VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc đánh giá, xác nhận và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước
Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản của Thsĩ Luật sư Nguyễn Thị Cam - Cty luật TNHH Đất Luật - Hội thảo VCCI (Tp.HCM ngày 21/3/2014)
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về quản lý giống vật nuôi
Kính gửi: Cục Chăn nuôi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 9992/BNN-CN ngày 11212/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về quản lý giống vật nuôi (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
Thông tư này quy định về các vấn đề quản lý giống vật nuôi, có tính chất hướng dẫn chi tiết Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 (Pháp lệnh). Do đó, các quy định trong Dự thảo cần:
- Cụ thể, chi tiết, đảm bảo thi hành được ngay khi phát sinh hiệu lực,
- Thống nhất với quy định tại Pháp lệnh và các văn bản pháp luật khác có liên quan
Rà soát Dự thảo còn có một số quy định đáp ứng được yêu cầu trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét.
1. Phạm vi điều chỉnh
Điều 1 Dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh của Thông tư là “hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác, sử dụng và trao đổi nguồn gen giống vật nuôi; nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh thì “Giống vật nuôi bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thuỷ sản và các sản phẩm giống của chúng như tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền giống”.
Trong khi đó, các quy định tại Dự thảo lại quy định các vấn đề quản lý liên quan đến gia súc (trâu, bò, lợn) là chủ yếu, còn các loại khác như ong, tằm, động vật thủy sản thì hầu như không đề cập đến. Như vậy, giữa quy định về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 và các quy định khác tại Dự thảo là chưa thống nhất.
Mặt khác, hiện tại, Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT, Thông tư 11/2014/TT-BNNPTNT đang điều chỉnh các vấn đề về quản lý giống thủy sản.
Do đó, để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật cùng điều chỉnh, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại tên cũng như phạm vi điều chỉnh (Điều 1 Dự thảo) của Thông tư để giới hạn chính xác đối tượng điều chỉnh của văn bản này.
2. Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh giống vật nuôi (Điều 5)
(i) Về các điều kiện chung
Điều 5.1 Dự thảo quy định về các yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi. Các khoản 2,3,4 Điều quy định về yêu cầu đối với cơ sở ấp trứng gia cầm; cơ sở chăn nuôi gia cầm sinh sản hộ gia đình; cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm sống, bò sữa.
Các phân định phạm vi như tại Điều 5 Dự thảo nói trên là chưa rõ ràng, thiếu thống nhất (có thể vi phạm quy định tại Pháp lệnh)
- Nếu theo cách quy định hiện tại thì các trường hợp quy định tại khoản 2, 3 và 4 vừa phải tuân thủ quy định tại khoản tương ứng vừa phải tuân thủ quy định tại khoản 1 (về câu chữ thì khoản 1 bao trùm hết các trường hợp sau đó)?
- Ngay cả khi hiểu rằng các trường hợp quy định tại khoản 1,3,4 Điều 5 được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của khoản 1 Điều 5 thì cũng có vấn đề: Theo quy định tại Điều 19.2 Pháp lệnh giống vật nuôi thì không phải mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh giống vật nuôi đều phải các áp dụng điều kiện tại Điều 19.1 mà có loại trừ trường hợp “Hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo hình thức chăn nuôi truyền thống mà không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh”. Như vậy theo quy định này thì không phụ thuộc vào giống vật nuôi là gì, miễn là chủ thể kinh doanh là hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh theo hình thức chăn nuôi truyền thống, không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh thì không áp dụng điều kiện tại Điều 19.1.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại Điều 5 Dự thảo theo hướng:
- Khoản 1 phải nêu rõ phạm vi áp dụng “trừ các tổ chức, cá nhân quy định tại các khoản khác trong Điều này”
- Bổ sung thêm khoản 5 quy định về yêu cầu đối với các trường hợp “Hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo hình thức chăn nuôi truyền thống mà không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh và không thuộc diện quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này” phù hợp với Điều 19.2 Pháp lệnh giống vật nuôi.
