêu nào, miễn là không vi phạm điều cấm của pháp luật; ví dụ, một hoạt động KHCN có thể được thực hiện thuần túy vì mục tiêu thỏa mãn sự say mê, nhu cầu giải trí hoặc trí tò mò của người thực hiện, và cũng không thể vì vậy mà chấm điểm mục tiêu của kết quả là thấp hay cao được
- Mức độ ứng dụng công nghệ và thương mại hóa sản phẩm: Như đã nêu trong ví dụ trên, không nhất thiết mọi hoạt động KHCN đều được thực hiện với mục tiêu thương mại hóa, do đó việc để tiêu chí này, thậm chí với mức điểm rất cao, là không phù hợp;
- Hiệu quả kinh tế trực tiếp đối với tổ chức cá nhân, mức độ tác động đối với kinh tế - xã hội (tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước...): Không chỉ các hoạt động KHCN nhằm mục tiêu thỏa mãn nhu cầu nghiên cứu, giải trí của người thực hiện mà cả những hoạt động KHCN nghiên cứu cơ bản (ví dụ toán học, vũ trụ...) đều có thể không mang lại các hiệu quả kinh tế trực tiếp cho người thực hiện. Đây là hiện tượng khá phổ biến trên thế giới, ví dụ trong khoa học vũ trụ, có những nghiên cứu khoa học cơ bản từ vài trăm năm trước tới nay mới được ứng dụng. Vì vậy việc nhất định phải đánh giá theo tiêu chí này, và lại cho điểm cao cho tiêu chí này là không phù hợp...
Thậm chí, nếu nhìn vào các ví dụ ở trên thì có thể thấy nhiều tiêu chí đánh giá là quá lạc hậu, không thích hợp ngay cả với kết quả nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh lại các nội dung, tiêu chí đánh giá kết quả KHCN tư nhân trong Điều 12 và Phụ lục 3a, 3b của Dự thảo theo hướng:
- Chỉ tập trung vào các tiêu chí đánh giá chuyên môn (bỏ qua tất cả các tiêu chí về mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích thực tế... không cần thiết, vốn thuộc về quyền lựa chọn tự do của tổ chức, cá nhân bỏ tiền ra thực hiện)
- Tiêu chí hướng vào đánh giá tính thuyết phục của kết quả nghiên cứu thay vì đánh giá tính đúng sai của kết quả nghiên cứu (tránh trường hợp những kết quả nghiên cứu mới, sáng tạo, vượt quá tầm chuyên môn của chính những người đánh giá, khi đó quan trọng là phương pháp làm và kết quả nghiên cứu có thuyết phục không chứ không phải là kết quả có đúng không theo ý kiến chủ quan của người đánh giá).
6. Giá trị của Giấy xác nhận kết quả nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 15)
Khoản 2 Điều 15 Dự thảo quy định “Giấy xác nhận kết quả nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước là cơ sở để tổ chức, cá nhân thành lập và đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ đối với những kết quả nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp khoa học và công nghệ”.
Quy định này có thể đưa đến cách hiểu nhầm lẫn rằng các tổ chức, cá nhân muốn thành lập và đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có Giấy xác nhận kết quả nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Cách hiểu nhầm lẫn này sẽ vi phạm Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản pháp luật liên quan, bởi vì theo quy định tại Nghị định 115/2010/NĐ-CP, Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì điều kiện cũng như thủ tục thành lập cũng như thủ tục đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ không cần phải có Giấy xác nhận kết quả nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước.
Việc quy định Giấy xác nhận này là căn cứ để tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN có thể là hợp lý. Tuy nhiên, nếu vậy thì quy định tại các Nghị định về khoa học và công nghệ phải sửa đổi về phần hồ sơ, thủ tục đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN để thay thế Hồ sơ bằng loại Giấy này.
Để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật cùng điều chỉnh, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này.