(ii) Về thủ tục đăng ký nhận dạng cá thể
Điểm c khoản 1 Điều 5 Dự thảo về các yêu cầu phải đáp ứng của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi có quy định “Đực giống trâu, bò, lợn phải được đăng ký nhận dạng cá thể (đeo số tai, gắn chíp điện tử, …)”.
Quy định này có một số điểm chưa rõ, chưa thống nhất như sau:
- Về thủ tục: Thủ tục đăng ký nhận dạng cá thể này được quy định ở đâu, thực hiện như thế nào? (tổ chức, cá nhân có đực giống trâu, bò, lợn phải đăng ký ở cơ quan nào, cung cấp thông tin gì, giấy tờ tài liệu như thế nào, …).
- Về biện pháp: Dự thảo quy định biện pháp nhận dạng cá thể là đeo số tai, gắn chíp điện tử và biện pháp “...”. (được hiểu là không xác định biện pháp nào, để mở?). Tại Phụ lục 2 Dự thảo chỉ hướng dẫn về quy định về việc đeo số tai chứ không quy định về gắn chíp điện tử (và cũng không có hình thức nào khác làm rõ quy định “...” trong Dự thảo).
- Mặc dù điều khoản này của Dự thảo chỉ nhắc lại quy định trong Thông tư 16/2009/TT-BNN về đánh số tai bò sữa, bò thịt và một số văn bản khác, cần chú ý rằng Pháp lệnh giống vật nuôi không quy định điều kiện này (và văn bản cấp Thông tư thì không được quy định về điều kiện này).
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo (i) quy định rõ về thủ tục đăng ký nhận dạng cá thể hoặc dẫn chiếu cụ thể tới văn bản liên quan; (ii) nêu rõ biện pháp áp dụng (nếu hiện tại chỉ quản lý bằng biện pháp đeo số tai thì chỉ nêu biện pháp này, không nêu các biện pháp mà trên thực tế không áp dụng, và không nêu kiểu mở - trong pháp luật không thể để quy định “...”; (iii) để đảm bảo tính hợp pháp của quy định này, Pháp lệnh giống vật nuôi phải sửa tương ứng để bổ sung quy định về nhận diện cá thể.
3. Cơ sở đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo trâu, bò
Khoản 4 Điều 10 Dự thảo quy định về các điều kiện đối với cơ sở kỹ thuật phối giống nhân tạo.
Quy định này là chưa phù hợp với Pháp lệnh, bởi Pháp lệnh không có quy định về loại cơ sở này.
Trong khi đó, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 (và Luật Đầu tư năm 2014) thì văn bản cấp Bộ không được phép quy định về điều kiện kinh doanh.
Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 4 Điều 10 Dự thảo. Nếu cho rằng, cần phải quản lý đối với cơ sở này thì kiến nghị sửa đổi các quy định tại Pháp lệnh để bổ sung các quy định về cơ sở đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo.
4. Thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm (Điều 13)
- Hồ sơ đăng ký công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm (khoản 1)
Dự thảo hiện quy định một số loại giấy tờ không phù hợp với các văn bản cấp trên và vì vậy cần được chỉnh sửa:
+ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề phù hợp (điểm c khoản 1) – quy định này sẽ không còn phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 vì theo quy định của Luật thì Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thực ra là Giấy đăng ký doanh nghiệp) không còn phải ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chỉ phải đăng ký ngành nghề dự kiến kinh doanh cho cơ quan nhà nước.
+ “Văn bằng tốt nghiệm của 02 nhân viên kỹ thuật” (điểm d khoản 1) là quy định vừa chưa rõ ràng vừa chưa thống nhất với Pháp lệnh. Cụ thể, khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh không quy định về số lượng nhân viên kỹ thuật mà cơ sở khảo nghiệm cần phải có, do đó, Dự thảo áp đặt số lượng nhân viên này là chưa phù hợp với Pháp lệnh.