III. Về việc thẩm định các kết quả KHCN không sử dụng ngân sách nhà nước có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khỏe con người (Chương III)
Việc thẩm định kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khỏe con người được quy định trong Dự thảo với tính chất là quy trình bắt buộc, không phụ thuộc vào ý chí hay nhu cầu của tổ chức, cá nhân liên quan.
Như đã đề cập ở mục I về Quan điểm tiếp cận, quy trình thẩm định bắt buộc này có thể là cần thiết và hợp lý nhưng phải được thực hiện trên cơ sở có giới hạn về phạm vi cũng như đối tượng thẩm định. Cụ thể hơn, các quy định về quy trình này cần:
- Xác định chính xác phạm vi các lợi ích công cộng cần được bảo vệ, tránh hiện tượng mở quá rộng phạm vi đến các lĩnh vực tác động không đáng kể đến các lợi ích trên, tạo ra gánh nặng thủ tục, cản trở đến hoạt động nghiên cứu, ứng dụng kết quả khoa học công nghệ cũng như ảnh hưởng tới tính khả thi trong quá trình áp dụng;
- Thống nhất với các hình thức kiểm soát tại các văn bản khác có liên quan, để tránh tình trạng, cá nhân, tổ chức có kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ phải thực hiện rất nhiều thủ tục, trong khi bản chất của các thủ tục cũng chỉ để kiểm soát mức độ an toàn, hiệu quả, tránh ảnh hưởng lớn đến các lợi ích công cộng cần bảo vệ.
Rà soát các quy định tại Dự thảo, còn có một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét:
1. Về phạm vi các đối tượng phải tuân thủ quy trình thẩm định này
Theo quy định tại Điều 2.3 và Điều 21 Dự thảo thì chủ thể phải làm thủ tục đề nghị thẩm định là “Tổ chức, cá nhân ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN không sử dụng ngân sách nhà nước mà có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khỏe con người”
Như vậy, theo các quy định này thì tổ chức, cá nhân “ứng dụng” kết quả KHCN phải tiến hành thủ tục đề nghị thẩm định kết quả (chứ không phải là tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN và tạo ra kết quả KHCN liên quan).
Quy định này là bất hợp lý ở nhiều khía cạnh:
- Thứ nhất, một kết quả KHCN có thể được nhiều chủ thể (tổ chức, cá nhân) ứng dụng (theo chuyển giao của chủ sở hữu kết quả KHCN). Vậy có cần thiết cứ mỗi tổ chức, cá nhân ứng dụng lại phải làm hồ sơ đề nghị thẩm định theo quy trình này không? Nếu một kết quả KHCN được chuyển giao cho nhiều tổ chức, cá nhân ứng dụng thì cơ quan Nhà nước làm sao đủ nguồn lực để thẩm định hết, hơn nữa việc thẩm định cho tất cả các trường hợp ứng dụng của cùng một kết quả nghiên cứu là không có ý nghĩa và rất lãng phí;
- Thứ hai, trên thực tế nếu như Nhà nước có thể kiểm soát được các tổ chức (được thành lập, có đăng ký loại hoạt động, bị kiểm soát về hoạt động) thì hầu như Nhà nước không thể kiểm soát từng cá nhân (với những hoạt động nghiên cứu hay ứng dụng tùy nghi, không thể kiểm soát nếu không thuộc diện phải đăng ký để kiểm soát). Vì vậy việc kiểm soát toàn bộ các cá nhân thực hiện nghiên cứu KHCN hay ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN là không khả thi (trong bối cảnh khái niệm KHCN được định nghĩa rất rộng). Chú ý là ngay cả khi hoạt động nghiên cứu của cá nhân có nguy cơ ảnh hưởng tới lợi ích công cộng thì cũng không cần thiết phải kiểm soát theo quy trình này bởi đã có các quy định pháp luật khác liên quan điều chỉnh rồi;
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi phạm vi các đối tượng phải tuân thủ quy trình này theo hướng:
- Chỉ các chủ thể thực hiện nhiệm vụ KHCN và tạo ra kết quả KHCN thuộc diện quy định tại Điều 16-18 Dự thảo khi muốn ứng dụng hoặc muốn chuyển giao cho người khác ứng dụng mới phải thực hiện quy trình đề nghị thẩm định theo Dự thảo này.
- Đối với trường hợp của các cá nhân, mặc dù hiện nay Luật KHCN và Nghị định hướng dẫn đều có quy định về đối tượng này, tuy nhiên, như đã đề cập, việc kiểm soát đối tượng này hầu như không khả thi, có thể khiến cho quy định mất ý nghĩa thực tiễn. Vì vậy, cần xem xét sửa đổi Luật KHCN và Nghị định để bỏ đối tượng này khỏi phạm vi đối tượng phải thẩm định kết quả nghiên cứu KHC.N
2. Về phạm vi các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ phải thực hiện thẩm định trước khi ứng dụng
- Về các kết quả nghiên cứu ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh (Điều 16):
Khoản 4 Điều 16 Dự thảo quy định “kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng dụng chế tạo thiết bị lặn, thiết bị bay (có hoặc không có người lái” thuộc nhóm phải thẩm định.
Trên thực tế, không phải tất cả các thiết bị lặn, thiết bị bay (không người lái) đều chứa đựng tiềm ẩn trên. Ví dụ, hiện có nhiều thiết bị lặn, thiết bị bay là phục vụ cho hoạt động dân sinh, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật...và hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới an ninh quốc phòng. Nếu tất cả các nghiên cứu để chế tạo ra thiết bị lặn, thiết bị bay đều phải đánh giá, thẩm định theo quy trình tại Dự thảo sẽ gây phiền phức về thủ tục, cản trở các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiên cứu, ứng dụng hoạt động chế tạo này. Hơn nữa Nhà nước cũng không thể kiểm soát được hết các hoạt động này, đặc biệt là các nghiên cứu thực hiện và ứng dụng bởi các cá nhân đơn lẻ).
Do vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ và thu hẹp nội hàm của khái niệm “ứng dụng chế tạo thiết bị lặn, thiết bị bay không người lái”, chỉ giới hạn những nghiên cứu có tác động trực tiếp đến lợi ích quốc phòng, an ninh quốc gia.
- Về các kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến môi trường (Điều 17):
Khoản 3 Điều 17 Dự thảo xác định “kết quả thực hiện nhiệm vụ dùng để khai thác dữ liệu tài nguyên môi trường biển, đảo” thuộc nhóm phải thẩm định do có nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến môi trường. Trên thực tế, có một số dữ liệu tài nguyên môi trường biển, đảo đã được công khai và các cá nhân, tổ chức có thể tự do khai thác các dữ liệu này để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, đầu tư, khai thác.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo thu hẹp phạm vi trên, có thể xem xét theo hướng khai thác dữ liệu tài nguyên môi trường biển, đảo thuộc bí mật của nhà nước, hoặc các nhóm dữ liệu cần được kiểm soát chặt chẽ.
- Điều 16-18 Dự thảo đều có quy định “Các kết quả thực hiện nhiệm vụ khác mà pháp luật có quy định phải thẩm định khi ứng dụng vào sản xuất và đời sống”. Quy định này được hiểu là “quét” các trường hợp chưa được quy định tại Thông tư, tránh việc bỏ sót. Tuy nhiên, chính cách quy định này lại tạo ra tình trạng không minh bạch, rủi ro cho các tổ chức cá nhân (bởi họ không thể biết khi nào thì kết quả nghiên cứu KHCN của mình thuộc “trường hợp khác” dù không quy định tại Thông tư này nhưng vẫn phải thẩm định).
Hơn nữa Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 chỉ trao quyền cho Bộ KHCN hướng dẫn vấn đề này (chứ không trao quyền cho Bộ nào khác). Điều này đồng nghĩa với việc mọi trường hợp phải thẩm định đều phải được quy định rõ tại Thông tư này.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định trên và liệt kê các tất cả các trường hợp cụ thể, nếu có.