Hơn nữa, quy định tại Dự thảo chưa làm rõ các nội dung cốt lõi: văn bằng trong lĩnh vực gì? Loại bằng cấp nào (trung cấp, cao đẳng hay đại học)?
Để đảm bảo tính thống nhất và rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về số lượng nhân viên kỹ thuật và quy định rõ về loại bằng cấp trong chuyên ngành chăn nuôi thú y hoặc chuyên ngành nuôi trồng thủy sản như quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh.
+ Bản thuyết minh điều kiện thực hiện khảo nghiệm giống vật nuôi (Phụ lục 11): Phụ lục 11 cũng như Pháp lệnh chỉ quy định về các khía cạnh kỹ thuật mà cơ sở khảo nghiệm phải giải trình (địa điểm phù hợp, cơ sở vật chất trang thiết bị phù hợp), tuy nhiên cả hai đều không quy định rõ điều kiện cụ thể là như thế nào (Điều 16 Pháp lệnh chỉ dẫn chiếu chung chung tới pháp luật thú y, thủy sản, môi trường, thậm chí đối với trường hợp điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật còn không dẫn chiếu tới quy định nào).
Điều này dẫn tới tình trạng các cơ sở đề nghị công nhận không biết mình phải đáp ứng các điều kiện gì, cũng không rõ sẽ phải giải trình việc đáp ứng như thế nào. Về phía cơ quan có thẩm quyền, các cán bộ xem xét công nhận cơ sở khảo nghiệm không có tiêu chí, căn cứ nào để quyết định cơ sở liên quan có đáp ứng hay không đáp ứng được các điều kiện yêu cầu, việc công nhận vì vậy chỉ thực hiện trên cảm tính/đánh giá chủ quan của người ra quyết định, và do đó có thể xảy ra tình trạng lạm quyền, là dư địa cho nhũng nhiễu, làm khó người dân.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các điều kiện thực hiện khảo nghiệm giống vật nuôi mà các cơ sở xin công nhận cần phải đáp ứng và giải trình.
- Trình tự công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm:
Khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định về việc xử lý hồ sơ và ra quyết đinh công nhận cơ sở khảo nghiệm giống vật nuôi, trong đó có quy định “Đối với các hồ sơ cần phải tổ chức kiểm tra thực tế” Cục Chăn nuôi thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế của cơ sở. Quy định này chưa làm rõ hồ sơ như thế nào thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra thực tế? Cần lưu ý rằng hiện nay đối với các thủ tục tương tự như thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm, biện pháp quản lý được sử dụng phổ biến là “hậu kiểm” (xem xét công nhận theo hồ sơ, chỉ tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động sau khi đơn vị đã đi vào hoạt động) chứ không phải là “tiền kiểm” (tiến hành kiểm tra thực tế rồi mới công nhận đủ điều kiện). Vì vậy, các trường hợp phải “tiền kiểm” đều cần được nêu rõ ràng và giới hạn trong phạm vi hẹp với các trường hợp có nguy cơ cao, rõ ràng, không thể không kiểm tra trước khi công nhận.
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bỏ quy định kiểm tra thực tế cơ sở khảo nghiệm mà chỉ cần xem xét trên giấy tờ để xét công nhận cơ sở khảo nghiệm đủ điều kiện.
Trong trường hợp có giải trình hợp lý về việc nhất thiết phải tổ chức kiểm tra thực tế rồi mới quyết định công nhận công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ:
+ Những trường hợp nào phải tiến hành kiểm tra thực tế?
+ Thời hạn ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra kể từ ngày nhận được hồ sơ
+ Thời hạn tiến hành kiểm tra thực tế cơ sở là bao lâu?
- Trường hợp cơ sở đăng ký lại: Khoản 3 Điều 13 Dự thảo quy định về trường hợp đăng ký lại công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm: “trước khi hết hạn 03 tháng cơ sở có nhu cầu đăng ký lại làm văn bản gửi Cục Chăn nuôi”. Việc sử dụng khái niệm “có nhu cầu” là chưa chính xác, đưa đến cách hiểu đăng ký lại là thủ tục có tính chất tự nguyện, trong khi đây lại là điều kiện bắt buộc, bởi vì khảo nghiệm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải được cấp phép, nếu hết thời hạn của giấy phép, cơ sở khảo nghiệm không thực hiện thủ tục đăng ký lại sẽ không được phép hoạt động. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng “trước khi Quyết định công nhận hết hiệu lực 03 tháng, cơ sở khảo nghiệm giống vật nuôi phải đăng ký lại”.
Ngoài ra, Khoản 3 Điều 13 Dự thảo quy định về thủ tục đăng ký lại nhưng lại không quy định về thời gian xử lý hồ sơ cũng như ra quyết định công nhận của cơ quan nhà nước. Để đảm bảo tính rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.
5. Thủ tục khảo nghiệm giống vật nuôi (Điều 15)
- Điều 15 Dự thảo quy định về hồ sơ khảo nghiệm trong đó phải có (i) “Đề cương khảo nghiệm giống vật nuôi” (khoản 1 điểm b), (ii) “Hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm với cơ sở khảo nghiệm đã được Cục Chăn nuôi công nhận hoặc chỉ định (sau khi đề cương khảo nghiệm đã được phê duyệt)” (khoản 1 điểm d).
Các loại giấy tờ này không có trong khoản 3 Điều 15 Pháp lệnh (trong khi Dự thảo Thông tư này chỉ được quy định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh chứ không được đặt thêm yêu cầu mới).
Hơn nữa, về mặt logic thì các giấy tờ này hoặc là không cần thiết, không thống nhất với văn bản cấp trên hoặc là không logic (i) Với Hợp đồng giữa đơn vị đăng ký khảo nghiệm và cơ sở khảo nghiệm: theo quy định thì Hồ sơ đăng ký yêu cầu phải có đề cương và hợp đồng, nhưng hợp đồng lại chỉ có sau khi đề cương được phê duyệt, vậy trước đó đơn vị đăng ký đã phải làm thủ tục xin phê duyệt đề cương riêng rẽ? Thủ tục đó như thế nào? Nếu là thủ tục mới thì quy định xét duyệt Đề cương thử nghiệm thực chất là một loại điều kiện kinh doanh, mà theo Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2014 thì văn bản cấp Bộ (Thông tư) không được phép quy định mới về điều kiện kinh doanh; (ii) Với Đề cương khảo nghiệm: Ngoài việc Pháp lệnh không quy định về Đề cương này (và do đó việc quy định thủ tục xét duyệt Đề cương khảo nghiệm ở đây là trái với Luật Doanh nghiệp), , việc kiểm soát Đề cương này cũng không rõ là nhằm mục đích gì? Ngay cả khi Đề cương này là cần thiết thì cũng không rõ Đề cương này phải bao gồm những nội dung gì, gắn như thế nào với các nội dung tại Điều 15.3b Pháp lệnh?
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b, d khoản 1 Điều 15 hoặc nếu giữ thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp với Điều 15.3b Pháp lệnh.
- Về trình tự giải quyết đăng ký khảo nghiệm (Điều 15.2)
Điều 15.2 quy định về trình tự giải quyết đơn đăng ký khảo nghiệm giống vật nuôi mới. Tuy nhiên, cả Điều 15.3 Pháp lệnh lẫn Dự thảo này đều không quy định rõ cơ quan thẩm định (Cục Chăn nuôi) cũng như cơ quan cho ý kiến (Bộ trưởng) dựa vào tiêu chí nào để thẩm định/cho ý kiến đồng ý hay không đồng ý với việc khảo nghiệm của đơn vị liên quan?