3. Mối liên hệ giữa các biện pháp kiểm soát ở quy định tại Thông tư này với các văn bản pháp luật khác có liên quan
Điều 16 và18 Dự thảo quy định về các trường hợp phải thẩm định với phạm vi rất rộng. Từ góc độ nguy cơ tác động của các kết quả nghiên cứu này tới các lợi ích công cộng quan trọng thì quy định này của Dự thảo là hợp lý.
Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh từng lĩnh vực liên quan đã có những biện pháp kiểm soát để đảm bảo không ảnh hưởng đến các lợi ích công cộng trên rồi. Chẳng hạn:
- Đối với dược phẩm, Luật Dược cũng như các văn bản pháp luật hướng dẫn đã quy định khá rõ và kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, công bố và cho vào lưu hành các loại dược phẩm mới. Các biện pháp kiểm soát này là tương đương, thậm chí là chặt chẽ hơn đối với biện pháp cấp Giấy chứng nhận quy định tại Thông tư;
Tương tự, đối với các lĩnh vực về khám chữa bệnh, kiểm dịch thực vật.
- Đối với phần mềm khải thác thông tin, dữ liệu mật quốc gia...: Dự thảo Luật An toàn thông tin cũng đang dự kiến các biện pháp kiểm soát, thậm chí là sớm hơn (kiểm soát từ thời điểm trước khi bắt đầu thực hiện nghiên cứu)
Như vậy, việc kiểm soát thông qua quy trình thẩm định tại Dự thảo đối với các trường hợp này sẽ tạo ra tình trạng kiểm soát đúp, chồng lấn không cần thiết (thậm chí không rõ là thủ tục nào phải làm trước, thủ tục nào phải làm sau). Điều này sẽ là gánh nặng về thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức có nghiên cứu khoa học và công nghệ, và ở mức độ nhất định có thể gây ra rào cản cho việc triển khai ứng dụng kết quả KHCN, đi ngược lại mục tiêu khuyến khích hoạt động KHCN của Nhà nước.
Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ các quy định kiểm soát các lĩnh vực mà đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác.
IV. Về mối liên hệ giữa thủ tục đánh giá, xác nhận và thủ tục thẩm định kết quả KHCN
Khoản 7 Điều 21 Dự thảo quy định, trong Hồ sơ có “Giấy xác nhận kết quả nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Chương II Thông tư này (nếu có)”. Quy định được hiểu là nếu tổ chức, cá nhân có kết quả KHCN trong các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới lợi ích công cộng và lại muốn sử dụng dịch vụ đánh giá, xác nhận kết quả của Nhà nước thì phải thực hiện 02 thủ tục riêng rẽ.
Cũng như vậy, mẫu Giấy xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN tại Phụ lục 5 Dự thảo cũng có dòng ghi chú “Lưu ý: Về việc phải thẩm định....” – tức là sau khi có Giấy xác nhận này thì nếu thuộc diện có tiếm ẩn yếu tố ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng thì tổ chức, cá nhân liên quan phải làm thủ tục thẩm định.
Trong khi đó, nếu xết một cách chi tiết thì các nội dung thẩm định quy định tại Điều 19 và Phụ lục Phiếu thẩm định hầu như đã bao trùm các nội dung đánh giá tại Điều 12 và Phụ lục Phiếu đánh giá tương ứng.
Vì vậy, việc yêu cầu tổ chức, cá nhân phải thực hiện cả 2 thủ tục trong trường hợp này là trùng lặp, không cần thiết, gây phiền phức, tốn kém cho tổ chức, cá nhân liên quan và làm nặng thêm công việc của Nhà nước.
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo:
- Bổ sung quy định nêu rõ “Giấy xác nhận việc thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN không sử dụng ngân sách Nhà nước” đồng thời có giá trị như “Giấy xác nhận kết quả...”; và
- Rà soát tất cả các quy định liên quan để điều chỉnh tương ứng (ít nhất là bỏ quy định tại khoản 7 Điều 21 và sửa lại các mẫu tại các Phụ lục).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định việc đánh giá, xác nhận và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.