Ngoài ra, về trình tự, cần chú ý rằng Cục chăn nuôi đã thẩm định về mặt chuyên môn rồi, và cũng là cơ quan chịu trách nhiệm cấp đăng ký, vậy thủ tục trình xin ý kiến Bộ trưởng là để làm gì? Bộ trưởng dựa vào đâu để cho ý kiến? Nếu có vấn đề vướng mắc liên quan tới việc cấp đăng ký (ví dụ cấp sai hoặc gây ra hệ quả rủi ro chuyên môn) thì ai chịu trách nhiệm: Cục hay Bộ trưởng? Hơn nữa, Bộ trưởng có nên và có cần tham gia ý kiến vào những hồ sơ về những vấn đề nhỏ này không, có nguy cơ gây quá tải công việc cho Bộ trưởng không (chú ý rằng ở đây mới là khảo nghiệm giống vật nuôi mới, chứ không phải là cho phép hay không cho phép sản xuất, chăn nuôi trên diện rộng giống vật nuôi mới).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo (i) Quy định rõ các tiêu chí thẩm định sử dụng để cho phép hay từ chối không cho phép tiến hành việc khảo nghiệm; (ii) bỏ bước trình xin ý kiến Bộ trưởng cho việc này
- Điểm d khoản 2 Điều 15 Dự thảo quy định “trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm, cơ sở khảo nghiệm gửi báo cáo kết quả khảo nghiệm cho tổ chức, cá nhân có giống vật nuôi đăng ký khảo nghiệm” là không cần thiết, bởi vì mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân có giống vật nuôi đăng ký khảo nghiệm với cơ sở khảo nghiệm được xác lập trên cơ sở hợp đồng. Do vậy, xác định thời gian giao kết quả khảo nghiệm do hai bên tự thỏa thuận, Dự thảo không cần thiết phải quy định về vấn đề này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15.
6. Một số góp ý khác
- Đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định không có tính chất quy định chi tiết hoặc thiếu tính đặc thù, chỉ đơn giản là nhắc lại quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, ví dụ:
+ Các quy định tại Điều 6, 8, 12, 14 vì chỉ có tính chất dẫn chiếu tới các quy định của Pháp lệnh, không quy định chi tiết hơn, vì vậy không cần thiết phải quy định.
+ Các quy định về quảng cáo trong lĩnh vực gống vật nuôi quy định tại Chương VI không có tính đặc thù đối với lĩnh vực này và đã được quy định tại các văn bản pháp luật về quảng cáo.
- Thủ tục công nhận giống vật nuôi mới (Điều 16): Dự thảo quy định, đối với một số giống vật nuôi bản địa đang được nuôi phổ biến và thích nghi với một số vùng, địa phương nhưng chưa có tên trong Danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh giống vật nuôi tại Việt nam thì có thể được khảo sát đánh giá để đưa vào Danh mục này “nếu xét thấy cần thiết”. Quy định này vừa thiếu rõ ràng vừa chưa hợp lý ở điểm:
+ Như thế nào được cho là cần thiết? Trường hợp nào thì sẽ được đánh giá công nhận, trường hợp nào không?
+ Đối với trường hợp có giống vật nuôi bản địa đang được nuôi phổ biến và thích nghi ở một số vùng, địa phương, Nhà nước nên đánh giá để xem xét công nhận đưa vào Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong tất cả các trường hợp, vì điều này sẽ đưa lại lợi ích cho người tiêu dùng cũng như tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức muốn khai thác, kinh doanh các giống vật nuôi này hơn nữa cũng không tạo ra nguy cơ, rủi ro lớn về mặt sinh vật (bởi là các giống bản địa đã được nuôi phổ biến chứ không phải sinh vật ngoại lai)
- Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp nào là “theo yêu cầu quản lý” sẽ kiểm định giống vật nuôi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Dự thảo.
- Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời hạn mà cơ quan kiểm tra phải tiến hành kiểm tra chất lượng giống vật nuôi nhập khẩu kể từ ngày xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng quy định tại Điều 23 Dự thảo, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nếu thời hạn kiểm tra được xác định cách quá xa so với thời điểm xác nhận Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng, thì doanh nghiệp sẽ mất một khoảng thời gian lớn mới đưa được giống vật nuôi vào sản xuất, kinh doanh.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về quản lý giống vật nuôi. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.